Đôn Hoàng là một thành phố thuộc tỉnh Cam Túc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là điểm dừng chân chính trên con đường tơ lụa cổ đại, là thị trấn trọng yếu bậc nhất đối với Trung Nguyên trước khi tiến vào Tây Vực.
Ốc đảo phồn hoa một thời giữa lòng sa mạc
Nhắc tới Đôn Hoàng, người ta nghĩ ngay tới con đường tơ lụa – vốn là tuyến giao thương quan trọng trải dài từ Trung Quốc đến khu vực quanh Địa Trung Hải, nối liền thông thương châu Á với châu Âu. Với quãng đường hơn 4000 dặm (khoảng hơn 6000km), con đường tơ lụa không thể thiếu các “trạm dừng chân” để các thương đoàn, chuyến hàng có chốn nghỉ chân tiếp sức cho chặng đường dài phía trước.
Đối với các thương nhân đi từ Trường An (ngày nay được gọi là Tây An), Đôn Hoàng vừa là điểm dừng chân để buôn bán, thu gom hàng hóa, sản vật của Trung Hoa, vừa là nơi để họ chuẩn bị đầy đủ lạc đà, tiền bạc, những vật dụng cần thiết cho chuyến vượt qua sa mạc Taklamakan, núi cao, vực sâu để tới Trung Á, Ấn Độ, Địa Trung Hải… Các lái buôn từ Tây Vực sau cuộc rong ruổi đường dài gian khổ trên sa mạc đến Đôn Hoàng cũng phải nghỉ ngơi lấy lại sức, rồi tiếp tục thăm thú phong cảnh, mua sắm các sản vật của Trung Hoa.
Đối với các thương nhân ngoại quốc, Đôn Hoàng là toạ độ dừng chân bắt buộc phải đi qua để tiến về Trường An. Ba tuyến của con đường tơ lụa qua địa phận Tân Cương đều xuất phát từ Đôn Hoàng. Bất luận thương nhân, lữ khách đi về phía nào đều phải qua Đôn Hoàng.
Vì vậy, Đôn Hoàng đã trở thành điểm giao thoa tôn giáo, thành kho lưu trữ, trao đổi văn hóa – nghệ thuật, văn học của Trung Quốc, Trung Á và phương Tây.
Nền văn hoá rực rỡ
Trong thời Trung cổ, Đôn Hoàng đã từng được xem như một trung tâm văn hóa phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nơi đây được coi là chốn thiêng để các Phật tử hành hương tới thăm các điện thờ nổi tiếng trong hang động.
Bích họa Đôn Hoàng
Đến Đôn Hoàng, ý nghĩa nhất là được tham quan những công trình kiến trúc, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa đặc sắc. Tiêu biểu chính là các bức bích họa vẽ trên những vách đá cheo leo của các hang động bởi các nhà sư Phật giáo Đường triều, Tống triều. Có thể nói, điểm hấp dẫn và thu hút nhất của vùng đất này chính là những bức bích họa phủ kín các vòm trần và tường các hang động.
Đây đều là những bức tranh gắn liền với các điển tích Phật giáo, mà nhiều nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật. Cũng có nhiều bức tranh mô tả về cuộc sống hàng ngày của các giai tầng trong xã hội Trung Quốc qua từng thời kì hay cảnh sinh hoạt đời thường của người dân Đôn Hoàng.
Người ta đã tính rằng, nếu nối tất cả các bức tranh này lại với nhau thì Đôn Hoàng sẽ có một bức bích họa dài hơn 30km
Hang động Mạc Cao
Hang Mạc Cao nằm cách thành phố Đôn Hoàng 25 km về phía Đông Nam, được xây dựng trên vách đá của núi Minh Sa Nó dài khoảng 1680 mét, cao khoảng 50 mét và được xếp thành năm tầng, cao thấp đan xen, san sát liền kề nhau vô cùng tráng lệ, được mệnh danh là kiệt tác kiến trúc trong nền văn hóa Đôn Hoàng.
Đây là kho tàng văn hóa nghệ thuật cổ điển có quy mô lớn, đồng thời cũng là trung tâm nghệ thuật Phật giáo nổi tiếng thế giới.
Có ghi chép cho rằng, sự ra đời của hang đá Mạc Cao gắn liền với một tích cổ về con đường truyền bá Phật pháp. Đạo Phật của Ấn Độ ban đầu di chuyển đến vùng núi đá của tỉnh Hà Tây và sau đó truyền ra khắp Trung Quốc. Vì thế Đôn Hoàng đã trở thành thánh địa của đạo Phật.
Hay có người truyền miệng rằng, có một vị hòa thượng tên là Lạc Tôn đi đến Đôn Hoàng. Ông thấy trên núi phát ra thứ ánh sáng huyền ảo tôn uy, lấp lánh. Trong phút chốc, ông dường như thấy có hàng trăm vị Phật xuất hiện. Thầy tu Lạc Tôn nghĩ rằng: “Nơi đây hẳn là thánh địa của Phật.” Mang theo suy nghĩ và lòng sùng bái, ông kể lại với một số người và cùng họ thuê người bắt đầu đào hang Phật đầu tiên trên vách núi.
Kể từ năm 366 bắt đầu xây dựng, trải qua hơn một ngàn năm mưa bão, hang Mạc Cao vẫn bảo tồn được 482 hang động, rất nhiều tranh vách đá, và bích họa điêu khắc.
Ngày nay, Đôn Hoàng trở thành một điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Trung Quốc. Đến nơi đây, chứng kiến những dấu tích còn lưu lại, du khách như được một lần “xuyên không”, trở về thời kì Trung cổ khi Đôn Hoàng vẫn còn là một “trạm dừng chân” nổi tiếng trên con đường tơ lụa lịch sử.
Hãy theo dõi BlogAnChoi để tìm hiểu thêm nhiều thông tin về văn hóa Đôn Hoàng nhé!
Các bài viết có liên quan:
- Tìm về “hồn Việt” với 5 quán cafe đậm chất cổ xưa tại Đà Nẵng
- Đứng tim, hoảng hồn với những cái đầu kinh dị trên đồng lúa Nhật Bản