Vaccine COVID-19 của Moderna có tác dụng bảo vệ con người kéo dài ít nhất 6 tháng – kể cả khi đối mặt với các biến thể mới như Delta, các nhà nghiên cứu của Mỹ cho biết vào hôm 12/8 vừa rồi.
Vaccine COVID-19 của Moderna có hiệu quả ra sao?
Nhóm nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ đứng đầu đã phát hiện ra rằng khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta – biến thể hiện đang gây ra các đợt bùng phát trên toàn thế giới và chiếm tỷ lệ cao nhất ở Mỹ – hầu như không bị suy giảm sau 6 tháng tiêm vaccine của Moderna. Họ sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng về tác dụng bảo vệ của vaccine kéo dài hơn 6 tháng.
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí Science, nhà miễn dịch học Nicole Doria-Rose và các cộng sự tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ cho biết: Các kháng thể liên kết có khả năng nhận diện được tất cả các biến thể được thử nghiệm, bao gồm B.1.351 (Beta) và B.1.617.2 (Delta) và nồng độ kháng thể được duy trì ở mức cao ở tất cả các đối tượng thử nghiệm trong khoảng thời gian 6 tháng.
Cụ thể, 24 tình nguyện viên đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine và xét nghiệm máu vào các thời điểm khác nhau cho đến hết 6 tháng. Ở đỉnh điểm của phản ứng với liều vaccine thứ hai, tất cả những người này đều có phản ứng với tất cả các biến thể.
Sau khi được tiêm mũi thứ hai của vaccine Moderna 2 tuần, tất cả các mẫu máu của những người tham gia đã vô hiệu hóa tất cả các biến thể, bao gồm các biến thể phổ biến hoặc đáng lo ngại nhất hiện nay: B.1.1.7 (Alpha), B.1.351 (Beta), P.1 (Gamma), B.1.429 (Epsilon), B.1.526 (Iota) và B.1.617.2 (Delta).
Biến thể có nhiều khả năng chống lại miễn dịch nhất là Beta, hay B.1.351 – lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi. Ở thời điểm sau khi tiêm liều vaccine thứ hai 6 tháng, chỉ còn hơn một nửa số mẫu máu giữ được kháng thể trung hòa hoàn toàn biến thể Beta. Nhưng trái lại, có tới 96% số mẫu có phản ứng kháng thể đầy đủ chống lại biến thể Delta, nhóm nghiên cứu cho biết.
Khả năng miễn dịch có bị giảm đi theo thời gian hay không?
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng kháng thể không phải là tất cả. Về lâu dài, cơ thể con người tạo ra các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào B và T cũng giúp bảo vệ chống lại virus. Những trường hợp phản ứng miễn dịch giảm dần theo thời gian có thể dựa vào tế bào B để tạo ra phản ứng tăng cường chống lại các biến thể nếu gặp lại sau này.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ tìm thấy một ít bằng chứng rằng khả năng miễn dịch suy giảm nhanh hơn ở người lớn tuổi. “Điều quan trọng là nhiều đối tượng trong nhóm người già nhất vẫn giữ được hoạt tính trung hòa chống lại các biến thể 6 tháng sau liều vaccine thứ hai”.
Các biến thể khác nhau mang các đột biến gene khác nhau, vì vậy họ cũng đã kiểm tra từng biến thể đó. Thủ phạm chính tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn là đột biến E484K, được thấy trong các biến thể Beta, Gamma và Iota, nhưng không phải ở Delta.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù sẽ cần thêm các nghiên cứu khác để tìm hiểu tác động của các biến thể, nhưng dữ liệu của họ khuyến khích việc sử dụng vaccine này khi đối mặt với sự biến đổi của virus.
Hiện nay vaccine của Moderna đã được phê duyệt sử dụng ở Việt Nam. Ngoài ra, các thử nghiệm đối với vaccine của Pfizer và Johnson & Johnson cũng cho thấy chúng cung cấp khả năng miễn dịch ít nhất 6 tháng và có thể lâu hơn.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19: Khi nào là bình thường và khi nào cần cảnh giác?
- COVID-19 và cảm cúm thông thường: Bạn đã biết 10 điểm khác nhau giữa chúng hay chưa?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!