Siêu dự án Starlink của Elon Musk được kỳ vọng sẽ nâng cấp Internet cực nhanh và phủ sóng rộng rãi tới từng ngóc ngách của thế giới. Liệu Starlink có thật sự là tương lai của kết nối Internet toàn cầu và sẽ đưa cả thế giới xích lại gần nhau hơn? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Ngày nay chúng ta đều biết Elon Musk là một trong những doanh nhân công nghệ hàng đầu thế giới. Từ PayPal, Tesla đến SpaceX, tỷ phú này dường như đã quá quen với việc thành lập và phát triển các công ty trị giá tỷ đô. Và với dự án mới nhất của Elon Musk là mạng lưới Starlink, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ trông thấy những đột phá tương tự.
Nhưng chính xác thì Starlink là gì, và nó có thật sự triển vọng như những lời giới thiệu rất “hoành tráng” kia không? Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu một số thông tin cơ bản về Starlink, để qua đó hình dung được những thay đổi mà nó có thể mang lại cho thế giới trong tương lai.
1. Starlink là một công ty chuyên về viễn thông
Starlink đặt mục tiêu cung cấp mạng Internet trên phạm vi toàn cầu và hy vọng tạo ra sự kết nối ổn định giữa các khu vực nông thôn và thành thị. Kể từ tháng 4 năm 2020, hơn 1.800 vệ tinh của Starlink đã được triển khai, tất cả đều được thiết kế để hoạt động trên quỹ đạo thấp của Trái đất (độ cao khoảng 1.000 km trở xuống so với bề mặt Trái đất).
Còn 10.200 vệ tinh khác sẽ tiếp tục được triển khai cùng với 1.800 chiếc đã có mặt trên quỹ đạo. Khi tất cả 12.000 vệ tinh này được đưa vào đúng quỹ đạo như mong muốn, Starlink sẽ có thể phủ sóng khắp toàn cầu mà không bị gián đoạn ở bất cứ đâu.
Starlink sẽ phóng thêm 60 vệ tinh với tần suất hai tuần một lần với các chuyến bay của tên lửa Falcon 9 trong suốt năm 2021, để cuối cùng đạt mục tiêu 12.000 vệ tinh trên quỹ đạo. Tuy nhiên con số này được dự đoán sẽ tăng lên hơn 42.000 nếu công ty Starlink phát triển thuận lợi. Càng có nhiều vệ tinh hơn, tốc độ của mạng Internet sẽ càng nhanh hơn.
2. Starlink mang đến cho chúng ta một loại Internet mới
Không giống như các vệ tinh truyền thống, vệ tinh Starlink được thiết kế để liên lạc thông qua công nghệ laser. Laser về bản chất là một loại sóng ánh sáng, do đó nó di chuyển với vận tốc ánh sáng (khoảng 300.000 km/s), cho phép liên lạc và truyền dữ liệu với tốc độ cực nhanh, gấp nhiều lần so với phương pháp viễn thông truyền thống mà chúng ta đang dùng hiện nay.
Phương thức mới này có phần giống với Internet cáp quang, cũng là một loại hình viễn thông siêu tốc. Tuy nhiên Internet cáp quang hoạt động nhờ xung ánh sáng thông thường thay vì tia laser.
Sử dụng công nghệ mới này, mỗi vệ tinh riêng lẻ của Starlink sẽ hoạt động phối hợp với 4 vệ tinh gần nó để tạo ra kết nối mạnh và ổn định hơn.
3. Starlink sẽ mang đến tốc độ Internet siêu nhanh
Trong mục hỏi đáp chính thức của Starlink, họ đã nói rằng tốc độ Internet của dự án này nằm trong khoảng từ 50Mb/giây đến 150Mb/giây. Mặc dù hiện nay tốc độ 50Mb/giây không có gì đặc biệt, nhưng nếu đạt đến 150Mb/giây thì chắc chắn là rất ấn tượng.
Với tốc độ Internet 150Mb/giây, bạn có thể làm hầu như bất cứ điều gì mình muốn trên nhiều thiết bị cùng một lúc mà không sợ bị lag hoặc “đơ mạng”. Vì vậy nếu Starlink thực sự có thể tạo ra tốc độ cao như thế thì sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách sử dụng mạng Internet của chúng ta.
Tốc độ 150Mb/giây không chỉ gây kinh ngạc cho những ai muốn sử dụng Internet siêu nhanh, mà những người sống ở vùng nông thôn đang phải chấp nhận mạng “rùa bò” cũng sẽ có cơ hội lướt web dễ dàng hơn rất nhiều. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh thì tốc độ 50Mb/s cũng là lý tưởng lắm rồi.
4. Starlink là công ty con của SpaceX
Starlink được điều hành thông qua SpaceX – công ty khổng lồ của Elon Musk chuyên sản xuất và vận chuyển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, được thành lập vào năm 2002, 13 năm trước khi Starlink hình thành.
Thực ra phải mất vài năm công ty này mới có tên gọi chính thức, và đã từng có lúc được gọi là “dự án viễn thông SpaceX”. Mãi đến năm 2017 cái tên Starlink mới được đăng ký nhãn hiệu, lấy cảm hứng từ cuốn sách The Fault in Our Stars (Khi lỗi thuộc về những vì sao) của John Green. Quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất vệ tinh của Starlink đều được điều phối thông qua SpaceX. Cũng hợp lý thôi, vì cả hai công ty đều quan tâm đến các vấn đề vượt khỏi tầm Trái đất.
Thông qua SpaceX, hàng nghìn vệ tinh cần thiết cho hoạt động của Starlink đang được triển khai vào quỹ đạo. Các vệ tinh này được phân thành ba nhóm riêng biệt: vệ tinh tầm cao, vệ tinh băng tần Ku và Ka, và vệ tinh băng tần V. Các nhóm vệ tinh này sẽ được phóng lên quỹ đạo có độ cao cách nhau vài trăm kilomet.
Các chuyến bay của tên lửa Falcon 9 để đưa vệ tinh lên cũng là sản phẩm của Space X. Falcon 9 là loại tên lửa có thể tái sử dụng một phần, mang được trọng lượng lên tới 22.800 kg vào không gian, giúp nó trở thành sự lựa chọn hoàn hảo để phóng vệ tinh.
5. Hiện tại nhiều nơi trên thế giới đã có thể dùng thử Starlink Beta
Do đã có một số lượng lớn vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo nên Starlink đã quyết định phát hành phiên bản beta để mọi người dùng thử.
Ngay cả phiên bản thử nghiệm này của Starlink cũng mang đến tốc độ Internet nhanh, nhưng Starlink đã cảnh báo rằng sẽ có những khoảng thời gian ngắn mà khách hàng hoàn toàn không có kết nối Internet, vì vậy nên cẩn thận nếu muốn đăng ký dùng bản beta.
Tuy nhiên bản beta không có sẵn trên toàn cầu. Hiện nay chỉ những người sống ở một số địa điểm nhất định của nước Mỹ, Canada và Vương quốc Anh mới có thể đăng ký sử dụng nó. Nếu muốn tìm hiểu xem vị trí của mình có cung cấp dịch vụ này hay không, mọi người có thể truy cập trang web chính thức của Starlink (starlink.com) và nhập địa chỉ nhà của mình vào.
6. Giá của Starlink sẽ không hề rẻ
Nếu trong tương lai bạn cảm thấy gói cước Internet Starlink có vẻ khá tốt và muốn đăng ký thì lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là tài chính. Bạn sẽ tốn 99 USD mỗi tháng để đăng ký Starlink, tức là 1188 USD mỗi năm – chỉ để sử dụng Internet!
Mức giá của Starlink được quy đổi tương đương ở khắp mọi nơi trên thế giới, và chưa tính tới chi phí phần cứng, vận chuyển, lắp ráp thiết bị. Như vậy câu hỏi thực sự ở đây là: liệu có đáng không?
Ở thời điểm hiện tại thì thật khó trả lời. Do Starlink vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và đến nay mới chỉ có 15% số vệ tinh được triển khai vào quỹ đạo, nên có thể sẽ cần thêm thời gian để chúng ta xác định liệu nó có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không.
Dù sao thì với công nghệ viễn thông mới của Starlink, chúng ta có thể đang tiến tới giai đoạn phát triển đột phá của kết nối Internet. Tất nhiên vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ khẳng định nào, nhưng nếu Starlink thực sự làm được những điều mà họ đã tuyên bố thì công nghệ Internet laser đó có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành viễn thông.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Tại sao thay màn hình điện thoại thường có giá rất đắt?
- Kính thông minh có cấu tạo và hoạt động như thế nào?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!