Thuốc bổ sung sắt, còn được gọi là thuốc sắt, thường được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu, một tình trạng đặc trưng bởi thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc hemoglobin trong máu. Vậy bổ sung sắt cho cơ thể có lợi ích như thế nào và cần lưu ý những gì? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Chất sắt có vai trò gì?

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu vận chuyển các phân tử oxy đi khắp cơ thể. Sắt cũng cần thiết để chuyển hóa các chất dinh dưỡng chúng ta ăn vào và biến chúng thành năng lượng. Hơn nữa, nó góp phần vào việc truyền các tín hiệu thần kinh đến và đi từ não.

Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?

Mặc dù nhìn chung bạn sẽ nhận được đủ chất sắt từ thực phẩm ăn vào hàng ngày, nhưng đôi khi bạn có thể bị thiếu sắt. Điều này thường xảy ra khi mang thai hoặc kinh nguyệt ra nhiều.

Có một số nhóm đối tượng dễ bị thiếu sắt, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhỏ, thiếu nữ và những người mắc bệnh đặc biệt như suy tim, bệnh Crohn, bệnh celiac (không dung nạp gluten) hoặc viêm loét đại tràng. Thuốc bổ sung sắt cũng thường được kê đơn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Các loại thuốc sắt thường có màu đỏ (Ảnh: Internet).
Các loại thuốc sắt thường có màu đỏ (Ảnh: Internet).

Lợi ích sức khỏe của việc bổ sung sắt

Thuốc bổ sung sắt được sử dụng để điều trị thiếu sắt và bệnh thiếu máu thiếu sắt. Chúng thường không được sử dụng để điều trị các dạng thiếu máu khác (chẳng hạn như thiếu máu do thiếu vitamin, thiếu máu tán huyết, thiếu máu bất sản hoặc thiếu máu của bệnh mãn tính) nếu nguyên nhân không phải do thiếu sắt. Phản ứng của cơ thể với các chất bổ sung sắt đường uống có thể khác nhau tùy theo nguyên nhân gây thiếu sắt.

Ngăn ngừa và điều trị thiếu sắt

Thiếu sắt (Iron-deficiency hoặc sideropenia), là tình trạng cơ thể bạn thiếu chất sắt cần thiết để duy trì chức năng bình thường. Thiếu sắt khá phổ biến ở các nước đang phát triển, với hơn 1/4 dân số có thể bị ảnh hưởng (chủ yếu là do nghèo đói và thiếu dinh dưỡng), mặc dù ít phổ biến hơn ở các nước phát triển nhưng vẫn có xảy ra.

Sự khác biệt giữa máu của người bình thường và người bị thiếu máu thiếu sắt (Ảnh: Internet).
Sự khác biệt giữa máu của người bình thường và người bị thiếu máu thiếu sắt (Ảnh: Internet).

Thiếu sắt cũng có thể xảy ra do những thay đổi sinh lý khiến cơ thể sử dụng chất sắt nhiều hơn mức nạp vào. Ví dụ như thiếu sắt có thể xảy ra ở trẻ em do cơ thể chúng phát triển quá nhanh, hay nhu cầu sắt của nữ giới bắt đầu từ tuổi vị thành niên sẽ tăng lên do chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Dù nguyên nhân là gì, thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu nếu không được điều trị. Thuốc bổ sung sắt không chỉ được dùng để bù lại sự thiếu hụt chất sắt mà còn ngăn ngừa xảy ra tình trạng thiếu sắt sau này.

Thiếu máu do thiếu sắt và những biến chứng nguy hiểm:

Chất bổ sung sắt thường được sử dụng ở những người có nguy cơ cao bị thiếu sắt, bao gồm phụ nữ mang thai, người đang chạy thận hoặc những người bị bệnh viêm ruột hoặc bệnh tuyến giáp. Ở những đối tượng này, bổ sung sắt giúp ngăn ngừa hoặc điều trị nhiều triệu chứng phổ biến của thiếu sắt như:

  • Mệt mỏi
  • Yếu sức
  • Chóng mặt
  • Tim đập loạn nhịp
  • Da nhợt nhạt
  • Rụng tóc
  • Móng tay giòn hoặc có rãnh
  • Vết loét ở khóe miệng
  • Đau lưỡi
  • Co giật
  • Cáu gắt
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Hội chứng chân không yên

Điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt

Khi được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt, các chất bổ sung sắt thường có hiệu quả và được dung nạp tốt nhưng một số trường hợp có thể gặp tác dụng phụ hoặc khó dung nạp.

Triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu thiếu sắt (Ảnh: Internet).
Triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu thiếu sắt (Ảnh: Internet).

Theo một đánh giá năm 2015 tổng hợp các nghiên cứu trên Tạp chí Y học Mỹ, có tới 27% người bị thiếu máu thiếu sắt sẽ không đáp ứng với việc bổ sung sắt bằng đường uống. Nói chung, phụ nữ bị thiếu máu sau sinh là những người có đáp ứng tốt nhất. Những người bị chảy máu kinh nguyệt nhiều hoặc những người bị thiếu máu do đường tiêu hóa có đáp ứng vừa phải. Tất cả những trường hợp còn lại thì đều thuộc nhóm không đáp ứng với thuốc.

Nếu chất bổ sung sắt không có hiệu quả, bệnh nhân có thể phải cần đến liệu pháp truyền sắt qua đường tĩnh mạch hoặc truyền máu.

Tác dụng phụ của việc bổ sung sắt có thể xảy ra

Thuốc bổ sung sắt nói chung là an toàn và được dung nạp tốt nếu dùng đúng liều lượng. Các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người, bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ngất xỉu và nôn mửa. Phân sẫm màu cũng là hiện tượng rất phổ biến. Việc bổ sung thêm thực phẩm trong quá trình sử dụng thuốc thường có thể giúp giảm bớt nhiều triệu chứng khó chịu.

Thuốc bổ sung sắt nói chung là an toàn và được dung nạp tốt nếu dùng ở liều lượng được khuyến cáo (Ảnh: Internet).
Thuốc bổ sung sắt nói chung là an toàn và được dung nạp tốt nếu dùng ở liều lượng được khuyến cáo (Ảnh: Internet).

Bổ sung sắt có thể gây táo bón khi mang thai. Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống hoặc sử dụng thuốc làm mềm phân thường giảm bớt được vấn đề này. Để giảm nguy cơ gây ra tác dụng phụ, hãy bắt đầu dùng với liều thấp và tăng dần liều khi cơ thể đã quen với lượng thuốc dung nạp được.

Uống quá nhiều thuốc sắt có thể dẫn đến tình trạng dư thừa sắt. Lượng sắt dư thừa trong máu có thể gây độc cho gan, tim, tuyến tụy và cũng có thể làm hại các khớp.

Liều lượng sắt quá cao có thể dẫn đến ngộ độc. Cho dù chỉ dùng duy nhất một liều cao (từ 60 mg sắt trở lên cho 1 kg trọng lượng cơ thể) cũng có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của ngộ độc sắt thường biểu hiện rõ trong vòng 6 đến 24 giờ sau khi dùng một liều, có thể bao gồm nôn mửa dữ dội, tiêu chảy, đau bụng, đôi khi kèm theo nôn ra máu hoặc phân có máu (đặc biệt là ở trẻ em).

Thừa sắt ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Tương tác thuốc

Uống bổ sung thuốc sắt có chứa từ 25 mg sắt nguyên tố trở lên có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu kẽm và dẫn đến thiếu kẽm (“sắt nguyên tố” khác với liều bổ sung sắt, hãy kiểm tra thông tin sản phẩm hoặc trao đổi với bác sĩ để biết thêm chi tiết).

Chất bổ sung sắt cũng có thể tương tác với những loại thuốc sau:

  • Levodopa được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson
  • Thuốc ức chế bơm proton điều trị viêm loét dạ dày, bao gồm Prevacid (lansoprazole) và Prilosec (omeprazole)
  • Levothyroxine được sử dụng để điều trị bệnh tuyến giáp
Tương tác giữa các loại thuốc là vấn đề rất quan trọng khi dùng thuốc (Ảnh: Internet).
Tương tác giữa các loại thuốc là vấn đề rất quan trọng khi dùng thuốc (Ảnh: Internet).

Trong một số trường hợp, để tránh việc mất tác dụng của thuốc, bạn nên uống các liều cách nhau 2 giờ. Trong các trường hợp khác, có thể cần điều chỉnh liều. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn có ý định sử dụng chất bổ sung sắt hoặc bất kỳ loại thuốc mãn tính nào khác.

Liều lượng thuốc bổ sung sắt

Liều lượng thuốc bổ sung sắt là bao nhiêu? (Ảnh: Internet).
Liều lượng thuốc bổ sung sắt là bao nhiêu? (Ảnh: Internet).

Thuốc bổ sung sắt thường được bào chế dưới dạng viên nén hoặc viên nang. Liều lượng thuốc có thể thay đổi dựa trên mức độ thiếu sắt của từng người cũng như nguyên nhân cơ bản. Bác sĩ sẽ tính liều lượng dựa vào nhu cầu sắt theo tuổi, giới tính và tình trạng mang thai, cụ thể như sau:

  • Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: 0,27 mg/ngày
  • Từ 7 đến 12 tháng: 11 mg/ngày
  • 1 đến 3 tuổi: 7 mg/ngày
  • 4 đến 8 tuổi: 10 mg/ngày
  • 9 đến 14 tuổi: 8 mg/ngày
  • Nam từ 14 đến 18 tuổi: 11 mg/ngày
  • Nữ từ 14 đến 18 tuổi: 15 mg/ngày
  • Nam giới từ 19 đến 50 tuổi: 8 mg/ngày
  • Phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi: 18 mg/ngày
  • Phụ nữ mang thai từ 14 đến 18 tuổi: 27 mg/ngày
  • Phụ nữ cho con bú từ 14 đến 18 tuổi: 10 mg/ngày
  • Phụ nữ mang thai từ 19 đến 50 tuổi: 27 mg/ngày
  • Phụ nữ cho con bú từ 19 đến 50 tuổi: 9 mg/ngày

Nên uống thuốc với một cốc nước lọc hoặc nước cam. Vitamin C trong nước cam được cho là giúp tăng cường hấp thu sắt. Nước giúp hòa tan sắt để cơ thể hấp thụ tốt hơn.

Nên uống thuốc sắt cùng với nước cam để tăng hấp thu (Ảnh: Internet).
Nên uống thuốc sắt cùng với nước cam để tăng hấp thu (Ảnh: Internet).

Khi uống thuốc sắt để điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt, thời gian điều trị có thể kéo dài đến 6 tháng. Người bệnh cần tiếp tục điều trị ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn và không còn các triệu chứng.

Chất bổ sung sắt có thể bị phân hủy khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao và tia cực tím. Để tránh điều đó, hãy giữ thuốc sắt trong hộp chứa tránh được ánh sáng và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Luôn kiểm tra hạn sử dụng và loại bỏ những thuốc đã hết hạn, đổi màu hoặc hư hỏng.

Nên uống bổ sung sắt vào thời điểm nào trong ngày?

Sắt được hấp thụ tốt nhất khi uống lúc đói. Nếu thuốc khó chịu cho dạ dày thì có thể dùng nó cùng với một lượng nhỏ thức ăn, nhưng tránh dùng với thức ăn giàu chất xơ hoặc caffeine.

Nên uống thuốc sắt lúc đói (Ảnh: Internet).
Nên uống thuốc sắt lúc đói (Ảnh: Internet).

Thực phẩm nào có hàm lượng sắt cao nhất?

Hầu hết mọi người không cần bổ sung sắt nếu áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Thay vì dùng thuốc, hãy bổ sung sắt bằng cách chọn các loại thực phẩm giàu chất sắt cho bữa ăn hằng ngày. Những loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao bao gồm:

  • Ngũ cốc ăn sáng có bổ sung sắt: 18 mg sắt cho mỗi 128g
  • Hàu: 8 mg sắt cho mỗi 85g
  • Đậu trắng (đóng hộp): 8 mg sắt cho mỗi 128g
  • Sô cô la đen: 7 mg sắt cho mỗi 85g
  • Gan bò: 5 mg sắt cho mỗi 85g
  • Đậu lăng (nấu chín): 3 mg sắt cho mỗi 64g
  • Rau bina (nấu chín): 3 mg sắt cho mỗi 64g
  • Đậu phụ: 3 mg sắt cho mỗi 64g
  • Đậu thận (đóng hộp): 2 mg sắt cho mỗi 64g
  • Cá mòi đóng hộp: 2 mg sắt cho mỗi 64g
  • Đậu gà (đóng hộp): 2 mg sắt cho mỗi 64g
  • Cà chua hầm: 2 mg sắt cho mỗi 64g
  • Thịt bò kho: 2 mg sắt cho mỗi 85g
  • Khoai tây nướng: 1 mg sắt cho mỗi củ khoai tây cỡ vừa
  • Hạt điều: 1 mg sắt cho mỗi 28g
  • Đậu xanh (nấu chín): 1 mg sắt cho mỗi 64g
  • Gà nướng: 1 mg sắt cho mỗi 85g

Trên đây là những lợi ích sức khỏe của việc bổ sung sắt và những điều cơ bản về chất sắt mà bạn cần biết. Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về sức khỏe nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Xem thêm

Trứng luộc, trứng chiên, ốp la, lòng đào,... Món trứng nào giữ được dinh dưỡng tốt nhất theo khoa học?

"Trứng thì nấu món gì?" là câu hỏi của rất nhiều người khi chuẩn bị bữa ăn cho bản thân và gia đình. Nhưng bên cạnh hương vị thơm ngon đa dạng, bạn có biết rằng mỗi cách chế biến khác nhau có thể ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng mà cơ thể thực sự hấp thụ được từ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
thuatthai

Bài viết xuất hiện lúc mình cần lun. Cảm ơn bạn nhé