Microsoft ngày càng tiến sâu vào cuộc đua phát triển trợ lý ảo AI, và mục tiêu của họ bây giờ là vượt mặt ChatGPT. Vậy tại sao công cụ trí tuệ nhân tạo Bing Chat của họ lại được đổi tên thành Copilot?
Các công cụ AI đang phát triển ngày càng nóng và tất cả những ông lớn công nghệ trên thế giới đều đang tìm cách tận dụng chúng. Microsoft không lạ gì với việc tạo ra các công cụ AI, nhưng hiện tại công ty này đang nỗ lực hết sức để vượt qua các đối thủ, đặc biệt là ChatGPT. Một bước đi trong chiến lược đó là việc họ đã đổi tên Bing Chat thành Copilot. Nhưng động thái này không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi.
Chuyện gì đang xảy ra với Bing Chat?
Trang Financial Times đưa tin rằng Microsoft đang thực hiện các thay đổi đối với dịch vụ AI của mình là Bing Chat. Trước đây người dùng chỉ có thể truy cập dịch vụ này thông qua công cụ tìm kiếm Bing trên trình duyệt web, nhưng giờ đây chức năng trợ lý AI của nó đã mở rộng ra khỏi Bing và Microsoft thông báo rằng Bing Chat sẽ được đổi tên thành “Copilot”. Điều này khiến nó trở nên giống với các công cụ AI khác của Microsoft trên các hệ thống khác.
Công cụ Copilot mới có giống với Bing Chat cũ không?
Theo nghiên cứu của trang Mashable, sự thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến người dùng thông thường. Khác biệt lớn nhất là Copilot có địa chỉ URL riêng: https://copilot.microsoft.com/.
Nếu bạn đã quen dùng Bing Chat thì bây giờ sẽ nhận thấy giao diện người dùng trông hơi khác một chút, ngoài ra Copilot cung cấp gói bảo mật dữ liệu tốt hơn dành cho người dùng Doanh nghiệp. Nhưng khi so sánh về chức năng và cách sử dụng thì Copilot khá giống với Bing Chat.
Tại sao Microsoft đổi tên Bing Chat thành Copilot?
Thoạt nhìn đây có vẻ chỉ là một thay đổi không đáng kể đối với Microsoft, nhưng thực ra nó chỉ là một phần nhỏ nằm trong một ké hoạch lớn của công ty này nhằm cạnh tranh với ChatGPT.
Cái tên “Copilot” rất quen thuộc với người dùng Windows 11, đó chính là tên của trợ lý AI được tích hợp trong hệ điều hành. Và theo trang XDA Developers, Microsoft sẽ bổ sung Copilot vào Windows 10. Điều này có nghĩa là người dùng Windows sẽ được sử dụng trợ lý AI của Microsoft theo mặc định mà không cần tải thêm bất cứ thứ gì.
Mục tiêu của Microsoft có thể là biến Copilot trở thành trợ lý AI tiện lợi nhất cho người dùng Windows. Thậm chí nếu mọi việc diễn ra đúng theo kế hoạch, người dùng sẽ không cần mở trình duyệt web khi muốn chat với AI giống như Bing Chat trước đây, thay vào đó chúng ta sẽ sử dụng Copilot với đầy đủ các chức năng AI hữu ích.
Điều này có vẻ tuyệt vời đối với Microsoft, nhưng lại không may cho những người không sử dụng hệ điều hành Windows 10 và 11. Do đó việc đổi tên Bing Chat thành Copilot sẽ giúp quảng bá thương hiệu của Microsoft đến những người không dùng Windows, vì giờ đây họ chỉ cần tải thêm một trình duyệt web để truy cập nó.
Copilot có thể vượt qua ChatGPT không?
Động thái này là một bước đi thông minh của Microsoft. Việc hợp nhất các công cụ AI dưới tên chung Copilot giúp người dùng không bị bối rối và giúp khẳng định thương hiệu này là một trong những đối thủ mạnh nhất trong cuộc cạnh tranh trợ lý AI.
Nhưng nếu muốn Copilot duy trì được sức hút lâu dài, Microsoft cần phải làm 2 việc: thuyết phục người dùng rằng chatbot này thực sự hữu ích, và không quá lạm dụng việc kiếm tiền.
Tính hữu dụng của AI hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hoạt động của nó khi người dùng đưa ra yêu cầu. Công ty có thể quảng cáo chatbot của họ rất tốt, nhưng nếu AI thường xuyên đưa ra câu trả lời sai hoặc vô nghĩa thì mọi người sẽ bỏ nó để chuyển sang những lựa chọn thay thế tốt hơn.
Bên cạnh đó, mặc dù có vẻ thuận tiện khi người dùng Windows có thể truy cập vào Copilot không cần trình duyệt, nhưng đây không phải lần đầu tiên Microsoft tích hợp các ứng dụng và dịch vụ quan trọng vào hệ điều hành của họ. Ví dụ: công cụ Clipchamp được đưa vào Windows để người dùng không cần tải phần mềm chỉnh sửa video khác, nhưng sau đó lại gây thất vọng vì chính sách kiếm tiền quá mức của nó.
Microsoft là một công ty hoạt động vì lợi nhuận nên có thể họ sẽ tìm cách kiếm tiền từ Copilot vào một lúc nào đó. Nếu không có kế hoạch hợp lý, họ sẽ khiến người dùng quay lưng với Copilot trước khi công cụ này phát triển đủ mạnh để có thể cạnh tranh với ChatGPT.
Tóm lại
Microsoft đã xác định Copilot là sản phẩm chủ đạo của họ trên thị trường trợ lý AI, và người dùng đang chờ xem họ có thể thực sự đánh bại ChatGPT hay không. Tuy nhiên Microsoft cần phải thận trọng khi triển khai Copilot nếu không muốn mọi người chuyển sang các ứng dụng AI khác.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- So sánh ChatGPT và Bing AI: 10 điểm khác biệt quan trọng bạn cần biết
- 6 công cụ chatbot AI cực thông minh có thể thay thế ChatGPT
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mình rất mong muốn được nghe suy nghĩ của các bạn về chủ đề này, hãy để lại comment nhé.