Khi nói đến chế độ ăn cho người mắc bệnh mỡ máu, các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung nhiều loại thực phẩm đa dạng thay vì cắt giảm tất cả các loại có chứa lượng cholesterol cao. Cũng giống như việc giảm cân, giảm cholesterol để giảm mỡ máu một cách cân bằng vẫn mang lại hiệu quả tốt hơn là chỉ tập trung vào tiêu thụ một số nhóm chất duy nhất.
Tổng quan về chế độ ăn cho người bệnh mỡ máu
Theo danh mục thực phẩm giúp giảm cholesterol được đề xuất bởi các chuyên gia dinh dưỡng, những loại thực phẩm chính nên tiêu thụ bao gồm nhiều trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt thay vì các loại đã được tinh chế và protein chủ yếu từ thực vật. Đặc biệt phải kể đến yến mạch, lúa mạch, đậu bắp, cà tím, protein đậu nành hoặc hạnh nhân nguyên hạt.
Tập trung vào một chế độ ăn lành mạnh vẫn quan trọng hơn rất nhiều so với việc sử dụng thuốc hạ mỡ máu. Bạn có thể chọn nhiều loại thực phẩm để cải thiện khẩu phần và hương vị cho món ăn hàng ngày, tránh nhàm chán mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh nhạy, tốt cho xương, duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa, tốt cho thị lực cũng như sức khỏe tinh thần.
Các loại thực phẩm khác nhau có tác dụng làm giảm cholesterol theo nhiều cách khác nhau. Một số cung cấp chất xơ hòa tan, liên kết với cholesterol và chất béo trong hệ tiêu hóa, thải chúng ra khỏi cơ thể trước khi cơ thể hấp thu. Một số khác lại cung cấp cho bạn chất béo không bão hòa có lợi, giúp giảm trực tiếp chỉ số LDL cholesterol trong máu. Bên cạnh đó cũng có những loại thực phẩm có chứa sterol và stanol thực vật ngăn cơ thể hấp thụ cholesterol.
Một số loại thực phẩm bạn nên bổ sung trong khẩu phần ăn giúp giảm cholesterol
1. Yến mạch
Ăn một bát bột yến mạch hoặc ngũ cốc làm từ yến mạch là bước đầu tiên và dễ dàng nhất trong việc duy trì khẩu phần ăn giảm cholesterol. Nếu cảm thấy khẩu phần không đủ, bạn có thể thêm một ít hoa quả như dâu tây, chuối…
Mỗi ngày, một người nên tiêu thụ từ 20 đến 35 gam chất xơ với ít nhất 5 đến 10 gam chất xơ hòa tan, yến mạch sẽ cung cấp cho bạn từ 1 đến 2 gram chất xơ hòa tan trong mỗi khẩu phần buổi sáng.
2. Lúa mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác
Giống như yến mạch, lúa mạch và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác cũng là những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan, rất tốt để giảm cholesterol và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3. Các loại đậu
Đậu là loại thực phẩm đặc biệt giàu chất xơ hòa tan. Thời gian tiêu hóa các loại hạt họ đậu cũng khá lâu, điều đó có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy no lâu hơn sau mỗi bữa ăn, lượng đồ ăn tiêu thụ cũng vì thế mà giảm đi. Vì vậy đậu luôn là món ăn quen thuộc trong các thực đơn giảm cân, giảm mỡ.
Các loại đậu bạn có thể thêm vào thực đơn hàng ngày bao gồm đậu xanh, đậu tây, đậu lăng, đậu gà… với nhiều cách nấu khác nhau.
4. Cà tím và đậu bắp
Hai loại rau ít calo này cũng là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan dồi dào.
5. Các loại hạt
Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn hạnh nhân, quả óc chó, đậu phộng và các loại hạt khác rất tốt cho tim mạch. Ăn khoảng 57 g hạt mỗi ngày có thể giảm chỉ số LDL 5%. Mỗi loại hạt chứa lượng chất khác nhau, có tác dụng bảo vệ tim mạch theo những cách khác nhau.
6. Các loại dầu thực vật
Mặc dù các loại dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu đậu nành sẽ khiến hương vị món ăn không được ngon như mỡ động vật, nhưng chúng tốt cho sức khỏe hơn và chứa ít cholesterol hơn.
7. Táo, nho, dâu tây, trái cây họ cam quýt
Những loại trái cây này rất giàu pectin, một loại chất xơ hòa tan làm giảm LDL.
8. Thực phẩm giàu sterol và stanol
Sterol và stanol chiết xuất từ thực vật giúp giảm khả năng hấp thu cholesterol từ thức ăn. Nhiều công ty sản xuất thực phẩm đang thêm những loại chất này vào sản phẩm như bơ thực vật, granola, nước cam, socola…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bổ sung 2 g sterol hoặc stanol thực vật mỗi ngày có thể hỗ trợ giảm cholesterol LDL khoảng 10%.
9. Đậu nành
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như sữa, đậu phụ, váng đậu vô cùng quen thuộc trong thực đơn ăn kiêng. Ngoài chứa lượng đạm thực vật dồi dào, đậu nành cũng là một trong những loại thực phẩm giúp giảm đáng kể lượng cholesterol xấu.
Các phân tích cho thấy tiêu thụ 25 g protein đậu nành mỗi ngày (300g đậu phụ hoặc 1/2 cốc sữa đậu nành) có thể giảm LDL từ 5% đến 6%.
10. Dầu cá
Cá có chứa nhiều omega-3 và các chất béo tốt, giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Ăn cá 2-3 bữa mỗi tuần và giảm lượng thịt động vật (như thịt bò, lợn, gà) có thể làm giảm mỡ máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
11. Dùng thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ
Mặc dù là cách dễ nhất nhưng đây lại là phương pháp không thực sự được khuyến khích. Trong trường hợp điều kiện không cho phép tiêu thụ các loại chất xơ tự nhiên từ thực phẩm, bạn có thể thay thế bằng thực phẩm chức năng qua đường uống.
Tuy vậy, sử dụng các sản phẩm bổ sung này cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ để tránh uống quá liều gây phản tác dụng, hoặc có phản ứng không tốt khi dùng chung với nhiều loại thuốc khác.
Xem thêm chia sẻ của bác sĩ về bệnh mỡ máu tại đây:
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Người mắc bệnh thủy đậu nên ăn gì và tránh ăn gì để bệnh mau khỏi hơn?
- Người bệnh tiểu đường nên dùng loại trái cây gì? Lựa chọn đúng để hỗ trợ điều trị bệnh
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!