Ở Trung Quốc, Trung thu là lễ tết lớn thứ hai trong năm, người ta coi vầng trăng tròn là biểu tượng của sự đoàn tụ mỹ mãn trong cuộc sống. Vậy nên tết Trung thu thường được người Trung Quốc gọi là tết Đoàn viên, là ngày lễ để các thành viên trong gia đình đoàn tụ bên nhau.
Thời gian và tên gọi của tết Trung thu
Người Trung Quốc quan niệm mùa Thu bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 9 âm lịch, vậy nên tháng 8 là tháng nằm giữa tiết mùa thu, ngày 15/8 là ngày chính Thu. Vậy nên tết Trung thu được tổ chức vào ngày 15/8.
Tên gọi của tết Trung thu (中秋节) gắn liền với thời gian tổ chức lễ tết, đó là chính giữa mùa Thu. Ngoài ra ngày Tết này còn có những tên gọi khác như tết thiếu nhi, tết trẻ con, tết trông trăng, tết hoa đăng…
Tết Trung thu có nguồn gốc từ thời Hán (206 TCN – 220 SCN), được hoàn thiện vào thời Đường (618 – 907), hiện nay đây là ngày Tết lớn thứ 2 trong năm. Theo lịch nghỉ Tết của chính phủ Trung Quốc, thì năm nay cả nước được nghỉ 3 ngày, từ 19/9 đến 21/9.
Các hoạt động trong ngày tết Trung thu
Cúng trăng và ngắm trăng
Đây là phong tục tập quán quan trọng trong ngày tết Trung thu ở Trung Quốc, xuất phát từ thời cổ đại. Các triều đại phong kiến Trung Quốc coi tết Trung thu là dịp để cúng tế mặt trăng, hoàng gia cho dựng đàn tế trăng và tổ chức ca hát dưới trăng. Hiện nay vẫn còn tồn tại một số di tích liên quan đến lễ cúng trăng như Bái Nguyệt Đàn, Bái Nguyệt Đình, Vọng Nguyệt Lầu…
Ăn bánh trung thu
Bánh có hình tròn, tượng trưng cho mặt trăng, cho ý nghĩa viên mãn đoàn tụ. Sử sách ghi chép loại bánh này có nguồn gốc từ thời Đường, gắn với các nhân vật Đường Thái Tông Lý Thế Dân và đại tướng quân Lý Tịnh. Ban đầu bánh có tên là Hồ Bính, sau được Dương Quý Phi đổi thành Nguyệt Bính, tức bánh hình mặt trăng.
Ở Trung Quốc có hàng trăm loại bánh trung thu. Người ta thường chia các vùng sản xuất bánh như sau: Kinh, Tân, Quảng, Tô, Hồ. Nhân bánh trung thu có hai loại chính là bánh mặn và bánh ngọt; trên bánh trang trí hoa văn, chữ…
Trong dịp tết Trung thu, người dân Trung Quốc thường mua bánh Trung thu để biếu cho những người thân yêu của mình, để tỏ tấm lòng quý trọng và tình cảm với nhau.
Phong tục rước đèn lồng
Trong ngày Tết Trung thu, người Trung Quốc tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian, trong đó đặc biệt nhất là rước đèn. Dân gian truyền lại rằng từ thời Bắc Tống (960-1127) người ta đã tổ chức các hoạt động thả đèn hoa đăng xuống sông để cầu phúc.
Trên khắp đất nước Trung Quốc rộng lớn, mỗi vùng lại có phong tục rước đèn khác nhau, ở các tỉnh phía Nam có các loại đèn phổ biến như đèn vỏ trứng, đèn rồng, đèn hình cá, đèn hạt dưa, các loại đèn hình chim, hình thú, hình hoa, đèn hình bí ngô, đèn hình quả bưởi…
Thờ cúng tổ tiên
Một số địa phương Trung Quốc coi trọng ngày tết Trung thu ở khía cạnh đoàn viên, họ soạn mâm cúng đủ đầy các loại thức ăn của mùa Thu, trước là dâng cúng tổ tiên sau là gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ.
Múa rồng
Từ tối ngày 14/8 âm lịch, nhiều địa phương đã tổ chức múa rồng lửa để đón tết Trung thu. Người ta thường làm con rồng dài khoảng 70m, phân thành 32 khúc, vào đêm Trung thu kéo rồng đi khắp các ngõ phố để xua đuổi tà ma, cầu may mắn bình an đến cho tất cả mọi người.
Trên đây là một số đặc điểm về phong tục tết Trung thu của người Trung Quốc, BlogAnChoi hi vọng các bạn sẽ có những chuyến du lịch đến quốc gia hơn 1 tỷ dân này vào dịp tết Trung thu để cảm nhận rõ hơn về dịp tết lớn thứ hai trong năm này.
Một số bài viết về tết Trung thu:
- Tết Trung Thu 2021 – Đi đâu cho bớt “nhạt”?
- Mách bạn những hoạt động tại nhà trong dịp “Trung thu giãn cách”: Đảm bảo ở nhà mà vẫn vui
- Gợi ý 12 bài hát trung thu ý nghĩa và hay nhất cho ngày tết đoàn viên
- Khám phá tết Trung thu xưa – Cái tết đoàn viên ấm cúng bên gia đình
Các bạn hãy theo dõi mục du lịch của BlogAnChoi để tìm hiểu về những địa điểm tham quan đẹp nhé.