Sau đây là 10 địa điểm hư cấu từng được cả thế giới tin là có thật trong lịch sử, cùng BlogAnChoi tìm hiểu nào!
1. Vương quốc của Prester John
Vào khoảng thế kỷ 12, người châu Âu bắt đầu nghe tin đồn rằng có một vị vua Thiên Chúa giáo ở châu Á cai trị một vương quốc vô danh và chiến đấu chống lại Hồi giáo đang ngày càng phát triển. Tên anh ta là Prester John, được cho là hậu duệ của một trong ba đạo sĩ đã mang quà đến cho Chúa Jesus sơ sinh.
Các cường quốc châu Âu coi Prester John như một đồng minh đáng tin cậy, đặc biệt vì đây là khoảng thời gian diễn ra các cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên. Nhưng những nỗ lực tìm kiếm anh ta hoặc vương quốc của anh ta đều không có kết quả. Vào khoảng năm 1165, một lá thư được cho là của Prester John bắt đầu được lưu hành khắp châu Âu. Mặc dù bây giờ chúng ta biết đó là đồ giả nhưng ai đã tạo ra nó và lí do làm vậy vẫn là những câu hỏi chưa được giải đáp. Lời giải thích hợp lý nhất là nó được tuyên truyền nhằm tăng cường sự ủng hộ cho cuộc Thập Tự Chinh thứ ba.
Truyền thuyết về Prester John kéo dài gần nửa thiên niên kỷ. Có lúc Giáo Hoàng nghĩ Thành Cát Tư Hãn có thể là Prester John. Sau đó, khi điều này được chứng minh là không đúng thì vương quốc thần thoại của John đã chuyển từ châu Á sang châu Phi, có thể là ở Ethiopia.
2. Đảo Quỷ
Vào khoảng năm 1542, nữ quý tộc người Pháp Marguerite de La Roque đã tham gia chuyến hành trình do chú của bà – Jean-Francois de La Roque de Roberval – dẫn đầu, đi từ Pháp đến Tân Thế Giới. Trong hành trình, cô có một mối tình lãng mạn với một thủy thủ và mang thai – điều mà chú cô thấy xấu hổ khủng khiếp.
Để trừng phạt cô, Roberval đã bỏ Marguerite, người tình của cô và hầu gái Damienne trên một hòn đảo được gọi là Đảo Quỷ. Hầu hết các tàu khác đều tránh xa vùng đất này vì họ tin rằng đây là nơi sinh sống của các linh hồn ma quỷ. Nhiều thủy thủ cho biết đã nghe thấy những tiếng động lạ bất cứ khi nào họ đến quá gần.
Đứa bé được sinh ra nhưng chết ngay sau đó. Người tình và cô hầu gái cũng bỏ mạng, để lại Marguerite một mình sinh tồn bằng nghề săn thú rừng. Cô sống một mình trên đảo khoảng hai năm trước khi được một con tàu đi ngang qua cứu và đưa về Pháp.
Đảo Quỷ biến mất khỏi bản đồ vào khoảng giữa thế kỷ 17 sau khi tồn tại ở đó hơn một trăm năm. Chắc chắn không có hòn đảo nào có vị trí như vậy trên các bản đồ cũ. Marguerite cũng không sống trên một hòn đảo vô hình trong vài năm. Ngày nay, người ta cho rằng cô bị mắc kẹt trên đảo Quirpon hoặc cảng Harrington ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Canada.
3. Đảo Bermeja
Trong hàng trăm năm, người ta nghĩ rằng đảo Bermeja có thật và xuất hiện trên nhiều bản đồ vịnh Mexico thế kỷ 16 và 17. Trong thế kỷ 18, các nhà vẽ bản đồ đã ngừng vẽ nó nên hẳn đã có điều gì đó xảy ra với đảo Bermeja, hoặc nó chưa bao giờ tồn tại. Nhưng trong khi hầu hết các hòn đảo ma khác chỉ được coi là tin đồn thì Mexico vẫn đang nỗ lực tìm kiếm Bermeja vì nó có rất có giá trị.
Năm 2009, sự tồn tại của hòn đảo đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán về quyền khoan dầu giữa Mexico và Hoa Kỳ ở vịnh Mexico. Nếu hòn đảo này là có thật, nó sẽ mở rộng đáng kể diện tích của Mexico với khu vực được cho là chứa khoảng 22.5 tỷ thùng dầu. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi có thuyết âm mưu cho rằng Hoa Kỳ cố tình phá hủy hòn đảo để có được quyền khoan thăm dò.
4. Lyonesse
Ngày nay, Land’s End ở Cornwall là điểm cực tây của nước Anh trên đất liền. Thế nhưng, theo truyền thuyết thì từng có một vương quốc tên là Lyonesse trên dải đất nối liền Land’s End với nơi ngày nay là quần đảo Scilly ở biển Celtic. Vương quốc này có 140 nhà thờ và một nhà thờ khổng lồ nằm trên đỉnh rạn san hô Seven Stones ngày nay. Người dân Lyonnese đã phạm một tội ác không thể tha thứ với Chúa đến mức toàn bộ vương quốc bị lũ lụt nhấn chìm chỉ trong một đêm.
Tổ chức từ thiện Di sản Anh đã quyết định tìm kiếm huyền thoại này và vào năm 2009. Họ tài trợ cho một nghiên cứu mang tên Dự án Lyonesse. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hàng nghìn năm trước, quần đảo Scilly là một vùng đất rộng lớn, tuy nhiên, không có vương quốc nào ở đó cả.
5. Crocker Land
Crocker Land là hòn đảo – được cho là – ở phía bắc đảo Ellesmere của Canada vào đầu thế kỷ 20. Nhà thám hiểm Bắc Cực Robert Peary tuyên bố đã phát hiện ra nó trong một chuyến thám hiểm thất bại tới Bắc Cực vào năm 1906. Ông đặt tên nó là Crocker Land theo tên một trong những nhà tài trợ chính của ông, George Crocker. Có thể Peary đã thực sự nhầm lẫn, trở thành nạn nhân của ảo ảnh Fata Morgana hoặc có thể ông ta chỉ đang cố moi thêm tiền mà thôi.
Sự tồn tại của Crocker Land có ý nghĩa thực tế trong đời thực vì nó có thể là yếu tố quyết định việc xác định ai là người đầu tiên đến Bắc Cực. Năm 1909, Peary tuyên bố ông là người đã đạt được thành tích này, nhưng đồng thời, một người khác tên là Frederick Cook cũng vậy.
Cook khẳng định rằng ông đã đi đến nơi được cho là Crocker Land và không thấy hòn đảo nào như vậy. Điều này có nghĩa là một trong số họ đã nói dối và người ta có thể phỏng đoán rằng bất cứ ai nói dối về Crocker Land cũng đang nói dối về việc đến được Bắc Cực.
Một đoàn thám hiểm độc lập khởi hành vào năm 1913 để tìm kiếm hòn đảo. Cuối cùng, họ nói nó không tồn tại mặc dù mọi người vẫn có xu hướng tin tưởng Peary hơn Cook – ít nhất là trong một thời gian – tuy sau này người ta kết luận rằng cả hai đều đang nói dối.
6. Thành phố Z
Một trong những nhà thám hiểm vĩ đại nhất nước Anh, đại tá Percy Harrison Fawcett – dựa trên một số tài liệu cũ và lời khai của người dân bản địa – tin rằng có tàn tích của một nền văn minh vô danh nằm trong khu rừng rậm Brazil thuộc bang Mato Grosso. Ông gọi nó là “thành phố thất lạc Z”.
Không may là thế chiến I đã khiến mọi kế hoạch bị đình trệ khi ông phải tới mặt trận phía Tây. Sau khi hòa bình, ông bắt đầu tổ chức một cuộc thám hiểm khởi động vào năm 1920 và thất bại thảm hại. Nhà thám hiểm đã phải bỏ cuộc vì bị sốt.
Năm 1925, Fawcett chuẩn bị chuyến thám hiểm thứ hai, mang theo con trai Jack và một người bạn của gia đình tên là Raleigh Rimell. Ba người họ biến mất trong rừng rậm và không bao giờ xuất hiện nữa. Trong những thập kỷ sau đó, nhiều cuộc thám hiểm đã cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với họ. Tuy nhiên, số phận của các nhà thám hiểm và vị trí của thành phố thất lạc Z vẫn còn là một bí ẩn.
7. Đảo Cát
Giống như Crocker Land, đảo Cát trong lãnh hải Pháp ở Nam Thái Bình Dương được lập hải đồ bởi thuyền trưởng James Cook vào năm 1776 ngoài khơi New Caledonia. 100 năm sau, nó chính thức được xác nhận bởi một con tàu săn cá voi có tên Velocity và tồn tại gần một thế kỷ rưỡi.
Phải đến năm 2012, một tàu nghiên cứu của Australia mới chứng minh được là đảo Cát không tồn tại. Nhưng điều kỳ lạ là người Pháp đã biết hòn đảo này không có thật trong nhiều thập kỷ. Lần đầu tiên họ liệt kê nó là ED, có nghĩa là “sự tồn tại đáng nghi ngờ” và sau đó loại bỏ nó khỏi tất cả các bản đồ thủy văn của họ vào năm 1974. Nhưng có vẻ như những người khác không biết điều đó.
8. Thule
Đây là ông tổ của những địa điểm thần thoại, được nhắc đến lần đầu bởi người Hy Lạp cổ đại, giống như Atlantis. Theo người Hy Lạp và La Mã, đây là vị trí xa nhất về phía bắc mà họ biết sau khi được nhà thám hiểm Pytheas mô tả vào cuối thế kỷ thứ 4 trước công nguyên.
Pytheas khởi hành từ Marseille và đi về phía bắc qua quần đảo Anh vào lãnh thổ chưa được khám phá cho đến khi ông đến Thule, một vùng đất “đất, biển và vạn vật đều lơ lửng, không thể vượt qua bằng đường bộ hoặc tàu”. Khi trở về nhà, Pytheas đã viết “Trên đại dương” – một trong những tạp chí du lịch quan trọng nhất của thế giới cổ đại và thậm chí còn hướng dẫn lộ trình chính xác để đến được Thule.
Tuy nhiên, không biết vì sao tác phẩm của ông biến mất khi Thư viện Alexandria bị phá hủy và tất cả những gì còn lại là một vài mẩu thông tin xuất hiện trong những cuốn sách khác.
9. Paititi
Khi quân Tây Ban Nha cướp bóc thủ đô Cusco của người Inca, họ đã tìm thấy rất ít vàng bạc mà đáng lẽ người Inca phải có. Đó là vì người Inca đã chuyển kho báu khổng lồ của họ ra khỏi thủ đô tới thành phố bí mật Paititi, ẩn sâu trong khu rừng phía đông dãy Andes. Nhưng đế chế Inca đã rơi vào tay người Tây Ban Nha ngay sau đó, vị trí của Paititi cùng với khối tài sản vô tận chứa đựng bên trong nó đã bị thất lạc vĩnh viễn.
Kể từ đó, vô số nhà khảo cổ, nhà thám hiểm và thợ săn kho báu đã mạo hiểm, thậm chí hy sinh mạng sống của mình để tìm kiếm thành phố này. Một trong những cuộc thám hiểm gần đây nhất để tìm kiếm Paititi chỉ diễn ra cách đây một thập kỷ.
10. Zerzura
Sự tồn tại và việc tìm kiếm Zerzura đều diễn ra ở thời hiện đại. Mặc dù có những tài liệu tham khảo cũ hơn về ốc đảo nhưng lời kể của nhà Ai Cập học người Anh John Gardner Wilkinson năm 1843 đã thúc đẩy những nhà thám hiểm sau ông đi sâu vào sa mạc Sahara để tìm kiếm nơi này. Chuyến thám hiểm nổi tiếng nhất là của László Almásy, phi công người Hungary, dẫn đầu vào năm 1932.
Almásy phát hiện ra Wadi Talh, được cho là một trong ba thung lũng của Zerzura. Hai thung lũng còn lại được phát hiện bởi một đoàn thám hiểm khác do vợ chồng Claytons và các đồng nghiệp của Almásy thực hiện. Liệu những phát hiện này có thực sự là thành phố Zerzuza đã mất hay không vẫn chưa chắc chắn.
Bạn có thể đọc thêm:
- 10 truyền thuyết về trận Đại Hồng Thủy trong các nền văn hóa khác nhau
- 10 điều có thể bạn chưa biết về Greenland – vùng đất bị lãng quên chìm trong băng tuyết và bóng tối
- 10 sinh vật thần thoại thực sự tồn tại trong thế giới của chúng ta
Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về bài viết này, mình sẽ rất cảm kích nếu được đóng góp ý kiến từ các bạn.