Các trợ lý ảo như Siri, Alexa và Google Assistant đã có hơn một thập kỷ để phát triển với mong muốn trở thành nhân tố không thể thiếu cho người dùng. Tuy nhiên, chính những tính toán sai lầm về hành vi người dùng và kỹ thuật công nghệ đã khiến những công cụ từng được công chúng kỳ vọng gặp thất bại trong cuộc đua AI.
Thế giới công nghệ ngày nay lại đang phấn khích với một loại trợ lý ảo khác: các A.I chatbot. Những công cụ này được trang bị Trí tuệ Nhân tạo tạo sinh (Generative A.I), chẳng hạn như ChatGPT từ công ty OpenAI ở San Francisco hay Google Bard, có thể tự tạo ra câu trả lời cho các câu hỏi bằng văn bản của người dùng một cách nhanh chóng. Người dùng đã sử dụng ChatGPT để xử lý các nhiệm vụ phức tạp như viết code, soạn thảo những đề xuất kinh doanh, hợp đồng, làm luận văn và thậm chí là viết tiểu thuyết.
Sự hào hứng xung quanh các A.I chatbot đã gợi lại cách mà Siri, Alexa và các trợ lý giọng nói khác từng khiến thế giới phấn khích. Nhưng từ đâu mà chúng đã đánh mất vị thế dẫn đầu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo?
Những tính toán sai lầm về kỹ thuật
Siri gặp phải những trở ngại về công nghệ bao gồm cả đoạn mã phức tạp phải mất hàng tuần để cập nhật các tính năng cơ bản, trong khi đó Amazon và Google đã tính toán sai cách sử dụng trợ lý giọng nói, dẫn đến việc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ này trở nên lãng phí. Khi những thí nghiệm đó thất bại, sự hào hứng của công chúng dành cho công nghệ ở các công ty giảm dần.
Những cập nhật có vẻ đơn giản, chẳng hạn như thêm một số cụm từ mới vào tập dữ liệu. Tuy nhiên, việc này yêu cầu việc xây dựng lại toàn bộ cơ sở dữ liệu và quá trình này có thể mất tới 6 tuần. Việc bổ sung các tính năng phức tạp hơn như các công cụ tìm kiếm mới có thể mất gần một năm. Điều đó có nghĩa là không có cách nào để Siri trở thành một trợ lý sáng tạo như ChatGPT.
Alexa và Google Assistant dựa trên công nghệ tương tự như Siri nhưng các công ty đã phải vật lộn để tạo ra doanh thu với thông điệp đây là phần mềm trợ lý cho người dùng. Ngược lại, Apple đã sử dụng thành công Siri để lôi kéo người mua sử dụng iPhone của mình.
Tương lai sẽ là sự kết hợp giữa Chatbot A.I và trợ lý giọng nói
Nhiều công ty công nghệ lớn hiện đang chạy đua để phản ứng với sự phát triển nhanh của ChatGPT. Tại trụ sở chính của Apple vào tháng 2/2023, công ty đã tổ chức A.I Summit, một sự kiện nội bộ để nhân viên tìm hiểu về mô hình ngôn ngữ lớn và các ứng dụng A.I. Nhiều kỹ sư, bao gồm cả các thành viên của nhóm Siri, đã thử nghiệm các khái niệm tạo ra ngôn ngữ cho A.I mỗi tuần. Trong tháng 3/2023, Google cũng cho biết họ sẽ sớm phát hành công cụ A.I giúp các doanh nghiệp, chính phủ và nhà phát triển phần mềm xây dựng các ứng dụng có thể nhúng chatbot và kết hợp công nghệ nền tảng vào hệ thống của họ.
Các chuyên gia A.I cho biết, trong tương lai, sẽ có sự kết hợp giữa công nghệ chatbot và trợ lý giọng nói. Điều đó có nghĩa là mọi người sẽ có thể điều khiển chatbot bằng giọng nói và những người sử dụng các sản phẩm của Apple, Amazon và Google sẽ có thể yêu cầu trợ lý ảo giúp họ trong công việc chứ không chỉ các tác vụ như kiểm tra thời tiết.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 6 công cụ chatbot AI cực thông minh có thể thay thế ChatGPT
- 9 công cụ AI tạo video từ văn bản giúp bạn sản xuất video cực nhanh và dễ dàng
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!