Việc thay đổi thương hiệu của ông chủ Twitter đã vấp phải nhiều chỉ trích khi đã góp phần “xoá bỏ” mọi nỗ lực xây dựng thương hiệu mạng xã hội của Twitter suốt 17 năm qua. Nhiều chuyên gia còn liên tưởng hành động này của Elon Musk với thất bại của Mark Zuckerberg vào năm 2021 khi công bố “tham vọng” về vũ trụ ảo Metaverse. Cùng nhìn lại hành trình của biểu tượng “chim xanh” và những tranh cãi xoay quanh tham vọng ra mắt siêu nền tảng X của Musk qua bài viết này!

Màn “lột xác” gây tranh cãi nhất lịch sử Twitter

Kể từ khi chính thức tiếp quản Twitter vào cuối năm ngoái, tỷ phú Elon Musk đã gây ra hàng loạt các tranh cãi liên quan đến chiến lược cải cách của mình, trong đó bao gồm việc sa thải hàng nghìn nhân viên và thay đổi trải nghiệm của người dùng trên nền tảng. Đến thời điểm hiện tại, tham vọng “bành trướng” của Elon Musk đang từng bước trở thành sự thật khi vị tỷ phú này chính thức xác nhận sẽ thay thế logo “chim xanh” biểu tượng của Twitter bằng biểu tượng “X” vào ngày 23/07 vừa qua.

Trên thực tế, Elon Musk đã thực hiện việc “khai tử” Twitter với tư cách là một công ty độc lập vào tháng 4 năm nay bằng việc sát nhập với một công ty khác tên là X Corp. Hàng loạt các tài khoản trên Twitter đã bày tỏ sự phản đối với “nước đi” này của Elon Musk, thậm chí còn đe doạ sẽ gỡ ứng dụng và tẩy chay nền tảng. Các bài viết về hành trình 17 năm của “chim xanh” cũng theo đó trở thành một xu hướng trên mạng xã hội, với hàng nghìn người bày tỏ sự tiếc nuối khi phải chia tay một nền tảng được khởi nguồn vào thời kỳ đầu tiên của Internet và cho đến nay vẫn là một “biểu tượng” mạng xã hội trong kỷ nguyên số.

Trên thực tế, Elon Musk đã “khai tử” Twitter với tư cách là một công ty độc lập vào tháng 4 năm nay bằng việc sát nhập với một công ty khác tên là X Corp (Ảnh: Internet)
Trên thực tế, Elon Musk đã “khai tử” Twitter với tư cách là một công ty độc lập vào tháng 4 năm nay bằng việc sát nhập với một công ty khác tên là X Corp (Ảnh: Internet)

Hành trình 17 năm của Twitter và biểu tượng “chim xanh” huyền thoại

Được ra mắt vào năm 2006, tính đến nay, Twitter đã có 4 lần thay đổi logo trước khi trở thành biểu tượng X màu đen như hiện tại. Trước khi trình làng logo chính thức đầu tiên, biểu tượng của nền tảng này trước đó đã trải qua nhiều phiên bản nháp khác nhau với những cái tên như “smssy” và “twtt” đầy màu sắc.

Logo chính thức đầu tiên của Twitter với dòng chữ “twitter” được thiết kế theo phông chữ sans serif và đường viền trắng trên nền màu xanh lam được nền tảng này sử dụng trong suốt 4 năm, từ 2006 – 2010. Đến năm 2010, thương hiệu này lần đầu tiên thực hiện thay đổi bộ nhận diện với dòng chữ “twitter” của phiên bản cũ nhưng nay được chuyển thành màu xanh.

Hai năm sau đó, vào năm 2012, biểu tượng “chim xanh” của Twitter trở nên nổi tiếng đến mức nền tảng này quyết định thay đổi nhận diện một lần nữa và cho chú chim này đứng độc lập. Cụm từ “twitter” bị xoá khỏi logo, màu xanh lam được thay đổi theo hướng trẻ trung hơn, đồng thời hình ảnh của chú chim cũng được tái thiết kế theo hướng đến sự đơn giản, ít chi tiết và dễ nhận biết kể cả khi thu nhỏ.

Đến năm 2023 với màn tái nhận diện gây tranh cãi vừa qua, Twitter giờ đây không còn là một công ty độc lập như trước mà thay vào đó là một phần của chiến lược xây dựng siêu ứng dụng của tân CEO. Trong lần đầu tiên lộ diện qua bài đăng chụp lại hình ảnh trụ sở Twitter của Elon Musk, logo X đã ngay lập tức thu hút 4 triệu lượt xem chỉ trong vòng 30 phút, kéo theo đó là hàng loạt những tranh cãi trong suốt những ngày vừa qua.

Với thay đổi gây tranh cãi vừa qua, Twitter giờ đây không còn là một công ty độc lập như trước mà thay vào đó là một phần của chiến lược xây dựng siêu ứng dụng của Elon Musk (Ảnh: Internet)
Với thay đổi gây tranh cãi vừa qua, Twitter giờ đây không còn là một công ty độc lập như trước mà thay vào đó là một phần của chiến lược xây dựng siêu ứng dụng của Elon Musk (Ảnh: Internet)

Từ Facebook – Meta đến Twitter – X: Sự đánh đổi vì tham vọng của các “ông lớn” công nghệ có mang lại kết quả?

Việc Elon Musk chuyển từ Twitter sang X đã khiến không ít người nghĩ đến sự kiện tương tự vào năm 2021 khi Mark Zuckerberg quyết định đổi tên Facebook thành Meta để theo đuổi vũ trụ ảo metaverse. Tuy nhiên, chiến lược của Mark Zuckerberg thực chất lại không thành công như kỳ vọng khi chỉ sau một năm, giá trị vốn hoá của công ty giảm tới 70% và bộ phận chuyên về công nghệ thực tế ảo Reality Labs của Meta cũng chịu lỗ đến hàng tỷ USD. CEO Meta sau đó cũng đã nhận trách nhiệm cho quyết định sai lầm của mình và cố gắng sửa sai bằng việc theo đuổi mục tiêu mới là A.I.

Việc Elon Musk chuyển từ Twitter sang X khiến không ít người nghĩ đến việc Mark Zuckerberg đổi tên Facebook thành Meta để theo đuổi vũ trụ ảo metaverse (Ảnh: Internet)
Việc Elon Musk chuyển từ Twitter sang X khiến không ít người nghĩ đến việc Mark Zuckerberg đổi tên Facebook thành Meta để theo đuổi vũ trụ ảo metaverse (Ảnh: Internet)

Tương tự, dù chỉ mới ở giai đoạn đầu của hành trình chinh phục tham vọng siêu nền tảng, việc đổi thương hiệu của Twitter đã nhận về vô số phản ứng gay gắt từ người dùng và gây ra tổn thất đáng kể về giá trị thương hiệu với con số được ước tính lên đến 20 tỷ USD. Khác với màn thay đổi thương hiệu của Facebook với Meta hay Google với Alphabet khi chỉ thay đổi tên công ty mẹ song vẫn duy trì các thương hiệu “tên tuổi” như Facebook hay Google, sự ra đời của X được giới các nhà phân tích và chuyên gia thương hiệu đánh giá là một sai lầm nghiêm trọng.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Điểm qua những ý tưởng thiết kế bao bì hàng gia dụng được đánh giá cao trên thế giới

Sáng tạo một bao bì đóng gói vừa độc đáo vừa thể hiện được trọn vẹn tinh thần thương hiệu cũng như thông tin sản phẩm không phải chuyện dễ dàng. Hãy cùng xem các thương hiệu đã thành công trong việc này như thế nào.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận