Cholesterol cao còn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người trên toàn thế giới. Theo thống kê của Liên đoàn Tim mạch Thế giới (World Heart Federation), cholesterol cao gây ra 4,4 triệu ca tử vong mỗi năm, chiếm 7,8% tổng số ca tử vong. Mặc dù cholesterol cao hay thấp phần lớn là do di truyền nhưng không thể phủ nhận rằng các yếu tố lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ số cholesterol. Một số loại thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch của bạn bằng cách làm tăng cholesterol LDL (xấu) và làm giảm cholesterol HDL (tốt). Từ những món ăn vặt tưởng chừng vô hại đến những món ăn nhanh được ưa chuộng, những “thủ phạm” này có thể âm thầm góp phần gây tích tụ mảng bám và làm tắc nghẽn động mạch theo thời gian. Sau đây là 10 thực phẩm làm tăng cholesterol xấu mà bạn nên tránh.
1. Đồ nướng chứa nhiều chất béo chuyển hóa
Những chiếc bánh ngọt, bánh quy và bánh nướng ngon tuyệt mà bạn yêu thích thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa. Những chất béo nhân tạo này được tạo ra thông qua một quá trình gọi là hydro hóa, biến dầu lỏng thành chất béo rắn.
Mặc dù chúng có thể kéo dài thời hạn sử dụng của các sản phẩm nướng nhưng chất béo chuyển hóa có thể làm tăng mức cholesterol LDL (xấu) và làm giảm cholesterol HDL (tốt), khiến tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
2. Đồ ăn nhanh dạng chiên, rán
Hầu hết mọi người đều biết đồ ăn nhanh không phải là lựa chọn lành mạnh nhưng bạn có biết các món ăn nhanh dạng chiên rán có ảnh hưởng rất lớn đến cholesterol của bạn không? Đồ ăn nhanh thường được nấu trong dầu hydro hóa một phần và đây là nguồn chính của chất béo chuyển hóa. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh có mức cholesterol LDL cao hơn so với những người hiếm khi ăn. Hơn nữa, đồ ăn nhanh dạng chiên rán thường chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể góp phần làm tăng mức cholesterol. Để kiểm soát cholesterol, hãy chọn các món nướng hoặc hấp thay vì các món chiên. Trong trường hợp bạn không thể cưỡng lại cơn thèm món ăn nhanh dạng chiên rán, hãy chọn khẩu phần nhỏ và kết hợp chúng với salad hoặc trái cây để cân bằng bữa ăn của bạn.
3. Thịt chế biến sẵn
Thịt xông khói, xúc xích và thịt nguội có thể là thực phẩm quen thuộc trong nhiều hộ gia đình nhưng thực thế là những loại thịt chế biến sẵn này không có lợi cho cholesterol của bạn. Thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo bão hòa và natri, cả hai đều có thể góp phần làm tăng mức cholesterol LDL.
Nếu bạn không thể từ bỏ sự yêu thích của mình với các món này, hãy cố gắng tiêu thụ chúng ở mức độ vừa phải, ưu tiên chọn những miếng thịt nạc và ít natri khi có thể. Ngoài ra, bổ sung nhiều protein có nguồn gốc thực vật như đậu, đậu lăng và đậu phụ vào chế độ ăn uống cũng có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào thịt chế biến sẵn.
4. Các sản phẩm từ sữa nguyên chất
Mặc dù sữa có thể là nguồn cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác nhưng các phiên bản nguyên chất như sữa nguyên chất, pho mát và bơ lại chứa nhiều chất béo bão hòa. Tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol LDL, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Để kiểm soát lượng cholesterol, hãy chọn các loại sữa ít béo hoặc không béo. Sữa tách kem, phô mai ít béo và sữa chua đều là những lựa chọn thay thế tuyệt vời vì vẫn mang lại lợi ích của sữa mà không chứa chất béo bão hòa dư thừa. Nếu bạn thấy khó thay đổi, hãy bắt đầu bằng cách thay thế dần các sản phẩm béo bằng các sản phẩm ít béo cho đến khi vị giác của bạn thích nghi.
5. Đồ uống và đồ ăn nhẹ có đường
Bạn có thể không liên tưởng ngay đường với cholesterol nhưng tiêu thụ quá nhiều đồ uống và đồ ăn nhẹ có đường có thể gián tiếp ảnh hưởng đến mức cholesterol của bạn. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều đường, gan của bạn sẽ chuyển hóa nó thành chất béo, có thể dẫn đến tăng cân và tăng cholesterol LDL.
Các loại đồ uống có đường như soda, đồ uống tăng lực và trà có đường đặc biệt có vấn đề vì chúng cung cấp một lượng đường cô đặc mà không có bất kỳ lợi ích dinh dưỡng nào. Tương tự như vậy, đồ ăn nhẹ như kẹo, bánh quy và kem thường chứa nhiều đường bổ sung và chất béo không lành mạnh.
Để kiểm soát mức cholesterol, hãy hạn chế tiêu thụ những món ăn có đường này, thay vào đó hãy chọn những lựa chọn thay thế lành mạnh hơn như trái cây tươi, trà không đường hoặc nước lọc.
6. Dầu dừa
Mặc dù dầu dừa đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây như một sự thay thế “lành mạnh” cho các loại dầu ăn khác nhưng thực tế là nó lại chứa nhiều chất béo bão hòa. Trên thực tế, dầu dừa chứa nhiều chất béo bão hòa hơn bơ hoặc mỡ lợn. Như đã đề cập trước đó, tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol LDL và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Nếu bạn thích hương vị của dầu dừa, hãy sử dụng nó một cách tiết kiệm và điều độ. Hãy chọn các loại dầu tốt cho tim như dầu ô liu, dầu bơ hoặc dầu hạt cải cho hầu hết nhu cầu nấu ăn của bạn. Những loại dầu này rất giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, có thể giúp giảm cholesterol LDL và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
7. Gan và các nội tạng nói chung
Mặc dù nội tạng, tiêu biểu như gan, thường được coi là siêu thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chúng cũng chứa rất nhiều cholesterol. Một khẩu phần gan bò ~100g chứa tới 389 mg cholesterol, cao hơn mức khuyến nghị hàng ngày là 300 mg.
Các loại nội tạng khác như thận và não cũng chứa nhiều cholesterol và nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Nếu bạn chọn đưa nội tạng vào chế độ ăn uống của mình, hãy đảm bảo cân bằng chúng với nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt để giúp kiểm soát mức cholesterol của bạn.
8. Động vật có vỏ
Mặc dù hải sản thường được coi là lựa chọn lành mạnh nhưng một số loại động vật có vỏ lại có hàm lượng cholesterol cao đến kinh ngạc. Ví dụ, tôm chứa 194 mg cholesterol trên mỗi khẩu phần ~100g.
Nếu bạn là người yêu thích hải sản, hãy chọn các lựa chọn có hàm lượng cholesterol thấp hơn như sò điệp, hàu và nghêu. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi cũng là những lựa chọn tuyệt vời vì chúng giàu axit béo omega-3 tốt cho tim, có thể giúp giảm cholesterol LDL và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
9. Bơ và mỡ lợn
Bơ và mỡ lợn là những thực phẩm chính trong nhiều căn bếp nhưng những chất béo có nguồn gốc từ động vật này lại chứa nhiều chất béo bão hòa và có thể góp phần làm tăng mức cholesterol. Một thìa bơ chứa 7 gam chất béo bão hòa trong khi cùng một lượng mỡ lợn chứa 5 gam.
Để kiểm soát mức cholesterol, hãy sử dụng những chất béo này một cách tiết kiệm và lựa chọn những chất thay thế lành mạnh hơn như dầu ô liu, bơ hoặc bơ hạt. Khi nướng, hãy thử thay thế một số bơ hoặc mỡ lợn trong công thức nấu ăn của bạn bằng sốt táo, chuối nghiền hoặc sữa chua Hy Lạp để giảm hàm lượng chất béo bão hòa.
10. Bỏng ngô
Mặc dù bỏng ngô là ngũ cốc nguyên hạt và có thể là một món ăn nhẹ lành mạnh nhưng nhiều nhãn hiệu bỏng ngô chứa nhiều chất béo và chất phụ gia không lành mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol của bạn. Một số nhãn hiệu sử dụng dầu hydro hóa một phần, là nguồn chất béo chuyển hóa, trong khi những nhãn hiệu khác lại chứa nhiều chất béo bão hòa như dầu dừa hoặc dầu cọ.
Để thưởng thức bỏng ngô mà không có nguy cơ tăng cholesterol, hãy thử tự làm tại nhà bằng máy nổ không khí hoặc phương pháp trên bếp. Nêm bỏng ngô bằng các loại thảo mộc, gia vị hoặc rưới một ít dầu ô liu thay vì bơ để có một món ăn nhẹ cổ điển lành mạnh hơn.
Bằng cách lưu ý đến 10 loại thực phẩm không tốt cho cholesterol của bạn và thực hiện những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống, bạn có thể thực hiện những bước quan trọng để cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Hãy nhớ rằng, những thay đổi nhỏ có thể tạo nên kết quả lớn theo thời gian, vì vậy, hãy bắt đầu đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn ngay từ hôm nay!
Nguồn: 10 Foods to Avoid for Better Cholesterol Health (Martha A. Lavallie)
Bạn có thể quan tâm:
Mình rất mong muốn được nghe ý kiến của các bạn về chủ đề này, hãy chia sẻ cho mình biết nhé.