Uống vitamin là một thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe ở mọi lứa tuổi. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy các chất bổ sung trong vitamin tổng hợp có thể cải thiện sức khỏe của bạn, đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Vậy bạn đã hiểu đúng về công dụng và thời điểm hấp thu của các loại vitamin chưa? Trong bài viết này hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu lợi ích của một số loại vitamin phổ biến và thời điểm lý tưởng để dùng chúng.
Thời điểm uống vitamin đôi khi có thể quyết định hiệu quả của chúng. Một số loại vitamin hoạt động tốt nhất khi uống vào buổi sáng, một số loại khác lại tốt hơn khi dùng trong bữa ăn hoặc ngay trước khi đi ngủ.
Hầu hết các vitamin thuộc hai loại: tan trong nước hoặc tan trong chất béo. Các vitamin tan trong nước có hiệu quả cao nhất khi được uống với nước khi bụng đói. Đối với các vitamin tan trong chất béo, tốt nhất nên dùng trong bữa ăn để cơ thể hấp thu tốt hơn.
Vitamin tổng hợp
Vitamin tổng hợp chứa cả vitamin tan trong chất béo và nước. Một nghiên cứu ghi nhận rằng ở Mỹ, từ 40% đến 50% người trên 50 tuổi uống vitamin tổng hợp. Nghiên cứu kết luận rằng có thể không có nhiều lợi ích khi dùng vitamin tổng hợp.
Một bài báo khác lưu ý rằng vitamin tổng hợp (dùng cùng với sắt và axit folic) có lợi cho phụ nữ mang thai vì có thể làm giảm tỷ lệ sinh con nhẹ cân và sảy thai.
Khi nào nên uống vitamin tổng hợp?
Nếu bạn muốn dùng vitamin tổng hợp, hãy uống trong bữa ăn và uống nhiều nước để cơ thể hấp thu tối ưu, đồng thời hạn chế hiện tượng nóng trong của cơ thể.
Vitamin nhóm B
Vitamin B bao gồm nhiều loại từ B1 đến B12 và axit folic. Vitamin B rất cần thiết cho nhiều quá trình trong cơ thể, giúp cơ thể sản sinh các tế bào hồng cầu và chuyển hóa năng lượng từ thực phẩm. Thiếu vitamin B cũng có liên quan đến suy giảm sức khỏe tâm thần.
Khi nào nên uống vitamin B?
Vitamin B tan trong nước nên bạn có thể uống khi bụng đói. Hầu hết mọi người đều đói khi thức dậy, vì vậy hãy uống vitamin B vào buổi sáng cùng với một ít nước và duy trì đều đặn lượng nước phù hợp cho cơ thể mỗi ngày.
Vitamin C
Vitamin C, hay còn gọi là axit ascorbic, là một loại vitamin tan trong nước. Vitamin C rất cần thiết cho việc sửa chữa các mô, da và xương, đồng thời cũng giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Ngoài ra, uống vitamin C cũng có thể giúp chữa lành vết thương hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, có một mối liên hệ giữa vitamin C và tâm trạng của bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng chất chống oxy hóa trong vitamin C có thể làm giảm mức độ lo lắng và thậm chí có thể ngăn chặn nó một cách tốt nhất.
Nên uống vitamin C khi nào?
Nếu bạn không nhận đủ vitamin C từ chế độ ăn hằng ngày, ví dụ như các thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, các loại quả mọng, rau xanh thì có thể sử dụng các chất bổ sung với liều lượng từ 25 đến 1000 miligam. Thời điểm lý tưởng để bổ sung vitamin C là trong bữa ăn nhé.
Vitamin D
Vitamin D, được gọi một cách trìu mến là vitamin “ánh nắng” vì mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính, cần thiết cho một số chức năng của cơ thể.
Thông thường, bổ sung vitamin D là cần thiết cho những người sống ở những vùng có rất ít ánh sáng mặt trời hoặc những người có nước da sẫm màu. Melanin là một sắc tố trong da và tóc chịu trách nhiệm làm cho da và tóc sẫm màu. Đối với những người có lượng melanin trong da cao hơn, cơ thể sẽ khó tổng hợp vitamin D trong da hơn.
Ngoài ảnh hưởng đến thể chất, cung cấp đủ vitamin D có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần của bạn. Các nhà khoa học đã quan sát thấy rằng ở vùng khí hậu lạnh, những người không tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời dễ bị trầm cảm.
Những người có nguy cơ thiếu vitamin D dễ bị trầm cảm và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Ngoài ánh sáng mặt trời, các nguồn vitamin D khác bao gồm: cá, nấm, nước cam, sô cô la, trứng, phô mai,…
Uống vitamin D khi nào?
Hiện tại vẫn chưa có sự nhất trí về thời điểm tốt nhất để bổ sung vitamin D. Nhiều người tin rằng dùng nó trong bữa ăn sáng là tốt nhất. Tuy nhiên trong một nghiên cứu nhỏ về việc bổ sung vitamin D cùng với thực phẩm có thể tăng tốc độ hấp thu hay không, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi bổ sung vitamin D cùng với các bữa ăn ít chất béo sẽ hấp thu tốt hơn.
Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu thời gian trong ngày có ảnh hưởng đến mức độ cơ thể hấp thu vitamin D hay không.
Nghiên cứu cho thấy uống vitamin D vào ban đêm có thể tăng cường melatonin, giúp cải thiện giấc ngủ của bạn. Điều này cho thấy rằng dùng nó vào buổi tối thay vì buổi sáng có thể tốt hơn cho những người bị rối loạn giấc ngủ.
Vitamin A
Vitamin A là một trong những chất dinh dưỡng mà cơ thể không tự sản xuất được, có nghĩa là bạn phải lấy nó từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Vitamin A rất quan trọng đối với nhiều quá trình trong cơ thể bao gồm duy trì sức khỏe của da, mắt và niêm mạc ruột.
Có hai dạng vitamin A, dạng chúng ta tiêu thụ thông qua thực phẩm và dạng bổ sung là carotenoid. Một số nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung carotenoids trong chế độ ăn có thể làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm.
Uống vitamin A khi nào?
Là một loại vitamin tan trong chất béo, tốt nhất nên dùng vitamin A trong bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn có chất béo lành mạnh. Lượng khuyến cáo vitamin A cho người lớn là từ 700 đến 900 microgam mỗi ngày.
Vitamin E
Vitamin E là một chất chống oxy hóa hỗ trợ bảo vệ màng tế bào của cơ thể, chỉ có thể được lấy từ thực phẩm. Bạn có thể thêm vitamin E vào chế độ ăn của mình thông qua các chất bổ sung hoặc thực phẩm như:
- Dầu thực vật
- Hạt hướng dương
- Bơ đậu phộng
- Rau chân vịt
Một số nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin E có liên quan với trầm cảm và lo lắng. Mặc dù không rõ bổ sung vitamin E có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trầm cảm và lo lắng hay không, nhưng các nhà khoa học rất lạc quan về tiềm năng của nó và đang kêu gọi nghiên cứu thêm về khả năng này.
Khi nào nên uống vitamin E?
Nên uống vitamin E với nước, tốt nhất là trong bữa ăn.
Vitamin trước khi sinh cho bà bầu
Những vitamin này dành cho phụ nữ đang mang thai, một số loại vitamin và chất khoáng quan trọng nhất là axit folic, canxi, vitamin D, sắt và vitamin A. Vitamin trước khi sinh bao gồm hỗn hợp các loại vitamin cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé trước, trong và sau khi mang thai.
Nghiên cứu cho thấy rằng các vitamin trước khi sinh đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ sự phát triển trí não của trẻ và giảm nguy cơ mắc các bệnh tâm thần.
Khi nào nên uống vitamin trước khi sinh?
Điều quan trọng là bắt đầu dùng vitamin khi bắt đầu muốn có con. Bạn có thể uống vitamin vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tốt nhất là theo khuyến cáo của bác sĩ và chuyên gia y tế.
Có phải tất cả các chất bổ sung vitamin đều tốt cho cơ thể?
Có một số người dựa vào các chất bổ sung vitamin để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Mặc dù bổ sung vitamin theo liều khuyến cáo có thể hữu ích, nhưng dùng liều cao không những không hiệu quả mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.
Nguy cơ quá liều
Quá liều các chất bổ sung có chứa vitamin B và K dẫn đến tác dụng phụ tạm thời, nhưng các chất bổ sung có chứa vitamin A, E và D có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng không đúng cách.
Nếu bạn gặp phải triệu chứng nghiêm trọng, hãy đến phòng cấp cứu gần nhất.
Còn vitamin dạng nhai hoặc dạng kẹo dẻo thì sao?
Vitamin dạng nhai hoặc dạng kẹo dẻo là một lựa chọn lý tưởng cho những người không thích nuốt viên thuốc hoặc không thích mùi vị của các loại vitamin bổ sung. Uống vitamin dạng nhai hoặc dạng kẹo dẻo thay cho viên nén truyền thống hầu hết là an toàn và hiệu quả.
Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà khoa học đã so sánh hiệu quả của các loại kẹo dẻo vitamin C với dạng viên. Họ phát hiện rằng không có sự khác biệt đáng kể về tốc độ cơ thể hấp thu hai dạng, vì vậy chúng có hiệu quả tương tự nhau.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không nên sử dụng vitamin dạng nhai hoặc dạng kẹo dẻo để thay thế các nguồn vitamin dinh dưỡng cho trẻ do tính hấp dẫn của chúng. Trong một nghiên cứu, họ đã thấy có sự khác biệt lớn về liều lượng của các loại vitamin này tùy theo chất bổ sung, điều này có thể gây ra vấn đề.
Nhiều chất bổ sung này cũng chứa lượng vitamin cao hơn nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ em. Mặc dù uống vitamin là có lợi nhưng dùng quá mức có thể dẫn đến tác dụng phụ.
Hãy cùng BlogAnChoi đọc thêm những bài viết khác cho sức khỏe nhé!
Nguồn tham khảo:
- Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec
- Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
- Sở Y Tế Hà Nội
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết của BlogAnChoi dưới đây: