Bạn muốn thiết lập hệ thống nhà thông minh cho gia đình của mình nhưng không biết nên chọn hãng nào? Hiện nay trên thị trường có nhiều nền tảng giúp điều khiển các thiết bị nhà thông minh một cách tiện lợi, bao gồm các thương hiệu lớn như Amazon, Google, Samsung, Apple và Home Assistant. Hãy cùng tìm hiểu một số yếu tố quan trọng mà bạn cần xem xét để lựa chọn nền tảng nhà thông minh phù hợp nhé!
Nền tảng tương thích với các thiết bị hiện có của bạn
Đầu tiên bạn cần xem xét các thiết bị hiện có trong nhà, đặc biệt là điện thoại của bạn sẽ giúp thu hẹp các lựa chọn. Mặc dù hầu hết các nền tảng nhà thông minh hiện nay đều có khả năng tương thích với thiết bị của nhiều hãng khác nhau nhưng có một số trường hợp cần lưu ý như Apple HomeKit không hoạt động được với điện thoại Android, do đó những người sử dụng điện thoại Android trong gia đình bạn sẽ không thể kết nối với nền tảng này.
Ngoài ra bạn cũng nên xem xét các thiết bị thông minh khác trong nhà, ví dụ nếu bạn đang sở hữu các thiết bị của một hãng cụ thể như Google hoặc Amazon thì việc bổ sung thêm nền tảng nhà thông minh của hãng đó sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Trải nghiệm sử dụng dễ dàng và thuận tiện
Trải nghiệm dễ sử dụng và tiện lợi là lý do chủ yếu khiến nhiều người muốn thiết lập hệ thống nhà thông minh. Các nền tảng nhà thông minh của các hãng khác nhau sẽ mang đến trải nghiệm khác nhau mà bạn có thể cảm thấy thoải mái hoặc không.
Ví dụ: nền tảng Home Assistant cho phép người dùng tùy chỉnh chuyên sâu nhưng có thể hơi phức tạp đối với những người không rành về công nghệ. Trong khi đó các nền tảng khác không cho phép tùy chỉnh nâng cao nhưng có giao diện trực quan và dễ hiểu giúp người dùng có thể dễ dàng thiết lập và quản lý các thiết bị nhà thông minh trong gia đình.
Chi phí thiết lập và vận hành
Mặc dù chi phí không phải là yếu tố quyết định khi chọn nền tảng nhà thông minh nhưng bạn cũng nên cân nhắc số tiền để đầu tư cho hệ thống. Các nền tảng của Google và Amazon hoàn toàn miễn phí sử dụng và việc mua thêm thiết bị trung tâm điều khiển Google Nest Hub hoặc loa thông minh Amazon Echo là không bắt buộc. Trong khi đó các hãng khác yêu cầu người dùng phải mua thiết bị trung tâm điều khiển hoặc trả phí đăng ký hàng tháng để được sử dụng đầy đủ chức năng.
Đối với thiết lập nhà thông minh ở mức độ cơ bản, bạn sẽ thấy rằng các hãng miễn phí có nhiều ưu điểm hơn. Ngoài ra các thiết bị trung tâm điều khiển nhà thông minh của Apple như HomePod và Apple TV có giá rất đắt so với hãng khác trên thị trường, vì vậy nếu bạn không sử dụng nhiều thiết bị của Apple thì chọn các nền tảng khác là hợp lý hơn.
Trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói
Việc lựa chọn nền tảng nhà thông minh sẽ dễ dàng hơn nếu bạn đã quen sử dụng một trợ lý ảo nhất định. Ví dụ nhiều người thích Trợ lý Google vì có thể điều chỉnh linh hoạt, hay trợ lý ảo Alexa của Amazon có khả năng kể chuyện cười, hoặc trợ lý ảo Siri của Apple đôi khi không nhận dạng được giọng nói của người dùng nhưng khiến nhiều người cảm thấy hài hước.
Nền tảng nhà thông minh Samsung SmartThings có thể hoạt động với cả trợ lý Google và Alexa, trong khi nền tảng Home Assistant có trợ lý riêng tên là Assist có thể hoạt động với các thiết bị Apple và Android.
Nền tảng được phát triển và nâng cấp thường xuyên
Nếu bạn muốn đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc cho hệ thống nhà thông minh thì phải đảm bảo rằng hệ thống đó sẽ hoạt động lâu dài và không xảy ra trục trặc bất ngờ khiến bạn phải tìm giải pháp thay thế.
Mặc dù không thể biết chắc nền tảng nào sẽ tồn tại và phát triển lâu dài nhưng có một số dấu hiệu cần lưu ý. Ví dụ Google có thói quen dừng phát triển sản phẩm khá sớm, trong khi trợ lý ảo Siri của Apple thường chậm cập nhật tính năng mới so với các hãng khác. Amazon có vẻ là thương hiệu uy tín trong lĩnh vực nhà thông minh, và nền tảng Home Assistant là nguồn mở nên khả năng cao là sẽ phát triển lâu dài. Hãy xem xét cẩn thận tất cả những điều này kết hợp với các yếu tố khác trước khi quyết định lựa chọn nền tảng nhà thông minh phù hợp.
Các tính năng bổ sung của nền tảng
Cuối cùng, bạn nên xem xét các chức năng bổ sung được hỗ trợ bởi nền tảng nhà thông minh, ví dụ như có những thiết bị thông minh nào tương thích với nền tảng, khả năng tích hợp được hỗ trợ như thế nào, có chức năng lập trình tự động phức tạp hay không, việc mở rộng các tính năng mặc định có dễ dàng hay không, nền tảng có cung cấp khả năng kiểm soát cục bộ hay hoàn toàn phụ thuộc vào kết nối Internet, v.v. Có thể bạn sẽ không cần dùng hết những tính năng này, nhưng chúng là dấu hiệu cho thấy nền tảng nhà thông minh có chất lượng tốt và hoạt động ổn định qua thời gian dài.
Tuy nhiên nếu mọi việc suôn sẻ thì việc lựa chọn nền tảng nhà thông minh sẽ không còn quan trọng trong một vài năm nữa với sự phát triển của tiêu chuẩn Matter. Đó là tiêu chuẩn thống nhất của các hãng Samsung, Amazon, Google và Apple cho phép các thiết bị nhà thông minh của các hãng khác nhau có thể kết nối và giao tiếp với nhau. Mặc dù hiện tại Matter vẫn chưa hoạt động hoàn hảo và có nhiều vấn đề cần cải thiện nhưng nó sẽ cho phép điều khiển nhiều loại thiết bị với bất kỳ nền tảng nhà thông minh nào mà bạn lựa chọn.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Đèn thông minh Nanoleaf Umbra Cup: Trang trí đẹp mắt cho phòng của bạn với ánh sáng đổi màu độc lạ
- So sánh các tính năng AI của Photoshop và Lightroom: Phần mềm chỉnh sửa ảnh nào tốt hơn?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Bạn có nhận xét gì về bài viết này không? Chia sẻ với mình nha.