“Xoay bánh, nếm kem, chấm sữa, ăn thử” chính là những gì người ta nhớ tới đầu tiên khi nhắc tới thương hiệu Oreo. Từng được xem là phiên bản “nhái” của thương hiệu Hydrox, Oreo đã làm thế nào để từng bước phát triển và trở thành một trong những ông lớn ngành công nghiệp bánh quy thế giới? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
- Giới thiệu chung về Oreo
- Lịch sử hình thành thương hiệu
- Sự cạnh tranh với Hydrox
- Chiến lược marketing hiệu quả
- 1. Sản xuất những phiên bản bánh giới hạn
- 2. Chiến dịch quảng cáo sáng tạo
- 3. Tận dụng mạng xã hội
- 4. Tùy chỉnh hương vị sản phẩm
- 5. Chiến lược phân phối linh hoạt
- 6. Kết nối cảm xúc người dùng qua storytelling
- 7. Hợp tác với những thương hiệu lớn
- Những sự thật thú vị về Oreo
Giới thiệu chung về Oreo
Bánh Oreo được ra mắt lần đầu năm 1912 và nhanh chóng trở thành một trong những loại bánh quy kẹp kem nổi tiếng nhất thế giới. Bánh Oreo được sản xuất bởi Nabisco – một công ty con của Mondelez International. Riêng trong năm 2011 ghi nhận mức kỉ lục khi 35 tỷ chiếc bánh Oreo đã được tiêu thụ trên toàn cầu, điều đó phần nào thể hiện được sức hút không thể chối từ của chiếc bánh socola kẹp kem này.
Trong suốt nhiều thập kỷ, Oreo từng phải đối mặt với những cáo buộc liên quan tới việc “mạo danh” Hydrox. Tuy nhiên, nhờ vào những cải tiến mới lạ, chiến lược marketing hiệu quả mà Oreo đã dần chiếm lĩnh thị trường và giành phần thắng. Oreo hiện tại đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Lịch sử hình thành thương hiệu
Với lịch sử hơn 100 năm phát triển, cùng nhìn lại những mốc thời gian đáng nhớ của thương hiệu Oreo:
- Năm 1912: Bánh Oreo được sản xuất lần đầu tiên bởi National Biscuit Company (sau này là Nabisco) vào cuối tháng 2 và chính thức bán ra vào ngày 16 tháng 3.
- Năm 1913: Oreo chính thức trở thành thương hiệu với tên gọi là “Oreo”
- Năm 1921: Tên gọi của sản phẩm được đổi thành “Oreo Sandwich”
- Năm 1948: Tên gọi tiếp tục được đổi thành “Oreo Chocolate Sandwich Cookie”
- Năm 1974: Tên gọi chính thức của bánh được xác nhận là: “Oreo Chocolate Sandwich Cookies”
- Năm 1974: Sản phẩm Double Stuf Oreo ra mắt đáp ứng nhu cầu của người dùng muốn được thưởng thức nhiều kem hơn
- Năm 1991: Giới thiệu Mini Oreo, loại bánh quy kẹp mini đầu tiên trên thị trường
- Năm 2000: Kraft Foods mua lại Nabisco và mở rộng Oreo thành thương hiệu toàn cầu. Oreo tiếp tục phát triển với những dòng bánh mới như bánh không đường, bánh hữu cơ, sản phẩm theo mùa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng
- Năm 2012: Oreo kỷ niệm 100 năm thành lập, khẳng định vị thế là một trong những thương hiệu bánh quy nổi tiếng nhất toàn cầu với sự hiện diện tại hơn 100 quốc gia
- Năm 2020: Doanh thu hàng năm của Oreo cán mốc 2 tỷ USD và tiếp tục phát triển qua từng năm cho tới thời điểm hiện tại
Sự cạnh tranh với Hydrox
Câu chuyện cạnh tranh thương hiệu của Hydrox và Oreo là một trong những câu chuyện thú vị nhất trong giới kinh doanh. Sự đối đầu này được ví như Pepsi và Coca-Cola của ngành bánh quy.
Hydrox là thương hiệu bánh quy kẹp kem được sản xuất bởi Sunshine Biscuits ra mắt vào năm 1908 (tức là trước 4 năm so với loại bánh quy của Oreo). Bánh quy kẹp kem Hydrox được xem là loại bánh quy kẹp kem đầu tiên trên thị trường. Tên gọi Hydrox được đặt dựa trên hai thành phần cấu tạo nên nước là Hydro và Oxi. Điều này nhằm thể hiện sự tinh khiết của dòng sản phẩm. Mặc dù vậy một số người cho rằng cái tên này có phần hơi “hóa học”.
Khi Oreo được giới thiệu vào năm 1912, thương hiệu đã liên tục bị cáo buộc là hàng nhái của Hydrox. Trong suốt những năm sau đó, Hydrox cũng không ngừng tuyên bố rằng Oreo chính là kẻ “mạo danh”. Tuy nhiên, với những chiến lược marketing đỉnh cao cùng với chiến lược cải tiến thiết kế, doanh số bán hàng của Oreo dần tăng trưởng, trong khi Hydrox dần trở nên lỗi thời, mất dần thị phần và kết cục bị chính Oreo “nuốt chửng”.
Năm 2015, Hydrox được công ty Leaf Brands tái phát hành và một lần nữa tham gia vào cuộc cạnh tranh với Oreo. Lần này Hydrox tập trung vào việc quảng bá sản phẩm với thông điệp “đừng ăn đồ nhái” để chỉ trích Oreo. Hydrox cũng nhấn mạnh rằng bánh Hydrox sử dụng đường mía thật và có thành phần tự nhiên hơn so với Oreo. Sự trở lại này đã giúp doanh số bán hàng của Hydrox tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2016-2017 mặc dù vẫn còn cách xa vị trí thống trị của Oreo.
Chiến lược marketing hiệu quả
Có thể nói, một trong những yếu tố giúp cho Oreo vượt xa được “bản chính” Hydrox ngoài việc tích cực thay đổi, cải tiến sao cho phù hợp với người tiêu dùng thì còn có công không nhỏ nhờ những chiến lược marketing hiệu quả.
1. Sản xuất những phiên bản bánh giới hạn
Oreo vô cùng thành công trong việc tùy chỉnh hương vị của bánh quy để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Thương hiệu này thường xuyên phát hành các phiên bản giới hạn, như bánh quy kỷ niệm dịp lễ Halloween với nhân màu cam, hoặc các hương vị độc đáo liên quan đến các sự kiện văn hóa, như phiên bản đặc biệt cho bộ phim “Game of Thrones”. Điều này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tạo ra mối liên hệ giữa sản phẩm và sở thích của người tiêu dùng, giúp thúc đẩy doanh số đáng kể.
2. Chiến dịch quảng cáo sáng tạo
Oreo nổi tiếng với câu slogan “Xoay bánh, nếm kem, chấm sữa” đã trở thành biểu tượng cho thương hiệu từ hàng chục năm nay. Các video quảng cáo và nội dung truyền thông mạng xã hội thường xuyên được cập nhật, giúp Oreo luôn giữ được độ nhận diện rộng rãi và tạo được sự mới mẻ với người tiêu dùng.
3. Tận dụng mạng xã hội
Oreo rất tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, nơi họ thường xuyên tương tác với người tiêu dùng thông qua các chiến dịch truyền thông sáng tạo. Ví dụ, trong tháng Pride, Oreo đã thay đổi màu sắc của bánh quy để ủng hộ cộng đồng LGBT+ và chia sẻ hình ảnh này trên mạng xã hội, tạo ra sự chú ý mạnh mẽ.
4. Tùy chỉnh hương vị sản phẩm
Oreo đã phát triển hơn 85 hương vị khác nhau trên toàn cầu, mỗi hương vị thường được thiết kế riêng cho từng thị trường cụ thể. Ví dụ, Oreo trà xanh được ra mắt tại Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi Oreo kem việt quất được phát hành tại Singapore. Những hương vị độc đáo như Oreo Wasabi ở Nhật Bản hay Oreo cánh gà nóng cũng đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
5. Chiến lược phân phối linh hoạt
Oreo đã xây dựng một hệ thống phân phối rộng lớn và hiệu quả, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận khách hàng. Thương hiệu này không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn mà còn mở rộng ra các cửa hàng nhỏ và nền tảng thương mại điện tử, đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm.
6. Kết nối cảm xúc người dùng qua storytelling
Oreo đã sử dụng storytelling để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn xung quanh sản phẩm của mình. Họ thường chia sẻ các video với độ dài khác nhau cùng với hình ảnh trên mạng xã hội, từ đó tạo ra sự kết nối cảm xúc với người tiêu dùng.
7. Hợp tác với những thương hiệu lớn
Oreo đã thực hiện nhiều sự hợp tác nổi bật, như việc kết hợp với Coca-Cola để phát hành sản phẩm mới có hương vị Coca-Cola và bánh quy Oreo có hương vị Coca-Cola. Sự kết hợp này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng. Bên cạnh Coca-Cola, Oreo từng hợp tác với những tên tuổi lớn như: Nhóm nhạc Blackpink, ca sĩ Lady Gaga, Pokémon,…
Những sự thật thú vị về Oreo
- Nguồn gốc cái tên Oreo: Một số giả thuyết cho rằng cái tên “Oreo” có thể bắt nguồn từ từ “Or” trong tiếng Pháp nghĩa là “vàng”, hoặc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đẹp”. Một số người lại cho rằng cái tên chỉ đơn giản là một sự sáng tạo ngẫu hứng.
- Thành phần khoa học hoàn hảo: Tỷ lệ giữa bánh quy và kem trong một chiếc Oreo truyền thống là 71% bánh quy và 29% kem, tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa vị ngọt và độ giòn.
- Hương vị chanh: Là hương vị đầu tiên được thêm vào Oreo ngoài hương vị truyền thống. Tuy nhiên sản phẩm đã bị ngừng sản xuất do không phù hợp với thị trường.
- Thiết kế độc đáo: Họa tiết trên bánh Oreo được cho là thiết kế bởi một người đưa thư tên William Turnier, với các chi tiết chính xác bao gồm 12 bông hoa, 12 chấm tròn và 12 gạch ngang.
- Cách thưởng thức khác nhau: Một nghiên cứu cho thấy 84% nam giới thích ăn Oreo nguyên chiếc, trong khi chỉ có 41% nữ giới thích tách bánh ra để thưởng thức kem trước.
- Mỗi chiếc bánh Oreo phải mất tới gần 1 giờ mới hoàn thành.
Oreo không chỉ là một loại bánh quy kẹp kem đơn thuần mà còn là biểu tượng văn hóa toàn cầu, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng qua nhiều thế hệ. Sự đổi mới liên tục và khả năng thích ứng với thị hiếu người tiêu dùng đã giúp Oreo duy trì sức hấp dẫn và trở thành lựa chọn yêu thích của hàng triệu người trên toàn thế giới hay cũng chính là chìa khóa giúp cho Oreo giành phần thắng trong cuộc chiến thị phần với đối thủ của mình là Hydrox. Chắc chắn rằng cuộc chiến giữa Oreo và Hydrox trong tương lai vẫn chưa ngừng lại. Hãy cùng BlogAnChoi đón chờ những câu chuyện thú vị tiếp theo về hai thương hiệu này nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây, hy vọng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ và đón đọc những bài viết tiếp theo của mình.
Khiếp giờ mới biết á trời