Là một bộ môn nghệ thuật phổ biến, phim ảnh luôn “thu nhặt” những chất liệu từ chính hiện thực đời sống để xây dựng thành thước phim đưa lên màn ảnh, qua đó gửi gắm những thông điệp sâu sắc về con người và cuộc đời. Bên cạnh những câu chuyện cảm động về tình thân, tình yêu hay những bài học quý giá về tình người, không ít nhà làm phim lựa chọn các chủ đề nhức nhối, nhạy cảm của xã hội để tái hiện trước mắt người xem những mảnh đời, những câu chuyện gần gũi, chân thật khiến khán giả phải tự suy ngẫm để rồi từ đó rút ra những bài học cho riêng mình.
Từ lâu, câu chuyện nơi học đường với những vấn đề nhạy cảm đã được không ít nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Với góc nhìn chân thật, đánh thẳng vào những mặt trái đầy “nhức nhối” của chốn học đường, hẳn những bộ phim sau đây sẽ khiến nhiều khán giả phải suy tư sau khi xem xong.
Phương pháp giáo dục chưa đúng đắn
Ngay khi đề cập đến vấn đề giáo dục thì tuyệt phẩm 3 Idiots (2009) của Ấn Độ sẽ là một cái tên tiêu biểu mà không thể không nhắc tới. Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Rancho cùng tình bạn thân thiết của anh với Farhan và Raju. Trong khi Farhan và Raju lúc nào cũng chật vật với con đường mà mình đã chọn, hay đúng hơn là con đường gia đình họ định hướng sẵn thì Rancho là một chàng trai thông minh, lạc quan, hòa đồng và luôn sống hết mình với những đam mê và lý tưởng to lớn. Chính chàng trai Rancho thông minh này đã thay đổi số phận của những người anh yêu quý theo hướng tích cực và tốt đẹp hơn. Đồng thời, anh cũng là người tiên phong trong việc chống lại những phương pháp, ý niệm học tập máy móc vốn đã lạc hậu ở ngôi trường mà mình đang theo học.
3 Idiots phản ánh rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ tuổi trẻ, niềm đam mê, tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình cho đến chuyện học hành và rộng hơn là cả nền giáo dục Ấn Độ. Có thể nói, bộ phim là hồi chuông cảnh tỉnh đánh thẳng vào nền giáo dục nặng nề về lý thuyết, coi trọng điểm số và thượng tôn bằng cấp mà đại diện cho nền giáo dục ấy chính là thầy hiệu trưởng Viru Sahastrabudhhe – một người hiếu thắng, cố chấp và lạc hậu.
Hệ thống giáo dục ưa sách vở, nơi sinh viên như những con rô-bốt chỉ biết “bắt chước” nguyên xi những lời của thầy cô mà người đi ngược lại dòng chảy sẽ bị đuổi ra khỏi lớp như trường hợp của nhân vật chính Rancho. Những người không chịu được áp lực quá lớn từ điểm số, bằng cấp thì chỉ biết tìm đến những cách giải thoát tiêu cực như treo cổ, nhảy lầu như chàng sinh viên Joy, Raju hay cả con trai của thầy hiệu trưởng.
Bạo lực học đường
Một mặt trái cũng rất phổ biến trong chốn học đường hiện nay chính là các hành vi bạo lực mà mỗi khi nhắc tới, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những trận ẩu đả, đánh đấm khốc liệt của học sinh. Tuy vậy, ở một góc độ rộng hơn, bạo lực học đường còn có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục hay thậm chí là ngôn ngữ diễn ra nơi trường học. Nhiều bộ phim khai thác chủ đề này có thể kể đến như Mean Girls (2004), Crows Zero (2007), Carrie (2013)…
Trong đó, Crows Zero là một bộ phim của điện ảnh Nhật Bản, dựa theo bộ truyện tranh Crows của tác giả Takahashi Hiroshi. Tác phẩm xoay quanh các nam sinh trường trung học Suzuran – ngôi trường nổi tiếng vì bạo lực và những trận chiến khốc liệt để tranh giành ngôi vị cai trị cao nhất giữa các băng đảng học sinh. Là một bộ phim về học đường nhưng ở Crows Zero không một lần khán giả được chứng kiến các học sinh lật mở những quyển sách hay thậm chí là ngồi học trong trường lớp mà hầu hết đều là những cuộc họp băng đảng và những trận chiến ác liệt, đẫm máu đầy chết chóc giữa các nam sinh.
Mặt khác, dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Stephen King, Carrie (2013) xoay quanh cô bé Carrie White sinh ra và lớn lên trong vòng tay của người mẹ cuồng đạo. Đến tuổi dậy thì, Carrie bất ngờ phát hiện cô có năng lực siêu nhiên với sức tàn phá khủng khiếp. Trong đêm vũ hội định mệnh, do bị những người bạn cùng lớp dồn ép đến đỉnh điểm nên Carrie đã dùng siêu năng lực của mình để trả thù những người ức hiếp cô.
Mặc dù có nhiều ý kiến chỉ trích bộ phim không giữ được tinh thần của cuốn sách gốc hay thậm chí không sánh ngang với phiên bản cùng tên sản xuất năm 1976 nhưng tác phẩm Carrie (2013) thực sự đã xuất sắc trong việc tái hiện chủ đề bạo lực học đường một cách rất chân thật với những chiêu trò bạo lực đầy nguy hiểm.
Lạm dụng tình dục là điều luôn hiện hữu
Năm 2009, bộ phim Precious lấy lạm dụng tình dục nơi học đường làm chủ đề chính đã gây được tiếng vang lớn, điểm đáng lưu tâm ở tác phẩm này là người xâm hại lại chính là cha đẻ của nạn nhân.
Precious xoay quanh câu chuyện về cô bé 16 tuổi – Precious Jones, một cô gái da đen ở tầng đáy của xã hội. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Precious luôn phải chịu đựng những điều khắc nghiệt không tưởng. Có thể nói, cả cuộc đời của Precious là một đêm đen u tối và cô phải luôn nỗ lực để đi tìm ánh sáng cho đời mình.
Bộ phim đã thành công trong việc khắc họa cuộc sống khó khăn của cô bé Precious. Trường lớp nơi cô học là một mớ hỗn độn, khi đã đạt trình độ lớp 9 nhưng cô thậm chí còn không thể viết hay đọc. Không những thế, Precious còn sở hữu vẻ ngoài không bắt mắt, cô luôn bị mẹ đẻ ngược đãi, bị hiếp dâm bởi chính người cha ruột của mình và có con khi mới 16 tuổi. Và còn đó là một tương lai mù mịt, đầy tăm tối đang chờ đợi Precious tội nghiệp vượt qua ở phía trước.
Gian lận trong thi cử
Có thể nói, đây là một thực trạng rất nhức nhối và nóng bỏng hơn bao giờ hết. Khai thác chủ đề này, bộ phim gắn liền với tên tuổi của “Vua hài” Châu Tinh Trì – Fight Back to School (1991) xoay quanh câu chuyện về anh chàng cảnh sát Châu Tinh Tinh phải quay lại trường trung học để thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, hứa hẹn sẽ làm khán giả cười điên dại nhớ lại những ngày nổi loạn xưa cũ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hết lật sách quay cóp, vung tiền để mua bài tập đến dùng điện thoại di động nhờ “viện binh”… Tuy vậy, đáng tiếc là những mánh khóe của anh chàng láu cá này chỉ mang đến cho anh một buổi họp mặt “ấm cúng” giữa gia đình và nhà trường.
Cũng bàn về vấn đề này, That’s Cunning! Shijo Saidai no Sakusen (1996) của Nhật Bản là một bộ phim tái diễn những mánh khóe gian lận trong thi cử sẽ khiến bạn cười nghiêng ngả với vô số những chiêu trò quay cóp khó đỡ. Từ những chiêu cũ như viết tài liệu vào cục tẩy, xấp giấy nhỏ, quần áo, hộp bút, vỏ bút chì, móng tay cho đến những màn quay cóp điêu luyện với tai nghe, màn hình, súng bắn laser…
Buôn bán, sử dụng chất kích thích trong trường học
Nếu có phim nào xoay quanh chủ đề nhạy cảm này gây ấn tượng cho giới trẻ yêu phim, đó chắc hẳn là loạt phim 21 Jump Street (2012), 22 Jump Street (2015) với sự tham gia của bộ đôi Jonah Hill và Channing Tatum. Loạt phim không chỉ khiến khán giả cười “bể bụng” với những tình huống hài hước khó đỡ mà còn phản ánh thực trạng buôn bán, sử dụng chất kích thích nguy hiểm trong trường học.
21 Jump Street xoay quanh đôi bạn cảnh sát Schmidt và Jenko. Sau một vụ bê bối vì tay nghề quá “non”, cả hai bị chỉ định tham gia đơn vị đặc biệt có tên 21 Jump Street – nhóm cảnh sát chìm luôn trà trộn vào trường trung học để điều tra những vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên. Schmidt và Jenko lúc này phải vác ba lô trở lại trường trung học để tìm đường dây học sinh buôn bán thuốc kích thích. Trong khi đó, 22 Jump Street được nâng tầm hơn khi “đôi đũa lệch” này phải hoạt động ở trường đại học.
Nhìn chung, phương pháp giáo dục chưa đúng đắn, bạo lực học đường, lạm dụng tình dục rồi gian lận trong thi cử, sử dụng chất kích thích nơi trường học… là những mặt trái đáng buồn của xã hội. Những hành vi tiêu cực này cần phải được khắc phục và loại bỏ sớm. Nhìn thẳng vào các vấn nạn này, những bộ phim kể trên có lẽ đã mang tới cho người xem không ít suy ngẫm về hiện trạng của xã hội. Thiết nghĩ rằng, bằng những phương pháp hợp lý và hợp pháp, mỗi người chúng ta cần tinh ý phát hiện, tránh xa và cùng chung tay loại bỏ những trường hợp tiêu cực này, góp phần mang lại một môi trường giáo dục thân thiện, hiệu quả.