Để biết cách thực hiện thành công một quả penalty, có lẽ các cầu thủ bóng đá cần học một khóa vật lý và tâm lý bài bản. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá công thức thần kỳ đằng sau những quả phạt đền nhé!

Cú sút penalty có lịch sử như thế nào?

Cú sút penalty ngày xưa có thể rất khác so với bây giờ (Ảnh: Internet).
Cú sút penalty ngày xưa có thể rất khác so với bây giờ (Ảnh: Internet).

Quả phạt đền (penalty) có nguồn gốc từ ngày 14/2/1891. Ở phút cuối cùng của trận tứ kết FA Cup giữa Notts County và Stoke City, khi một hậu vệ của County dùng tay cản phá một cú sút của đối thủ ngay trên vạch vôi. Stoke được hưởng quả đá phạt trực tiếp chỉ cách khung thành vài centimet, và thủ môn đã đứng ngay trước bóng – hoàn toàn hợp lệ vào thời điểm đó.

Cầu thủ của Stoke không thể làm gì khác hơn là đá thẳng vào thủ môn và chứng kiến cú sút của mình bị chặn lại một cách hiển nhiên và có phần hài hước nữa.

Tại cuộc họp sau đó của ban lãnh đạo Hiệp hội Bóng đá quốc tế ở Glasgow vào ngày 2/6/1891, một đề xuất về luật đá phạt đền mới đã được Liên đoàn Bóng đá Ireland đưa ra. Đề nghị đã được chấp thuận, và từ đó mở ra một kỷ nguyên mới của bóng đá với những pha penalty kẻ khóc người cười trên khắp thế giới.

Penalty mang đến rất nhiều cảm xúc cho người hâm mộ (Ảnh: Internet).
Penalty mang đến rất nhiều cảm xúc cho người hâm mộ (Ảnh: Internet).

Ban đầu luật quy định các cầu thủ có thể thực hiện quả phạt đền “từ bất kỳ điểm nào cách đường biên ngang 12 yard (11 mét)”, và thủ môn có thể tiến lên ít nhất 6 yard (5,5 mét) để chặn bóng. Tuy nhiên theo thời gian quy định đã được điều chỉnh và hoàn thiện để trở thành như ngày nay.

Hãy nghĩ về bản chất thực sự của bóng đá: tất cả đều quy về việc cố gắng sút bóng vào lưới nhiều lần hơn so với đối phương. Và đó chính là điều được thể hiện ở loạt đá luân lưu – có thể coi là phiên bản tối giản của môn thể thao này. Một người sút bóng đấu với một người bắt bóng. Quả bóng đặt cách xa 11 mét. Cú sút hoàn toàn không bị cản trở, và mục tiêu là đưa bóng vào lưới. Không gì có thể “đơn giản” hơn thế.

Nhưng hóa ra nhiệm vụ tưởng như đơn giản này lại là một cuộc chiến khó khăn về tâm lý và kỹ thuật của cả đôi bên. Nhiều trận đấu lớn thực sự đã được định đoạt bằng loạt sút luân lưu, thế nhưng vẫn có khá nhiều người đang lầm tưởng về cú sút quan trọng này.

Ví dụ như mức độ may mắn trong một quả penalty. Nhiều người tin rằng penalty giống như trò may rủi, một cuộc xổ số, một hành động được thực hiện ngẫu nhiên và kết quả tuân theo số phận hoặc vận may. Nhưng có thật như vậy hay không? Liệu cú sút có thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của cầu thủ?

Một khoảnh khắc có thể quyết định cả trận đấu (Ảnh: Internet).
Một khoảnh khắc có thể quyết định cả trận đấu (Ảnh: Internet).

Các loạt sút luân lưu được đưa vào World Cup từ năm 1978, và tính cả World Cup 2018 tại Nga thì đã có 30 loạt đá luân lưu được thực hiện với 196 cú sút thành công trong tổng số 279, chiếm tỷ lệ lên tới 70,25%.

Ở các giải đấu khác, con số này có thể cao hơn một chút do ít áp lực hơn World Cup. Trong khi đó các quả penalty được thực hiện trong thời gian thi đấu chính thức thành công khoảng 80%. Tỷ lệ này cũng bị ảnh hưởng bởi thực tế là đối với quả đá phạt đền trong trận thì người thực hiện thường sẽ là cầu thủ giỏi nhất đang có mặt trên sân.

Trọng trách sút penalty thường được giao cho người xuất sắc nhất (Ảnh: Internet).
Trọng trách sút penalty thường được giao cho người xuất sắc nhất (Ảnh: Internet).

Nhưng tại sao lại là 11 mét? Đơn giản vì đó là điều mà các quan chức bóng đá đã quyết định vào năm 1891. Và con số đó có thể sẽ không bao giờ thay đổi bởi vì tỷ lệ thành công xấp xỉ 7/10 đủ để mang lại mọi cung bậc cảm xúc cho người hâm mộ: hồi hộp, kịch tính, và rồi vỡ òa sung sướng hoặc thất vọng ê chề.

Nếu di chuyển trái bóng tới gần hơn hoặc ra xa hơn khung thành thì tỷ lệ thành công sẽ thay đổi đáng kể. 11 mét dường như là vị trí hoàn hảo: vừa đủ để thể hiện kỹ năng của người sút và cũng vừa đủ để chứng tỏ óc phán đoán cùng phản xạ nhanh nhẹn của thủ môn.

Làm thế nào để sút penalty chính xác?

Về vật lý: Chọn đúng hướng và sút đủ mạnh

Sút vào góc cao của khung thành gần như chắc chắn sẽ thành công (Ảnh: Internet).
Sút vào góc cao của khung thành gần như chắc chắn sẽ thành công (Ảnh: Internet).

Cơ sở khoa học để ghi được quả phạt đền hoàn hảo đều quy về hai yếu tố: tốc độ và hướng. Như tác giả John Wesson đã chỉ ra trong cuốn sách The Science of Soccer, nếu tính đến lực cản của không khí thì một quả bóng đi với vận tốc khoảng 35,7 m/s hướng vào góc cao của khung thành có thể đánh bại thủ môn từ cự ly 32 mét, theo lý thuyết. Càng di chuyển tới gần khung thành thì khả năng thành công sẽ tăng dần, và ở khoảng cách tầm 3 mét thì gần như là 100%.

Ở tốc độ bóng 35,7 m/s, thủ môn sẽ có khoảng 1/3 giây để cản phá. Vì con số này tương đương với thời gian phản ứng của cơ thể nên cơ hội duy nhất để đỡ được bóng là phải đoán đúng hướng.

Đoán đúng hướng bóng là yếu tố quyết định để cản phá thành công (Ảnh: Internet).
Đoán đúng hướng bóng là yếu tố quyết định để cản phá thành công (Ảnh: Internet).

Nghiên cứu do Đại học Bath thực hiện vào năm 2012 đã tìm thấy một “vùng đổ người” mà tất cả các thủ môn không thể vươn xa hơn được dù có cố gắng đến mức tối đa. Nếu sút bóng bên trong vùng này thì xác suất thành công là 50%, còn sút ngoài vùng này thì 80% có thể ghi bàn.

“Vùng đổ người” của quả penalty (đường màu đỏ), trong đó p là xác suất ghi bàn tại các khu vực của khung thành (Ảnh: Internet).
“Vùng đổ người” của quả penalty (đường màu đỏ), trong đó p là xác suất ghi bàn tại các khu vực của khung thành (Ảnh: Internet).

Thủ môn có thể tiếp cận 70% khu vực của khung thành, chỉ còn lại 30% các vị trí để người sút có thể nhắm vào nếu muốn nâng cao đáng kể tỷ lệ thành công, nhưng một khi đã sút trúng vào các vị trí này thì cầu thủ sẽ chắc chắn ghi bàn.

Dữ liệu từ trang web Opta Sports cho thấy không có thủ môn nào trong lịch sử World Cup từng cản phá được bất kỳ quả luân lưu nào sút cao vào phần giữa của khung thành (chắc chẳng có thủ môn nào lại nhảy thẳng lên trên khi bắt bóng?). Trong khi đó sút thấp vào giữa lại làm giảm tỷ lệ thành công xuống chỉ còn 58%. Trong số các quả luân lưu ở World Cup, 90% những cú sút cao vào một trong hai bên sẽ thành công.

Nhắm vào góc cao sẽ cho kết quả tốt hơn (Ảnh: Internet).
Nhắm vào góc cao sẽ cho kết quả tốt hơn (Ảnh: Internet).

Đối với các chuyên gia sút penalty hàng đầu, bí quyết để sút trúng nằm ở khâu chuẩn bị. Họ luôn cố gắng luyện tập tất cả các tình huống khác nhau có thể xảy ra để sẵn sàng cho mọi trường hợp. Khi lâm trận thực sự, họ sẽ vạch ra kế hoạch về cách mà mình phải sút phạt. Bên cạnh đó tinh thần ổn định cùng với kỹ thuật tốt càng làm tăng cơ hội ghi bàn của cầu thủ.

Vậy làm thế nào để ứng dụng những điều này vào thực tế? Nếu bạn muốn tận dụng kiến thức khoa học khi đá penalty thì hãy sút cao và mạnh. Tuy nhiên đã có một thay đổi trong luật để giúp các thủ môn chống lại điều này.

Trước đây các thủ môn buộc phải đứng yên ở giữa khung thành cho đến khi bóng được sút, nhưng kể từ năm 1997 họ đã được phép di chuyển qua lại theo chiều ngang của vạch vôi, nhờ đó thay đổi đáng kể phạm vi của “vùng đổ người”. Như vậy thủ môn có thể vươn xa về một phía của khung thành nhưng lại để hở phía bên kia.

Sút penalty là cả một nghệ thuật (Ảnh: Internet).
Sút penalty là cả một nghệ thuật (Ảnh: Internet).

Về tâm lý: Kiểm soát bản thân và biết người biết ta

Nếu thực hiện quả phạt đền hoàn hảo vào góc cao của khung thành thì sẽ ghi bàn. Nhưng thủ môn cũng có thể đã chủ động đoán trước hướng sút và di chuyển sớm để bắt bóng. Bạn không thể kiểm soát được thủ môn, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bản thân mình và không để cho đối phương biết mình đang nhắm đến vị trí nào, đó chính là yếu tố quyết định thành bại của cuộc đấu.

Penalty đòi hỏi rất nhiều bản lĩnh về mặt tâm lý (Ảnh: Internet).
Penalty đòi hỏi rất nhiều bản lĩnh về mặt tâm lý (Ảnh: Internet).

Ngày nay chỉ có những người hâm mộ “ngây thơ” và giới truyền thông mới còn giữ quan niệm ăn may khi sút penalty. Hầu hết các câu lạc bộ và đội tuyển quốc tế ở trình độ cao đều dành nhiều nguồn lực để cố gắng chiếm ưu thế trong các quả penalty thông qua nghiên cứu khoa học. Một lợi thế nhỏ như vậy thôi cũng đủ làm nên sự khác biệt giữa việc tự mình nâng cúp và nhìn đối thủ nâng cúp.

Có rất nhiều cách khác nhau để đạt được lợi thế đó, chẳng hạn như tìm hiểu “lịch sử” của cầu thủ đối phương để xem họ thường xuyên nhắm đến vị trí nào khi sút bóng, hoặc tương tự như vậy đối với các thủ môn – liệu họ có xu hướng đổ người về một bên nào đó nhiều hơn không? Ngoài ra có một cách đơn giản là xem người sút thuận chân trái hay chân phải, bởi vì đa số mọi người thường sút chéo góc (chân phải sút sang bên trái và ngược lại).

Tâm lý bình tĩnh giúp tăng tỷ lệ sút trúng

Giữ bình tĩnh trước quả penalty không phải chuyện dễ dàng (Ảnh: Internet).
Giữ bình tĩnh trước quả penalty không phải chuyện dễ dàng (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Exeter vào năm 2009, trong đó các nhà khoa học về thể thao đã cho các cầu thủ bóng đá của trường đại học đeo những chiếc kính đặc biệt để theo dõi chuyển động mắt.

Sau đó các cầu thủ được yêu cầu thực hiện hai loạt penalty: đầu tiên chỉ cần cố gắng hết sức để ghi bàn, còn ở loạt thứ hai họ được thông báo rằng kết quả của mỗi người sẽ được ghi lại và công bố cho những người khác biết, người có thành tích tốt nhất sẽ được thưởng một khoản tiền kha khá.

Sự thay đổi đó là nhằm tăng áp lực tâm lý, mặc dù không giống với áp lực của quả đá phạt trong đời thực. Kết quả cho thấy: khi lo lắng, các cầu thủ sẽ nhìn thủ môn sớm hơn và lâu hơn đáng kể, khiến cho họ nhiều khả năng sẽ tập trung vào thủ môn và sút vào phần giữa của khung thành. Cuối cùng những người quá tập trung vào thủ môn sẽ sút hỏng 40%, trong khi những cầu thủ có tâm lý thoải mái và phớt lờ thủ môn chỉ thất bại 20% mà thôi.

Đừng quá quan tâm tới thủ môn khi sút bóng (Ảnh: Internet).
Đừng quá quan tâm tới thủ môn khi sút bóng (Ảnh: Internet).

Thí nghiệm này đã cho thấy cầu thủ bóng đá không phải là robot. Khoa học và lý thuyết là một chuyện, nhưng dưới áp lực căng thẳng bộ não có thể sẽ phá hỏng nỗ lực của đôi chân theo nhiều cách khác nhau.

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Bangor, cầu thủ thường bỏ lỡ những quả penalty quan trọng do vô tình mắc đúng những lỗi mà họ đang cố gắng tránh. Nguyên nhân của hiệu ứng trớ trêu này là do tiềm thức của họ đã tự động đánh giá mọi kết quả có thể xảy ra và do vậy trở nên quá tải. Trong những tình huống áp lực như loạt sút luân lưu ở World Cup, nỗi sợ sút trượt sẽ lấn át tình huống có khả năng xảy ra cao hơn về mặt thống kê: sút vào lưới.

Nói một cách đơn giản: dưới áp lực của quả phạt đền, tâm trí của cầu thủ sẽ bị hướng vào ý nghĩ sút trượt. Và kết quả là gì? Họ trượt thật.

Nên đổ người bắt bóng từ sớm hay chờ đợi?

Đổ người lúc nào mới là hợp lý nhất? (Ảnh: Internet).
Đổ người lúc nào mới là hợp lý nhất? (Ảnh: Internet).

Quan niệm truyền thống cho rằng nên chọn sẵn một bên để đổ người sớm và hy vọng vào vận may, nhưng ngày nay có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc chờ đợi rồi mới phản ứng sẽ hiệu quả hơn. Khi đó nếu một cú đá được thực hiện tốt thì vẫn có thể thành bàn, nhưng nếu người sút tỏ ra “màu mè” hoặc sơ suất một chút thì thủ môn có thể sẽ bắt được.

Tuy vậy thời gian để quả bóng bay từ chấm phạt đền đến vạch vôi chỉ là tích tắc, vì vậy chiến thuật chờ đợi này khá mạo hiểm và thủ môn vẫn nên quan sát những dấu hiệu khác sớm hơn từ người thực hiện cú sút (chẳng hạn như cách đặt chân trụ hay hướng mắt nhìn).

Cách chọn người đá luân lưu

Một điều cũng cực kỳ quan trọng là cách mà HLV sắp xếp đội hình đá luân lưu. Logic nói rằng nên xếp những người đá tốt lên đầu, bằng cách đó họ sẽ sớm giành được ưu thế cho cả đội và nhanh chóng gây áp lực lên đối phương.

Tuy nhiên nghiên cứu thực tế cho thấy cú sút đầu tiên và thứ năm là quan trọng nhất để quyết định kết quả chung cuộc. Vì vậy mặc dù chẳng HLV nào muốn đưa chân sút đáng tin cậy nhất của mình về vị trí thứ 5 và để những người khác phung phí cơ hội, nhưng người sút cuối cùng đó phải thực sự là một “cái đầu lạnh”.

Cách chọn người sút cũng không hề đơn giản (Ảnh: Internet).
Cách chọn người sút cũng không hề đơn giản (Ảnh: Internet).

Một vài “chiêu trò” khác được sử dụng khi đá penalty

Trong vài năm gần đây đã có ý kiến kêu gọi cải cách thứ tự đá luân lưu, với mô hình ABBA sẽ được sử dụng trong một số trường hợp thử nghiệm. Theo mô hình này, đội đá trước sẽ thực hiện một quả, sau đó đội kia thực hiện 2 quả, tiếp đó là 2 quả cho đội đầu tiên và tiếp tục phần còn lại theo tỷ lệ 1-1 như thường. Khá giống với cách giao bóng trong các loạt tiebreak của môn quần vợt – ABBA thay vì ABAB.

Lý do cho điều này là vì đội đá trước sẽ có lợi thế đặc biệt trong loạt đá luân lưu: thống kê cho thấy 60% các đội thực hiện quả đầu tiên sẽ chiến thắng cả loạt đá.

Liệu có nên thay đổi thứ tự đá penalty? (Ảnh: Internet).
Liệu có nên thay đổi thứ tự đá penalty? (Ảnh: Internet).

Kiểu chạy lấy đà chậm theo phong cách phương Tây để đánh lạc hướng, hay thủ môn nhảy tại chỗ trên vạch vôi và vung tay thật rộng để cơ thể mình trông càng to lớn càng tốt – tất cả những điều đó là cách mà hai bên thường dùng để khiến đối thủ của mình mắc lỗi.

Một “chiêu” hiện đại của thủ môn mà bạn thường thấy là chờ đến ngay trước khi bóng được sút để tiến lên phía trước nhằm che chắn khung thành càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình. Điều đó làm cho khung thành trông có vẻ nhỏ hơn thông qua cảm giác về chiều sâu, và do đó nhiệm vụ sút bóng vào lưới sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều (ít nhất là trong tiềm thức của người sút).

Một ví dụ khác cho các cuộc đấu trí trên chấm 11 mét là cú đá panenka, kiểu sút thoạt nhìn tưởng như vô cùng hời hợt và vô hại. Tên gọi của nó được đặt theo cựu tiền đạo người Séc Antonin Panenka, người đã ghi bàn thắng quyết định theo cách này trong trận chung kết Giải vô địch châu Âu năm 1976 với Tây Đức. Sau này đến lượt Andrea Pirlo cũng vô địch World Cup cùng đội tuyển Ý bằng một cú đá như vậy.

Nhưng cuộc đấu trí không chỉ xoay quanh việc đánh lừa đối phương, mà ngày nay người ta còn nhấn mạnh vào việc tự nâng cấp bản thân. Bất kỳ cầu thủ chuyên nghiệp nào cũng phải biết sút phạt đền, thậm chí phải đá quả bóng một cách chính xác trong khoảng cách ngắn ngay cả khi nhắm mắt.

Trên thực tế loạt sút luân lưu thiên về tâm lý nhiều hơn. Nếu cầu thủ tin rằng mình sẽ ghi bàn thì họ đã có khả năng chiến thắng nhiều hơn so với những người bước lên với nỗi sợ “hỏng ăn”. Sự nghi ngờ bản thân sẽ dẫn đến thất bại thực sự. Do đó tất cả các chiêu trò đều nhằm làm cho cầu thủ cảm thấy tự tin và kiểm soát chính mình tốt hơn.

Sự tự tin là yếu tố quan trọng làm nên thành công (Ảnh: Internet).
Sự tự tin là yếu tố quan trọng làm nên thành công (Ảnh: Internet).

Khi đội tuyển Anh đánh bại Colombia trên chấm phạt đền tại World Cup 2018, thủ môn Jordan Pickford đã nhặt lại bóng sau mỗi cú sút để sau đó có thể tự tay đưa cho đồng đội chuẩn bị sút và chúc họ may mắn.

Bằng cách đó, các cầu thủ Anh có thể tự tin bước vào vòng cấm sau quãng đường đi bộ đầy áp lực từ vạch giữa sân, tin tưởng rằng đội của mình đã có một thủ môn đáng tin cậy trong khung thành. Họ cũng có thể cầm lấy quả bóng, cảm nhận nó trong tay và đặt vào chấm phạt đền. Tất cả mọi việc dường như đều theo nhịp điệu riêng và trong tầm kiểm soát của họ.

HLV Gareth Southgate đã nói về việc đội tuyển Anh đã chuẩn bị tâm lý nhiều như thế nào cho các loạt sút luân lưu. Đó là áp lực mà họ luôn phải cố gắng để chế ngự, và cuối cùng đã vượt qua.

Một trận đấu khác xảy ra trước đó 4 năm khi Hà Lan đánh bại Costa Rica trên chấm phạt đền. Khi chỉ còn vài giây ở phút bù giờ cuối cùng, huấn luyện viên Louis Van Gaal đã rút thủ môn Jasper Cillessen ra và thay bằng Tim Krul – một thủ môn dự bị thường rất xuất sắc trong các tình huống phạt đền.

Krul không chỉ là lựa chọn tối ưu cho loạt đá luân lưu mà còn cho đối thủ biết rằng họ đã có kế hoạch cả rồi. Và sự thật đúng là họ đã kiểm soát được tình thế. Đội tuyển Hà Lan chiến thắng, trong đó Krul bắt được hai cú sút. Nhưng mọi chuyện đã khác trong trận bán kết khi họ bị Argentina hạ gục ngay trên chấm 11 mét với thủ môn Cillessen trong khung thành sau khi hết quyền thay người.

Tất cả những “chiêu” nói trên đều nhằm chiếm được quyền kiểm soát càng nhiều càng tốt trong những tình huống đầy áp lực như đá luân lưu. Càng kiểm soát được nhiều hơn, bạn sẽ càng cảm thấy mình có khả năng quyết định kết quả.

Cú sút 11 mét có thể chỉ là một lợi thế nhỏ, nhưng kết quả mà nó mang lại sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Atletico Madrid vô địch La Liga 2020/2021: Dấu ấn Luis Suarez

Bàn thắng quyết định của Luis Suarez ở phút 67 trong trận đấu với Real Valladolid ở vòng đấu cuối cùng đã giúp Atletico Madrid giành chức vô địch La Liga 2020/2021 một cách đầy kịch tính. Sau 7 năm, Atletico mới tìm lại ánh hào quang tại La Liga và Luis Suarez chính là cầu thủ để lại ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận