Bất kỳ ai từng lật một trang sách đều hiểu tiềm năng của sách trong việc thay đổi thế giới – theo cả cách lớn và nhỏ. Ở đây, BlogAnChoi sẽ cùng bạn điểm qua 46 cuốn sách có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới và cách chúng khiến nhân loại nhìn mọi thứ theo một cách mới nhé.
1. Kinh Kim Cương
Vào ngày 11 tháng 5 năm 868 CN – gần 600 năm trước khi Gutenberg cân nhắc việc in Kinh thánh – một người tên là Wang Jie đã ủy thác việc in Kinh Kim Cương, một văn bản “trí tuệ” của Phật giáo Đại thừa được trình bày dưới dạng cuộc trò chuyện giữa Đức Phật và đệ tử Tu Bồ Đề bằng tiếng Trung Quốc. Cuộn giấy in chứa 6000 từ, dài hơn 5m được tìm thấy vào năm 1900 trong một thư viện bí mật dọc theo Con đường tơ lụa ở Trung Quốc, sau đó nó được nhà khảo cổ học Marc Aurel Stein đưa đến Anh. Hiện cuốn sách in cổ nhất thế giới này nằm ở Thư viện Anh và là một trong những bản kinh Đại thừa có ảnh hưởng nhất ở Đông Á.
Wang Jie đã đặt in cuốn sách này vì một trong những nguyên lý quan trọng nhất của Phật giáo: Làm việc thiện vì theo ông, một trong những cách để làm việc thiện và đạt được công đức, đồng thời tạo công đức cho người khác là sao chép hình ảnh của Đức Phật, hoặc lời nói của Ngài và truyền bá chúng. Các nhà sử học cũng xác định những người theo đạo Phật là một trong những nhóm chính đã truyền bá, cải tiến và phát triển việc in ấn tại châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
2. First Folio
Từ việc định hình ý tưởng của chúng ta về ý nghĩa của tuổi thiếu niên đến việc nghĩ ra cái tên hiện đại Jessica, William Shakespeare đã định hình cuộc sống hiện đại theo những cách vừa tinh tế vừa ấn tượng. Nhưng nếu không có First Folio, nhiều tác phẩm quan trọng nhất về mặt lịch sử và văn hóa của ông – bao gồm Macbeth, The Taming of the Shrew, Julius Caesar và The Tempest – có lẽ đã không tồn tại.
Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1623 với tên gọi Mr. William Shakespeare’s Comedy, Histories, & Tragedies, First Folio là tập hợp 36 vở kịch của Shakespeare, một nửa trong số đó chưa từng xuất hiện trên văn bản dạng in ấn (trong cuộc đời của Shakespeare, các diễn viên biểu diễn các vở kịch của ông không làm việc theo kịch bản mà họ được đưa cho những tờ giấy da chỉ chứa những câu thoại họ cần học).
First Folio được biên soạn và xuất bản bởi bạn bè và đồng nghiệp của Shakespeare và được coi là nguồn lịch sử chính xác nhất cho các tác phẩm của ông, nó thường được ca ngợi là cuốn sách văn học quan trọng nhất từng được sản xuất. Vào tháng 10 năm 2020, một bản sao của First Folio được bán cho một nhà sưu tập tư nhân với giá gần 10 triệu USD – mức giá cao nhất từng được trả tại cuộc đấu giá cho một tác phẩm văn học.
Các học giả chuyên nghiên cứu về Shakespeare cho rằng First Folio là sự đảm bảo quan trọng danh tiếng của ông với tư cách là một nhà viết kịch quan trọng trong những năm sau Nội chiến Anh. Một phần nhờ vào First Folio, các vở kịch của Shakespeare đã được phổ biến rộng rãi khi các rạp hát ở Anh đang rất cần kịch bản mới. Tác phẩm của ông đã phổ biến các quy ước kịch tính, cốt truyện và ngôn ngữ có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi thứ, từ văn học phương Tây đến điện ảnh Bollywood.
3. Ngụ ngôn Aesop
Các chủ đề trung tâm của truyện ngụ ngôn Aesop đã gây được tiếng vang với độc giả trong nhiều thiên niên kỷ. Những câu chuyện đơn giản sử dụng động vật được nhân cách hóa để truyền tải thông điệp đạo đức, chẳng hạn như “chậm mà chắc” trong truyện “Rùa và thỏ” hay “sự trả thù là con dao hai lưỡi” trong “Người nông dân và con cáo”. Ngay cả khi bạn không đọc tuyển tập truyện này thì chắc chắn vẫn sẽ rất quen thuộc với những câu chuyện phổ biến của nó.
Ngụ ngôn Aesop được cho là viết vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên bởi một người đàn ông nô lệ, có sức ảnh hưởng lâu dài đối với các câu chuyện, ngôn ngữ và cả đạo đức của con người.
4. Cộng Hòa
Nếu có bất kỳ cuốn sách nào thay đổi thế giới, thì Cộng Hòa chắc chắn sẽ giành được vị trí đầu tiên. Cộng Hòa giới thiệu nhiều ý tưởng mang tính biểu tượng nhất của Plato, bao gồm những suy nghĩ của ông về một xã hội hoàn hảo, những suy nghĩ của ông về định nghĩa và tầm quan trọng của công lý,… Năm 2001, Cộng Hòa được bình chọn là tác phẩm triết học vĩ đại nhất từng được sáng tác. Điều đó không có nghĩa là mọi người đều đồng ý với kết luận của Plato, tuy nhiều người nói Cộng Hòa sai ở hầu hết luận điểm nhưng vẫn cho rằng nếu không có nó thì chúng ta có thể sẽ không có một nền triết học như chúng ta đã biết.
Được viết vào khoảng năm 375 TCN, Cộng Hòa có cấu trúc như một cuộc đối thoại dài giữa Socrates và một số người đàn ông Athen khác (bao gồm cả anh em của Plato). Cuộc trò chuyện này đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ vai trò của phụ nữ trong xã hội (họ cũng có đủ tư cách để trở thành người cai trị và binh lính như nam giới) cho đến loại nhạc mà trẻ em thuộc tầng lớp thượng lưu nên nghe. Nhưng nội dung chủ yếu của nó liên quan đến việc xác định công lý ở cả khía cạnh xã hội và cá nhân, đồng thời chứng minh rằng một cuộc sống công bằng sẽ tốt hơn và thỏa mãn hơn một cuộc sống bất công. Để chứng minh quan điểm của mình, Plato hình dung một nhà nước lý tưởng gồm ba tầng lớp xã hội: một lớp cai trị nhà nước, một lớp bảo vệ nó và một lớp tạo ra tất cả những thứ mà nhà nước cần.
Bên cạnh việc là tác phẩm lớn đầu tiên của triết học chính trị phương Tây và là văn bản nền tảng của tư tưởng phương Tây, Cộng Hòa còn được nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong suốt lịch sử nghiên cứu. Martin Luther King Jr. đặt tên cho nó là cuốn sách duy nhất (không bao gồm Kinh thánh, cuốn sách mà người phỏng vấn đã loại trừ trong câu hỏi) mà ông muốn mang theo nếu bị mắc kẹt trên hoang đảo. Mussolini được cho là luôn giữ một bản sao của cuốn sách bên người và thậm chí, nó có thể đã ảnh hưởng đến việc Ayatollah Khomeini định hình lại Iran.
5. Phía Tây không có gì lạ
Chưa bao giờ có một cuộc chiến tranh như Thế chiến thứ nhất, và chưa bao giờ có một cuốn tiểu thuyết nào như “Phía Tây không có gì lạ”.
Việc sử dụng rộng rãi chiến tranh chiến hào kết hợp với các loại vũ khí mới có sức tàn phá lớn đã tạo ra những trận giao tranh đẫm máu và nguy hiểm nhất trong lịch sử châu Âu. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 9 triệu binh lính cũng như hàng triệu thường dân, hàng triệu người khác bị tàn phế bởi xe tăng, vũ khí hóa học và các công nghệ quân sự mới khác.
Một thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, tác phẩm “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque ngay lập tức gây chấn động, đạt doanh số 1 triệu bản trong vòng một năm tại Đức – quê hương của ông và hơn 800.000 bản ở Anh, Pháp và Mỹ. Đây không phải là cuốn tiểu thuyết phản chiến đầu tiên được xuất bản, nhưng nó là cuốn đầu tiên trở thành sách bán chạy trên quốc tế, mang đến cho hàng triệu độc giả một câu chuyện ảm đạm và sống động về chiến tranh hiện đại mà không có vẻ ngoài yêu nước hay hiếu chiến.
Cuốn tiểu thuyết của Remarque kể về một nhóm thiếu niên có lý tưởng tình nguyện chiến đấu cho nước Đức vào cuối Thế chiến thứ nhất, chỉ để lao đầu vào nỗi kinh hoàng và thiếu thốn của chiến tranh. “Phía Tây không có gì lạ” được xuất bản khi Đức quốc xã lên nắm quyền và bị coi là “sự phản bội văn học đối với những người lính trong Thế chiến”. Khi bộ phim chuyển thể ra rạp ở Đức vào tháng 12 năm 1930, một nhóm Đức quốc xã do Joseph Goebbels – Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền tương lai của Hitler cầm đầu – đã đóng cửa một buổi chiếu ở Berlin, đặt bom hôi, thả chuột và tấn công dã man khán giả mà họ nghĩ là người Do Thái. Ở Vienna, hàng ngàn lính Đức quốc xã đã cố gắng xông vào một rạp chiếu phim đang được chiếu. Hitler coi việc sở hữu cuốn sách là tội ác, yêu cầu tất cả các bản in phải được giao nộp để tiêu hủy.
Bản thân Remarque phải trốn khỏi Đức mới có thể sống sót, nhưng em gái của ông thì không may mắn như vậy: Elfriede Scholz bị bắt và xét xử trước khi bị chặt đầu vào tháng 12 năm 1943.
Bạn có thể đọc thêm:
- 13 sự thật thú vị về “Người Băng” Ötzi (Phần 1)
- Hiệu ứng sinh nhật: khi tỉ lệ con người chết vào ngày sinh nhật cao hơn hẳn những ngày khác trong năm
- Câu chuyện về Hinterkaifeck – trang trại ma ám nổi tiếng nhất nước Đức (Phần 1)
Nếu các bạn có bất kỳ ý kiến đóng góp hay góp ý nào về bài viết, xin hãy để lại comment để mình có thể cải thiện và hoàn thiện hơn.