Cuội ta chẳng có tài gì ngoài việc làm ra một loại bánh nướng với tất cả các nguyên liệu như trứng, lạp xưởng, thịt, hạt dưa, hạt sen. May mắn thay, loại bánh đó cực ngon và đạt giải nhất.
Trong lúc Hằng Nga bay về trời, Cuội đã bám vào gốc đa rồi bay lên cung trăng. Vì thế, mỗi khi nhìn lên mặt trăng chúng ta đều thấy một vết đen và những đứa trẻ tin rằng ấy là Chú Cuội.
Theo truyền thuyết, hai vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga là những vị thần sống bất tử trên thượng giới. Một ngày kia 10 con trai của Ngọc Hoàng biến thành 10 Mặt Trời làm cho mặt đất nóng bỏng, gây ra biết bao đau khổ cho nhân gian.
Thấy thế Ngọc Hoàng bèn sai Hậu Nghệ đến giúp. Hậu Nghệ với tài bắn cung “bách phát bách trúng” của mình, chàng đã bắn hạ 9 Mặt Trời chỉ để lại một người con của Ngọc Hoàng làm Mặt Trời sưởi ấm cho nhân gian.
Ngọc Hoàng vô cùng tức giận khi chứng kiến cảnh Nghệ vì cứu mặt đất và sinh linh đã giết chết 9 con trai của mình. Như một sự trừng phạt, vợ chồng Nga – Nghệ bị đày xuống trần gian làm người phàm.
Không thể chịu được khi thấy vợ mình đau khổ vì mất đi khả năng bất tử và ngày càng trở nên già nua xấu xí, Hậu Nghệ quyết định ra đi tìm thuốc trường sinh.
Trải qua bao nhiêu sóng gió, cuối cùng chàng cũng gặp được Tây Vương Mẫu. Cảm động trước tấm lòng của chàng Nghệ, Tây Vương Mẫu đồng ý cho Nghệ một viên linh đơn và căn dặn rằng: mỗi người chỉ nên uống nửa viên để có được sự sống trường tồn.
Trong một lần Nghệ đi vắng, Hằng Nga thấy chiếc hộp linh đơn sáng lấp lánh ở góc nhà nên tò mò mở ra xem. Bất thình lình Nghệ về, vì sợ chàng thấy mình lục lọi nên Hằng Nga nuốt luôn viên linh đơn vào bụng mà không biết mỗi người chỉ được uống nửa viên.
Do tác dụng của thuốc quá mạnh, Hằng Nga đã bay về mặt trăng mà không thể cứu vãn được. Kể từ đó cả hai người đã phải sống trong tình cảnh chia lìa, ngăn cách.
Theo tương truyền, trên cung trăng, Hằng Nga làm bạn với thỏ ngọc. Thỏ Ngọc ngày đêm cố gắng làm ra một loại thuốc để nàng còn quay về nhân gian nhưng tất cả đều vô dụng.
Từ đó, Hằng Nga và thỏ ngọc đều sống trên cung trăng và không về trần gian được nữa. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ vẫn tin rằng vào ngày rằm tháng 8 chị Hằng sẽ xuống trần dạo chơi và phát quà cho các bé thiếu nhi.
Hậu Nghệ là một người tài giỏi, có tài bắn cung, lấy được cô vợ xinh đẹp là Hằng Nga. Nhiều người trên thiên đình đem lòng đố kỵ, ghen ghét vì sự xinh đẹp, bất tử của Nga – Nghệ nên đã vu oan điều xấu cho hai vợ chồng, khiến họ bị giáng xuống trần gian.
Do chăm chỉ săn bắn, chàng Nghệ trở thành một tay bắn cung cực giỏi, về sau chàng bắn hạ 9 mặt trời và được Vua Nghiêu ban cho viên thuốc trường sinh.
Trong một lần Nghệ đi vắng, Hằng Nga tình cờ nhìn thấy vật sáng lấp lánh biết là linh đơn nên nàng uống luôn. Nàng bay lơ lửng trên không trung, bay mãi bay mãi cho đến khi chạm đến cung trăng và nhân gian gọi đây là sự tích Hằng Nga bôn nguyệt.
Về sau vì quá thương nhớ Hằng Nga, Hậu Nghệ xây một lâu đài trên Mặt Trời tượng trưng cho Dương. Hằng Nga cũng xây một cung điện tương tự trên cung trăng tượng trưng cho Âm. Mỗi năm hai người gặp nhau một lần vào ngày rằm tháng 8 tức Tết Trung thu.
Chính vì thế mà mặt trăng luôn thật tròn và thật sáng vào ngày này như một gợi nhớ về sự đoàn viên của hai vợ chồng. Do đó mà Tết Trung thu thường mang ý nghĩa ấm cúng, sum họp của các gia đình vào giữa mùa thu.
Theo truyền thuyết, vua Đường Minh Hoàng trong một lần dạo chơi ở vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng 8 đã gặp một vị đạo sĩ và được y làm phép đưa vua lên cung trăng.
Vì quá say mê cảnh sắc tuyệt trần, nhà vua quên cả việc trở về trần gian khi trời đã gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về trong sự tiếc nuối.
Về sau nhà vua ra lệnh cho dân chúng ở nhân gian tổ chức rước đèn, ăn tiệc vào rằm tháng 8. Và đây đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa ngày nay.
Tết Trung thu còn có một truyền thuyết trong lịch sử khá hay nữa đấy các bạn!
Ở Trung Quốc, vào đầu thế kỷ XIV, khi cuộc kháng chiến chống quân Mông đang ở giai đoạn cao trào, một vị tướng của quân Minh nhận thấy rằng quân Mông không ăn được Bánh Trung thu nên ông bèn nghĩ ra một kế sách để liên lạc với đội quân của mình.
Kế sách đó là mở một tiệm Bánh Trung thu và cho vào mỗi cái bánh một miếng giấy nhỏ viết rằng: “Giết tất cả bọn Mông Cổ vào ngày 15 tháng 8”.
Trung Thu năm đó quân Mông bị tiêu diệt, triều đại nhà Minh được thành lập đứng đầu là hoàng đế Chu Nguyên Chương. Kể từ đó, Bánh Trung thu không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa mà còn khơi gợi lòng tự hào dân tộc của đất nước này.
Các bạn có thể xem thêm các bài viết về tin tức độc lạ khác dưới đây:
Hãy thường xuyên ghé thăm BlogAnChoi để cập nhật những tin tức mới lạ và thú vị nhé!