Những ngày cuối năm, dường như thời gian lại càng trôi nhanh hơn. Con người cũng dường như vội vã, hối hả hơn, chạy đua cùng thời gian để hoàn thành những mục tiêu còn dang dở. Chỉ vài ngày nữa thôi, cuốn lịch trên tường sẽ xé đến tờ cuối cùng…
Ngày còn nhỏ, sáng nào tôi cũng chạy sang nhà ông nội, bắt ông bế bổng lên để với tay xé tờ lịch ngày cũ trên cuốn lịch treo tường của ông.
Đến tận bây giờ tôi vẫn giữ thói quen đó. Tuy rằng không còn cần ông nội bế bổng trên tay, cảm giác khi “xé đi một ngày cũ“ cũng không còn là háo hức, thích thú, thay vào đó là trăn trở, lo toan.
Dù lặng lẽ hay ồn ào, dù mong chờ hay lo sợ, “ngày cuối năm vẫn sẽ đến, như một nốt trầm cuối cùng kết thúc bản nhạc của 365 ngày đầy cảm xúc.
Những ngày cuối tháng 12…
Một buổi chiều chủ nhật với nắng vàng và gió lạnh. Ngã tư Phạm Ngọc Thạch đèn đỏ luôn kéo dài 90 giây, hôm nay lại càng lê thê hơn, ùn tắc hơn khi mọi người đổ về Vincom Phạm Ngọc Thạch mua sắm, xem phim. Ô tô, xe máy nối đuôi nhau kéo dài đến tận đầu ngã rẽ của phố Đông Tác với Lương Định Của. Kẻ thong thả, chậm rãi tận hưởng khoảng thời gian thư giãn cuối tuần bên bạn bè, gia đình…kẻ vẫn vội vã, tất bật lo “cơm áo gạo tiền”…
Bỗng tiếng xe cứu thương vang lên đầy thôi thúc phía sau. Chắc hẳn là đi từ phía bệnh viện Bạch Mai.
Vài người quay lại nhìn. Đèn đỏ vẫn còn hơn 80 giây.
Những con số màu đỏ nhấp nháy trên bảng tín hiệu hoà cùng tiếng còi hú gấp gáp sao lúc này lại giống như tiếng nhịp tim đang đập của những người bệnh cấp cứu. Thêm nhiều người ngoái lại nhìn phía sau, trên khuôn mặt đã hiện lên sự sốt ruột. Một đôi bạn trẻ đèo nhau trên chiếc xe Wave loay hoay muốn di chuyển nhưng không có cách nào nhúc nhích.
Tiếng còi vẫn vang vọng từng hồi thúc giục. Những người đỗ xe phía trên vít ga tiến lên qua vạch dừng xe, để phía sau có thể di chuyển nhường đường.
Còn 30 giây. Tiếng còi vẫn hú. Dường như chiếc xe cứu thương chưa tiến lên được bao nhiêu vì những chiếc xe ô tô muốn đi xuống hầm đỗ xe cũng đang kẹt cứng. Tôi cảm giác như sức nặng của thời gian đang đè nặng lên ngực mình.
Chiếc xe cứu thương này đang vội vã chạy đua với thời gian để đi đón một bệnh nhân nguy kịch hay đang gấp rút giành giật từng giây để đưa người bệnh đang hấp hối về nhà lần cuối? Câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu tôi suốt con đường về nhà ngày hôm đó.
Cũng ngã tư đó, một ngày tháng 11
Đèn đỏ vẫn nhấp nháy bắt đầu từ con số 90. Không có tiếng còi xe cứu thương nào hối thúc phía sau. Một cụ già chống batoong bắt đầu bước xuống lòng đường, chỗ vạch sang đường cho người đi bộ. Đoạn đường từ vỉa hè bên này sang phía đối diện chỉ khoảng 5m, với sải chân của người bình thường chắc không mất đến 30 giây. Nhưng cụ đang bước những bước chân run rẩy, cắt ngang qua dòng người đang chờ đèn xanh sáng lên là sẽ vít ga nổ máy.
Lúc này thì 90 giây đồng hồ lại trôi đi thật nhanh. Quá nhanh so với bước chân của cụ.
Còn 20 giây.
Tôi bất giác tưởng tượng cảnh những chiếc xe này sẽ tiến lên vội vã, hối hả đi tiếp tuyến đường của mình, đâm ngang, rẽ dọc xung quanh cụ. Tim tôi bỗng hẫng một nhịp. Đèn đỏ nhấp nháy con số 10.
Khi tôi còn đang hoang mang thì một em học sinh ngồi sau xe máy của bố bước xuống, len lỏi giữa những chiếc xe san sát nhau để tiến đến chỗ cụ.
Còn 4 giây cuối cùng.
Em đỡ cụ bước đi, không giúp cụ đi nhanh hơn nhưng chắc chắn sẽ an toàn hơn. Đèn xanh bật sáng, vài chiếc xe phóng đi, nhưng hầu hết mọi người đều đợi cụ đi sang phía bên kia đường rồi mới nổ máy di chuyển.
Tôi không biết, liệu nếu như em nhỏ không bước đến đi cùng cụ thì khi 10 giây cuối cùng trôi qua, những chiếc xe có đợi cụ hay không? Câu hỏi đó không có trả lời, chỉ có hiện thực trước mắt, đó là trong khi tôi và có thể là rất nhiều người khác đang hồi hộp dõi theo những bước chân cụ run rẩy, thì em bé học sinh kia đã hành động.
24 giây của đèn xanh kết thúc. Đèn đỏ lại tiếp tục đếm ngược…