Nhu cầu công việc học tập và cả giải trí ngày càng tăng cao, việc đến các quán cà phê là một điều vô cùng tất yếu. Là một người thường xuyên đến quán cà phê, liệu bạn đã từng thử qua hết những loại bánh ngọt bán kèm tại đấy chưa? Bạn có thắc mắc về tên gọi và mùi vị của chúng không? Nếu muốn trải nghiệm và tìm cho mình một dòng bánh phù hợp với loại nước bạn yêu thích, đây là một bài viết dành cho bạn đó.
Văn hóa thưởng thức bánh ngọt khi uống cà phê
Văn hóa thưởng thức cà phê từ lâu đã phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới. Tùy mỗi đất nước, khu vực mà có một phong cách dùng cà phê riêng. Hiện nay, sự phát triển và du nhập văn hóa cà phê Ý đã tạo nên nhiều phương thức thưởng thức khác nhau đến nhiều đối tượng. Vì lẽ đó, dùng cà phê kèm bánh ngọt cũng là một điểm mới lạ được du nhập vào Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng.
Mỗi người sẽ có một gu cà phê khác nhau, sự đối lập có thể đến từ việc sử dụng đường trắng hay đường nâu, sữa đặc hay sữa tươi, kể cả là đá viên hay đá xay. Trong việc dùng bánh đi kèm cũng tương tự, chúng ta đều sẽ có một hương vị bánh cho riêng mình. Vị bánh ngọt ngào đi kèm ly cà phê nóng, viên chocolate đắng nhẹ cùng tách cappuccino đều là những lựa chọn tuyệt vời dành cho chính mình.
Bởi sự đa dạng bánh ngọt ăn kèm và khác biệt hương vị từng loại, dưới đây chúng mình sẽ gợi ý cho bạn một vài lựa chọn cho buổi cà phê tiếp theo nhé!
Một số loại bánh ngọt ăn kèm khi uống cà phê
1. Tiramisu
Tiramisu là món bánh tráng miệng trứ danh xuất phát từ Ý và dần trở thành món bánh yêu thích trên toàn thế giới. Theo sách “Nghệ thuật Ẩm thực qua các thế kỉ ở Ý” của tác giả Anna Maria Volpi, Tiramisu được người làm bánh tên Francesca Valori tại nhà hàng Le Beccherie, thuộc vùng Treviso tạo nên và Tiramisu cũng là tên thời niên thiếu của ông. Ngoài ra, đây cũng được xem là chiếc bánh của tình yêu bởi cái tên “Tiramisu – hãy mang em đi”, mang hàm ý cho một tình yêu đẹp, phóng khoáng, tự do và mãnh liệt, là một lời thổ lộ tuyệt vời giữa các cặp đôi.
Về cấu tạo chung, Tiramisu là sự xen kẽ giữa các lớp bánh quy Savoiardi được nhúng vào café, sau đó xếp xen kẽ với hỗn hợp trứng, đường, phô mai mascarpone được đánh bông lên cùng vị rượu Rhum nhẹ. Bên ngoài có thể phủ lớp bột ca cao, bột cà phê hoặc các lớp kem chảy bắt mắt. Khi ăn, Tiramisu có vị ngọt pha béo, thoảng mùi rượu cùng vị đắng nhẹ từ lớp cacao bên trên. Thông thường, Tiramisu được trình bày theo dạng bánh tròn, hoặc trong các ly thủy tinh để nhìn rõ được các lớp bánh.
Cùng với sự phổ biến rộng rãi của loại bánh này, hiện tại Tiramisu có khá nhiều biến thể được chế biến lại nhằm phục vụ nhu cầu từng nơi, từng khẩu vị và phong cách sống khác nhau. Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như Tiramisu chocolate, Tiramisu dâu, Tiramisu chanh, Tiramisu trà xanh hoặc kể cả là Tiramisu từ bia.
2. Mousse
Loại bánh tiếp theo nhất định phải thử khi đến các quán cà phê là Mousse. Đây vốn là một loại bánh đến từ nước Pháp, thường dùng cho các buổi trà chiều lãng mạn. Hiện nay bánh được du nhập đến nhiều nơi trên thế giới và trở thành món tráng miệng không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng, quán cà phê cao cấp.
Với ý nghĩa là “bọt”, Mousse có cấu trúc nhiều bọt khí, bánh nhẹ và xốp với đặc trưng nhiều kem cùng lớp đế bánh mỏng. Nguyên liệu cơ bản để làm Mousse là kem tươi, gelatin và lòng trắng trứng. Hương vị của lớp kem có thể tạo nên bởi syrup hoa quả, hoa quả tươi xay nhuyễn, bột matcha, chocolate… Phần đế thường là lớp bánh gato, thỉnh thoảng là lớp bánh quy đập vụn cho phù hợp từng khẩu vị. Khi thưởng thức bánh Mousse, bạn sẽ cảm nhận được sự mềm mại, mát lạnh của kem đang tan chảy trong miệng cùng với vị thơm đặc trưng của kem tươi hòa quyện với các vị bánh khác nhau.
Phổ biến và hay được bày bán nhất tại các quán cà phê là Mousse chanh dây với vị chua béo kích thích vị giác, Mousse trà xanh đắng nhẹ pha chút béo từ kem tươi hoặc Mousse chocolate đậm vị. Ngoài ra, vẫn có thêm các hương vị đặc biệt khác từ trái cây như xoài, dâu, việt quốc,…
3. Cheesecake
Mang một chút màu sắc tương tự Mousse, Cheesecake là một sự lựa chọn tuyệt vời tiếp theo. Nguồn gốc sơ khai của Cheesecake đến từ Hy Lạp cổ, và thật bất ngờ khi cha đẻ của chúng lại là một nhà vật lý có tên Aegimus. Đây cũng là loại bánh được “du ngoạn” nhiều nơi nhất với rất nhiều “chủng tộc” được biến tấu khác nhau qua từng vùng.
Cheesecake là một loại bánh có sự kết hợp hài hoà của phô mai tươi, kem, sữa và trứng. Khác với Mousee, Cheesecake có vị chua nhẹ đến từ creamcheese làm cho món bánh trở nên “bắt vị” hơn, ít cảm giác ngậy béo từ kem tươi và dễ ăn hơn. Lớp đế bánh sẽ làm từ bánh quy vụn trộn đều với bơ lạt, đặc biệt hơn với biến tấu đế bánh oreo mang vị đắng nhẹ, mới lạ và lôi cuốn. Thông thường, Cheesecake sẽ được làm từ khuôn tròn lớn, khi bày bán sẽ cắt ra thành những miếng bánh tam giác nhỏ hơn, phù hợp nhu cầu uống cà phê và tráng miệng của thực khách.
Như đã nói trên, Cheesecake có các biến tấu vô cùng hấp dẫn như Oreo Cheesecake, Cheesecake sữa chua, Cheesecake từ trái cây và cả Cheesecake nướng.
4. Croissant
Nếu các loại bánh trên thiên về vị ngọt từ kem tươi thì Croissant là một sự lựa chọn hoàn toàn khác. Mặc dù vô cùng nổi tiếng ở Pháp nhưng xuất thân của loại bánh này lại đến từ Áo. Ban đầu, bánh được gọi là Kipferl (bánh lưỡi liềm/bánh mặt trăng) để tôn vinh các chiến sĩ Áo, đến năm 1770 khi công chúa nước Áo kết hôn với Thái tử nước Pháp, chiếc bánh mặt trăng mới du nhập tới kinh đô Paris hoa lệ và chuyển mình thành chiếc bánh Croissant, hay còn gọi là bánh sừng bò.
Về cơ bản, Croissant chỉ là món bánh ăn sáng rất mộc mạc được làm bởi bột mì, men, bơ, sữa và muối. Nguyên bản bánh Croissant không có nhân, để chứng tỏ chất lượng tuyệt vời từ men bánh. Tuy nhiên qua quá trình du nhập và phát triển, Croissant hiện tại được biến tấu khá nhiều với các loại nhân bên trong và lớp vỏ bánh ngoài sáng tạo. Bánh sừng bò có sự xốp nhẹ đến từ vô số những lớp bột mì mỏng cuộn lấy nhau khi cắn vào, các lớp bánh được tách lớp rõ rệt, ruột bánh không bị bết, không đặc dính mà phải nở bung xốp và có các lỗ khí như tổ ong tạo thành kết cấu vô cùng đẹp mắt. Đặc trưng bánh có mùi bơ thơm lừng hòa quyện cùng lớp nhân chua ngọt tùy vị tạo nên sức hút không thể chối từ.
Bánh Croissant đặc biệt được bày bán ở rất nhiều nơi, không chỉ ở các chuỗi cà phê mà còn là các cửa hàng tiện lợi, các tiệm bánh nướng, các siêu thị,… Bạn có thể thử thưởng thức cả bánh Croissant với lớp vỏ ngoài được phủ sốt chocolate hay hạnh nhân rắc, bánh phủ đường và kể cả phô mai vụn.
5. Muffin
Nói không ngoa khi cho rằng nước Pháp là thiên đường của các loại bánh Âu khi rất nhiều món bánh ngon được xuất phát từ đây. Muffin ban đầu có tên là Moufflet (nghĩa là bánh mì ngọt làm nhanh) nhưng sau một thời gian dài cái tên này được đọc lệch dần sang thành Muffin và nó cũng dễ đọc hơn. Tuy khá giống Cupcake nhưng Muffin lại có sự đa dạng hơn về thành phần nguyên liệu. Muffin còn có cả phiên bản bánh mặn và ngọt, do đó hấp dẫn vô số thực khách và trở thành món bánh không thể thiếu trong các buổi họp mặt, trà chiều, trong cả sinh hoạt và văn hóa đời thường.
Muffin được đặt trong những chiếc cốc giấy để nướng và có trang trí vô cùng đơn giản. Muffin được làm từ đa dạng các loại nguyên liệu như: đường, bột, trứng… Ngoài ra, còn có thể sử dụng nhiều loại nguyên liệu, hương liệu khác nhau tạo ra những chiếc bánh đa dạng hơn về hương vị như hoa quả, mứt, với các loại hạt khô hay các loại thịt, xúc xích, rau củ… Vì thuộc dòng Quick Bread nên bánh được làm vô cùng nhanh, không mất thời gian để ủ và có đặc điểm là cốt bánh đặc, mịn, có độ ẩm cao, bánh nở cao và nứt bề mặt.
Nói riêng về dùng cho các quán cà phê, thông thường Muffin ngọt sẽ được ưa chuộng hơn để dễ kết hợp cùng các loại đồ uống với các vị như vanilla, chocolate, matcha và các loại hạt healthy cả cho team eat clean.
6. Cookies
Cuối cùng trong danh sách là các loại cookies hay còn gọi là bánh quy. Những chiếc cookie được sinh ra từ xứ sở của những chiếc cối xay gió với cái tên được bắt nguồn từ một từ tiếng Hà Lan là “Koekje” nghĩa là một chiếc bánh nhỏ, tròn. Cái tên ấy cũng đã thể hiện toàn bộ những đặc điểm về chiếc bánh tròn được nướng một cách cẩn thận trong lò nướng. Cookies cũng nổi tiếng khắp từ khi du nhập đến Mỹ với dòng bánh Chocolate Chip Cookies trứ danh.
Cookies được làm chủ yếu từ bột mì, đường và các nguyên liệu khác như: nho khô, yến mạch, chocolate và các loại hạt,… Sau đó được tạo thành hình tròn dẹt để nướng lên mang vị ngọt béo tự nhiên cùng hương thơm quyến rũ, hấp dẫn với độ giòn cứng hoàn hảo. Thông thường, Cookies sẽ được phục vụ trong các túi nhỏ hoặc lọ thủy tinh nhiều bánh, thích hợp nhâm nhi chuyện trò cùng cà phê hoặc trà.
Một số hình thức khác biến tấu của bánh Cookies mà bạn có thể thấy tại các quán cà phê có thể kể đến Biscotti, bánh quy bơ đậu phộng, Chocolate Chip Cookies,…
Trên đây là một số gợi ý về các loại bánh ngọt có thể dùng kèm khi đến các quán cà phê. Bạn có ấn tượng với loại bánh nào trong số đó không? Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong lần tụ họp tiếp theo. Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật các điểm đến ăn ngon tiếp theo nhé!