GameFi đang là cơn sốt thu hút rất nhiều người tham gia chơi để kiếm tiền. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, GameFi sẽ “tiến hóa” lên thế hệ 2.0 như thế nào? Kiếm tiền có dễ hơn? Chơi game sẽ vui hơn? Hãy cùng khám phá nhé!
GameFi 2.0 là gì?
GameFi là thể loại game kết hợp các yếu tố của tài chính phi tập trung (DeFi) và NFT, tạo ra một nền kinh tế và hệ sinh thái hoàn chỉnh khép kín ngay trong game. GameFi đã chứng kiến sự bùng nổ đáng kinh ngạc trong năm 2021, với các đồng tiền ảo như AXS, MANA, SAND,… tăng giá trị gấp nhiều lần.
Nhưng cũng giống như DeFi càng phát triển càng xuất hiện nhiều vấn đề dẫn đến hình thành DeFi 2.0, sự bùng nổ của GameFi cũng làm lộ ra một số nhược điểm như trải nghiệm chơi game chưa hấp dẫn, mô hình kinh tế không bền vững và tốc độ xử lý chậm. Những vấn đề này khiến GameFi dần “hạ nhiệt” sau thời gian bùng nổ, do đó đã xuất hiện các ý tưởng cải tiến để tạo ra GameFi 2.0.
Hiện chưa có định nghĩa thống nhất về GameFi 2.0, nhưng có thể coi đó là thế hệ mới với mục tiêu giải quyết các vấn đề mà GameFi hiện nay đang gặp phải. Quá trình xây dựng thế hệ 2.0 sẽ cần rất nhiều người tham gia và kiên trì lâu dài để cuối cùng giúp cho GameFi trở nên hấp dẫn hơn, vận hành trơn tru hơn, mô hình kinh tế bền vững hơn và nhiều tiềm năng khác nữa.
Tối ưu hóa cơ chế tài chính – Điều kiện then chốt để phát triển GameFi 2.0
GameFi là thể loại game kết hợp các yếu tố tài chính theo hướng “game hóa”, do đó việc phát triển GameFi 2.0 chắc chắn không thể tách rời việc tối ưu hóa cơ chế tài chính.
Thông qua hình thức chơi game, GameFi giúp phổ biến DeFi đến với mọi người, khuyến khích nhiều người tham gia liên tục và từ đó duy trì hệ sinh thái của nó lâu dài. Điều này góp phần làm giảm bớt tính không bền vững của DeFi, tức là người dùng chỉ quan tâm lợi nhuận và không ngừng đào coin để bán, khai thác quá mức.
Nhưng trên thực tế, hiện nay cách chơi của GameFi vẫn còn khá thô sơ, yếu tố hấp dẫn người chơi nhất không phải là trải nghiệm chơi game mà vẫn là kiếm tiền. Ví dụ, Axie Infinity đã thống kê có tới 48% người chơi của game này tham gia vì “kiếm lợi nhuận kinh tế”.
Hầu hết GameFi hiện nay đều yêu cầu người chơi phải “đặt cọc” tài sản hoặc mua các vật phẩm trong game mới có thể bắt đầu chơi, sau đó những tài sản này có thể được trả lại trong quá trình chơi. Với lượng người mới tham gia ngày càng tăng, cũng ngày càng xuất hiện thêm nhiều token lưu hành nội bộ trong từng game. Nhưng nếu cách chơi của game không hấp dẫn và lượng token tạo ra quá nhiều so với lượng tiêu thụ của thị trường, hậu quả là token sẽ mất giá, kéo theo giảm thu nhập của người chơi.
Dữ liệu cho thấy thu nhập của nhiều người chơi GameFi trong tháng 12/2021 đã giảm so với tháng 7 và tháng 8. Nhiều người cho rằng chơi game và kiếm tiền không thể kết hợp với nhau lâu dài, và việc kiếm tiền sẽ làm giảm đáng kể giá trị của việc chơi game. Khi lợi nhuận ngày càng giảm, liệu mọi người có còn tiếp tục chơi GameFi với lối chơi không hấp dẫn?
Có thể nói kiếm tiền là ưu điểm lớn nhất của GameFi so với game truyền thống, đồng thời cũng là lý do chính giúp GameFi tồn tại được. Nhưng hiện nay số tiền của người chơi lại phụ thuộc vào giá của tiền ảo trên thị trường thứ cấp. Để duy trì lợi nhuận ở mức cao, phải tạo ra thêm các game mới và thu hút người chơi mới tham gia vào thị trường. Đó là một vòng xoáy liên tục không dừng.
Để tránh sự giảm tốc trong tương lai, GameFi sẽ phải điều chỉnh cơ chế tài chính của mình và tối ưu hóa cách tạo ra lợi nhuận, ví dụ như cung cấp nhiều cách thức và tăng tính tương tác cho các giao dịch tài sản kỹ thuật số trong game, hoặc lập ra một “kho bạc” để quản lý toàn bộ thu nhập trong nền tảng GameFi.
Cải thiện cơ chế tài chính là yêu cầu không thể né tránh trong quá trình xây dựng GameFi 2.0, buộc các nhà phát triển sẽ phải cố gắng hết sức.
Tăng trải nghiệm chơi game để giữ chân người chơi lâu dài
GameFi không chỉ là phương tiện kiếm tiền, mà trên hết nó là trò chơi, do đó nếu muốn duy trì sức hút lâu dài và phát triển lên thế hệ 2.0, GameFi phải cải thiện nội dung trò chơi tốt hơn.
Trong GameFi hiện nay, người chơi phải sử dụng các nhân vật và đạo cụ trong game để chiến thắng đối thủ, giành được phần thưởng và kiếm tiền. So với “đào coin” thì cách này khó và lâu hơn nhiều, do đó nếu mô hình kinh tế và lối chơi của game không được thiết kế tốt thì rất khó giữ chân được người chơi.
Không chỉ phụ thuộc vào thị trường thứ cấp như đã nêu, lợi nhuận trong GameFi còn đến từ việc mua bán tài sản ảo trong game dưới nhiều hình thức như nuôi pet, đua ngựa, chiến đấu, khám phá vũ trụ hay thu thập thẻ bài. Miễn là đem lại trải nghiệm hấp dẫn, game sẽ tiếp tục thu hút người chơi giao dịch và tiếp tục tạo ra lợi nhuận. Khi càng có nhiều người chơi, các hình thức giao dịch có thể sẽ càng phong phú, đồng thời giá trị và doanh thu cũng tăng lên – điều này không có trong hoạt động tài chính truyền thống.
Hầu hết GameFi hiện tại đều có tiềm năng phát triển rất lớn về cách chơi, và cũng có thể học hỏi từ các game truyền thống. Game truyền thống thường được coi là “miễn phí”, tuy nhiên người chơi có thể chi tiền để mua vật phẩm sau một thời gian chơi thử, ngoài ra game còn kiếm tiền từ quảng cáo. Càng nhiều người chơi, thời gian online càng lâu, thì lượng truy cập và xem quảng cáo càng nhiều, game sẽ thu hút thêm các nhà quảng cáo và kiếm thêm lợi nhuận.
Như vậy khi mọi người chơi game cũng chính là “làm việc” cho các nhà phát triển game và nhà quảng cáo. Tại sao họ sẵn sàng “lao động” như vậy? Là vì game rất vui, không ai nghĩ rằng mình đang phải làm việc mà chỉ là giải trí tự nguyện. Nhưng họ chỉ “làm việc” cho những game hay, vì số tiền họ bỏ ra phải xứng đáng với mức độ giải trí tinh thần khi chơi.
Để có tính giải trí cao, game không chỉ cần nội dung hay mà phải xây dựng được cộng đồng người chơi lớn mạnh và văn hóa độc đáo của riêng mình.
Về nội dung, GameFi hiện tại có nhiều cách chơi như nhập vai, không gian ảo, chiến đấu, thu thập thẻ bài, xây dựng, v.v. So với DeFi đơn thuần thì tính tương tác cao hơn, thú vị hơn, giải trí nhiều hơn, nhưng so với một số game truyền thống phổ biến thì vẫn còn kém xa. Khi ngày càng nhiều nhà phát triển tham gia vào lĩnh vực GameFi, sẽ có nhiều tiềm năng để thiết kế game hấp dẫn hơn và đồ họa phức tạp hơn, tăng trải nghiệm khi chơi.
Một số GameFi mang tính đối kháng đang được phát triển theo hướng e-sport, với nhiều sự kiện và giải đấu được tổ chức trên khắp thế giới thu hút nhiều game thủ nổi tiếng, phần thưởng cho người thắng cuộc cũng rất hấp dẫn. Với sự phát triển của e-sport như hiện nay, đây sẽ là hướng đi rất hứa hẹn cho GameFi.
Các game hay sẽ tự động hình thành nên cộng đồng người chơi lớn mạnh, và cộng đồng này lại giúp nuôi sống game. Ví dụ như người chơi của Dota2 sau khi mua vàng krypton trong game có thể nhận được vé tham dự sự kiện và các vật phẩm quý hiếm. Đây là cách huy động vốn từ cộng đồng để dùng làm tiền thưởng cho các giải đấu của game. Kể từ khi bắt đầu thực hiện chiến lược này, số tiền thưởng của Dota2 không ngừng tăng qua các năm.
GameFi có lợi thế tự nhiên để xây dựng cộng đồng, với hình thức quản trị DAO (Decentralized Autonomous Organization – tổ chức tự trị phi tập trung) giúp người chơi có quyền sở hữu và quản lý cộng đồng thông qua việc phát hành token và kết nối chặt chẽ với những người chơi khác. Hiện tại đã có nhiều cộng đồng hình thành trong lĩnh vực GameFi, không chỉ là nơi để thảo luận về game mà còn có thể huy động sức mạnh của tập thể để tạo ra game mới, thậm chí là đầu tư.
Hơn nữa, nhiều cộng đồng DAO không chỉ giới hạn trong một game cố định mà đang tìm cách tham gia sâu vào toàn bộ lĩnh vực GameFi, khi đó lượng tài sản tích lũy sẽ rất lớn và cộng đồng người chơi cực kỳ đông đảo.
Qua những điều trên, có thể thấy GameFi có tiềm năng rất lớn về phát triển nội dung và xây dựng cộng đồng. Một số dự án đã bắt đầu triển khai theo hướng đó và đạt được kết quả bước đầu. Có thể tin rằng các GameFi tiếp theo sẽ nắm bắt xu hướng và mở ra nhiều khả năng hơn.
GameFi 2.0 và metaverse: Xây dựng nền kinh tế trong game “thật” hơn
Sau một thời gian phát triển, nhiều GameFi hiện đã bắt đầu chuyển hướng sang metaverse. Thế giới rộng lớn và phức tạp của metaverse-GameFi có thể tạo ra rất nhiều cốt truyện và bối cảnh khác nhau hấp dẫn người chơi, đồng thời mô phỏng thế giới thực, đặc biệt là cơ cấu kinh tế giống như ngoài đời.
Nền kinh tế trong game được xây dựng ổn định và có trật tự sẽ làm nền tảng cho toàn bộ hệ sinh thái, cải thiện cơ chế tài chính của GameFi và đảm bảo tính bền vững lâu dài.
GameFi 2.0 có thể sẽ thiết kế các nhân vật và vật phẩm trong game mô phỏng nền kinh tế thật: vừa tạo ra của cải vừa tiêu dùng hàng hóa. Để đảm bảo nền kinh tế ổn định, nhiều game đã tạo ra cơ chế token kép: một token đóng vai trò là phương tiện giao dịch trong game của người chơi, token thứ 2 là công cụ của nhà phát triển để kiểm soát.
Ví dụ với Axie Infinity, mô hình kinh tế của nó vẫn đang được điều tiết ổn định. Token SLP của game đã được phát hành quá nhiều dẫn đến lạm phát tăng. Để tránh nguy cơ sụp đổ, nhà phát triển đã nhanh chóng phản ứng bằng cách trực tiếp giảm một nửa phần thưởng SLP, nhờ đó mức tiêu thụ và nguồn cung đã trở lại trạng thái cân bằng.
Sự bùng nổ hiện nay của GameFi không phải là ăn may. Kể từ game đời đầu CryptoKitties, đến nay GameFi đã đạt được nhiều bước tiến lớn bằng cách thử nghiệm, tiếp thu từ những người đi trước để ngày càng trở nên rộng lớn và linh hoạt hơn. Các nhà phát triển có thể kiểm soát và điều chỉnh kịp thời bằng cách phát hành token và thay đổi chính sách kinh tế giống như đời thật.
Dưới tác động của cả người chơi và nhà phát triển, nền kinh tế của GameFi có thể duy trì một cách ổn định và lành mạnh trong phạm vi nhất định. Nền kinh tế phức tạp và giống thật hơn cũng giúp cho bối cảnh trong game trở nên phong phú hơn, cốt truyện hoàn chỉnh hơn, trải nghiệm khi chơi hấp dẫn hơn, hình thành văn hóa xã hội và cộng đồng, v.v. Đó sẽ là “vũ trụ ảo” cực kỳ đa dạng.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:
- Cơn sốt GameFi “chơi cũng ra tiền”: Xu hướng nhất thời hay tương lai của ngành game?
- 5 game NFT hoàn toàn miễn phí – Chơi GameFi kiếm tiền không cần bỏ vốn
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!