Cuối tháng 5/2025, cộng đồng người dùng Telegram tại Việt Nam bất ngờ “dậy sóng” trước thông tin ứng dụng này sẽ bị chặn truy cập theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cú sốc không chỉ đến từ việc một nền tảng quen thuộc biến mất, mà còn bởi rất nhiều người đặc biệt là dân văn phòng, freelancer hay các cộng đồng sáng tạo nội dung,… đã và đang sử dụng Telegram như một công cụ liên lạc, làm việc và lưu trữ dữ liệu hằng ngày. Trong bối cảnh Telegram chính thức “không còn đường lui” tại thị trường Việt Nam vì lý do liên quan đến việc không kiểm soát được nội dung bất hợp pháp, người dùng buộc phải đặt ra một câu hỏi không thể né tránh, rằng liệu còn nền tảng nào đủ tốt để thay thế cho Telegram trong công việc hay không?

Zalo – Ứng dụng nội địa duy nhất trong danh sách

Trong bối cảnh người dùng đang tìm kiếm giải pháp thay thế an toàn hơn cho Telegram, quả thật không thế không nhắc đến một ứng dụng mà người người, nhà nhà đều biết với cái tên “Zalo”. Đây là một ứng dụng “made in Vietnam”, quen thuộc với đại đa số người dùng trong nước từ học sinh, sinh viên, giáo viên cho đến dân công sở. Điều quan trọng hơn cả là Zalo được phát triển và vận hành hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, có độ ổn định cao và ít khi gặp trục trặc về kết nối.

Không đơn thuần chỉ là công cụ nhắn tin, Zalo hiện tại đã tích hợp nhiều tính năng phục vụ công việc như tạo nhóm, gửi tài liệu dung lượng lớn, gọi video, chia sẻ màn hình hay thậm chí sử dụng mini app để quản lý đơn hàng, chấm công hay đặt lịch… Với giao diện thân thiện và cộng đồng người dùng đông đảo, Zalo dễ dàng trở thành sự thay thế “thuận buồm xuôi gió” cho những ai vừa rời khỏi nền tảng Telegram.

Zalo luôn là lựa chọn số một của một bộ phận người dùng (Nguồn: Internet)
Zalo luôn là lựa chọn số một của một bộ phận người dùng (Nguồn: Internet)

WhatsApp – Đơn giản, hỗ trợ toàn cầu

Nếu bạn làm việc trong môi trường quốc tế hoặc thường xuyên phải giao tiếp với đối tác nước ngoài thì WhatsApp là một lựa chọn không thể hợp lý hơn. Là “con cưng” của Meta, giao diện thiết kế của WhatsApp tương đối đơn giản, dễ sử dụng cùng các tính năng bảo mật cao nhờ mã hóa đầu cuối. Việc tạo nhóm, gửi file, gọi thoại và video đều diễn ra mượt mà, ổn định.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là WhatsApp tại Việt Nam chưa quá phổ biến trong môi trường làm việc. Việc “dụ” đồng nghiệp hoặc đối tác trong nước chuyển sang dùng nền tảng này có thể mất kha khá thời gian. Nhưng nếu bạn cần một kênh phụ giao tiếp với khách hàng quốc tế thì WhatsApp lại là một “cầu nối” vô cùng đáng giá.

Giao diện ứng dụng WhatsApp (Nguồn: Internet)
Giao diện ứng dụng WhatsApp (Nguồn: Internet)

Signal – Khi bảo mật là yếu tố “sống còn”

Một cái tên nữa đang được cộng đồng quan tâm trong khoảng thời gian gần đây chính là Signal. Đây là một ứng dụng có mã nguồn mở được nhiều chuyên gia bảo mật đánh giá cao. Signal không thu thập dữ liệu người dùng, không quảng cáo và luôn đặt yếu tố quyền riêng tư lên hàng đầu. Với những ai hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm như tư vấn pháp lý, bảo mật thông tin, nghiên cứu,… thì Signal là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Tuy nhiên, vì chưa phổ biến tại Việt Nam nên việc sử dụng Signal vẫn mang tính “nội bộ” nhiều hơn là đại trà. Nếu bạn và nhóm của mình cùng chia sẻ giá trị về sự riêng tư và bảo mật thì Signal sẽ là một phương án thay thế rất đáng để thử nghiệm.

Giao diện phần nhắn tin của ứng dụng Signal (Nguồn: Internet)
Giao diện phần nhắn tin của ứng dụng Signal (Nguồn: Internet)

Viber – “Nhân tố cũ” đáng gờm có khả năng quay trở lại?

Viber trước đây đã từng “làm mưa làm gió” tại Việt Nam cho đến khi bị Zalo vượt mặt. Giờ đây, dù không còn được nhắc đến nhiều, nhưng Viber vẫn là một nền tảng ổn định, có đầy đủ các tính năng cơ bản như gọi nhóm, nhắn tin, gửi file, chia sẻ ảnh và video. Giao diện của Viber cũng thân thiện và dễ dùng, đặc biệt phù hợp với những nhóm nhỏ hoặc cộng đồng gia đình – bạn bè.

Một điểm cộng của Viber là hỗ trợ gọi quốc tế với giá cước khá rẻ – một lợi thế rõ ràng so với các đối thủ khác trong danh sách này.

Tài khoản Viber Business Messages cho phép doanh nghiệp nhắn tin cho khách hàng bằng số điện thoại của họ (Nguồn: Internet)
Tài khoản Viber Business Messages cho phép doanh nghiệp nhắn tin cho khách hàng bằng số điện thoại của họ (Nguồn: Internet)

Microsoft Teams và Slack – “Chuyên gia” trong môi trường doanh nghiệp

Với những ai cần một nền tảng không chỉ để trò chuyện mà còn để quản lý công việc một cách bài bản, Microsoft Teams và Slack chính là hai công cụ nổi bật nhất. Không đơn thuần là ứng dụng nhắn tin, chúng còn được tích hợp mạnh mẽ với các phần mềm khác như Google Workspace, Microsoft 365 hay Notion… giúp việc làm việc nhóm, chia sẻ dữ liệu và quản lý dự án trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Điểm yếu duy nhất của của chúng có lẽ chính là giá thành. Cả Teams và Slack đều có phiên bản miễn phí, nhưng để tận dụng hết những tính năng nâng cao, bạn sẽ phải bỏ ra một khoản phí không nhỏ – Điều có thể khiến các startup hoặc nhóm làm việc tự do phải cân nhắc.

Bài học từ Telegram

Câu chuyện Telegram rời khỏi thị trường Việt Nam là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả cộng đồng người dùng lẫn nhà phát triển ứng dụng. Dù được yêu thích vì tốc độ, sự tiện lợi và các tính năng nâng cao, nhưng việc không tuân thủ quy định quản lý nội dung đã khiến Telegram đánh mất thị phần lớn tại một quốc gia đông dân như Việt Nam.

Khi một cánh cửa đóng lại, nhiều lựa chọn khác đang chờ

Không thể phủ nhận sự hụt hẫng khi Telegram “rút lui”, nhưng cũng không thiếu những cánh cửa khác đang mở ra chờ đón người dùng “chạm tới”. Từ Zalo – thân quen và tiện lợi, đến WhatsApp – phổ biến toàn cầu, hay Signal – bảo mật tuyệt đối, mỗi ứng dụng đều có thế mạnh riêng, sẵn sàng để phục vụ chúng ta trong công việc và học tập. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ nhu cầu của mình để chọn nền tảng phù hợp nhất.

Xem thêm

Snapdragon 8 Elite 2 so tài Dimensity 9500: Đâu mới là kẻ thắng cuộc?

Trong thế giới công nghệ, chip xử lý luôn được xem như “bộ não” của mọi thiết bị di động. Nó không chỉ quyết định tốc độ đóng mở ứng dụng hay khả năng chiến game mà còn định hình cả cách bạn chụp ảnh, xử lý các tác vụ nặng hay dùng AI,...Thế nên, mỗi khi xuất hiện ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận