Lemokey L3 là chiếc bàn phím cơ tuyệt vời, nhưng nó có thực sự lý tưởng để chơi game hay không? Nếu bạn đang tìm mua bàn phím chơi game mang đến trải nghiệm thoải mái thì hãy xem qua sản phẩm mới của hãng Keychron này nhé!
Thương hiệu Keychron vốn được biết đến với những sản phẩm bàn phím cơ đặc biệt dành cho người dùng phổ thông, gõ phím tuyệt vời và chơi game cũng hợp lý. Nhưng Lemokey L3 mới ra mắt được coi là bàn phím chơi game chính thức đầu tiên của Keychron với đầy đủ các ưu điểm quen thuộc của hãng: nút công tắc êm, nhạy và có thể thay thế, tần số vị trí 1.000Hz, kết nối không dây 2,4 GHz và có thể tùy chỉnh bàn phím thoải mái bằng phần mềm VIA.
Không nghi ngờ gì đây là chiếc bàn phím tuyệt vời, nhưng Lemokey L3 có thực sự là “bàn phím chơi game” hay chỉ là bàn phím cơ thông minh với một số tính năng dành cho chơi game? Hãy cùng khám phá nhé.
Thông số kỹ thuật
- Thương hiệu: Lemokey
- Loại bàn phím: tenkeyless
- Kích thước: 40,1 x 13,7 x 4,3 cm
- Trọng lượng: 1,97kg
- Số lượng phím: 91
- Bàn phím số: không
- Công tắc: Gateron Jupiter màu Đỏ, Nâu, Chuối
- Màu sắc: Đen carbon, Xanh hải quân và Bạc không gian
- Đèn nền: có
- Chất liệu: nhôm gia công CNC
- Chống shock: Nhiều lớp xốp, gắn gioăng đôi
- Mũ phím: PBT 2 lớp
- Phím có thể thay thế
- Kết nối: có dây, Bluetooth, không dây 2.4GHz
- Góc gõ phím: 5 độ
- Tùy chỉnh phím: phần mềm VIA
Giống như các sản phẩm bàn phím khác của Keychron, Lemokey L3 có các phiên bản khác nhau để người dùng lựa chọn. Phiên bản thấp nhất có giá 194 USD, trong khi phiên bản hoàn chỉnh trong bài này có giá 214 USD. Sự chênh lệch này là xứng đáng nếu bạn muốn sử dụng đầy đủ các phím. Các công tắc Gateron Jupiter gồm 3 loại khác nhau: Đỏ (tuyến tính), Nâu (xúc giác) và Banana (cũng là xúc giác nhưng cần lực thao tác mạnh hơn và biên độ ngắn hơn).
Bên cạnh các tùy chọn đó, bạn cũng có thể thay nhanh các phím của Lemokey L3, tức là thay thế các công tắc mà không cần dụng cụ hàn phức tạp, chỉ cần lắp vào có thể sử dụng ngay.
Phong cách và thiết kế
Bàn phím Lemokey L3 mang đến cảm giác cao cấp với trọng lượng hợp lý 1,97 kg và được làm bằng nhôm gia công CNC chất lượng cao nên không phù hợp để cho vào ba lô và mang đi chơi game mọi lúc mọi nơi. Nhưng bù lại, trọng lượng của nó có công dụng quan trọng là giữ cho bàn phím không bị xê dịch khi bạn chơi game hoặc đánh máy.
Với kích thước nhỏ gọn, Lemokey L3 thuộc loại bàn phím tenkeyless chỉ có 91 phím và không có bảng phím số. Nhưng nó lại to hơn các bàn phím tenkeyless khác vì có thêm 4 phím macro có thể tùy chỉnh và phía trên là núm điều khiển media cũng tùy chỉnh được.
Vỏ bàn phím được chế tạo khá đồng đều. Xung quanh mỗi vùng phím chính có viền hơi nhô lên để trang trí, ngoài ra có một lỗ thông hơi nhỏ ở phía trước vỏ để thông gió và trang trí. Cổng USB-C đầu vào ở phía sau, cùng với đó là công tắc để chuyển đổi kết nối có dây, Bluetooth và không dây 2,4 GHz bằng cách sử dụng dongle USB kèm theo.
Một điểm nhấn thú vị là 3 đèn phía trên các phím mũi tên, mỗi đèn tương ứng với một tính năng khác nhau. Đèn bên trái được sử dụng nhiều nhất vì nó hiển thị mức sạc pin tương đối của bàn phím. Đèn ở giữa cho biết trạng thái kết nối không dây, và đèn thứ ba báo hiệu Caps Lock có đang bật hay không.
Bàn phím Lemokey L3 có 3 màu để lựa chọn: Đen Carbon, Xanh Navy và Bạc Không Gian. Màu bạc trông có vẻ hiện đại và mang phong cách tương lai, nhưng hai màu kia cũng rất đẹp mắt và các keycap bằng chất liệu PBT hai lớp được chế tạo tối ưu để tăng hiệu quả sử dụng. Mỗi màu được kèm theo một bộ phím bổ sung riêng biệt, trong đó một số phím có biểu tượng đặc trưng của PlayStation thể hiện đây là bàn phím chơi game.
Bên trong bàn phím có nhiều lớp xốp chống ồn, cùng với thiết kế gắn gioăng kép góp phần mang đến trải nghiệm gõ phím êm ái và âm thanh dễ chịu hơn.
Thời lượng pin và khả năng kết nối
Pin trâu là một ưu điểm của Lemokey L3, nhưng trên thực tế bạn sẽ ít khi di chuyển bàn phím xa khỏi cổng USB-C hoặc ổ cắm điện vì trọng lượng của nó. Nhà sản xuất cho biết thời lượng pin lên tới 200 giờ ở chế độ không dây 2,4 GHz và có thể kéo dài 300 giờ khi dùng Bluetooth.
Trải nghiệm gõ phím
Lemokey L3 cho cảm giác gõ cực êm. Ví dụ như loại công tắc Gateron Jupiter Nâu yêu cầu lực tác động 55g, biên độ trước là 2mm và tổng biên độ là 4mm. Bạn sẽ nhấn phím xuống hết cỡ, nhưng chuyển động và độ nhạy tổng thể của các công tắc Nâu hầu hết đều mượt mà.
Đối với công tắc Jupiter Đỏ, lực tác động nhẹ 45g có thể khiến bạn gõ nhầm – điều thường xảy ra với các công tắc nhẹ tương tự. Trong khi đó công tắc Banana có tổng biên độ ngắn 3,4mm có thể gây khó chịu khi bạn liên tục chạm đáy phím, vì vậy loại Nâu là lựa chọn cân bằng phù hợp cho mọi người, đồng thời công tắc Nâu cũng tạo ra âm thanh dễ chịu.
Nếu bạn muốn dùng Lemokey L3 để chơi game thì nên chọn chế độ có dây hoặc không dây 2,4 GHz để kích hoạt tần số vị trí 1.000Hz của bàn phím, đảm bảo thao tác của bạn được đưa vào game nhanh nhất.
Kể cả khi bạn không chơi game căng thẳng thì tín hiệu đầu vào của bàn phím vẫn nhanh và chính xác, điều này rất quan trọng đối với những game thông thường như CS2 (trước đây là CS: GO), CoD Warzone, Modern Warfare, Overwatch hay bất kỳ game bắn súng nào khác.
Góc gõ phím là 5 độ tạo cảm giác thoải mái nhưng có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Bàn phím không có sẵn chân điều chỉnh độ cao nên không thể thay đổi góc, nhưng bạn có thể mua thêm tấm đệm kê tay Lemokey L3 để hỗ trợ trên trang web của Keychron.
Tùy chỉnh với VIA
Keychron từ lâu đã sử dụng phần mềm VIA để tùy chỉnh bàn phím, với ưu điểm là miễn phí, được hỗ trợ từ những người yêu thích bàn phím cơ và có nhiều chức năng tùy chỉnh đa dạng. Trong khi đó hầu hết những người dùng bàn phím chơi game đã quen với phần mềm độc quyền của các công ty game lớn. VIA hơi khác một chút, thiếu các tùy chọn nhanh và menu thường có trên các phần mềm tùy chỉnh khác.
VIA không quá khó sử dụng nhưng cũng phải có một chút thời gian để làm quen. Có một số lỗi nhỏ như phần mềm không nhận ra bàn phím Lemokey L3 và phải download thêm file JSON của bàn phím, thường xảy ra với những người mới sử dụng Keychron và VIA.
Đôi lúc bạn có thể vô tình thay đổi các phím mà không nhận ra, sau đó phải tìm cách khôi phục lại rất phiền, ví dụ như hoán đổi hàng số trên cùng bằng phím Macro 0 nhưng không có tùy chọn CTRL + Z để trở lại như cũ. Nhìn chung VIA là một phần mềm tốt, nhưng nếu Keychron muốn thu hút người dùng bàn phím chơi game nhiều hơn thì có lẽ nên tạo ra một công cụ của riêng mình.
Tuy nhiên khả năng tùy chỉnh của bàn phím vẫn cực kỳ ấn tượng. Bạn có thể thay đổi bất kỳ phím nào kể cả núm điều khiển media, và VIA cũng cho phép điều khiển đèn RGB của Lemokey.
Tóm lại: Lemokey L3 có phải là bàn phím tốt để chơi game?
Ưu điểm
- Chất lượng xây dựng cao cấp
- Tùy chỉnh linh hoạt
- Thời lượng pin dài
- Trải nghiệm gõ êm
- Thiết kế đẹp mắt
Nhược điểm
- Khả năng chơi game chưa được công nhận
- Phần mềm VIA khó sử dụng
Phiên bản đầy đủ của bàn phím Lemokey L3 được bán lẻ với giá 214 USD – mức giá tuyệt vời cho một chiếc bàn phím thực sự đỉnh cao và có thể phục vụ bạn suốt nhiều năm lâu dài. Tuy nhiên nhiều người chưa hoàn toàn bị thuyết phục về khả năng chơi game của Lemokey và việc thiếu phần mềm tùy chỉnh riêng cũng là một điểm trừ. Dù vậy bất kỳ ai rành về bàn phím cơ sẽ cảm nhận được chất lượng trong các sản phẩm của Keychron, và Lemokey L3 cũng không ngoại lệ.
Hiện tại đây là chiếc bàn phím duy nhất mang thương hiệu Lemokey của Keychron, và nếu họ muốn lấn sân vào thị trường bàn phím chơi game thì cần mở rộng dòng sản phẩm hơn nữa. Nhìn chung Lemokey L3 không hẳn là bàn phím chơi game tốt nhất, nhưng vẫn là chiếc bàn phím tuyệt vời ở mọi khía cạnh.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Bàn phím chơi game Razer Blackwidow V4 75%: Nhỏ gọn nhưng thoải mái, vẫn đầy đủ tính năng
- Bàn phím chơi game loại nào tốt? 12 bộ keyboard được game thủ ưa chuộng hiện nay
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!
Các bạn có thể chia sẻ cảm nhận của bạn về bài viết này để mình có thể tạo ra những bài viết tốt hơn trong tương lai.