Điện thoại của bạn thường xuyên bị bám bụi bẩn hoặc in dấu vân tay trông rất xấu? Chắc bạn từng nghe nhiều người nói rằng phải dùng khăn tẩm cồn để lau điện thoại, đảm bảo đánh bay mọi vết bẩn. Nhưng thực ra không đơn giản vậy đâu, hãy cùng xem lau chùi điện thoại đúng cách là như thế nào nhé!

Điện thoại dù là iPhone hay Android cũng cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên để giữ độ bền và vẻ đẹp lâu dài. Nhất là trong thời buổi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, rất cần thiết phải khử trùng các vật dụng mà chúng ta thường xuyên chạm tay vào như điện thoại.

Bạn đã biết cách lau điện thoại? (Ảnh: Internet).
Bạn đã biết cách lau điện thoại? (Ảnh: Internet).

Nên vệ sinh điện thoại ít nhất một lần mỗi ngày, nhưng quan trọng là phải làm đúng cách để vừa khử trùng hiệu quả vừa an toàn cho thiết bị. Vệ sinh sai cách (như dùng cồn mạnh và khăn giấy) có thể làm hư lớp bảo vệ màn hình của điện thoại.

Dưới đây là những cách đơn giản để làm sạch điện thoại và khử trùng hiệu quả bằng những sản phẩm phù hợp, thân thiện với điện thoại.

Dùng khăn lau khử trùng hoặc dung dịch có cồn phù hợp

Nếu bạn cầm điện thoại sau khi chạm vào những bề mặt công cộng như tay nắm cửa hay nút bấm thang máy, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến việc lau sạch điện thoại bằng cồn. Nhưng hãy cẩn thận, không phải loại cồn nào cũng an toàn cho điện thoại. Cồn nồng độ cao có thể tẩy mất lớp phủ trên bề mặt vốn có tác dụng ngăn nước và dầu từ bên ngoài thấm vào làm hỏng màn hình và các cổng cắm của điện thoại.

Cồn nồng độ cao sẽ làm hư điện thoại (Ảnh: Internet).
Cồn nồng độ cao sẽ làm hư điện thoại (Ảnh: Internet).

Một số người tự pha cồn với nước để lau, nhưng quan trọng là phải pha đúng nồng độ thích hợp, nếu không có thể làm hỏng điện thoại. Cách an toàn nhất là sử dụng khăn lau khử trùng có tẩm sẵn cồn isopropyl 70% để lau màn hình điện thoại.

Trước khi xảy ra đại dịch, người tiêu dùng được hướng dẫn là không sử dụng khăn lau khử trùng cho màn hình điện thoại, nhưng hiện nay Apple nói rằng có thể sử dụng các loại khăn lau có nồng độ cồn thích hợp, ví dụ như khăn Clorox.

Trong khi đó nhà mạng AT&T (Mỹ) đưa ra hướng dẫn: “xịt chất khử trùng không mài mòn hoặc chứa cồn (isopropyl 70%) trực tiếp lên một miếng vải mềm không có xơ và lau thiết bị của bạn trong khi tắt nguồn và không cắm điện”. Samsung cũng nói rằng mọi người có thể tự pha dung dịch cồn ethanol hoặc isopropyl 70% và lau bằng vải sợi nhỏ.

Một cách khác để lau điện thoại hàng ngày là mua đèn UV, ví dụ như thương hiệu PhoneSoap. Hãng này nói rằng đèn của họ diệt được 99,99% mầm bệnh và khiến vi khuẩn tránh xa. Tuy nhiên hiện tại đèn này chưa được thử nghiệm đối với virus gây bệnh COVID-19.

Đèn UV diệt khuẩn (Ảnh: Internet).
Đèn UV diệt khuẩn (Ảnh: Internet).

Lau dấu vân tay bằng vải sợi nhỏ

Dấu vân tay in trên điện thoại là vấn đề không thể tránh khỏi vì da tay của chúng ta luôn tiết ra mồ hôi và dầu. Mỗi khi bạn cầm điện thoại lên chắc chắn sẽ có dấu vân tay in lại dù ít hay nhiều.

Dấu vân tay làm điện thoại rất xấu (Ảnh: Internet).
Dấu vân tay làm điện thoại rất xấu (Ảnh: Internet).

Cách an toàn và hiệu quả nhất để lau sạch dấu vân tay trên điện thoại là dùng một miếng vải sợi nhỏ. Nếu vết bẩn cứng đầu không chịu biến mất, hãy dùng một ít nước sạch (tốt nhất là nước cất) thấm vào miếng vải sợi nhỏ để lau, chú ý không để chảy nước trực tiếp lên màn hình. Có thể lau cả mặt sau và các cạnh bên của điện thoại bằng cách này.

Để tiện hơn, bạn có thể dùng miếng dán lau màn hình bằng sợi nhỏ, bình thường sẽ dán vào mặt sau của điện thoại, khi nào cần lau chỉ cần gỡ ra dùng ngay.

Dùng băng dính để loại bỏ cát và xơ vải

Xơ vải và cát có thể kẹt trong các khe và cổng cắm của điện thoại, trong các kẽ hở giữa màn hình và thân máy. Cách tốt nhất để làm sạch chúng là dùng băng keo trong: đặt miếng băng dọc theo các kẽ hở và loa của điện thoại, sau đó cuộn lên và nhẹ nhàng đẩy vào bên trong các khe. Miếng băng sẽ dính lấy những vụn xơ vải hoặc cát bị kẹt bên trong, bạn chỉ việc lấy ra ngoài là xong.

Đối với các lỗ loa nhỏ hơn không thể nhét băng dính vào được, có thể dùng tăm khều nhẹ hoặc dùng máy hút bụi mini có đầu nhỏ.

Lau sạch mỹ phẩm trên mặt dính vào điện thoại

Có nên dùng nước tẩy trang để lau sạch? (Ảnh: Internet).
Có nên dùng nước tẩy trang để lau sạch? (Ảnh: Internet).

Khi bạn đã trang điểm trên mặt và có việc cần nghe điện thoại, màn hình sẽ bị dính bẩn. Bạn có thể dùng nước tẩy trang cho da mặt của mình, nhưng không nên dùng nó để lau điện thoại do một số hóa chất có thể làm hư màn hình.

Cách làm đúng là dùng sản phẩm “tẩy trang” riêng cho điện thoại, các dung dịch không chứa cồn, clo, amoniac hoặc phốt phát – những chất có thể tẩy mất lớp phủ bảo vệ màn hình.

Cũng có thể dùng vải sợi nhỏ ẩm để lau vết bẩn trên điện thoại do trang điểm, nhưng sau đó hãy giặt sạch miếng vải. Dùng bình xịt để làm ẩm vải vừa đủ, không nên ngâm hẳn vào nước, nói chung là càng ít nước càng tốt.

Đối với điện thoại chống nước

Nếu điện thoại của bạn đạt chuẩn chống nước IP67 trở lên (water-resistant) thì có thể rửa bằng nước, ví dụ như iPhone 13 hay dòng Galaxy S của Samsung. Các điện thoại này có thể chịu ngâm nước tới 30 phút ở độ sâu tối đa khoảng 1 mét, nhưng tốt nhất chỉ nên dùng khăn ẩm để lau. Sau khi lau ướt phải lau khô lại bằng khăn mềm và khô, chú ý lau khô các cổng cắm và loa của điện thoại.

Kể cả đối với điện thoại chống nước cũng không nên dùng nước trực tiếp (Ảnh: Internet).
Kể cả đối với điện thoại chống nước cũng không nên dùng nước trực tiếp (Ảnh: Internet).

Lưu ý rằng: ngâm điện thoại vào nước hoặc để dưới vòi nước chảy mặc dù không làm hư điện thoại nhưng sẽ làm cho nước lọt vào các lỗ, tức là phải chờ cho khô rồi mới cắm sạc hoặc cắm tai nghe được. Do vậy đừng chủ quan với điện thoại chống thấm nước, vì nói cho cùng khả năng chống nước là để bảo vệ máy khi xảy ra sự cố chứ không phải để cố tình ngâm điện thoại vào nước.

Tóm lại: Những thứ không nên dùng để lau điện thoại

Nước rửa tay sát khuẩn

Một số loại nước rửa tay có chứa thành phần cồn etylic và hương liệu, không tốt cho màn hình. Tuy nhiên bạn vẫn nên rửa tay với nước sát khuẩn trước khi cầm điện thoại để tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài dính lên. Để đảm bảo khử trùng hiệu quả, hãy mua các loại nước sát khuẩn tay được sản xuất theo tiêu chuẩn thay vì tự làm dung dịch khử trùng tại nhà.

Nước lau kính

Bạn nghĩ rằng nước lau kính dùng để lau gương và cửa kính sạch bong kin kít, vậy thì cũng dùng được cho điện thoại? Không phải vậy đâu.

Nước lau kính không nên dùng cho điện thoại (Ảnh: Internet).
Nước lau kính không nên dùng cho điện thoại (Ảnh: Internet).

Một số điện thoại được trang bị lớp phủ chống nước và dầu, chất tẩy rửa mạnh có thể làm hư lớp bảo vệ này và khiến màn hình dễ bị trầy xước, đặc biệt là các chất tẩy rửa có chứa thành phần mài mòn có thể làm trầy màn hình, vì vậy không nên sử dụng.

Chất tẩy rửa nhà bếp

Các chất tẩy rửa không làm trầy xước màn hình, nhất là với các màn hình có khả năng chống xước, nhưng chúng có thể tẩy trôi lớp phủ bảo vệ. Đó là lý do Apple nói rằng không sử dụng các chất tẩy rửa gia dụng để lau chùi iPhone, kể cả thuốc tẩy. Một số sản phẩm còn ghi rõ là có chứa thành phần mài mòn gây hại cho lớp bảo vệ, hoặc không sử dụng cho kính có lớp phủ.

Khăn giấy

Có thể dùng khăn giấy để lau nhiều bề mặt khác, nhưng không nên dùng cho điện thoại vì có thể tạo ra các sợi giấy li ti bám trên điện thoại, thậm chí khăn giấy có thể làm trầy xước màn hình.

Không dùng khăn giấy để lau điện thoại (Ảnh: Internet).
Không dùng khăn giấy để lau điện thoại (Ảnh: Internet).

Cồn tẩy rửa

Cồn tẩy rửa nồng độ cao có thể làm hư lớp phủ bảo vệ khiến màn hình dễ bị trầy xước. Apple khuyến cáo không dùng cồn để lau chùi các thiết bị của hãng. Tốt nhất là luôn kiểm tra thành phần của bất kỳ sản phẩm lau màn hình điện thoại nào để xem có cồn hay không.

Nước tẩy trang

Một số loại nước tẩy trang chứa các hóa chất làm hư màn hình điện tử, do đó không dùng nước tẩy trang mà hãy sử dụng khăn mềm hơi ẩm.

Khí nén

Điện thoại được chế tạo rất tinh tế, vì vậy luồng khí nén thổi mạnh có thể gây hư hại các lỗ và cổng cắm của điện thoại, đặc biệt là micrô. Các nhà sản xuất như Apple luôn cảnh báo không sử dụng khí nén để vệ sinh các thiết bị.

Xà phòng rửa chén hoặc rửa tay

Các loại xà phòng này được coi là chất tẩy rửa nhẹ nhàng, nhưng khi dùng phải có thêm nước, trong khi các nhà sản xuất điện thoại khuyến cáo không nên để nước tiếp xúc với điện thoại. Tốt nhất vẫn là dùng miếng vải ẩm để lau.

Giấm

Giấm làm hư lớp phủ bảo vệ màn hình. Theo Lifehacker, có thể pha giấm thật loãng để lau các bộ phận khác của điện thoại, hoặc như Android Central hướng dẫn, có thể pha giấm với nước theo tỷ lệ 50/50 để lau mặt sau và các mặt bên của điện thoại.

Trên đây là những lưu ý khi vệ sinh lau chùi điện thoại để vừa sạch khuẩn vừa giữ được độ bền. Bạn đã áp dụng cách nào trên đây chưa? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Điện thoại cũ vẫn có thể chụp hình đẹp với những tip cực hay ho này

Những dòng điện thoại mới như iPhone 13 Pro của Apple hay Galaxy S22 của Samsung được trang bị camera cực xịn để chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp, nhưng giá quá cao khiến nhiều người không thể sở hữu. Vậy nếu bạn đang dùng một chiếc điện thoại cũ hơn nhiều nhưng vẫn muốn chụp được ảnh ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận