Kén ăn là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, chậm lớn,… ở trẻ em. Vậy nên làm thế nào để trẻ kén ăn không bị thiếu chất? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về cách cân bằng dinh dưỡng cho trẻ kén ăn trong bài viết dưới đây nhé.

Kén ăn là gì?

Cho tới hiện tại, vẫn chưa có định nghĩa được công nhận rộng rãi cho “kén ăn”. Trong nghiên cứu tổng quát về chứng kén ăn ở trẻ em đăng trên tập san học thuật Appetite, bác sĩ Caroline M Taylor và các cộng sự định nghĩa “kén ăn” là một vấn đề ăn uống khi người mắc có xu hướng chỉ ăn những thức ăn mình thích, bài xích các loại thức ăn mới. Tuy vậy, trên thực tế, các bậc cha mẹ thường gọi chung việc trẻ chỉ ăn những gì mình thích hoặc ăn ít, lười ăn là “kén ăn”.

Kén ăn có phổ biến ở trẻ em hay không?

Theo nhà trị liệu các vấn đề liên quan đến ăn uống Kary Rappaport, việc trẻ kén chọn thức ăn có thể bắt đầu xuất hiện khi trẻ được 18 tháng tuổi hoặc đôi khi là muộn hơn, khi trẻ được 24 tháng tuổi. Các chuyên gia dinh dưỡng chưa có câu trả lời thống nhất cho việc khi nào trẻ bắt đầu bước qua giai đoạn “biếng ăn” nhưng thông thường, trẻ dễ chấp nhận các loại thức ăn mới hơn khi bước qua tuổi thứ 4. Tuy vậy, một nghiên cứu được thực hiện trên 4,018 trẻ công bố rằng 13% tổng số trẻ trên 6 tuổi tham gia nghiên cứu vẫn có biểu hiện biếng ăn.

Vì sao trẻ lại kén ăn?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kén ăn ở trẻ, xét cả các nguyên nhân tự nhiên lẫn các tác nhân xuất hiện xuyên suốt quá trình trẻ lớn lên.

“Hành vi kén chọn thức ăn xuất phát từ nhu cầu trở nên khác biệt với cha mẹ, để từ đó, trẻ bắt đầu tự định hướng hành vi của mình.” Nhà dinh dưỡng học Rappaport bổ sung, “Các tác nhân từ môi trường và thái độ của cha mẹ có thể khiến biểu hiện kén ăn của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.”

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kén ăn ở trẻ, bao gồm:

1. Kén chọn thức ăn có thể là một biểu hiện của bản năng sinh tồn

Một số nghiên cứu tuyên bố hành vi bài xích các loại thức ăn mới của trẻ, chủ yếu là rau xanh hoặc các loại rau có vị đắng – thực chất là một phản ứng bản năng để bảo vệ cơ thể khỏi chất độc có thể có trong thực vật. Phản ứng này thuộc cơ chế sinh tồn đã tồn tại từ thời săn bắt hái lượm.

Bài xích các loại rau mới có thể là biểu hiện của bản năng sinh tồn (Nguồn: Internet)
Bài xích các loại rau mới có thể là biểu hiện của bản năng sinh tồn (Nguồn: Internet)

2. Kén ăn có thể là một hiểu nhầm của cha mẹ khi cơ thể trẻ phát triển chậm lại

Từ khoảng 2 tuổi, cơ thể trẻ bắt đầu phát triển nhanh chóng, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn nên lượng thức ăn hằng ngày có thể sẽ lớn hơn. Khi giai đoạn này qua đi, tốc độ phát triển chậm lại, trẻ có thể sẽ ăn ít hơn, theo lời chuyên gia dinh dưỡng Adina Pearson. Một số cha mẹ có thể nhầm việc con ăn ít hơn bình thường và “kén ăn” là một.

3. Kén ăn có thể là biểu hiện của sự tự chủ ở trẻ

Khi trẻ lớn lên, ý thức tự chủ của trẻ cũng tăng lên và kén chọn thức ăn là cách dễ nhất để trẻ nói với cha mẹ rằng con đang trưởng thành.

Kén ăn có thể là biểu hiện của sự tự chủ ở trẻ (Nguồn: Internet)
Kén ăn có thể là biểu hiện của sự tự chủ ở trẻ (Nguồn: Internet)

4. Kén ăn có thể là thói quen xấu trẻ học được từ người xung quanh

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen ăn uống của người lớn trong nhà và các bạn nhỏ bằng tuổi có ảnh hưởng lớn đến lối ăn uống của trẻ. Xung quanh trẻ có càng nhiều người ăn uống không lành mạnh và kén ăn thì khả năng trẻ bắt chước theo càng cao.

5. Kén ăn có thể là một biểu hiện bệnh

Jennifer Anderson – chuyên gia dinh dưỡng và là người sáng lập tổ chức Kids Eat in Color cho rằng trong một số trường hợp, khi trẻ biếng ăn nghiêm trọng, có thể trẻ gặp vấn đề về sức khỏe hoặc sinh lý. Những vấn đề này bao gồm tiền sử bệnh, các loại dị ứng, đa dạng thần kinh và rối loạn xử lý cảm giác, hoặc một số vấn đề khiến trẻ khó nhai và nuốt.

Làm thế nào để cân bằng dinh dưỡng cho trẻ kén ăn?

Biện pháp hiệu quả lâu dài nhất là khiến trẻ tự giác thử các loại thức ăn mới. Cha mẹ có thể sử dụng một số mẹo dưới đây để tăng cảm giác thèm ăn, cũng như hạn chế cảm giác bài xích của trẻ trước những “kẻ ngoại lai” xuất hiện trên mâm cơm hàng ngày.

1. Tập cho trẻ ăn theo bữa, đúng giờ mỗi ngày

Cách lành mạnh nhất để trẻ chấp nhận thức ăn mới trong khẩu phần ăn là cha mẹ tập cho bé ăn đúng giờ để bé có cảm giác đói tự nhiên khi đến bữa. Cha mẹ sẽ quyết định con ăn những món gì, ăn khi nào và ăn ở đâu, trong khi trẻ được phép chọn lượng thức ăn mình muốn và chắc chắn phải ăn hết chúng.

Điều này giúp trẻ xây dựng tinh thần trách nhiệm và cũng thuận tiện hơn cho người chuẩn bị bữa ăn bởi lượng thức ăn trẻ muốn ăn mỗi ngày là không giống nhau. Trẻ hiểu về nhu cầu cơ thể mình nhiều hơn cha mẹ nghĩ và việc bắt trẻ ăn khi chúng không muốn có thể khiến chúng hình thành thói quen phớt lờ các tín hiệu từ chính cơ thể mình.

Melanie Potock – một chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, đồng tác giả cuốn “Raising a Healthy, Happy Eater” giới thiệu nguyên tắc “ba K”

  • Khơi dậy: Để khiến trẻ có hứng thú với thức ăn mới, cha mẹ có thể đưa trẻ đi chợ mua chính nguyên liệu để tạo ra món ăn đó hoặc để trẻ tự trồng trong trường hợp nguyên liệu là rau củ quả.
  • Khám phá: Hãy để con trẻ khám phá món ăn từ khâu chế biến, bằng cách nhờ con giúp một số bước đơn giản trong quá trình nấu món mới.
  • Khai phá: Cha mẹ có thể khiến bé tò mò với loại thức ăn mới bằng cách kể chuyện hoặc đưa ra gợi ý để bé đoán trước khi nấu cho bé món đó.
Trẻ được tham gia quá trình chuẩn bị nguyên liệu thường có hứng thú hơn với món ăn mới (Nguồn: Internet)
Trẻ được tham gia quá trình chuẩn bị nguyên liệu thường có hứng thú hơn với món ăn mới (Nguồn: Internet)

2. Dùng phương pháp “bình cũ rượu hơi mới”

Thay vì nấu một món mới toanh, cha mẹ có thể thử thay đổi một số nguyên liệu trong món mà trẻ thường ăn. Ví dụ như nem, cha mẹ có thể thêm một số nguyên liệu mới mà không nói trước cho trẻ. Với nhiều trẻ, chúng không nhạy với hương vị và sẽ dễ dàng tiếp nhận hương vị mới nếu nó không quá rõ rệt.

3. Kiên trì

Trẻ thường rất kiên trì với lựa chọn của mình và để thắng được trẻ, các bậc phụ huynh buộc phải kiên trì hơn chúng. Cha mẹ có thể phải nấu hàng chục lần một món mà trẻ không thích cho đến khi trẻ quen dần với món đó.

4. Kết hợp món mới với món mà trẻ yêu thích

Phương pháp này được Potock. Emily. P. – một bà mẹ có con 5 tuổi chia sẻ trên mục đọc giả của tờ The Bump rằng cô luôn áp dụng phương pháp “ba món” với con của mình, bao gồm: một món bé chắc chắn sẽ thích ăn, một món bé không thích cũng không ghét và một món hoàn toàn mới. Phương pháp này giúp trẻ không bị đói và chỉ phù hợp với những bậc phụ huynh có đủ kiên nhẫn để đợi bé ăn sạch khẩu phần.

5. Nhờ đến sự hỗ trợ từ chuyên gia

Hỗ trợ từ chuyên gia nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp, cha mẹ nên tìm đến lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc các bác sĩ nhi để tìm biện pháp cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ. Trong trường hợp cha mẹ còn đang do dự liệu tình trạng con mình đã cần thiết phải tìm đến can thiệp của những người có chuyên môn hay không, cha mẹ có thể cân nhắc đến tình trạng của con:

  • Trẻ không tăng cân trong thời gian dài?
  • Trẻ thường xuyên nôn trớ hoặc ho trong suốt bữa ăn hoặc chỉ ngậm mà không chịu nuốt?
  • Trẻ có phản ứng quá khích khi đồ ăn không phải món bé muốn (cáu giận, ném thức ăn, không ngừng gào thét cho đến khi được ăn đồ bé muốn)
  • Trẻ hầu như không hứng thú với bất cứ món ăn nào trong suốt thời gian dài?

Nếu trẻ đang gặp một trong số các vấn đề trên, sẽ tốt hơn nếu trẻ nhận được sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn bởi trên thực tế, kén ăn được chia thành nhiều loại và có những loại kén ăn cần đến sự can thiệp của người có chuyên môn.

Video dưới đây được thực hiện bởi Bệnh viện ĐKQT Vinmec nói về một trong số các loại kén ăn phổ biến nhất ở trẻ em – kén ăn sinh lý:

Con kén ăn là một bài toán nan giải với gần một nửa số cha mẹ có con nhỏ trên toàn thế giới. Để cân bằng dinh dưỡng cho trẻ kén ăn, cách tốt nhất là khơi dậy hứng thú của trẻ để trẻ tự nguyện thử các loại thức ăn mới. Tuy vậy, trong một số trường hợp kén ăn nghiêm trọng đến mức biếng ăn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, người có chuyên môn để can thiệp kịp thời.

Xem thêm

Thực hư chuyện uống rượu ba kích có giúp “tăng bản lĩnh” đàn ông?

Vừa qua, một bệnh nhân 40 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng cương dương kéo dài sau khi sử dụng rượu ba kích để tăng “bản lĩnh” đàn ông. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu thực hư tác dụng của loại rượu này nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận