Từ tháng thứ 6 trở đi các mẹ thường cho con ăn bổ sung, nhưng làm sao để có được thực đơn ăn dặm khoa học, đủ chất thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu để biết làm sao cho bé ăn dặm đúng cách nhé!
Bé mấy tháng thì cho ăn dặm?
Cho trẻ ăn dặm (ăn sam) khi nào chính là vấn đề bố mẹ cần biết đầu tiên. Ăn quá sớm hay quá muộn cũng đều ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, vận động của trẻ.
- Thời gian cho trẻ ăn bổ sung hợp lý là khi trẻ đạt 6 tháng tuổi. (Hoặc có thể sớm là 4 tháng tuổi nếu mẹ không đủ sữa, trẻ bú đói, không tăng cân, tăng cân rất chậm). Ở 6 tháng tuổi, hệ thần kinh – cơ mới phát triển đủ để trẻ nhai, cắn được thức ăn đơn giản.
- Trẻ ngày càng phát triển, nhu cầu dinh dưỡng tăng lên, sữa mẹ có thể cung cấp không đủ chất dinh dưỡng nên cho trẻ ăn dặm để bổ sung.
- Nếu cho trẻ ăn sau 6 tháng, trẻ có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, trẻ chậm lớn, dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng.
- Nhưng cũng không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm. Các yếu tố miễn dịch trẻ được nhận từ mẹ giảm đi, đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm cao hơn. Theo thói quen, trẻ cũng dần ít bú sữa mẹ, mẹ ít tiết sữa, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Ngoài ra, ăn dặm sớm cũng làm tăng nguy cơ còi xương ở trẻ. Nghe có vẻ vô lý, nhưng khoa học đã chứng minh, trong bột có một chất gọi acid phytinic, nó kết hợp với canxi, tạo nên một muối không hòa tan, cơ thể không hấp thụ được canxi trong muối đó, nên trẻ thiếu canxi cho xương và máu.
4 ô vuông các nhóm dinh dưỡng cần thiết cho trẻ
Tổ chức quốc tế nghiên cứu về dinh dưỡng đã đưa ra 4 ô vuông thức ăn tương ứng với 4 nhóm chất cần thiết bổ sung cho trẻ, tuy nhiên trung tâm của 4 nhóm thức ăn này vẫn là sữa mẹ. 4 nhóm thực phẩm cho trẻ gồm: Nhóm thức ăn cơ bản, nhóm thực phẩm giàu đạm, nhóm thực phẩm giàu năng lượng và nhóm cung cấp vitamin, muối khoáng.
- Nhóm thực phẩm cơ bản: Hiểu đơn giản đây là nhóm với đại diện là ngũ cốc, khoai lang. Ở nước ta các thức ăn thuộc nhóm này rất dễ kiếm như gạo, khoai, sắn, ngô,…(chế biến thành bột cho bé). Tìm mua bột ngũ cốc dinh dưỡng cho bé tại đây.
- Nhóm thực phẩm giàu đạm: Protid có thể được cung cấp bởi cả động vật và thực vật. Thức ăn từ động vật giàu đạm như: thịt (cả nạc và mỡ), tôm, trứng, cá, sữa, lươn,…nên cho trẻ ăn nhiều loại thịt khác nhau để tránh nhàm chán và đủ acidamin cần thiết. Đạm có nguồn gốc thực vật điển hình là đậu đỗ, sữa đậu, bột đậu, đậu xanh, đậu nành,…
- Nhóm thực phẩm giàu năng lượng: Các sản phẩm đại diện cho nhóm thực phẩm này hay gặp trong đời sống là mỡ động vật, đường, dầu (dầu vừng, dầu lạc, dầu đậu tương). Dầu thực vật chứa acid béo không no sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn so với mỡ động vật. Acid béo không no cũng rất cần thiết cho sự hấp thụ vitamin và phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ.
- Nhóm thực phẩm cung cấp muối khoáng, vitamin cho bé: Nên cho bé ăn bổ sung các loại rau quả. Đặc biệt là rau ngót, rau cải xanh, cà rốt, đu đủ, xoài,…hay loại rau chứa nhiều sắt như rau muống để phòng thiếu máu.
Tóm lại, khi cho trẻ ăn dặm, cần sử dụng các thực phẩm tươi, sạch, dễ ăn và đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng (vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm, canxi), giàu năng lượng, protein:
- Thực phẩm chứa nhiều sắt: Thịt, gan động vật, các tạng màu đỏ thẫm
- Thực phẩm chứa nhiều kẽm: tôm, cua, cá, lòng đỏ trứng gà
- Thực phẩm giàu vitamin C: rau xanh, súp lơ, cam, đu đủ, cà chua, xoài,…
- Thực phẩm giàu vitamin A: Các loại quả có màu da cam, các loại rau có màu xanh thẫm, sữa mẹ, lòng đỏ trứng gà, gan của động vật.
- Thực phẩm giàu Protid: trứng, cá, thịt gia súc, gia cầm, sữa bò,…
Công thức ăn dặm cho bé
Cho trẻ ăn dặm trước 1 tuổi
- Ăn dặm ở trẻ 6 tháng: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ngày ăn một bữa bột loãng (5%), sau đó đặc dần, số lượng cũng tăng từ từ cho đến 200ml/ bữa. Cho uống 20ml nước hoa quả nghiền.
- Trẻ 7-8 tháng: vẫn bú mẹ, ăn 2 bữa bột loãng (10%)/ ngày, 200ml/bữa. 40ml hoa quả nghiền.
- Trẻ 9-12 tháng: Cho trẻ bú mẹ, ăn thêm 3 bữa bột (10%)/ ngày, 200ml/bữa. Bổ sung 60ml hoa quả nghiền.
Công thức ăn dặm cho bé từ 1-2 tuổi
- Tiếp tục duy trì cho bé bú mẹ, không nên cai sữa sớm nếu mẹ đủ sữa.
- Thức ăn cho bé được chế biến dưới nhiều dạng phù hợp với khẩu vị, nhưng cần đảm bảo dễ tiêu hóa: cháo đặc, bún, mì, phở, cơm mềm,…
- Kết hợp 4 nhóm thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ: ngũ cốc, gạo, tôm, cá, trứng, thịt, rau, củ, đậu đỗ, dầu thực vật, mỡ động vật.
- Số bữa ăn trung bình: 4-5 bữa/ ngày.
Cho bé ăn dặm từ 2-3 tuổi
- Ở giai đoạn này, nếu cho trẻ cai sữa, thì bổ sung thêm 200-300ml sữa đậu nành hoặc sữa bò mỗi ngày.
- Thực phẩm cơ bản giống với giai đoạn cho bé ăn dặm từ 1-2 tuổi. Lưu ý bổ sung thêm các loại quả chín.
- Số bữa ăn trong ngày: 3 bữa chính và tối thiểu 2 bữa phụ (bánh, sữa,…)
Từ năm 4 trở đi, bé có thể ăn cơm cùng bữa với gia đình và bổ sung thêm 1-2 bữa phụ ăn nhẹ trong ngày. Tìm mua sữa bột cho bé tại đây.
Lưu ý cần biết khi cho bé ăn dặm
- Đảm bảo dinh dưỡng theo 4 nhóm ô vuông
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Cho trẻ ăn từ từ, tăng dần để trẻ có giai đoạn làm quen
- Cho trẻ ăn ngay sau khi chế biến, không bảo quản quá lâu
- Thức ăn chế biến dễ ăn, nghiền nhỏ để trẻ dễ tiêu hóa, hấp thu
Một số bài viết liên quan cùng chuyên mục phụ huynh có thể tham khảo:
- 5 bệnh mùa nóng ở trẻ em và cách phòng tránh hiệu quả
- Viêm tiểu phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Nguyên nhân và cách phòng tránh béo phì ở trẻ em khoa học, hiệu quả
Hi vọng những thông tin mà BlogAnChoi chia sẻ có thể giúp các mẹ cũng như cả gia đình chăm sóc sức khoẻ của trẻ tốt hơn. Đừng quên truy cập chuyên mục Sức khoẻ của BlogAnChoi để được cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình bạn nhé!