Bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng nặng nề cho tim mạch và thần kinh hay biến chứng ở mắt, ở thận như suy giảm chức năng thận và rối loạn chức năng miễn dịch. Vậy, muốn biết nhu cầu các chất dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường là gì thì cùng BlogAnChoi đọc hết bài này nha!
Thiếu cân hay thừa cân đều gây tác động tiêu cực đến bệnh đái tháo đường. Chính vì vậy, chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường cần cung cấp đủ năng lượng để duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tùy theo mức độ hoạt động thể lực mà nhu cầu năng lượng để duy trì cân nặng hiện tại được tính khác nhau.
Nhu cầu các chất dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường
Chất bột đường (glucose)
Chất bột đường nên cung cấp khoảng 50-60% tổng nhu cầu năng lượng. Đường đơn giản vẫn được xem là một phần của chế độ ăn lành mạnh, tuy nhiên lượng đường đơn giản không nên vượt quá 10% tổng nhu cầu năng lượng một ngày.
Hàm lượng đường đơn giản trong một số thực phẩm thông dụng
- 1 đơn vị rau (80g rau) cung cấp khoảng 2g đường đơn giản.
- 1 đơn vị trái cây (80g trái cây) cung cấp khoảng 6g đường đơn giản.
- 100ml sữa không đường cung cấp khoảng 3g đường đơn giản.
- 1 muỗng cà phê đường cát cung cấp khoảng 6g đường đơn giản.
- 1 viên kẹo cung cấp khoảng 3g đường đơn giản.
- 1 lon nước ngọt 330ml cung cấp khoảng 36g đường đơn giản.
Bệnh nhân đái tháo đường có cần loại bỏ đường đơn giản?
Các nghiên cứu gần đây cho thấy nếu đường đơn giản dưới 10% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày sẽ không làm rối loạn kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Bởi vậy, đường đơn giản, đặc biệt là đường từ trái cây và sữa, vẫn được xem là một phần của chế độ ăn lành mạnh.
Ví dụ nhu cầu năng lượng một ngày là 1500kcal thì:
- Tổng năng lượng tối đa cung cấp từ đường đơn giản = 1500 x 10% = 150 kcal/ngày
- Tổng lượng đường đơn giản tối đa = 150 / 4 = 37,5 g/ngày do 1g đường cung cấp 4kcal
Theo khuyến nghị, mỗi ngày, một người trưởng thành cần 3 đơn vị rau (240g), 3 đơn vị trái cây (240g) và 3 đơn vị sữa (300ml). Như vậy, tổng lượng đường đơn giản từ rau, trái cây và sữa = (2 x 3) + (6 x 3) + (3 x 3) = 33 g/ngày.
Vậy, lượng đường đơn giản từ đường cho thêm vào = 37,5 – 33 = 4,5 g/ngày, 2/3 muỗng cà phê đường cát. Hàm lượng này chỉ vừa đủ cho bệnh nhân đái tháo đường nêm nếm trong các món ăn hằng ngày.
Chất đạm (Protein)
Nhu cầu chất đạm cho bệnh nhân đái tháo đường cũng tương tự như người bình thường, khoảng 15-20% tổng nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đái tháo đường mắc kèm những bệnh khác như suy thận thì nhu cầu chất đạm cần giảm bớt đi.
Chất béo (Lipid)
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu chất béo có thể làm giảm khả năng dung nạp glucose, thúc đẩy béo phì, rối loạn mỡ máu và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Do đó, chất béo chỉ nên cung cấp dưới 30% tổng nhu cầu năng lượng.
Ví dụ về nhu cầu các chất dinh dưỡng sinh năng lượng cho bệnh nhân đái tháo đường
Ví dụ nhu cầu năng lượng một ngày là 1500kcal thì:
- Năng lượng cung cấp từ chất bột đường = 1500 x 55% = 825 kcal/ngày
- Nhu cầu chất bột đường = 825 / 4 = 206 g/ngày vì 1g chất bột đường cung cấp 4kcal
- Năng lượng cung cấp từ chất đạm = 1500 x 20% = 300 kcal/ngày
- Nhu cầu chất đạm = 300 / 4 = 75 g/ngày vì 1g chất đạm cung cấp 4kcal
- Năng lượng cung cấp từ chất béo = 1500 x 25% = 375 kcal/ngày
- Nhu cầu chất béo = 375 / 9 = 42 g/ngày vì 1g chất béo cung cấp 9kcal
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:
- Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường giúp người bệnh giảm triệu chứng và tránh biến chứng
- Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường cần phát hiện sớm
- 6 món ăn nhẹ giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện sức khỏe
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha! Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Hà Nội (2016) – Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Nhà xuất bản Y học.
Hay quá :)))