Đạp xe là một môn thể thao thật sự thú vị, giúp rèn luyện tim mạch và sức khỏe nói chung ở ngoài trời rất tốt. Tuy nhiên cần lưu ý một số tác hại tiềm ẩn khi đi xe đạp, cùng theo dõi bài viết sau đây của BlogAnChoi để chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn nhé.
1. Tổn thương cơ xương khớp
Khoảng cách chiều cao không phù hợp, diện tích yên xe quá nhỏ, chất liệu yên xe cứng… là những nguyên nhân có thể gây tổn thương cơ xương chậu, lưng, cột sống khi đi xe đạp.
Hầu hết các loại xe đạp chú trọng đến thiết kế để tăng tốc độ và hiệu quả. Với tư thế ngồi đạp xe, xương chậu sẽ phải chịu phần lớn trọng lượng cơ thể. Đây thật sự là một thách thức đối với xương chậu khi phải tì lên mặt phẳng yên quá nhỏ và cứng, từ đó bạn sẽ gặp phải những hiện tượng như tê cứng, đau, mỏi…
Lời khuyên từ các chuyên gia để hạn chế nguy cơ tổn thương cơ xương:
- Lựa chọn loại yên xe có kích thước to, dày và chất liệu mềm. Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa tốc độ di chuyển của bạn sẽ bị hạn chế hơn so với yên xe kích thước nhỏ.
- Lựa chọn trang phục có đệm lót êm.
2. Tổn thương cơ quan sinh dục
Tư thế đạp xe tác động trực tiếp đến bộ phận sinh dục. Nếu đạp xe liên tục trong thời gian dài sẽ gây tổn thương các dây thần kinh xung quanh khu vực này. Đối với nam giới sẽ có nguy cơ rối loạn cương dương, thậm chí liệt dương. Với phái nữ có thể gặp hiện tượng giảm khoái cảm tình dục, khó đạt đỉnh trong những cuộc yêu hơn.
Lời khuyên từ các chuyên gia để hạn chế nguy cơ tổn thương bộ phận sinh dục:
- Chọn một chiếc yên mềm và dày, có thiết kế với những đường cắt và góc nghiêng. Loại yên này sẽ giúp nâng đỡ các phần cơ, xương hỗ trợ giảm tổn thương.
- Đạp xe có điều độ, thời gian ở mức vừa phải, tránh vận động quá nhiều trong thời gian dài.
3. Tổn thương cổ tay
Các loại xe thể thao có thiết kế tay ngang, khi đạp xe bạn phải vươn dài tay để vận động. Lúc này nguy cơ gặp phải tổn thương ở cổ tay là rất cao vì cổ tay phải chịu lực ghì của toàn bộ phần thân trên. Hơn nữa tay phải vươn dài nên tình trạng mỏi, tê yếu, đau cổ tay rất dễ xảy ra.
Lời khuyên từ các chuyên gia để hạn chế tổn thương cổ tay khi đạp xe:
- Đeo găng tay chuyên dụng khi đạp xe
- Điều chỉnh lại độ cao của yên xe. Tránh tư thế với dài tay trong thời gian dài
- Nghỉ ngơi khi thấy tay quá mỏi
4. Mắc các bệnh về hô hấp, viêm phổi
Ô nhiễm không khí và môi trường xunh quanh khiến nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn ở những người thường xuyên đạp xe. Mặc dù có đeo khẩu trang nhưng khi vận động bạn thường hít thở sâu và nhanh hơn, vô tình khiến cho không khí ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể nhiều hơn.
Kết quả nghiên cứu tại Đại hội thường niên của Hiệp hội Hô hấp châu Âu năm 2011 chỉ ra: Người đi xe đạp có lượng carbon trong phổi nhiều hơn gấp 2,3 lần so với người đi bộ.
Lời khuyên từ các chuyên gia để hạn chế mắc các bệnh về hô hấp, viêm phổi:
- Chọn những cung đường thông thoáng, tránh xa những khu vực ô nhiễm để hạn chế tối đa nguy cơ hít phải không khí bẩn.
5. Nguy hiểm trên đường
Các “cua-rơ” thường thích đạp xe trên những cung đường ngoài trời hơn là trong nhà, điều này cũng đồng nghĩa với những tai nạn có thể xảy ra trên đường.
Xe đạp có kích thước nhỏ và khi chạy ít phát ra tiếng động hơn so với các phương tiện khác nên độ nhận diện cũng kém hơn, các loại xe to khó có thể quan sát thấy bạn. Ở những đoạn rẽ, xe đạp cũng không có tín hiệu báo trước như xi nhan nên rất dễ xảy ra va chạm.
Theo MinnPost, tỷ lệ tử vong do đi xe đạp ở Mỹ tăng 8,7% trong năm 2011, đa số là do va chạm với xe cộ.
Lời khuyên từ các chuyên gia để hạn chế nguy hiểm trên đường:
- Luôn đội mũ bảo hiểm và chọn trang phục sáng màu để tăng khả năng nhận diện.
- Trang bị thêm đèn xe nếu bạn có kế hoạch đạp xe trong môi trường thiếu ánh sáng.
- Chọn những cung đường vắng, tránh những con phố trung tâm, mật độ giao thông cao.Nghiêm túc chấp hành đúng luật giao thông.
Đạp xe vẫn luôn là một môn thể thao mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn trang bị thêm kiến thức để những cung đường đạp xe trở nên ý nghĩa tích cực hơn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi hết bài viết. Đừng quên thường xuyên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều bài viết bổ ích hơn nữa nhé!
Một số bài viết cùng chuyên mục có thể bạn sẽ quan tâm:
- Bạn có phải là “thế hệ trong nhà”? Sống trong nhà quá nhiều sẽ làm hại chúng ta đến đâu?
- 20 thói quen tưởng là giảm cân nhưng có thể phản tác dụng – Bạn có đang lầm tưởng?
- Đeo khẩu trang khi tập thể dục thời COVID-19: Liệu có hại hay có lợi nhiều hơn?