Bóng đá là môn thể thao vua trên thế giới nhờ sự dễ chơi dễ tập, và có thể nói rất ít người chưa từng đá bóng lần nào trong đời mình. Tuy nhiên chấn thương lại là nỗi ám ảnh của trò chơi hấp dẫn này khiến nhiều người e sợ. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về những chấn thương thường gặp khi chơi đá bóng nhé!

Bóng đá cuốn hút người xem bằng tình hữu nghị thân thiết, những pha tranh đấu quyết liệt, những loạt sút luân lưu căng thẳng và cả những chiến thắng vinh quang.

Bóng đá mang lại đủ mọi cung bậc cảm xúc cho người xem (Ảnh: Internet).
Bóng đá mang lại đủ mọi cung bậc cảm xúc cho người xem (Ảnh: Internet).

Nhưng đối với thể thao nói chung, chấn thương luôn là một phần tất yếu dù chẳng ai mong muốn. Và không giống như trên sân bóng chuyên nghiệp, nếu bạn tự làm mình bị thương khi đá ở công viên hay “sân phủi” thì sẽ chẳng có đội ngũ y tế nào xuất hiện ngay lập tức để hỗ trợ cả.

Cùng với lượng người chơi đông đảo ở khắp mọi nơi, bóng đá cũng đứng top đầu trong các môn thể thao về số ca chấn thương. Tuy vậy nhiều chấn thương gặp phải trong bóng đá không quá nghiêm trọng, và tự trang bị kiến thức về các chấn thương thường gặp này là cách tốt nhất để bạn ngăn ngừa chúng. Việc phát hiện và điều trị sớm các chấn thương trong bóng đá cũng có thể giúp bạn tiếp tục chơi bóng lâu dài hơn.

Nguyên nhân nào gây ra chấn thương trong bóng đá?

Những pha va chạm quyết liệt rất dễ gây chấn thương (Ảnh: Internet).
Những pha va chạm quyết liệt rất dễ gây chấn thương (Ảnh: Internet).

Hầu hết các chấn thương trong bóng đá là do sang chấn, chẳng hạn như va chạm với đối thủ hoặc tiếp đất không đúng cách sau khi bật nhảy. Chấn thương thường xảy ra trong các trận đấu quyết liệt nhiều hơn trong quá trình tập luyện hằng ngày.

Tất nhiên các chấn thương phổ biến trong bóng đá thường ảnh hưởng đến phần thân dưới, bao gồm hông, háng, đùi, gân kheo, đầu gối, bắp chân, ống chân, mắt cá chân và bàn chân. Bạn có thể bị chấn thương khi xoạc bóng, chạy, sút, vặn người và xoay người, nhảy lên cao hoặc khi tiếp đất.

Những tình huống va chạm luôn là nỗi ám ảnh trên sân bóng (Ảnh: Internet).
Những tình huống va chạm luôn là nỗi ám ảnh trên sân bóng (Ảnh: Internet).

Chấn thương cũng có thể xảy ra do sử dụng cùng một nhóm cơ lặp đi lặp lại quá mức, tổn thương một vùng đã từng bị thương trước đây (tái phát chấn thương), do bị đối phương chơi xấu hoặc va chạm vô tình.

Dưới đây là một số chấn thương phổ biến hay gặp trên sân bóng đá và những việc bạn có thể làm để tự chăm sóc bản thân nếu chẳng may gặp phải chúng. Ngoài ra bạn cũng sẽ biết thêm vài bí quyết hữu ích để tránh chấn thương ngay từ đầu.

Các chấn thương hay gặp trong bóng đá và cách điều trị

Bong gân và trật mắt cá

Có nhiều kiểu chấn thương mắt cá chân khác nhau (Ảnh: Internet).
Có nhiều kiểu chấn thương mắt cá chân khác nhau (Ảnh: Internet).

Mắt cá chân là vùng đặc biệt dễ bị tổn thương trong bóng đá do tốc độ nhanh của môn thể thao này buộc bạn phải vặn và xoay người, hoặc do những cú chặn bóng nguy hiểm từ đối phương.

Khi chơi bóng đá, bạn thường chạy trên bề mặt không bằng phẳng và phải thay đổi hướng một cách đột ngột. Điều này khiến cho các dây chằng giữ ổn định khớp mắt cá chân có thể bị giãn ra quá mức và làm mắt cá bị lật vào trong hoặc ra ngoài.

Bong gân mắt cá chân xảy ra khi các dây chằng bao quanh khớp bị tổn thương hoặc kéo căng hơn mức bình thường. Bong gân có thể ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng, và cảm giác đau sưng cũng thay đổi tương ứng.

Sưng đau do bong gân mắt cá chân (Ảnh: Internet).
Sưng đau do bong gân mắt cá chân (Ảnh: Internet).

Điều trị chấn thương này tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Bạn nên chườm đá để giảm sưng và giảm đau tức thì. Các vết thương nhẹ thường tự lành nhanh chóng, mặc dù mắt cá chân có thể cảm thấy đau khi bạn đứng hoặc di chuyển.

Những chấn thương nghiêm trọng hơn có thể phải dùng nạng trong một thời gian để mắt cá chân lành nhanh hơn và dùng thuốc chống viêm để giảm sưng phù. Có thể áp dụng thêm vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho khớp mắt cá chân của bạn.

Chấn thương gân kheo

Vùng đùi sau chứa ba cơ có kích thước lớn và mạnh ở mặt sau của đùi. Chúng có vai trò tạo ra động lực trong quá trình tăng tốc khi bạn chạy.

Các cơ vùng đùi sau (Ảnh: Internet).
Các cơ vùng đùi sau (Ảnh: Internet).

Chơi bóng đá thường đòi hỏi thay đổi tốc độ nhanh chóng, từ trạng thái đứng yên hoàn toàn sang chạy tốc độ nhanh chỉ trong vài giây. Nếu gân kheo của bạn không đủ độ dài khi duỗi ra hoặc thiếu sức mạnh thì chúng có thể nhanh chóng bị quá tải và gây ra chấn thương.

Chấn thương gân kheo rất phổ biến trong bóng đá, xảy ra khi cơ gân kheo của bạn bị kéo căng quá mức hoặc rách. Chấn thương này có nhiều mức độ: căng cơ độ 1 chỉ ảnh hưởng đến một vài sợi cơ, căng cơ độ 2 đau nhiều hơn và gây tổn thương rộng hơn cho các sợi cơ, còn độ 3 liên quan đến tổn thương nghiêm trọng của cơ bắp và gây đau đớn tột độ, bỏng rát, thậm chí mất khả năng đi lại.

Chấn thương gân kheo gây đau đớn rất nhiều (Ảnh: Internet).
Chấn thương gân kheo gây đau đớn rất nhiều (Ảnh: Internet).

Chấn thương gân kheo mức độ nhẹ được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc chống viêm. Mức độ nghiêm trọng hơn thường phải nghỉ ngơi và phục hồi trong thời gian dài. Vật lý trị liệu có thể được sử dụng để tăng tốc thời gian phục hồi và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp.

Để giúp ngăn ngừa căng cơ gân kheo, hãy nhớ thường xuyên thực hiện các bài tập kéo giãn chúng và sử dụng con lăn xốp hỗ trợ. Đó là một thiết bị hình trụ dùng để xoa bóp, giảm đau và giảm căng cơ.

Tập phục hồi gân kheo với con lăn xốp (Ảnh: Internet).
Tập phục hồi gân kheo với con lăn xốp (Ảnh: Internet).

Bạn cũng có thể tăng cường cơ gân kheo bằng các bài tập như deadlift, gập chân và hamstring bridge, cùng với một số bài tập tốc độ dành riêng cho môn bóng đá. Ngoài ra khởi động kỹ trước khi tập và làm nguội sau tập cũng giúp giảm nguy cơ chấn thương gân kheo.

Thoát vị và căng cơ háng

Thoát vị và căng cơ háng thường gặp trong bóng đá vì vùng xương chậu của bạn phải chịu áp lực lớn trong quá trình đá, bật nhảy, chạy nước rút và xoay vặn người. Các động tác này có thể làm chấn thương cơ đùi trong của bạn (còn được gọi là cơ khép đùi), từ đó dẫn đến hiện tượng căng cơ háng.

Vùng háng và bẹn dễ xảy ra chấn thương khi đá bóng (Ảnh: Internet).
Vùng háng và bẹn dễ xảy ra chấn thương khi đá bóng (Ảnh: Internet).

Thoát vị bẹn là hiện tượng các cơ quan bên trong ổ bụng bị đẩy ra ngoài thông qua một điểm yếu của mô liên kết ở vùng bẹn. Triệu chứng của thoát vị là một khối cứng và đau ở vùng bẹn khiến bạn cảm thấy khó chịu khi đi đứng. Trong giai đoạn đầu bạn có thể tiếp tục chơi thể thao, nhưng tình trạng này thường sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, có thể là phẫu thuật thoát vị qua nội soi.

Thoát vị bẹn là khi các cơ quan bên trong ổ bụng bị thoát ra ngoài tại vùng bẹn (Ảnh: Internet).
Thoát vị bẹn là khi các cơ quan bên trong ổ bụng bị thoát ra ngoài tại vùng bẹn (Ảnh: Internet).

Căng cứng ở háng là do cơ bắp ở vùng đùi trong bị kéo căng quá mức. Với những trường hợp nhẹ, bạn có thể chỉ cảm thấy hơi đau khi vận động. Các trường hợp nghiêm trọng sẽ đau hơn nhiều, có thể làm hạn chế đi lại và vận động khớp. Bầm tím thường xuất hiện sau một hoặc hai ngày.

Các mức độ căng cơ vùng háng (Ảnh: Internet).
Các mức độ căng cơ vùng háng (Ảnh: Internet).

Chườm đá sẽ giúp làm giảm sưng giảm đau, và cũng có thể dùng thêm thuốc chống viêm. Thời gian phục hồi tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Căng cơ vùng háng mức độ nhẹ sẽ nhanh chóng tự lành, nhưng các trường hợp nặng hơn có thể mất vài tuần và nên tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho các sợi cơ bị ảnh hưởng.

Để tránh gặp phải chấn thương này, hãy nhớ tập kéo giãn phần đùi trong thường xuyên và kết hợp các bài tập tăng cường sức mạnh như side bridge cho cơ khép đùi và side lunge trong chế độ tập luyện của mình.

Chấn thương dây chằng chéo trước

Các dây chằng ở vùng đầu gối (Ảnh: Internet).
Các dây chằng ở vùng đầu gối (Ảnh: Internet).

Dây chằng chéo trước là dây chằng rất quan trọng ở đầu gối của bạn, có vai trò giữ ổn định khớp gối. Dây chằng này thường bị chấn thương nếu cẳng chân cố định trong khi phần trên của chân bị vặn hoặc di chuyển, ví dụ như khi chặn bóng hoặc tiếp đất không tốt sau một cú nhảy.

Chấn thương dây chằng chéo trước cũng có thể xảy ra khi bạn thay đổi hướng đột ngột, xoay người mà không di chuyển chân hoặc giảm tốc độ đột ngột. Các chuyển động này có thể khiến dây chằng bị kéo căng ra đến mức rách.

Cơ chế gây chấn thương dây chằng chéo trước (Ảnh: Internet).
Cơ chế gây chấn thương dây chằng chéo trước (Ảnh: Internet).

Nếu chẳng may gặp phải chấn thương nghiêm trọng này, bạn cần phải đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để họ xác định phương pháp điều trị tốt nhất, có thể là vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

Dây chằng bị rách hoàn toàn thường sẽ phải phẫu thuật, trong khi đó tổn thương bong gân của dây chằng này có thể được kiểm soát bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng chuyên sâu. Phẫu thuật tái tạo dây chằng thường được thực hiện bằng cách lấy một phần gân đầu gối hoặc gân kheo để thay thế cho dây chằng bị hư hỏng.

Rách sụn chêm đầu gối

Đây là chấn thương thường gặp trong bóng đá, xảy ra khi bạn bị va chạm mạnh vào phía cạnh ngoài đầu gối hoặc kết hợp các động tác gập khớp gối, vặn, xoay hoặc đổi hướng.

Tổn thương sụn chêm đầu gối (Ảnh: Internet).
Tổn thương sụn chêm đầu gối (Ảnh: Internet).

Rách sụn nhẹ có thể khiến bạn hơi đau và sưng, khi đó chườm đá và băng ép sẽ giúp giảm triệu chứng. Trong trường hợp tổn thương nặng, các mảnh sụn chêm bị rách có thể di chuyển vào khoang khớp và khiến cho đầu gối bị khóa hoặc trật.

Vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật là phương pháp điều trị cho chấn thương này, và các cầu thủ có thể phải nghỉ thi đấu nhiều tháng sau khi bị rách sụn chêm. Tập luyện tăng sức mạnh có thể giúp ngăn ngừa loại chấn thương này.

Xử trí chấn thương khi chơi đá bóng như thế nào?

Nếu bạn bị chấn thương trong quá trình chơi bóng, tốt nhất là hãy bình tĩnh và để cơ thể nghỉ ngơi trong ít nhất một vài ngày. Những việc nên làm và không nên làm được tóm gọn trong công thức POLICE và HARM như sau.

Nên làm – POLICE

Những việc cần làm khi bị chấn thương cơ hoặc mô mềm để giúp giảm đau, phục hồi nhanh chóng (Ảnh: Internet).
Những việc cần làm khi bị chấn thương cơ hoặc mô mềm để giúp giảm đau, phục hồi nhanh chóng (Ảnh: Internet).
  • Protect: Bảo vệ vùng bị tổn thương, tránh để chấn thương thêm. Nghỉ ngơi ngay lập tức sau khi bị thương, nhưng không kéo dài quá lâu. Tùy vào mức độ chấn thương mà có thể dùng thêm các biện pháp hỗ trợ hoặc dùng nẹp.
  • Optimal Loading: Tập luyện với tải trọng tối ưu. Nên tập luyện sớm trở lại sau chấn thương thay vì để muộn. Bắt đầu tăng thêm tạ vào vùng bị chấn thương và tăng dần tầm vận động. Hãy thực hiện quá trình này một cách từ từ sao cho cơ thể cảm thấy thoải mái nhất.
  • Ice: Dùng túi hoặc khăn bọc nước đá và chườm vào chỗ bị thương. Chườm khoảng 20 phút sau mỗi vài giờ, trong vòng 2-3 ngày đầu tiên sau chấn thương.
  • Compression: Băng ép vùng bị thương để tránh sưng phù.
  • Elevate: Nâng vùng bị chấn thương cao hơn tim. Đối với chấn thương ở tay thì nên dùng nẹp treo, còn chấn thương ở chân cần được đặt trên ghế hoặc đệm mềm trong tư thế ngồi hoặc nằm.
Băng ép để giảm sưng phù sau chấn thương (Ảnh: Internet).
Băng ép để giảm sưng phù sau chấn thương (Ảnh: Internet).

Không nên làm – HARM

  • Heat: Không tắm nước nóng, xông hơi hay chườm nóng sau khi bị chấn thương.
  • Alcohol: Không dùng đồ uống có cồn vì chúng có thể làm chậm quá trình hồi phục và tăng khả năng bạn tự làm mình bị thương thêm.
  • Running: Không chạy hoặc làm các hoạt động mức độ trung bình khác để tránh chấn thương nặng thêm.
  • Massage: Mát xa vùng bị thương có thể làm tăng tình trạng sưng phù và bầm tím, do đó hãy tránh làm điều này trong 1-2 ngày đầu tiên sau chấn thương.
Những việc không nên làm trong vòng vài ngày sau chấn thương (Ảnh: Internet).
Những việc không nên làm trong vòng vài ngày sau chấn thương (Ảnh: Internet).

Nếu các triệu chứng của bạn vẫn chưa thuyên giảm sau vài ngày, hãy tìm đến các chuyên gia vật lý trị liệu để nhờ họ giúp tăng tốc độ hồi phục. Các chuyên gia cũng có thể cung cấp cho bạn một số bài tập để tăng cường sức mạnh cơ bắp, hạn chế chấn thương tương tự trong tương lai.

Vài mẹo hữu ích để phòng ngừa chấn thương trong bóng đá

Đối với bất kỳ loại hình thể thao hoặc hoạt động thể chất nào, bạn đều có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ bị chấn thương. Dưới đây là những mẹo tốt nhất để chăm sóc cơ thể của bạn khi chơi bóng đá.

1. Tăng cường sức mạnh cho đôi chân

Những lúc không thi đấu, hãy thực hiện một số bài tập tăng cường sức mạnh cho đôi chân như nâng bắp chân (calf raise), squat, lunge và deadlift để đảm bảo các nhóm cơ chủ chốt của bạn được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đối đầu với áp lực của các trận bóng đá.

2. Khởi động kỹ

Chỉ vài phút khởi động đúng cách trước khi chơi bóng sẽ chuẩn bị cho cơ thể bạn bước vào tập luyện và giảm nguy cơ chấn thương. Hãy thực hiện một số động tác kéo giãn cơ động (kéo giãn trong khi vận động, chẳng hạn như lăng chân và nâng cao đùi) cùng với chạy bộ để tăng lưu lượng máu đến các cơ. Ngoài ra có thể thêm vào một số bài tập với bóng đòi hỏi thay đổi hướng và tốc độ.

3. Làm nguội sau khi tập

Dành một chút thời gian sau trận đấu để “hạ nhiệt” cũng giúp giảm nguy cơ chấn thương. Bạn có thể dành khoảng 10 phút để thực hiện một số bài tập cardio cường độ thấp và kéo giãn toàn bộ phần chân của mình.

4. Trang bị phù hợp

Hãy bảo vệ cơ thể của bạn bằng cách mặc đúng loại quần áo. Bạn nên trang bị những đôi giày tốt và đeo cả tấm bảo vệ ống chân nữa. Nếu đang tập luyện ngoài trời thì hãy bảo vệ da khỏi ánh nắng bằng cách sử dụng kem chống nắng có SPF30 và xếp hạng 5 sao.

5. Chế độ ăn uống lành mạnh

Uống đủ nước và ăn các loại thực phẩm phù hợp sẽ giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể trong quá trình tập luyện và phục hồi sau đó.

6. Nghỉ ngơi đầy đủ

Hãy nghỉ ngơi nhiều giữa các buổi tập hoặc trận đấu, như vậy cơ thể sẽ có đủ thời gian cần thiết để tự sửa chữa. Nếu bạn cảm thấy đau hoặc không chắc mình đã bị chấn thương hay không thì hãy lắng nghe cơ thể và dành thời gian nghỉ ngơi để hồi phục. Thà bỏ lỡ một trận đấu còn hơn gặp chấn thương và ngồi dự bị trong suốt nhiều trận sau đó phải không?

Ngoài ra bạn cũng nên thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân như:

  • Khám sức khỏe trước mùa giải và tuân theo các khuyến nghị của bác sĩ
  • Học kỹ thuật bài bản để thực hiện đúng các động tác
  • Khởi động đúng cách trước khi tập luyện hoặc thi đấu
  • Duy trì thể lực thật tốt
  • Nếu đã nghỉ tập một thời gian thì hãy quay trở lại từ từ thông qua các hoạt động bổ trợ như rèn luyện tốc độ và tăng cường sức mạnh.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về các loại chấn thương thường gặp trong bóng đá. Ý kiến của bạn thế nào, hãy để lại bình luận ở dưới nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Messi rời Barcelona và La Liga đã trở lại: Giờ còn ngôi sao nào để fan trông đợi?

Không Lionel Messi, không Sergio Ramos – giải bóng đá vô địch quốc gia của Tây Ban Nha ngày càng thiếu vắng những ngôi sao hàng đầu. Trong số những người còn ở lại, ai sẽ tỏa sáng để khiến các fan của La Liga quên đi nỗi thiếu vắng khi Messi rời Barcelona? Hãy cùng BlogAnChoi điểm qua ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận