Các công cụ trí tuệ nhân tạo đã thông minh đến mức rất khó phân biệt hình ảnh do AI tạo ra và hình ảnh thật, nhất là đối với các công cụ AI tạo hình ảnh chất lượng cao như DALL-E, Midjourney và Stable Diffusion. Tuy nhiên vẫn có một vài cách bạn có thể thử, hãy cùng xem nhé.

Tương tự như cách phát hiện hình ảnh được chỉnh sửa bằng Photoshop, bạn có thể tìm các dấu hiệu đặc biệt trên hình ảnh cho biết đó là sản phẩm của AI. Hình ảnh thường bị biến dạng kỳ lạ, hoặc đôi khi việc sử dụng AI được ghi rõ trong phần mô tả hình ảnh, vì vậy đừng bỏ qua phần này. Nếu tất cả những cách đơn giản đều thất bại thì bạn có thể thử vận may bằng cách tải hình ảnh lên các công cụ phát hiện AI.

Kiểm tra phần tiêu đề, mô tả và bình luận của hình ảnh

Không phải ai cũng muốn tiết lộ việc mình đã sử dụng AI để tạo hình ảnh, nhưng nếu có thì thông tin đó sẽ nằm trong phần tiêu đề hoặc mô tả của hình ảnh. Ngoài ra tác giả cũng có thể đề cập đến điều đó trong phần bình luận. Ví dụ như hình dưới đây, tác giả đã nói rõ cách viết gợi ý để yêu cầu AI tạo ra hình ảnh.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Bên cạnh phần tiêu đề, mô tả và bình luận, bạn cũng có thể vào trang cá nhân của tác giả để tìm manh mối. Các từ khóa như Midjourney hay Dall-E, những công cụ AI tạo hình ảnh phổ biến hiện nay, có thể cho biết rằng những hình ảnh mà người đó đăng là sản phẩm của AI.

Một số cộng đồng tạo tranh trên mạng như DeviantArt đang dần chấp nhận hình ảnh của AI bằng việc tạo ra các mục dành riêng cho tranh AI. Khi xem các trang web như vậy, bạn nên chú ý đến các thẻ tag mà tác giả sử dụng để phân loại hình ảnh. Điều này cũng có thể áp dụng với các trang mạng xã hội như Instagram hay X (trước đây là Twitter), trong đó hình ảnh có thể được kèm theo hashtag như #AI, #Midjourney, #Dall-E, v.v.

Tìm hình mờ watermark

Một dấu hiệu quan trọng để xác định hình ảnh do AI tạo ra là watermark, ví dụ như DALL-E 2 luôn đặt watermark trên bất kỳ hình ảnh nào được tải xuống từ trang web của nó, mặc dù thoạt nhìn không rõ ràng. Ví dụ, bạn có phát hiện watermark trong hình dưới đây không?

Hình ảnh một con mèo đang chơi trên cánh đồng được tạo ra bởi DALL-E (Ảnh: Internet)
Hình ảnh một con mèo đang chơi trên cánh đồng được tạo ra bởi DALL-E (Ảnh: Internet)

Watermark của hình trên nằm ở góc dưới bên phải, trông giống như 5 hình vuông màu vàng, xanh ngọc, xanh lá cây, đỏ và xanh lam. Nếu bạn thấy watermark này xuất hiện trên một hình ảnh khác thì chắc chắn đó là sản phẩm của AI.

Tuy nhiên vẫn có cách dễ dàng tải xuống hình ảnh đó mà không có watermark, và điều này cũng không vi phạm chính sách của OpenAI, miễn là bạn “không lừa gạt người khác về bản chất của tác phẩm”, ví dụ như nói rằng bạn đã tự vẽ ra bức tranh đó hoặc đó là một bức ảnh được chụp ngoài đời thật. Ngoài ra quy định của OpenAI cũng cho phép người dùng cắt bỏ watermark trong hình ảnh.

Trái lại, Midjourney hoàn toàn không áp đặt watermark cho hình ảnh, vì vậy người dùng có thể tự quyết định có nên tiết lộ việc sử dụng AI tạo hình ảnh hay không.

Tìm sự biến dạng trong hình ảnh

Hình ảnh do AI tạo ra thường có những đặc điểm kỳ lạ, mặc dù khó nhận thấy khi mới nhìn lướt qua nhưng có thể phát hiện khi nhìn kỹ hơn.

Hình ảnh do AI tạo ra bị biến dạng (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra bị biến dạng (Ảnh: Internet)

Thoạt nhìn, hình ảnh trên cho thấy những con chó ngồi quanh bàn ăn, nhưng khi nhìn kỹ hơn có thể nhận ra khuôn mặt của chúng bị biến dạng, chỉ giống như những vết màu thô sơ. Đặc điểm này tương tự như các bức tranh theo trường phái ấn tượng, được tạo thành từ những nét vẽ nhanh thể hiện cốt lõi của chủ thể trong tranh, do đó chỉ phù hợp để ngắm nhìn từ khoảng cách xa. Điều tương tự cũng đúng với một số tranh do AI tạo ra, phải chú ý đến những chi tiết nhỏ mới phát hiện được đó là sản phẩm của AI.

Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

Hãy nhìn kỹ khuôn mặt do AI tạo ra ở trên, được lấy từ trang web This Person Does Not Exist. Bạn có thể bị đánh lừa rằng đây là một bức ảnh bình thường ngoài đời thật, nhưng điều kỳ lạ là chiếc kính bị thiếu một phần và nó dường như hợp nhất với da mặt của người đàn ông.

Những sai sót này có thể được khắc phục khi các hệ thống AI được cải tiến trong tương lai, nhưng điều đặc biệt là các công cụ AI tốt nhất vẫn gặp khó khăn khi tạo hình bàn tay con người. Dưới đây là hình ảnh bàn tay được tạo ra bởi DALL-E.

Hình ảnh bắt tay do DALL-E tạo ra (Ảnh: Internet)
Hình ảnh bắt tay do DALL-E tạo ra (Ảnh: Internet)

Các ngón tay thừa là dấu hiệu thường gặp và rõ ràng để phát hiện ảnh giả, nhưng cũng có nhiều chi tiết khác đáng chú ý như góc của bàn tay hay tư thế bàn tay tương tác với các đối tượng khác trong hình, trông không tự nhiên và không giống người thật. Ngoài ra có nhiều dấu hiệu khác liên quan đến hình ảnh con người như:

  • Bông tai bị thiếu hoặc 2 bên không giống nhau
  • Phông nền phía sau bị mờ
  • Chữ ở nền phía sau không rõ hoặc vô nghĩa
  • Sự bất đối xứng trên mặt (răng bị lệch, 2 mắt có kích thước khác nhau)
  • Các mảng của hình ảnh trông như được vẽ bằng cách thủ công
  • Các vật thể như kính mắt và hoa tai hợp nhất vào da
  • Bàn tay bị thừa ngón hoặc trông kỳ lạ, không tự nhiên

Tuy nhiên kể cả khi bạn cố gắng tìm những dấu hiệu trên thì đôi khi cũng rất khó để phát hiện hình ảnh do AI tạo ra nếu chưa có kinh nghiệm.

Sử dụng các công cụ phát hiện AI

Một số người đã nắm bắt cơ hội khi mọi người muốn phát hiện hình ảnh do AI tạo ra. Đã có các công ty cung cấp các công cụ tiện lợi trên web để giải quyết vấn đề này, ví dụ như AI or Not của Optic cho phép bạn tải hình ảnh lên và nhanh chóng kiểm tra xem đó có phải sản phẩm của AI hay không. Công cụ này tuyên bố rằng có thể phát hiện hình ảnh được tạo bởi các AI vẽ tranh mạnh nhất hiện nay như Midjourney, DALL-E và Stable Diffusion.

AI or Not phát hiện hình ảnh do AI tạo ra
AI or Not phát hiện hình ảnh do AI tạo ra

Tuy nhiên hãy thận trọng khi sử dụng công cụ này vì kết quả không phải là hoàn hảo. Thử nghiệm thực tế cho thấy nó hoạt động tốt hơn so với các công cụ cùng loại trước đây, nhưng cũng có nhiều phân tích sai. Vì kết quả không chính xác tuyệt đối nên hãy sử dụng công cụ này kết hợp với những cách khác để kiểm tra hình ảnh. Trong tương lai, các công cụ phát hiện hình ảnh AI có thể được cải tiến để tăng độ chính xác cao hơn, ví dụ như Microsoft đã ra mắt một công cụ phát hiện ảnh giả Deepfake.

Tóm lại

Chắc chắn các hệ thống AI sẽ được nâng cấp trong những năm tới, hình ảnh do AI tạo ra sẽ giống thật đến mức không thể phát hiện khi nhìn bằng mắt thường. Hy vọng lúc đó sẽ có các ứng dụng hoặc trang web đủ khả năng kiểm tra hình ảnh để phân biệt thật giả.

Hiện tại, những người sử dụng AI để tạo hình ảnh nên tuân theo khuyến nghị của OpenAI và không lừa gạt người khác về nguồn gốc của hình ảnh, bằng cách ghi rõ trong tiêu đề hoặc phần mô tả của hình ảnh khi đăng lên mạng. Đừng đánh lừa người khác bằng cách nói rằng bạn đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật trong khi thực tế nó là sản phẩm của DALL-E, Midjourney hoặc các công cụ AI khác.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Emoji Kitchen là gì? Cách tự tạo emoji của riêng bạn với Google

Google vừa cho ra mắt Emoji Kitchen - "phòng bếp cảm xúc". Đây là một website cho phép người dùng sáng tạo các emoji cá nhân độc nhất vô nhị theo cảm xúc, trạng thái của bản thân.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Phạm Long Thuyên

bài viết ý nghĩa lắm ạ!