Có câu nói rằng “Con chim dậy sớm sẽ bắt được sâu”, nhưng cũng có rất nhiều người cảm thấy mình làm việc tốt hơn vào ban đêm. Vậy tại sao cơ thể mỗi người lại có sự khác biệt như thế? Và bạn có biết mình là “chim sớm” hay “cú đêm” không?
Không phải ai cũng thích dậy sớm và ngủ sớm
Trên thế giới có hai kiểu người: thích dậy sớm và thích ngủ nướng. Hầu hết những người dậy sớm thích bắt đầu ngày mới thật sớm và thường ngủ sớm vào buổi tối. Trái lại, những người “cú đêm” thường dậy muộn và thức khuya hơn, vì họ thấy rằng cơ thể mình làm việc hiệu quả nhất vào thời gian cuối ngày.
“Cú đêm” là từ dùng để mô tả những người có khả năng hoạt động tốt hơn vào buổi tối và ngủ nhiều vào ban ngày, giống như loài chim cú trong tự nhiên. Trong khi đó hình ảnh trái ngược là “chim sớm” bắt nguồn từ một câu tục ngữ của phương Tây: “Con chim dậy sớm sẽ bắt được sâu”.
Vậy bạn là một con chim sớm hay một chú cú đêm? Kiểu ngủ ưa thích của bạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất làm việc không? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu nhé.
Như thế nào được gọi là “chim sớm”?
Đó là những người có thói quen sinh hoạt như:
- Đi ngủ sớm
- Thức dậy sớm
- Cảm thấy mình hoạt động tốt nhất vào khoảng thời gian đầu ngày
- Cảm thấy ít năng lượng hơn vào cuối ngày và buổi tối
- Khó duy trì trạng thái thức kéo dài
Thường thì nhóm người này cảm thấy dễ thích nghi với xã hội hơn so với “cú đêm”. Những người dậy sớm thường dễ dàng điều chỉnh hoạt động của mình theo lịch trình làm việc ban ngày, vốn là tiêu chuẩn ở hầu hết các nơi làm việc hiện nay.
Trên thực tế, một đánh giá nghiên cứu năm 2012 cho thấy những người dậy sớm tự nhận thấy mức độ cảm xúc tích cực cao hơn. Đáng lưu ý là hạnh phúc và những cảm xúc tích cực khác thường dễ xuất hiện hơn nếu thói quen ngủ phù hợp giúp bạn thích nghi với lối sống của xã hội.
Tuy nhiên một nhược điểm nhỏ của nhóm người này là có thể khó theo đuổi và duy trì các mối quan hệ xã hội nếu đi ngủ quá sớm, trừ khi họ cũng tìm kiếm những người có lối sống giống mình.
Những người “cú đêm” là như thế nào?
Nhóm người này có lối sống điển hình là:
- Thức khuya
- Thích ngủ nướng
- Cảm thấy mình hoạt động tốt nhất vào khoảng thời gian cuối ngày
- Có nhiều năng lượng hơn vào ban đêm
- Cảm thấy mệt mỏi nếu phải thức dậy sớm
- Khó duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày
“Cú đêm” sẽ gặp phải một số nhược điểm. Vì hầu hết xã hội hiện nay được tổ chức theo lịch trình ban ngày, từ trường học cho đến cơ quan công sở, nên những người dậy muộn có thể gặp khó khăn nếu làm những công việc truyền thống, đặc biệt là những người trẻ tuổi phải tuân theo lịch học cố định.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy “cú đêm” cũng có thể gặp những bất lợi khác như tăng nguy cơ mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần và các vấn đề về trao đổi chất.
Tuy nhiên “cú đêm” không phải lúc nào cũng kém cỏi hơn so với “chim sớm”. Nói cách khác, thói quen làm việc vào buổi tối vẫn có thể đem lại hiệu quả cao. Rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn và chuyên gia sáng tạo nhận thấy bản thân họ hoàn thành công việc tốt nhất khi thế giới xung quanh đã ngủ yên lặng lẽ. Điều quan trọng nhất là phải ngủ đủ giấc để duy trì sức khỏe tốt.
Điều gì quyết định chúng ta trở thành “cú đêm” hay “chim sớm”?
Một nghiên cứu năm 2020 gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân làm cho mỗi người thích nghi với khoảng thời gian trong ngày khác nhau. Ngoài ra đồng hồ sinh học của cơ thể cũng có thể góp phần quyết định thói quen ngủ.
Tất nhiên thời điểm đi ngủ không hoàn toàn đồng nghĩa với thời lượng ngủ, vì vậy ngủ nhiều hơn cũng không đồng nghĩa với “cú đêm”. Vẫn còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ về giấc ngủ, chẳng hạn như sự khác biệt giữa thời gian ngủ vào ban ngày hay ban đêm.
Nghiên cứu trên cũng tìm hiểu xem việc sử dụng điện thoại hằng ngày có thể ảnh hưởng tới thời gian ngủ hay không. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự phân biệt rõ ràng giữa 2 nhóm người sử dụng điện thoại vào đầu ngày hoặc cuối ngày, nhưng cũng có nhiều người không thuộc nhóm nào cả. Một số phát hiện khác trong nghiên cứu này là phụ nữ thường thích dậy sớm hơn, và dường như có mối liên hệ giữa thói quen dậy sớm và thái độ sống.
Đánh giá nghiên cứu cho thấy những người có tính cách tham vọng và nhiều động lực thường hoạt động tích cực vào đầu ngày. Tất nhiên điều đó không có nghĩa rằng tính cách chính là nguyên nhân khiến một người dậy sớm hay không, mà có thể vì họ đã tập thói quen dậy sớm theo yêu cầu của xã hội để đạt được thành công.
Một nghiên cứu khác vào năm 2020 cho thấy có mối liên quan giữa thói quen ngủ và hoạt động thể chất: những người dậy sớm thường vận động nhiều hơn, trong khi “cú đêm” thường ít hơn, đặc biệt là nam giới. Tuy nhiên các tác giả không đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân – kết quả giữa 2 vấn đề này.
Bạn thuộc tuýp người nào?
Cách dễ nhất để tìm ra thói quen ngủ của bản thân là không dùng đồng hồ báo thức và tự theo dõi xem cơ thể mình đi ngủ và thức dậy vào thời gian nào một cách tự nhiên. Có thể phải mất vài ngày để cơ thể quen với nhịp sinh học phù hợp, nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy mình đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ cố định.
- Nếu bạn ít khi cảm thấy buồn ngủ trước nửa đêm thì có thể bạn là “cú đêm”
- Nếu bạn thường uể oải buồn ngủ ngay sau khi mặt trời lặn và không thích ngủ nướng kể cả khi rất muốn, thì có lẽ bạn là “chim sớm”
Tuy nhiên một đánh giá nghiên cứu năm 2012 gợi ý rằng hầu hết chúng ta nằm giữa hai kiểu người này.
“Cú đêm” có thể thay đổi thành “chim sớm” hay không?
Theo một đánh giá nghiên cứu năm 2021 về các gene điều khiển đồng hồ sinh học của cơ thể thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát được thói quen ngủ của mình, nhưng với trình độ hiện tại thì điều đó vẫn còn xa vời và chưa có cách nào giúp cho “cú đêm” dễ dàng thức dậy vào lúc sáng sớm cả.
Các chuyên gia giải thích rằng thay đổi thói quen ngủ là một quá trình chuyển đổi khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm cực lớn. Mấu chốt để thành công thường là thay đổi theo từng bước nhỏ. Ngoài ra thói quen ngủ cũng có thể thay đổi khi chúng ta già đi: khi bước vào độ tuổi trung niên trở lên, bạn có thể sẽ thường xuyên dậy sớm hơn.
Điều quan trọng cần nhớ là luôn phải đảm bảo giấc ngủ chất lượng để có được sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất, dù bạn quen thức đến tận nửa đêm hay thích dậy thật sớm.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- 13 điều lầm tưởng cực sai mà rất phổ biến về ung thư da
- Tại sao có những người “hút muỗi”, bị muỗi đốt nhiều hơn người khác?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!