Bà Frances Haugen – cựu giám đốc sản phẩm của Facebook – đã chia sẻ các bằng chứng nội bộ cho thấy gã khổng lồ công nghệ này đã biết về những tác hại của họ gây ra cho người dùng, nhưng vẫn phớt lờ vì lợi nhuận. Mark Zuckerberg phản ứng thế nào?
Nhân vật đứng ra “tố” Facebook là ai?
Vào tối ngày 03/10 vừa qua theo giờ Mỹ, một cựu nhân viên cấp cao của Facebook – người trước đây đã tiết lộ các tài liệu nội bộ “xấu xí” về công ty này – đã xuất hiện trong chương trình truyền hình mang tên 60 Minutes để tự bộc lộ danh tính của mình.
Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm thuộc nhóm liêm chính công dân của Facebook, đã chia sẻ các tài liệu dẫn đến nhiều bài báo gây dậy sóng dư luận trên tờ Wall Street Journal (WSJ – Nhật báo Phố Wall). Các tài liệu cho thấy Facebook biết sản phẩm của họ có thể gây tác hại đáng kể – trong đó có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên – nhưng chưa có biện pháp mạnh tay để khắc phục những vấn đề đó.
“Đã có xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những gì tốt cho Facebook. Và Facebook, hết lần này đến lần khác, đã chọn cách tối ưu hóa lợi ích của chính mình, ví dụ như kiếm nhiều tiền hơn,” bà Haugen nói trong chương trình 60 Minutes.
Bà cũng chia sẻ những cáo buộc mới về việc Facebook đã nới lỏng các quy định về thông tin sai lệch sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ngay trước thời điểm nổ ra cuộc bạo loạn tại Điện Capitol ngày 06/01/2021. Trong khi đó một vị phó chủ tịch của Facebook là Nick Clegg cho rằng Facebook không phải là “nguyên nhân chính gây ra sự phân cực” trong sự kiện này.
Đây chỉ là một trong số nhiều cuộc khủng hoảng chính trị và PR mà Facebook đã mắc phải trong 5 năm trở lại đây. Các tài liệu do bà Haugen tiết lộ đã gây áp lực khiến công ty phải tạm dừng phiên bản ứng dụng Instagram cho trẻ em, cử đại diện trả lời chất vấn của Quốc hội Mỹ và mất nhiều công sức để xoa dịu dư luận.
Bà Haugen cũng đã chia sẻ các tài liệu nội bộ của Facebook với các nhà lập pháp, điều đó cho thấy các nhà chức trách Mỹ đang chú ý hơn đến các công ty mạng xã hội như Facebook và có thể sẽ “soi” ra nhiều vấn đề trong tương lai.
Facebook và Mark Zuckerberg phản ứng ra sao trước vụ bê bối này?
Trước đây đã có rất nhiều nhân viên Facebook lên tiếng một cách ẩn danh hoặc nội bộ, nhưng chỉ một số ít – đặc biệt là ở cấp cao – thực sự ra mặt chống lại Facebook. Và chưa có lần nào họ tiết lộ bằng chứng chi tiết cho thấy công ty dường như hiểu rõ những tác hại có hệ thống mà nó gây ra cho người dùng nhưng lại làm ngơ.
Cũng chưa từng có nhân vật nào chống lại Facebook xuất hiện theo cách này: đầu tiên là một loạt các báo cáo điều tra nội bộ được tiết lộ cho một tờ báo lớn, sau đó lộ diện trên truyền hình vào khung giờ vàng và phát biểu trước Quốc hội – tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài tuần.
Việc Facebook dường như biết về tác hại của mình nhưng không cảnh báo cho công chúng biết khiến Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của Quốc hội Mỹ so sánh Facebook với một công ty thuốc lá.
Phản ứng lại các chỉ trích, Facebook nói rằng truyền thông đang đưa tin giật gân và không đúng sự thật, rằng thông tin bị tách rời khỏi ngữ cảnh và Facebook không phải là kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về các vấn đề như vậy. Đây được xem là cách bào chữa quen thuộc của Facebook, cũng giống như khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nền tảng này “giết người” vì sự lan truyền của thông tin sai lệch về COVID-19.
Và cũng giống như lần đó, Facebook giờ đây lại đặt câu hỏi rằng các nghiên cứu của “người ngoài” về họ có đáng tin cậy hay không. Lần này họ thậm chí còn đính chính lại một số kết quả nghiên cứu nội bộ về tác động tiêu cực của Instagram đối với sức khỏe tinh thần của tuổi teen, cho rằng nhận định tiêu cực là chủ quan và quy mô nghiên cứu quá nhỏ nên kết luận có thể không chính xác.
Sự lùm xùm này càng cho thấy những tiết lộ “động trời” có thể gây thiệt hại lớn đến thế nào cho Facebook.
Một cựu lãnh đạo cấp cao khác của Facebook là Yaël Eisenstat nói: “Đó là một khoảnh khắc trọng đại. Trong nhiều năm, chúng ta đã biết nhiều vấn đề này – thông qua các nhà báo và nhà nghiên cứu – nhưng Facebook có thể tuyên bố rằng họ có định kiến riêng và như vậy chúng ta không nên tin vào những điều họ nói. Lần này, các tài liệu đã tự nói lên điều đó.”
Một lý do chính khiến vụ bê bối mới nhất này có ý nghĩa quan trọng hơn cả là các nhà chức trách của Mỹ cảm thấy bị Facebook lừa dối, vì trước đó họ đã hỏi Mark Zuckerberg về ảnh hưởng của Instagram đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên, và hãng công nghệ này có vẻ không sẵn lòng hợp tác.
Hồi tháng 3, Mark Zuckerberg nói trước Quốc hội Mỹ rằng “về tổng thể, nghiên cứu mà chúng tôi đã thấy là việc sử dụng các ứng dụng xã hội để kết nối với những người khác có thể mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe tinh thần”. Nhưng lúc đó anh ta không tiết lộ những phát hiện tiêu cực được đưa ra mới đây như 13% người dùng tuổi teen ở Anh và 6% người dùng tuổi teen ở Mỹ được khảo sát cho biết họ có ý định tự sát liên quan tới Instagram.
Sau khi bà Frances Haugen tiết lộ sự thật, Mark Zuckerberg có một bài đăng ngày 5/10 phản bác lại, nói rằng cáo buộc công ty đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người dùng là “không đúng sự thật”.
“Trọng tâm của những lời buộc tội này là ý tưởng rằng chúng tôi ưu tiên lợi nhuận hơn sự an toàn và hạnh phúc. Điều đó không đúng sự thật,” người sáng lập kiêm CEO của Facebook cho biết. “Lập luận rằng chúng tôi cố tình đẩy nội dung khiến mọi người tức giận để trục lợi là phi logic sâu sắc. Chúng tôi kiếm tiền từ quảng cáo và các nhà quảng cáo luôn nói với chúng tôi rằng họ không muốn quảng cáo của mình ở cạnh nội dung có hại hoặc gây phẫn nộ”.
Mark Zuckerberg cho biết nhiều tuyên bố của bà Haugen là “không có ý nghĩa gì cả”. “Nhiều tuyên bố chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu chúng tôi muốn làm ngơ nghiên cứu, tại sao ngay từ đầu chúng tôi lại tạo ra một chương trình nghiên cứu hàng đầu trong ngành để hiểu những vấn đề quan trọng này?”
“Nếu chúng tôi không quan tâm đến việc chống lại nội dung có hại, thì tại sao chúng tôi lại tuyển dụng nhiều người dành riêng cho việc này hơn bất kỳ công ty nào khác trong lĩnh vực của mình – ngay cả những công ty lớn hơn chúng tôi? Nếu chúng tôi muốn che giấu kết quả của mình, tại sao chúng tôi lại thiết lập một tiêu chuẩn hàng đầu trong ngành về tính minh bạch và báo cáo về những gì chúng tôi đang làm?”
Mark Zuckerberg cũng cho biết đã có một thay đổi trong thuật toán News Feed của Facebook hồi năm 2018 nhằm tăng lợi ích cho người dùng. Trong khi đó theo bà Haugen, nghiên cứu nội bộ của Facebook cho thấy sự thay đổi này làm tăng các nội dung gây chia rẽ người dùng.
Mark Zuckerberg nói: “Sự thay đổi này hiển thị ít video viral hơn và nhiều nội dung hơn từ bạn bè và gia đình – điều mà chúng tôi biết sẽ đồng nghĩa rằng mọi người dành ít thời gian hơn cho Facebook, nhưng nghiên cứu đó cho thấy đó là điều đúng đắn cho sức khỏe của mọi người. Đó có phải là điều mà một công ty tập trung vào lợi nhuận hơn con người sẽ làm không?”
Trong bài đăng của mình, Mark Zuckerberg cũng hy vọng các nhân viên của Facebook sẽ không chấp nhận những lời chỉ trích. “Tôi chắc rằng nhiều người trong số các bạn thấy bài báo gần đây khó nghe vì nó không phản ánh công ty mà chúng ta biết.”
“Chúng ta quan tâm sâu sắc đến các vấn đề như an toàn, phúc lợi và sức khỏe tinh thần. Thật khó khăn khi thấy thông tin diễn giải sai về công việc và động cơ của chúng ta. Ở cấp độ cơ bản nhất, tôi nghĩ hầu hết chúng ta sẽ không công nhận bức tranh sai lệch đang được tô vẽ về công ty”.
Sắp tới sẽ thế nào?
Trong những ngày tới, sự chú ý xung quanh Frances Haugen có thể sẽ xoay quanh các vấn đề cá nhân như lý lịch của bà, công việc của bà tại Facebook, hay liệu bà có động cơ nào khác khi tiết lộ các thông tin nhạy cảm này ngoài lợi ích cho cộng đồng, và đặc biệt là bà có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý, thậm chí trả đũa như thế nào.
Nhưng giờ đây bà Haugen sẽ không đơn độc. Việc tiết lộ hàng nghìn tài liệu liên quan đến công việc của nhiều người tại công ty – điều mà phần lớn các lãnh đạo cấp cao phớt lờ – đã khơi lại các cuộc tranh luận đã tồn tại từ lâu về những sai sót của Facebook.
Frances Haugen đã cho chúng ta thấy sự thật xấu xí rằng Facebook đã cố tình coi thường hậu quả do chính họ gây ra. Và hành động của bà đã mở đường cho những người khác lên tiếng.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Instagram có thể “tác động tiêu cực” đến tuổi teen, theo tiết lộ của nội bộ Facebook
- Facebook có thể cấm bạn vĩnh viễn nếu bạn vi phạm 5 điều này!
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!