Một trong những bộ phim hay nhất “hại não” nhất chính là Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ, sau 10 năm vẫn khiến khiến khán giả mòn mỏi đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi còn bỏ ngỏ: Có lẽ nào Copp vẫn đang mắc kẹt trong giấc mơ của chính mình?
Inception – Thế giới bắt đầu từ những giấc mơ
Thông tin chung phim Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ
- Điểm IMDb: 8.8/10 (1,992,884 reviews)
- Năm sản xuất: 2010
- Thể loại: Hành động, Phiêu lưu, Khoa học viễn tưởng
- Đạo diễn: Christopher Nolan
- Diễn viên: Leonardo DiCaprio, Ken Watanabe, Joseph Gordon-Levitt, Ellen Page, Marion Cotillard, Tom Hardy, Cillian Murphy, Tom Berenger, Michael Caine
- Thời lượng phim: 148 phút
- Độ tuổi phù hợp: 15+
- Kinh phí sản xuất: 160 triệu USD
- Tổng doanh thu: 829.9 triệu USD
- Giải thưởng tiêu biểu: Được đề cử trong 273 danh sách bình chọn 10 phim hay nhất năm 2010 và đứng đầu 55 danh sách trong số đó.
- 4 Giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất, Biên tập âm thanh xuất sắc nhất, Hòa âm hay nhất, và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất,
- Giải thưởng của Hiệp hội Điện ảnh Anh cho Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, Hiệu ứng hình ảnh đặc biệt xuất sắc nhất và Hòa âm hay nhất.
- Giải Bradbury năm 2011 cho Sản phẩm chính kịch hay nhất
- Giải Hugo năm 2011 cho trình diễn chính kịch xuất sắc nhất, dạng dài.
Nhân vật chính của phim, Dom Copp là một gián điệp, hoặc có thể nói là một kẻ trộm chuyên hành nghề “đánh cắp giấc mơ” của người khác. Sau phi vụ “đột nhập” thất bại vào tiềm thức của Saito – một vị chủ tịch giàu có về cả tiền bạc lẫn trí thông minh, Copp và các đồng sự Arthur, Eames và Ariadne, Yusuf phải tham gia vào một “phi vụ cuối cùng” do Saito yêu cầu.
Bọn họ sẽ phải đi đến “điểm khởi đầu” sâu nhất của tiềm thức của Robert Fisher – người thừa kế của tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới Fischer Morrow để “cấy” vào đầu anh ta ý niệm hủy bỏ cả đế chế của cha mình. Nhưng tiềm thức là một điều mơ hồ nhất và cũng đáng sợ nhất, nhất là khi đột nhập vào tiềm thức của người khác có thể khiến bọn họ bị “xé nát thành từng mảnh”. Và nếu bước sai một bước thôi, bọn họ có thể bị mắc kẹt trong thế giới tiềm thức đó mãi mãi.
Trailer Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ:
Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ: 10 năm vẫn xứng đáng là “siêu phẩm”
Inception có nghĩa là “sự khởi đầu”, và nó cũng là tên bộ phim điện ảnh Mỹ được công chiếu năm 2010, đã đạt 8.8 điểm trên IMDb (năm 2020) và nằm trong top 20 bộ phim có điểm IMDb cao nhất mọi thời đại, đứng số 38 trong danh sách 100 phim có doanh thu cao nhất lịch sử. Ngoài ra Inception cũng đã xuất hiện ở 273 danh sách bình chọn 10 phim hay nhất năm 2010 và đứng đầu 55 danh sách trong số đó. Và đương nhiên Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ cũng đã đạt được đến 4 giải Oscar danh giá.
Nếu từng đó giải thưởng chưa đủ để nói lên mức độ “nhất định phải xem” của bộ phim này thì hãy nhìn vào dàn diễn viên với Leonardo DiCaprio, Tom Hardy, Ellen Page hay Joseph Gordon-Levitt… Chỉ riêng sự hội tụ của những ngôi sao hạng A này đã chứng tỏ được sự “không tầm thường” mà bộ phim khoa học viễn tưởng Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ sẽ mang lại cho bạn trong 148 phút theo dõi.
Inception: Giải mã những giấc mơ 10 năm vẫn bỏ ngỏ
Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ giống như tên dịch Việt của nó, được xây dựng lên từ ý tưởng về những giấc mơ. Nghe thì có vẻ thơ mộng và hơi…cũ kỹ, nhưng đạo diễn Christopher Nolan chưa bao giờ làm điều bình thường, nếu không muốn nói là khác thường đến phi thường.
Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ được thực hiện theo đúng phong cách của Christopher Nolan với ý tưởng mới lạ, kịch bản lớp lang, phức tạp, tình tiết ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Chính bởi vậy kịch bản của Inception vĩ đại đến mức sẽ khiến bạn không chỉ xem phim trong 148 phút mà có lẽ phải 148 giờ, 148 ngày, tùy vào mức độ cảm nhận của bạn. Thậm chí sau 10 năm trôi qua, vẫn có những câu hỏi khiến chúng ta cần phải xem lại bộ phim này một lần nữa.
Ba tầng giấc mơ để chạm đến tiềm thức con người
Bạn đã bao giờ tỉnh giấc, cố gắng nhớ lại và nhận ra bản thân mình đã nằm mơ thấy mình đang ngủ mơ chưa? Nghe rất rối rắm phải không? Nhưng đó chính là cốt lõi mà Inception khai thác – những giấc mơ lồng trong giấc mơ.
Bộ phim sẽ dẫn người xem tiến vào trong đầu của bất cứ một ai theo giấc ngủ của họ, để đi vào những giấc mơ. Nhưng đây không phải là “những” giấc mơ khác nhau, mà là “những” tầng giấc mơ khác nhau.
Inception cho rằng có 3 tầng giấc mơ. Đó là khi bạn ngủ, và tỉnh dậy trong giấc mơ của mình. Để rồi trong giấc mơ đó, bạn lại tiếp tục ngủ và mơ một giấc mơ nữa. Nhưng đừng vội, đó mới chỉ là tầng giấc mơ thứ 2 thôi. Ở mỗi tầng giấc mơ, thế giới đều khác biệt, nhạy cảm hơn, bất ổn hơn và cũng nguy hiểm hơn.
Và khi đến được tầng thứ 3 – tầng giấc mơ sâu nhất, chính là khi họ đến được tiềm thức sâu kín, bản năng nhất của con người, là nơi một “hạt giống” ý tưởng được gieo xuống sẽ định hình lên cảm xúc, suy nghĩ, hành động và bản chất của cả một con người. Hay nói cách khác, nếu có thể xâm nhập vào tầng cuối cùng của giấc mơ, bạn có thể kiểm soát và “kiến tạo” lên một con người theo ý muốn của mình.
Lựa chọn thực tại hay sống trong mơ?
Và mỗi tầng giấc mơ, thời gian sẽ kéo dài hơn so với thực tại gấp 20 lần. Có nghĩa là ở lần ngủ thực tại, họ ngủ 10 tiếng sẽ tương đương 1 tuần sống trong giấc mơ, tầng thứ 2 sẽ là 6 tháng và ở tầng thứ 3 sẽ là đến 10 năm dài.
“Ai muốn mắc kẹt trong một giấc mơ đến 10 năm?” Ariadne đã thốt lên như vậy và Yusuf mỉm cười trả lời: “Còn tùy thuộc vào đó là giấc mơ như thế nào.”
Đúng vậy, bởi tiềm thức con người là một thứ mơ hồ và vĩ đại, một quyền năng có thể định hình cả vũ trụ và quyết định sự tồn tại của con người. Và khi bạn sống trong thế giới của tiềm thức quyền năng đó, sống trong thế giới giấc mơ không cần lựa chọn, không cần lo toan suy nghĩ, sống trong thế giới mà bạn có thể kiến tạo lên mọi thứ theo ý mình, bạn sẽ cảm thấy mình chính là “Chúa” tạo ra thế giới. Vậy bạn có muốn trở lại thế giới thực không?
Mal chính là một người như vậy. Cô ấy sống tại “inception” – nơi khởi đầu của những giấc mơ – chính là tiềm thức – và xây dựng cho mình một thế giới hoàn hảo, một thế giới tự do, một thế giới hạnh phúc nhất.
Để rồi sau khi rời khỏi đó, cô ấy đã bị ám ảnh, bị lầm tưởng rằng thế giới thật mới là ảo giác, và cô ấy cần phải chết để trở về thế giới “thực” hoàn hảo của mình. Đó là khi Copp nhìn người vợ yêu thương của mình rơi xuống, và cũng là khi anh nhận ra những giấc mơ đáng sợ như thế nào.
Kết phim là viên mãn hay bi kịch?
Bộ phim khoa học viễn tưởng Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ gây ra rất nhiều hoài nghi và thắc mắc cho khán giả. Nhưng điều gây tranh cãi nhiều nhất, mà sau 10 năm chúng ta vẫn mắc kẹt với nó, chính là cái kết của bộ phim cùng hình ảnh “con quay” vẫn quay mãi chưa dừng.
Mỗi người trong đội “đánh cắp giấc mơ” đều sở hữu một totem – vật biểu tượng của riêng mình. Nếu như Arthur có một con xúc xắc nặng màu đỏ, Ariadne là một quân cờ vua thì Copp lại sử dụng một con quay nhỏ. Những totem này chính là thứ xác định cho chủ nhân của nó thế giới đó là thực hay mơ. Nếu ở trong giấc mơ, con quay của Copp sẽ quay mãi, quay mãi không ngừng. Và mỗi lần thoát khỏi những giấc mơ, Copp đều nhanh chóng xoay con quay đó, nhìn cho đến khi nó chậm dần và đổ xuống thì mới có thể thở phào an tâm.
Nhưng ở đoạn kết của Inception, khi “cú bật” xảy ra, những người khác lần lượt tỉnh dậy khỏi các tầng giấc mơ thì Copp và Saito lại chưa thể thoát khỏi. Rồi Copp một lần nữa trôi dạt vào bãi biển giống như thế giới “tiềm thức” của anh trước đây, để gặp một ông già ốm yếu bệnh tật cùng câu hỏi: Anh đến để giết tôi?
Copp giật mình thức giấc, anh nhớ ra mình đã lên máy bay, bắt đầu phi vụ “đánh cắp giấc mơ” của Robert Fisher và những người còn lại đều trao cho anh nụ cười thành công. Vậy là Copp đã thành công? Anh nhập cảnh vào Mỹ một cách thuận lợi mà không hề bị truy nã. Anh trở về nhà, gặp bố và các con của mình.
Lúc này, Copp xoay con quay trên mặt bàn. Nhưng con quay chỉ mới chậm dần, chậm dần…thì Copp đã vội vàng chạy đến với James và Philipa để ôm các con vào lòng sau bao nhiêu ngày trốn chạy. Và anh không còn để ý đến con quay nữa, mặc cho việc nó quay tiếp hay sẽ đổ xuống.
Khán giả ngỡ ngàng, tò mò, rồi đau đầu đi tìm câu trả lời cho việc rốt cuộc Copp đã thoát khỏi giấc mơ chưa, hay anh ta lại chọn cho mình một thế giới tiềm thức khác để kiến tạo lên niềm hạnh phúc của sự đoàn tụ? Đạo diễn Christopher Nolan sau rất nhiều lần bị “tra hỏi” thì đã đưa ra một câu trả lời “lớp lang” không kém: “Cách mà bộ phim kết thúc cho thấy nhân vật của Leonardo, Cobb, đã về đoàn tụ với 2 con gái, đó là hiện thực chủ quan của anh ta”
“Hiện thực chủ quan” là gì? Là điều mà bản thân mỗi người cho rằng đó là sự thật. Có câu nói quen thuộc rằng “một khi bạn đã không muốn tin thì sự thật cũng sẽ là dối trá”, còn khi bạn đã muốn tin, thì dù điều đó vô lý đến đâu thì tiềm thức cũng sẽ thuyết phục bạn tin nó là hợp lý. Copp không còn quan tâm đến thật hay giả nữa, cái anh ta quan tâm chỉ còn là niềm hạnh phúc.
Nhưng như vậy lại đặt ra câu hỏi, nếu Copp đã không còn quan tâm đến thực tế hay giấc mơ, tại sao không lựa chọn thế giới hoàn hảo của anh và Mal, nơi anh có lại được người vợ yêu thương cùng hai đứa con quý giá? Mọi đau khổ hay ám ảnh hay tội lỗi đều sẽ không còn. Có phải điều đó sẽ dễ dàng và trọn vẹn hơn không? Và khán giả lại tiếp tục mắc kẹt trong một câu hỏi không thể tìm ra lời giải đáp.
Inception là một bộ phim mà bạn có thể dành bao nhiêu thời dai tùy ý để xem và cảm nhận nó. Có những người xem giải trí thì chỉ cần 148 phút, hoặc ít hơn. Còn những người muốn xem để hiểu, để bóc tách từng tầng giấc mơ, đào sâu từng lớp ý nghĩa của những tình tiết nhỏ nhặt nhất, thì có lẽ sẽ phải mất đến…vài năm? Nhưng dù vì mục đích nào, bạn cũng nên xem Inception – Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ ít nhất một lần. Bởi vì đây là một bộ phim “nhất định phải xem”!
Và đừng quên theo dõi BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật các tin tức mới lạ, hấp dẫn và hữu ích nhất nhé!