Tại sự kiện MWC 2025, Nothing tiếp tục mang đến hai chiếc smartphone đầy cá tính: Nothing Phone (3a) và Phone (3a) Pro. Thoạt nhìn, chúng trông gần như giống hệt nhau với thiết kế trong suốt đặc trưng, hệ thống đèn LED Glyph và phần mềm tối giản. Tuy nhiên, sự khác biệt về camera, và một số tính năng khác khiến nhiều người phân vân: Liệu có đáng bỏ thêm tiền để mua bản Pro không? Nếu bạn cũng đang lăn tăn về điều này, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.
- Thiết kế và cảm giác cầm nắm
- Màn hình: Chất lượng hiển thị như nhau trên cả hai mẫu máy
- Camera: Sự khác biệt nằm ở khả năng zoom và chụp selfie
- Hiệu năng: Đủ dùng nhưng không quá mạnh
- Phần mềm: Sạch sẽ, tối giản và được hỗ trợ lâu dài
- Pin và Sạc: Cả hai máy không có nhiều khác biệt
- Giá bán: Nothing Phone (3a) vẫn là lựa chọn hợp lý hơn
Thiết kế và cảm giác cầm nắm
Cả Nothing Phone (3a) và Phone (3a) Pro đều giữ nguyên phong cách thiết kế mặt lưng trong suốt đặc trưng, tạo nên vẻ ngoài khác biệt so với hầu hết smartphone trên thị trường. Nếu bạn thích một chiếc điện thoại có phong cách độc đáo, đây chắc chắn là một điểm cộng đáng giá.
Về cảm giác cầm nắm, Phone (3a) Pro nặng hơn một chút, ở mức 211g so với 201g trên Phone (3a). Dù chênh lệch không lớn, nhưng nếu bạn thích một thiết bị nhẹ nhàng hơn để sử dụng lâu mà không mỏi tay, bản thường sẽ là lựa chọn dễ chịu hơn. Cả hai mẫu đều có chuẩn kháng bụi và nước IP64, tức là chống bụi hoàn toàn và chịu được các giọt nước bắn vào từ mọi hướng, nhưng không thể ngâm nước. Nếu bạn mang máy đến những nơi như bãi biển, hồ bơi hoặc khu vực có độ ẩm cao, hãy cẩn thận hơn để tránh hỏng hóc không mong muốn.

Về khe SIM, Nothing Phone (3a) hỗ trợ hai SIM nano, trong khi bản Pro có thêm eSIM. Nếu bạn thường xuyên di chuyển, hay thay đổi SIM khi đi du lịch hoặc công tác, bản Pro sẽ mang lại sự tiện lợi hơn.
Màn hình: Chất lượng hiển thị như nhau trên cả hai mẫu máy
Cả Nothing Phone (3a) và Phone (3a) Pro đều được trang bị màn hình AMOLED 6.77 inch với độ phân giải FHD+, tần số quét 120Hz và hỗ trợ HDR10+, mang đến trải nghiệm hiển thị mượt mà, màu sắc rực rỡ và độ tương phản cao. Đặc biệt, màn hình này có độ sáng tối đa lên đến 3000 nits, giúp bạn nhìn rõ ngay cả khi sử dụng dưới ánh nắng gắt.

Lớp kính bảo vệ là Panda Glass, một lựa chọn ít phổ biến hơn so với Gorilla Glass nhưng vẫn đủ cứng cáp để chống trầy xước và va đập nhẹ trong quá trình sử dụng hàng ngày. Nếu bạn đang mong chờ bản Pro có màn hình xịn hơn, thì tin buồn là cả hai đều giống hệt nhau. Vì vậy, nếu bạn chỉ quan tâm đến chất lượng hiển thị, bản tiêu chuẩn đã đủ đáp ứng tốt.
Camera: Sự khác biệt nằm ở khả năng zoom và chụp selfie
Cả Nothing Phone (3a) và Phone (3a) Pro đều sở hữu hệ thống ba camera ở mặt sau. Camera chính có độ phân giải 50MP, được tích hợp chống rung quang học (OIS) giúp chụp ảnh sắc nét hơn, đặc biệt trong điều kiện thiếu sáng hay khi quay video. Camera góc siêu rộng 8MP hỗ trợ chụp phong cảnh hoặc ảnh nhóm với khung hình rộng hơn, giúp ghi lại nhiều chi tiết hơn trong một khung hình.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở camera tele. Nothing Phone (3a) chỉ có camera tele 50MP với khả năng zoom quang học 2x, trong khi bản Pro được nâng cấp lên camera tele tiềm vọng 50MP với zoom quang học 3x. Điều này giúp Phone (3a) Pro chụp ảnh từ xa tốt hơn, giữ được nhiều chi tiết hơn mà không bị vỡ hình. Camera tele của bản Pro cũng có cảm biến lớn hơn, giúp thu sáng tốt hơn và cải thiện chất lượng ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu.
Camera selfie cũng có sự khác biệt đáng kể. Phone (3a) chỉ có camera trước 32MP, hỗ trợ quay video tối đa 1080p. Trong khi đó, Phone (3a) Pro được nâng cấp lên camera 50MP, có thể quay video 4K, giúp hình ảnh sắc nét và chi tiết hơn. Với những ai thường xuyên chụp ảnh selfie hoặc quay vlog, bản Pro chắc chắn mang lại trải nghiệm vượt trội hơn.

Nhìn chung, nếu chỉ cần một chiếc điện thoại chụp ảnh cơ bản, Phone (3a) đã đáp ứng tốt nhu cầu. Nhưng nếu yêu cầu cao hơn về khả năng chụp xa và chất lượng camera selfie, Phone (3a) Pro là lựa chọn đáng cân nhắc.
Hiệu năng: Đủ dùng nhưng không quá mạnh
Cả Nothing Phone (3a) và Phone (3a) Pro đều được trang bị vi xử lý Snapdragon 7s Gen 3, một con chip tầm trung khá ổn nhưng không thuộc hàng mạnh mẽ nhất. Nếu bạn mong chờ một hiệu năng bùng nổ như trên các flagship, có lẽ sẽ hơi thất vọng, nhưng với nhu cầu sử dụng hàng ngày như lướt web, xem YouTube, sử dụng mạng xã hội hay xử lý các tác vụ nhẹ, con chip này hoàn toàn đáp ứng tốt.
Về bộ nhớ, Phone (3a) có 8GB RAM chuẩn LPDDR4x, đi kèm với hai tùy chọn bộ nhớ trong 128GB hoặc 256GB. Trong khi đó, bản Pro nhỉnh hơn một chút với tùy chọn RAM 8GB hoặc 12GB, nhưng vẫn chỉ có duy nhất phiên bản bộ nhớ 256GB. Cả hai đều sử dụng chuẩn lưu trữ UFS 2.2, không nhanh bằng UFS 3.1 hay 4.0 trên các flagship, nên tốc độ mở ứng dụng, sao chép dữ liệu hay load game sẽ không thể sánh bằng các dòng cao cấp.

Về khả năng chơi game, Snapdragon 7s Gen 3 vẫn có thể xử lý tốt những tựa game phổ biến như Liên Quân Mobile, PUBG Mobile hay Call of Duty Mobile ở mức đồ họa trung bình đến cao. Tuy nhiên, với các game nặng như Genshin Impact, bạn chỉ có thể chơi ổn định ở thiết lập trung bình, còn nếu cố bật đồ họa cao nhất thì FPS sẽ không mượt mà. Nếu bạn là một game thủ hardcore, đây có thể là một điểm cần cân nhắc, vì Nothing Phone 3a và 3a Pro không phải là những mẫu điện thoại sinh ra để chiến game ở mức tối đa.
Nhìn chung, hiệu năng của cả hai máy đủ dùng cho hầu hết nhu cầu cơ bản và giải trí nhẹ nhàng. Nếu bạn chỉ cần một chiếc điện thoại mượt mà cho các tác vụ hàng ngày, Phone 3a hoàn toàn đáp ứng tốt. Còn nếu bạn muốn có thêm một chút RAM để đa nhiệm tốt hơn, bản Pro sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Phần mềm: Sạch sẽ, tối giản và được hỗ trợ lâu dài
Cả Nothing Phone (3a) và Phone (3a) Pro đều chạy Nothing OS 3.1 trên nền Android 15, mang đến một trải nghiệm mượt mà, tối giản và không bị làm phiền bởi những ứng dụng rác. Nếu bạn đã quá quen với những chiếc smartphone đầy rẫy bloatware, quảng cáo hay các tùy biến nặng nề, thì Nothing OS sẽ mang đến một làn gió mới với giao diện thuần Android nhưng vẫn có những nét tinh chỉnh đặc trưng của Nothing.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất là Nothing cam kết hỗ trợ cập nhật phần mềm lâu dài, với 3 năm cập nhật Android lớn và 6 năm cập nhật bảo mật. Đây là con số ấn tượng nhất từ trước đến nay của hãng, ngang tầm với nhiều dòng flagship trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc dù bạn chọn bản thường hay bản Pro, cả hai đều sẽ được cập nhật lâu dài, giúp kéo dài tuổi thọ thiết bị và đảm bảo an toàn trước các nguy cơ bảo mật mới.
Nếu bạn thích sự gọn gàng, không muốn điện thoại bị nhồi nhét ứng dụng rác, và cần một thiết bị hoạt động ổn định theo thời gian mà không lo bị bóp hiệu năng hay quảng cáo làm phiền, thì Nothing OS chắc chắn là một điểm cộng lớn.
Pin và Sạc: Cả hai máy không có nhiều khác biệt
Cả hai mẫu đều được trang bị viên pin dung lượng 5000mAh, kết hợp với công nghệ sạc nhanh 50W. Theo công bố từ hãng, bạn có thể sạc đầy 100% chỉ trong chưa đầy một giờ, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian chờ đợi.
Về thời lượng pin, con chip Snapdragon 7s Gen 3 có mức tiêu thụ điện năng khá tối ưu, nên nếu bạn chỉ dùng các tác vụ thông thường như lướt web, xem YouTube hay nhắn tin, máy hoàn toàn có thể trụ vững cả ngày dài mà không cần sạc giữa chừng. Tuy nhiên, nếu chơi game nặng hoặc quay video liên tục, thời gian sử dụng sẽ rút ngắn đáng kể.

Điểm đáng tiếc là cả hai mẫu đều không hỗ trợ sạc không dây – một tính năng mà một số đối thủ cùng phân khúc vẫn có. Nếu bạn đã quen với sự tiện lợi của việc đặt máy lên đế sạc mà không cần cắm dây, đây có thể là một điểm trừ nhỏ cần cân nhắc.
Giá bán: Nothing Phone (3a) vẫn là lựa chọn hợp lý hơn
Nothing Phone (3a) có giá khoảng 6.8 triệu đồng cho bản 8GB + 128GB và 7.4 triệu đồng cho bản 8GB + 256GB. Trong khi đó, Nothing Phone (3a) Pro đắt hơn kha khá, với giá từ 8.3 triệu đồng cho bản 8GB + 128GB, 8.9 triệu đồng cho bản 8GB + 256GB và lên tới 9.5 triệu đồng cho bản 12GB + 256GB.
Mức chênh lệch 1.5 đến 2 triệu đồng không hề nhỏ, trong khi sự khác biệt lớn nhất chỉ nằm ở camera tele và camera selfie. Nếu bạn cần một chiếc smartphone đẹp, hiệu năng ổn, pin khỏe, Nothing Phone (3a) là lựa chọn hợp lý hơn. Khoản tiền tiết kiệm có thể dùng để mua thêm phụ kiện hoặc nâng cấp trải nghiệm theo cách khác thay vì chỉ đổi lấy một chút nâng cấp về camera.
Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy để lại bình luận giúp mình biết nhé.