Chó Poodle nổi tiếng là dòng chó thông minh. Thậm chí, khảo sát cho thấy trí thông minh của Poodle đứng thứ 2 trong các loài chó. Vậy nên việc dạy chó Poodle những mệnh lệnh cơ bản là điều khá dễ dàng. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những điều cần dạy cho bé cún để bé ngoan ngoãn, nghe lời bạn hơn nhé!
Tập làm lơ bé cún khi mới về nhà
Thực chất, làm lơ bé cún khi mới về nhà là bài tập giúp bé làm quen với việc ở 1 mình mà không quấy phá, đòi bạn. Việc bé cún quấn chủ thực chất rất đáng yêu, tuy nhiên, nếu bé làm ồn khi vắng chúng ta thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người xung quanh.
Việc đầu tiên khi dạy chó Poodle những ngày mới về nhà chính là làm lơ bé cún. Để làm điều này, bạn cần mua trước cho bé 1 chiếc chuồng, chiếc chuồng này sẽ là căn phòng riêng của bé.
Ngày đầu đón bé về, bạn hãy đưa bé vào chuồng ngay và không ngó ngàng gì đến bé cả, thậm chí là không nhìn vào bé. Nếu bé có kêu khóc đòi bạn cũng tuyệt đối đừng ngó ngàng mà hãy cố chịu đựng tiếng kêu này, 1 lát bé sẽ ngưng.
Bạn chỉ thả bé ra khi đến giờ ăn hoặc cần đi vệ sinh. Hãy tiếp tục chiến lược làm lơ bé cún này thêm 2 – 3 ngày nữa và có thể kéo dài hơn đến khi bé không kêu khóc đòi bạn.
Bạn có thể quan sát quá trình làm lơ bé cún trong video dưới đây để thấy được độ hiệu quả của phương pháp này.
Dạy chó ăn và không được ăn
Hiện nay, ở những nơi công cộng xuất hiện rất nhiều bả chó, gây nguy hiểm cho bé cún của bạn nếu chẳng may ăn phải. Vì thế, bài dạy chó Poodle ăn hoặc không được ăn là bài tập vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, việc dạy bé ăn uống từ tốn, biết chọn lọc còn giúp hạn chế những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa của bé.
Đầu tiên là lệnh ăn, sẽ đi kèm với tiếng ra lệnh “Ăn” của bạn. Bạn hãy cầm chén thức ăn dụ bé, nhưng khi bé cún đến thì không cho bé ăn. Cứ 1 – 2 lần không cho ăn thì đến lần tiếp theo bạn nói “Ăn” và cho bé cún ăn. Bài tập này giúp bé hiểu rằng phải nghe giọng bạn nói “Ăn” mới được phép ăn 1 thứ gì đó và nhớ ôn bài cho bé thường xuyên nhé.
Tiếp theo là lệnh dạy chó không ăn bậy đi kèm với tiếng ra lệnh “Không được ăn” của bạn. Lần này bạn hãy thả thức ăn xuống đất, khi bé lao đến ăn hãy che lại không cho bé ăn. Bài tập này giúp bé nhận ra rằng thức ăn ở dưới đất là không được ăn và bạn hãy nhớ ôn bài cho bé thường xuyên nhé.
Bạn có thể học nhiều mẹo hay hơn để dạy bé trong bài tập này qua video dưới đây.
Dạy chó đứng lên, ngồi xuống và nằm
Đứng lên, ngồi xuống và nằm là 3 bài tập liên quan mật thiết với nhau trong quá trình dạy chó Poodle. 3 bài tập này thao tác cũng sẽ khó hơn các bài tập khác. Thế nên các bạn hãy dành thời gian xem video dưới đây để hiểu rõ hơn các thao tác huấn luyện bé nhé.
Dạy chó sủa và im lặng
Bản năng của loài chó là sủa khi gặp người lạ hoặc những vật mà chú chó cho rằng đe dọa đến mình. Tuy nhiên, đôi lúc, tiếng sủa của các bé có thể gây phiền hà đến bạn.
Trước khi dạy chó ngưng sủa, ta cần dạy chó sủa vì nếu chó không sủa ta sẽ không có cơ sở để thực hiện bài tập ngưng sủa. Dạy chó sủa rất đơn giản, bạn chỉ cần bật 1 âm thanh tiếng chú chó khác đang sủa càng lớn càng tốt và cho bé cún của bạn nghe. Khi bé cún phản ứng lại và sủa lên, bạn hãy nói thật to rõ “Sủa” kèm 1 động tác tay cố định nào đó. Tập nhiều lần như vậy bé cún sẽ hình thành thói quen sủa khi nghe bạn nói “Sủa” và kèm 1 động tác tay.
Khi bé cún đã sủa theo lệnh, bạn có thể tiếp tục dạy bé im lặng bằng cách nói to “Im lặng” và cũng đi kèm 1 động tác tay cố định. Khi bé giữ im lặng, hãy thưởng cho bé chút đồ ăn vặt nhé. Bạn cần cố gắng cùng bé luyện tập bài này thường xuyên để bé ghi nhớ.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm video dưới đây để có cái nhìn trực quan hơn.
Dạy chó cắn và nhả
Đa phần chó sẽ tương tác với mọi vật xung quanh bằng miệng thông qua việc gặm hoặc liếm. Thế nên, những đồ vật trong gia đình của bạn dễ bị bé “đe dọa”.
Hãy dạy cho bé bài tập cắn và nhả này cùng 1 món đồ chơi cố định để bé quen gặm khi ngứa răng, hạn chế cắn phá đồ đạc nhé.
Hãy dùng món đồ chơi bạn mua đó chuyển động trước mặt bé cún. Với bản năng thích những thứ chuyển động, bé sẽ cắn ngay lấy món đồ chơi, khi đó bạn hô to “Cắn” để bé hiểu bé có thể cắn món đồ chơi này.
Ngược lại, nếu muốn bé nhả món đồ chơi ra, bạn hãy ghì món đồ chơi sát đất, không cho bé giằng co nữa để bé chán, tự khắc nhả ra. Khi đó bạn hô to “Nhả”.
Khi bé đã quen bài tập cắn nhả rồi, mỗi khi bé cắn phá đồ đạc bạn hãy hô “Nhả” và mang món đồ chơi yêu thích đến ra lệnh “Cắn” cho bé nhé. Chi tiết quá trình thực hiện bạn có thể tham khảo video bên dưới.
Dạy chó đi vệ sinh đúng chỗ
Và cuối cùng là bài tập mà hầu như khi dạy chó Poodle bất kỳ ai cũng quan tâm đó chính là dạy bé đi vệ sinh đúng chỗ. Tin vui dành cho các bạn, Poodle là giống chó thông minh nên bạn chỉ cần mua 1 chiếc khay vệ sinh và tã lót khay, thấm 1 ít nước tiểu vào tã và để 1 góc. Bé đánh hơi được mùi sẽ đến đúng khay và đi vệ sinh.
Tuy nhiên, nếu bé cún nhà bạn gặp khó khăn ở bước này thì đừng nản chí mà hãy tham khảo bài tập dưới video này.
Dạy chó Poodle kì thực như dạy 1 đứa bé, cần ở bạn rất nhiều kiên nhẫn và yêu thương. BlogAnChoi chúc bạn sẽ có những giây phút thật vui vẻ, hạnh phúc bên bé cún của mình.
Bạn có thể quan tâm:
- Những màu lông phổ biến của chó Poodle, bạn thích màu nào?
- TOP 20 loài thú cưng dễ thương, dễ nuôi được GenZ yêu thích nhất hiện nay
- Tìm Nhà Cho Boss chính thức ra rạp: Hội yêu thú cưng đã sẵn sàng khóc chưa?
Mình cần sự góp ý của các bạn để làm bài viết tốt hơn, hãy cho Mình biết những điểm cần cải thiện nhé.