Gái Già Lắm Chiêu 3 có “vay mượn” nhiều tình tiết dẫn dắt (plot) từ Con Nhà Siêu Giàu Châu Á (2018). Tuy nhiên, việc “vay mượn” này chỉ đơn giản ở lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài, còn phần cốt lõi bên trong thì là “hàng thật giá thật” tuyệt đối.

gai-gia-lam-chieu-3-poster
Poster chính thức của phim (Nguồn: Lotte Entertainment Việt Nam)
  • Tên phim quốc tế: The Royal
  • Đạo diễn: Nam Cito và Trần Nguyễn Bảo Nhân
  • Thể loại: Tình cảm – gia đình, kịch tính
  • Diễn viên chính: Ninh Dương Lan Ngọc, Lê Xuân Tiền, NSND Hồng Vân, NSND Lê Khanh, Jun Vũ,…
  • Thời lượng: 120 phút
  • Giới hạn độ tuổi: C16 (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi)
  • Khởi chiếu chính thức: 25/01/2020 – Mùng 1 Tết
  • Điểm đánh giá của người viết: 7/10

1. “Vay mượn” Con Nhà Siêu Giàu Châu Á

Tiếp nối Gái Già 2 (2018), lần này, ms.Q cùng “phi công” trẻ Jack trở về cố đô ra mắt mẹ chồng bàn chuyện sính lễ. Với bản tính ương ngạnh vốn có, ms.Q không hề được lòng bà mẹ vốn kĩ tính chi li. Huống chi, người mẹ chồng thuở quá khứ cũng từng là một quý bà đầy quyền lực, hơn hẳn ms.Q của bây giờ.

Theo xu thế, bất kỳ cái tên nào có tiềm năng sinh lời, như lẽ tất yếu, một “vũ trụ điện ảnh” từ thương hiệu ấy sẽ được dựng lên. Phần ba này là dự án thứ tư của cặp đôi Nam Cito và Bảo Nhân, sau những Gái Già Lắm Chiêu (2016), Chạy Đi Rồi Tính (2017), và Gái Già Lắm Chiêu 2 (2018).

Trừ Chạy Đi Rồi Tính (2017) theo phong cách hài nhảm, lủng củng và rời rạc, “vũ trụ” Gái Già chắc chắn là dấu mốc thành công của hai đạo diễn, nhất là trong bối cảnh điện ảnh Việt chẳng có mấy cái tên đủ sức kéo ra nhiều phần mà chất lượng vẫn ổn định, thậm chí là phần sau hơn phần trước, như series Gái GiàLật Mặt của Lý Hải.

Và cũng như bao thương hiệu “vũ trụ” khác, Gái Già vẫn phải đối mặt với bài toán sáng tạo qua mỗi phần. Để giải quyết, “vay mượn” là cách tất yếu sẽ xảy ra. Nếu Gái Già 1 (2016) là câu chuyện gốc mới mẻ và lạ lẫm thì đến Gái Già 2 (2018), khán giả nhận ra ngay việc “mượn” chi tiết dịch vụ gọi trai bao từ Tiệc Độc Thân Nhớ Đời (Rough Night, 2017).

gai-gia-lam-chieu-3-hinh-still-1
Biệt Phủ Lê Gia nhìn từ trên cao. Bạn thấy có giống con đường mòn ngoằn nghèo trong Con Nhà Siêu Giàu Châu Á chứ? (Nguồn: internet)

Đến Gái Già 3, tỷ lệ “mượn” nhiều hơn, vì thời lượng cũng nhiều hơn: sẽ thật dễ dàng nhận ra ngay con đường ngoằn nghèo đến biệt phủ Lê Gia tương tự như đường mòn dẫn vào biệt thự trong Con Nhà Siêu Giàu Châu Á (2018), cũng dễ dàng chỉ ra được điểm tương đồng giữa phân cảnh ngắm nhìn Tỷ Ngọc Sinh Hương với hoa Quỳnh Chi trong bộ phim kể trên. Cũng chẳng mấy khó khăn nhận ra sự đài các giữa hai phim chẳng chệch một ly nào, khác chăng, là bàn tiệc của Gái Già có sự tỉ mỉ mang đậm nét Việt Nam hơn mà thôi. Thậm chí, phân đoạn ms.Q cùng Jack rong ruổi trên cầu Trường Tiền cũng gợi nên cảnh tương tự trong Những Kẻ Khờ Mơ Mộng (La La Land, 2016).

gai-gia-lam-chieu-3-hinh-still-2
Bàn tiệc xa hoa, đầy kiểu cách trong phim (Nguồn: internet)

Nhưng phải khẳng định việc “vay mượn” này không xấu, mà ngược lại, nó còn là “trục xương sống” giúp phim không bị gãy đổ giữa chừng – điều mà các biên kịch Việt “non tay” khác hay mắc phải. Nó chỉ xấu và đáng bị bỉ bôi khi sao chép toàn bộ ý tưởng mà vẫn khăng khăng đấy là của mình.

Nhưng rất may, Nam Cito và Bảo Nhân có thừa kinh nghiệm để biết đâu là giới hạn cho phim.

gai-gia-lam-chieu-3-hinh-still-3
Đón chờ Tỷ Ngọc Sinh Hương (Nguồn: Internet)

2. Chất riêng của Gái “già” mà còn lắm “chiêu”

Sau phút giây “vay mượn” để đắp lên lớp nền thật chắc cũng là lúc Nam Cito và Bảo Nhân bung ra hết những chi tiết rất Việt, rất “đời” và rất “Gái Già Lắm Chiêu”. Những thứ mà nếu không có, phim chẳng khác chi là một Con Nhà Siêu Giàu Châu Á phiên bản Việt nhiều vết rạn.

Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở cao trào câu chuyện. Nếu Con Nhà Siêu Giàu Châu Á tập trung vào chuyện tình của nam nữ chính thì Gái Già 3 chuyển hẳn vấn đề sang những va chạm trong quan điểm giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Vấn đề này nó không mới, nhưng đặt trong bối cảnh phim nó cũng chưa bao giờ cũ. Góc nhìn thủ cựu, tôn ti trật tự, nền nếp giáo điều của bà Mai được biên kịch dựng lên cực kỳ hợp lý: hợp lý trong bối cảnh, hợp lý trong việc chọn đúng phong thái diễn viên, hợp lý trong cả lời ăn tiếng nói mà biên kịch có lẽ phải chắt chiu lắm mới soạn ra được ngôn từ đầy kiểu cách ấy cho Thái Tuyết Mai.

gai-gia-lam-chieu-3-thai-tuyet-mai
“Gái Già” đúng nghĩa nhất trong phim. (Nguồn: Internet)

Điểm khác biệt thứ hai ở nhân vật Mệ Nội đầy hóm hỉnh. Trong Con Nhà Siêu Giàu Châu Á, A Mà – Bà Nội có dấu ấn mờ nhạt và hầu như là nhân vật tượng trưng cho giáo điều. Nhưng trong Gái Già 3, Mệ Nội là chất xúc tác dung hòa giữa một bên là con dâu Thái Tuyết Mai truyền thống với bên kia là cô cháu dâu ms.Q đầy tinh nghịch. Mệ Nội là kiểu nhân vật ẩn dụ cho bất kỳ người bà Việt Nam nào. Mẹ có thể nghiêm khắc với con trai, nhưng bà thì tuyệt nhiên không như vậy.

gai-gia-lam-chieu-3-me-noi
Một Mệ Nội đầy nhí nhảnh rất khác so với A Mà của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á (Nguồn: Internet)

Mệ Nội và Thái Tuyết Mai không chỉ là sự thành công trong việc tạo hình nhân vật, mà còn là điểm khác biệt rõ ràng khẳng định Gái Già 3 là của “chúng ta”, không thể nào là Con Nhà Siêu Giàu phiên bản làm lại khác. Việc “vay mượn” được ví như “trục xương sống” thì bộ đôi Mệ Nội – Thái Tuyết Mai chắc chắn là “con tim” và “khối não” của Gái Già. Bởi con người, khung xương có thể giống nhau nhưng bản chất và suy nghĩ thì luôn khác.

Với câu chuyện mang đậm tính drama gia đình, khán giả khi xem phần lớn đều thấy tiếc cho cái kết đầy chóng vánh của Gái Già 3. Nó lộ rõ yếu điểm cố hữu của những tác phẩm tuy chỉn chu về kịch bản nhưng hấp tấp trong cách giải quyết vấn đề.

Mâu thuẫn giữa Thái Tuyết Mai và ms.Q căng thẳng là thế, nhưng chỉ với hành động hoàn trả lại chiếc vòng, bỗng dưng bà Mai thay đổi hẳn thái độ (?). Diễn biến tâm lý kiểu này khó có thể thuyết phục người xem. Nếu Gái Già 3 là một web series thì có lẽ phim sẽ hoàn chỉnh cảm xúc hơn bây giờ.

Nhìn chung, Gái Già Lắm Chiêu 3 tiếp tục là tác phẩm thành công, mở rộng hơn nữa “vũ trụ” Gái Già cho cặp đôi đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân. Nhưng cũng vô tình đặt ra thách thức nhiều hơn nữa cho chính thương hiệu Gái Già 4 về sau. Liệu sau yếu tố “vay mượn”, Gái Già 4 sẽ còn gì khác nữa để làm mới chính mình, cho xứng với danh xưng “Lắm Chiêu”?

Bạn đã xem Gái Già Lắm Chiêu 3 rồi chứ? Bình luận ngay bên dưới để BlogAnChoi biết bạn nghĩ gì nhé!

Hoặc nếu không muốn rời khỏi giường để chen chúc ra rạp mua vé xem phim, bạn có thể tham khảo các list phim online hấp dẫn khác:

  • List 20 phim hài Tết 2020 cho bạn cười thả ga dịp năm mới
  • 20 phim cổ trang Trung Quốc hay, nổi tiếng nhất thập niên 2010

Hãy theo dõi BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật các tin tức phim ảnh, giải trí mới lạ và hấp dẫn nhất nhé!

Xem thêm

Bộ phim Hai Mươi Bất Hoặc Hai 2: Liệu cái kết có nhạt như những gì dân cư mạng nói?

Nối tiếp sự thành công của Hai Mươi Bất Hoặc phần 1, nhà sản xuất tiếp tục ra mắt Hai Mươi Bất Hoặc phần 2 với sự tham gia của dàn diễn viên cũ: Quan Hiểu Đồng (Lương Sảng), Bốc Kim Quan (Khương Tiểu Quả), Đồng Tử Di (Đoàn Gia Bảo) và cô nàng Từ Mộng Khiết (Đinh Nhất ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận