Dậy thì là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, là “cột mốc” để các bậc cha mẹ nhận ra con mình sắp trưởng thành tới nơi rồi! Nhưng cái gì cũng phải “đúng người đúng thời điểm” thì mới tốt. Dậy thì sớm là vấn đề đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay và gây nhiều tác hại đến sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của trẻ. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu chi tiết về tình trạng này nhé!

Như thế nào gọi là dậy thì sớm?

Để biết dậy thì sớm là như thế nào và có ảnh hưởng ra sao đến cơ thể và tinh thần của trẻ, trước tiên chúng ta cần biết dậy thì “bình thường” là như thế nào chứ nhỉ!

Tuổi dậy thì – giai đoạn “lột xác” từ trẻ em thành người lớn (Ảnh: Internet).
Tuổi dậy thì – giai đoạn “lột xác” từ trẻ em thành người lớn (Ảnh: Internet).

Các bậc cha mẹ có con bước vào độ tuổi khoảng cấp 2, cấp 3 đều sẽ nhận ra sự thay đổi của con, và bản thân các bạn nhỏ cũng rất “hoang mang” khi thấy cơ thể mình bắt đầu “là lạ”. Đó là vì tuổi dậy thì được đặc trưng bởi sự xuất hiện và phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát, đánh dấu cơ thể chúng ta chính thức bước vào thời kỳ có khả năng sinh sản.

Tuổi dậy thì mang đến nhiều băn khoăn và những chuyện "khó nói" (Ảnh: Internet).
Tuổi dậy thì mang đến nhiều băn khoăn và những chuyện “khó nói” (Ảnh: Internet).

Theo các chuyên gia, độ tuổi diễn ra quá trình dậy thì bình thường đối với trẻ trai là 9 đến 14 tuổi, còn trẻ gái sớm hơn một chút, từ 8 đến 13 tuổi. Ở giai đoạn này các bạn nhỏ sẽ nhận thấy sự thay đổi từng ngày của cơ thể mình biểu hiện qua các dấu hiệu sau:

  • Đối với trẻ trai: cơ quan sinh dục lớn ra, mọc râu, phát triển nhiều lông ở nách và vùng kín, cao lớn hơn, cơ bắp nhiều hơn và giọng nói bị khàn (dân gian hay gọi là vỡ giọng).
Những dấu hiệu cho thấy một cậu bé sắp trở thành người đàn ông thực thụ (Ảnh: Internet).
Những dấu hiệu cho thấy một cậu bé sắp trở thành người đàn ông thực thụ (Ảnh: Internet).
  • Đối với trẻ gái: bộ phận sinh dục cũng tăng kích thước, cùng với đó là ngực phát triển, lông ở vùng kín và nách, tăng chiều cao và đặc biệt là sự xuất hiện của kinh nguyệt đánh dấu bắt đầu có khả năng làm mẹ.

Vậy thế nào mới gọi là dậy thì sớm? Không phải là thức dậy lúc 5 giờ sáng như câu nói vui “ngủ thì muộn, dậy thì sớm” đâu nhé! Căn cứ theo độ tuổi dậy thì bình thường như đã nêu trên, đa số các chuyên gia về y tế hiện nay đều nhất trí rằng dậy thì được coi là sớm khi các dấu hiệu sinh dục thứ phát xuất hiện sớm hơn bình thường, đối với trẻ trai là trước 9 tuổi và trẻ gái là trước 8 tuổi.

Dậy thì sớm do nguyên nhân nào gây nên, và yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này?

Cơ chế gây dậy thì sớm là do rối loạn các hormone sinh dục trong cơ thể (Ảnh: Internet).
Cơ chế gây dậy thì sớm là do rối loạn các hormone sinh dục trong cơ thể (Ảnh: Internet).

Các đặc điểm sinh dục thứ phát của cơ thể được biểu hiện dưới tác dụng của các hormone sinh dục là estrogen ở nữ và testosterone ở nam được tiết ra bởi cơ quan sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn). Bản thân các hormone này lại được điều hòa bởi những hormone khác của tuyến yên và vùng hạ đồi trong não.

Tuyến yên là cơ quan tiết ra nhiều hormone, trong đó có các hormone điều hòa sinh dục (Ảnh: Internet).
Tuyến yên là cơ quan tiết ra nhiều hormone, trong đó có các hormone điều hòa sinh dục (Ảnh: Internet).

Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm hiện nay không tìm được nguyên nhân, trong các trường hợp còn lại thì nguyên nhân được phân thành hai nhóm là dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên.

Dậy thì sớm trung ương là dạng thường gặp hơn, do các bất thường và tổn thương ở não là cơ quan trung ương điều khiển việc tiết các hormone sinh dục. Các nguyên nhân trong nhóm này bao gồm:

  • Khối u trong não (u lành hoặc ung thư)
  • Chấn thương sọ não
  • Viêm não, viêm màng não
  • Dị tật não bẩm sinh
  • Nhiễm bức xạ vùng đầu
Khối u làm tuyến yên tăng tiết hormone có thể gây dậy thì sớm (Ảnh: Internet).
Khối u làm tuyến yên tăng tiết hormone có thể gây dậy thì sớm (Ảnh: Internet).

Dậy thì sớm ngoại biên là dạng ít gặp hơn và có nguyên nhân từ các cơ quan tiết hormone sinh dục ở ngoại biên (ngoài não) như:

  • Bệnh của tuyến thượng thận (u tuyến thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh)
  • U tinh hoàn, u buồng trứng
  • Hội chứng McCune-Albright
  • Đặc biệt một nguyên nhân đang ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện nay là do trẻ tiếp xúc với các hormone sinh dục có trong thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc.
Các hormone sinh dục có trong môi trường là một nguyên nhân gây dậy thì sớm (Ảnh: Internet).
Các hormone sinh dục có trong môi trường là một nguyên nhân gây dậy thì sớm (Ảnh: Internet).

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, hiện nay các nhà khoa học đã xác định được một vài yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc tình trạng dậy thì sớm (nhưng không có nghĩa rằng cứ trẻ nào có những yếu tố này thì sẽ bị dậy thì sớm). Các yếu tố này bao gồm:

  • Giới tính: tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ gái cao hơn trẻ trai.
  • Di truyền: một số gene đã được xác định là có khả năng gây dậy thì sớm.
  • Béo phì: những trẻ béo phì – đặc biệt là trẻ gái – có tỷ lệ dậy thì sớm cao hơn trẻ có cân nặng bình thường.

Dậy thì sớm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của trẻ?

Dậy thì sớm liệu có đơn giản chỉ là sự thay đổi ngoại hình trước tuổi? (Ảnh: Internet).
Dậy thì sớm liệu có đơn giản chỉ là sự thay đổi ngoại hình trước tuổi? (Ảnh: Internet).

Thoạt nhìn nhiều người sẽ tưởng tình trạng “lớn trước tuổi” này chẳng có gì đáng ngại, cùng lắm chỉ là sự khác biệt về ngoại hình và vóc dáng so với các bạn bè đồng trang lứa mà thôi. Tuy nhiên trên thực tế các chuyên gia đã ghi nhận hiện tượng dậy thì sớm có thể để lại nhiều hậu quả về lâu dài cho trẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần và đời sống sau này.

Dậy thì sớm khiến trẻ bị hạn chế chiều cao khi trưởng thành

Dậy thì sớm khiến trẻ bị lùn về sau, bạn có tin được không? (Ảnh: Internet).
Dậy thì sớm khiến trẻ bị lùn về sau, bạn có tin được không? (Ảnh: Internet).

Nếu bạn cảm thấy điều này khá “ngược đời” so với thực tế là các trẻ dậy thì sớm luôn có vẻ cao lớn hơn các bạn cùng tuổi, thì xin hãy đọc tiếp phần giải thích sau đây.

Dậy thì sớm đúng là khiến trẻ phát triển chiều cao nhanh, nhưng giai đoạn này cũng kết thúc sớm hơn so với dậy thì bình thường, do đó trẻ sẽ cao vọt lên trong một thời gian ngắn rồi ngưng khi giai đoạn dậy thì kết thúc. Kết quả là các trẻ này tuy cao sớm nhưng không kéo dài và đến lúc trưởng thành lại thấp bé hơn các bạn cùng tuổi.

Dậy thì sớm làm trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm

Yêu đương và "quan hệ" sớm là mối nguy hiểm đối với trẻ em (Ảnh: Internet).
Yêu đương và “quan hệ” sớm là mối nguy hiểm đối với trẻ em (Ảnh: Internet).

Giai đoạn dậy thì với sự tăng cao lượng hormone sinh dục sẽ tạo ra nhiều thay đổi về tâm sinh lý trong cơ thể con người, đặc biệt là cảm giác “ham muốn”. Ở độ tuổi còn quá nhỏ, trẻ chưa đủ hiểu biết để có thể kiểm soát và tiết chế những ham muốn của bản thân dẫn đến nguy cơ sa vào “chuyện ấy” do tò mò hoặc bị kẻ xấu lợi dụng.

Hậu quả của tình trạng này là khả năng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau. Đặc biệt những tổn thương tâm lý trong giai đoạn mới lớn này sẽ in sâu vào trí nhớ của trẻ và dẫn đến nhiều chứng bệnh tâm lý hoặc nhận thức lệch lạc về sau này.

Dậy thì sớm ảnh hưởng đến đời sống tâm lý – xã hội của trẻ

Sự "khác biệt" trên cơ thể khiến trẻ khó hòa nhập với bạn bè (Ảnh: Internet).
Sự “khác biệt” trên cơ thể khiến trẻ khó hòa nhập với bạn bè (Ảnh: Internet).

Sự thay đổi theo hướng “người lớn” trên cơ thể khiến trẻ lo lắng, hoang mang và tự thấy mình khác biệt so với bạn bè, từ đó hình thành tâm lý tự ti, xấu hổ và thu mình khỏi các hoạt động xã hội.

Tai hại hơn là trẻ có thể trở thành tâm điểm để bạn bè trêu chọc bằng những từ ngữ không hay, lâu ngày khiến trẻ tự “ám thị” rằng mình không được bình thường và trở nên chán ghét cuộc sống ở trường lớp hay ngoài xã hội, hậu quả là kết quả học tập đi xuống và trẻ cũng mất luôn cơ hội tham gia các hoạt động phát triển bản thân.

Do đó các bậc cha mẹ hãy luôn để ý những biểu hiện bất thường của con, cả về thể chất lẫn tâm lý, để luôn đồng hành cùng con vượt qua vấn đề khó khăn này nhé!

Dậy thì sớm khiến trẻ gái có nguy cơ rối loạn nội tiét tố về sau

Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ (Ảnh: Internet).
Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ (Ảnh: Internet).

Các nhà khoa học đã nhận thấy những trẻ có chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện sớm trước 8 tuổi có thể bị rối loạn hormone khi trưởng thành, dẫn đến nhiều bệnh lý nội tiết khác mà tiêu biểu là hội chứng buồng trứng đa nang, một tình trạng có thể gây hiếm muộn.

Dậy thì sớm có thể điều trị được không?

Khi nhận thấy con mình có những dấu hiệu dậy thì trước tuổi như đã nêu, các bậc cha mẹ hãy bình tĩnh đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để được các bác sĩ thăm khám chính xác.

Hãy đưa con đi khám khi trẻ có dấu hiệu phát triển sớm trước tuổi (Ảnh: Internet).
Hãy đưa con đi khám khi trẻ có dấu hiệu phát triển sớm trước tuổi (Ảnh: Internet).

Nếu nghi ngờ trẻ bị dậy thì sớm, bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán như:

  • Đo lượng hormone trong nước tiểu và máu
  • Chụp cắt lớp (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) não để phát hiện các tổn thương nếu có
  • Chụp phim X quang xương cổ tay để xác định mức độ trưởng thành xương, dự đoán khả năng trẻ có thể bị hạn chế chiều cao khi trưởng thành hay không

Nếu có chẩn đoán là dậy thì sớm, trẻ sẽ được điều trị nhằm mục đích ngăn sự phát triển các đặc điểm sinh dục quá sớm, đồng thời kìm hãm sự phát triển xương sớm để trẻ có thể đạt được chiều cao bình thường như các bạn cùng tuổi.

Dậy thì sớm có thể được chẩn đoán và điều trị để trẻ có cuộc sống bình thường (Ảnh: Internet).
Dậy thì sớm có thể được chẩn đoán và điều trị để trẻ có cuộc sống bình thường (Ảnh: Internet).

Nếu tình trạng dậy thì sớm có nguyên nhân rõ ràng đã được xác định, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể để loại bỏ nguyên nhân (chẳng hạn như phẫu thuật lấy bỏ khối u ở não hoặc cơ quan sinh dục).

Tuy nhiên phần lớn các trường hợp dậy thì sớm không tìm được nguyên nhân, khi đó phương pháp điều trị là sử dụng các hormone ngoại sinh để lập lại trạng thái cân bằng cho cơ thể, ức chế hình thành các đặc điểm sinh dục và sự phát triển xương quá sớm.

Có thể làm gì để phòng ngừa dậy thì sớm?

Chế độ ăn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ dậy thì sớm (Ảnh: Internet).
Chế độ ăn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ dậy thì sớm (Ảnh: Internet).

Tùy theo các nguyên nhân gây dậy thì sớm mà chúng ta có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ con em mình khỏi vấn đề khó chịu này. Trong số những cách nêu dưới đây, việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn là yếu tố quan trọng và có thể thực hiện dễ dàng hằng ngày.

Chú ý chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý

Cơ thể chúng ta luôn cần những thực phẩm lành mạnh và cân đối như thế này (Ảnh: Internet).
Cơ thể chúng ta luôn cần những thực phẩm lành mạnh và cân đối như thế này (Ảnh: Internet).

Các thực phẩm hằng ngày của trẻ nên được lựa chọn từ những nguồn uy tín, đảm bảo chất lượng và đặc biệt không được chứa các hormone tăng trưởng trong quá trình sản xuất chế biến. Bên cạnh đó cần phối hợp đa dạng các thực phẩm tươi sống, đủ chất dinh dưỡng và hạn chế các loại đồ hộp, đồ chế biến sẵn, nhiều chất béo không lành mạnh và đồ ngọt nhiều đường.

Thường xuyên tập thể dục thể thao

Tập thể dục thường xuyen mang lại nhiều lợi ích cho trẻ (Ảnh: Internet).
Tập thể dục thường xuyen mang lại nhiều lợi ích cho trẻ (Ảnh: Internet).

Theo các chuyên gia, mỗi ngày chúng ta nên dành ra ít nhất 30 phút để cơ thể được vận động. Các lựa chọn cho trẻ em có thể bao gồm những môn thể thao như đá bóng, cầu lông, bơi lội, bóng rổ…

Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp cơ thể phát triển cân đối, các chức năng của các cơ quan hoạt động trơn tru hiệu quả hơn, tránh thừa cân béo phì (một yếu tố nguy cơ của dậy thì sớm) và giúp trẻ xây dựng kỹ năng sống hòa đồng với bạn bè nữa.

Hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm hormone sinh dục từ môi trường

Một số hóa chất trong các loại mỹ phẩm có thể gây tình trạng dậy thì sớm (Ảnh: Internet).
Một số hóa chất trong các loại mỹ phẩm có thể gây tình trạng dậy thì sớm (Ảnh: Internet).

Một số loại dược phẩm và mỹ phẩm được bổ sung thành phần hóa chất đặc biệt trong quá trình sản xuất, dẫn đến nguy cơ tích lũy trong cơ thể nếu dùng qua thời gian dài và gây dậy thì sớm. Do đó cha mẹ hãy chú ý mỗi khi cho con mình sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào, hãy kiểm tra kỹ thành phần và các tác hại tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe của con nhé!

Mời bạn đọc tiếp những thông tin bổ ích khác trong chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi:

Chúc bạn luôn nhận được những kiến thức hữu ích cùng BlogAnChoi để sống vui sống khỏe mỗi ngày nhé!

Xem thêm

Nguyên nhân nào gây ra chứng đầy hơi và làm cách gì để khắc phục?

Đầy hơi sau khi ăn là một vấn đề phổ biến đối với nhiều người gây cảm giác khó chịu, triệu chứng dễ nhận thấy nhất là buồn nôn, chướng bụng. Để giúp bạn khắc phục tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu một số sai lầm phổ biến về ăn uống có thể khiến bạn xuất hiện chứng ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
mt1803

dậy thì sớm có hại nhiều