Những chiếc vương miện là tượng trưng cho quyền lực thời cổ đại. Cùng BlogAnChoi điểm qua 10 chiếc vương miện có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử loài người nào.
1. Vương miện Macedonia
Trong nhiều thế kỷ, vương quốc Macedon đã bị các thành bang Hy Lạp cổ đại coi thường. Người Macedonia nói phương ngữ riêng, có vua nhưng bị cho là sống như những kẻ man rợ. Vua Philip II của Macedon (cha của Alexander Đại đế) là thiên tài quân sự và có một đội quân được huấn luyện bài bản. Từ đó, ông đã trở thành nhà lãnh đạo của thế giới Hy Lạp và thống trị những người Hy Lạp từng coi thường ông.
Năm 336 trước công nguyên, vua Philip bị chính cận vệ của mình sát hại và an nghỉ trong lăng mộ Vergina cùng với các vị vua khác của Macedon. Khi mộ của ông được khai quật vào những năm 1970, người ta phát hiện hài cốt của Philip trong một chiếc hộp làm bằng vàng nguyên chất nặng 11 kg, bên cạnh là một chiếc vương miện được làm theo hình vòng lá sồi.
Ở Hy Lạp cổ đại, những vòng hoa làm từ ô liu, nguyệt quế hoặc lá sồi được tặng cho mọi người để thể hiện chiến thắng của họ trong các trò chơi thể thao, văn học và quân sự. Tuy nhiên, đối với người cai trị Macedon, bản chất mong manh và tạm bợ của thực vật là không đủ nên vương miện của Philip II được làm bằng vàng và nặng 700 gram. Những chiếc lá được gắn theo cách khiến chúng rung lên khi đầu người đeo di chuyển, khiến chúng lấp lánh dưới ánh nắng. [1]
2. Vương miện gai
Vương miện gai là một trong những hình ảnh nổi bật của việc Chúa Giêsu chịu đau khổ vì tội lỗi của nhân loại và là một trong những thánh tích quan trọng nhất đối với những người theo đạo Thiên Chúa. Những chiếc gai đơn từ vương miện đã được nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau tuyên bố là có sức mạnh tâm linh to lớn.
Một chiếc Vương miện có gai được cho là thuộc sở hữu của hoàng đế Constantinople. Vào năm 1238, chiếc vương miện này đã được cầm cố lấy 13.000 miếng vàng để giúp đỡ thành phố đang bị bao vây. Khi Baldwin II bị đuổi xuống ngai vàng của Constantinople, ông đã lang thang khắp châu Âu để tìm kiếm sự hỗ trợ để giành lại quyền lực. Để có tiền, ông đã bán vương miện gai cho vua Louis của Pháp. Vương miện này đã trở thành một trong những tài sản quan trọng nhất của chế độ quân chủ Pháp.
3. Vương miện Silla
Vương quốc Silla tồn tại trên bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 10 sau công nguyên. Đến những năm 1920, vương miện của các vị vua Silla mới bắt đầu được tìm thấy trong một lăng mộ hoàng gia.
Được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, danh tính của vị vua được chôn cất ở đó vẫn chưa được xác định. Ông có một chiếc vương miện lộng lẫy cao gần 0.5 mét, được trang trí bằng hình ảnh vảy cá, trái tim, chim và rồng, khảm bằng những hạt ngọc nhỏ và những chiếc lá vàng.
Hầu hết những chiếc vương miện khác đã được khai quật đều có hình dạng và cách trang trí tương tự nhau. Chúng không giống bất cứ thứ gì từng thấy ở Hàn Quốc cổ đại và một số người cho rằng chúng có thể bị ảnh hưởng bởi Iran và Scythia.
4. Vương miện của công chúa Blanche
Đây là chiếc vương miện lâu đời nhất của người Anh, thuộc về công chúa Blanche, con gái vua Henry IV.
Vương miện thuộc về một trong những hoàng hậu của vua Anh Richard II và khi ông bị Henry IV phế truất, tất cả đồ trang sức của ông đều thuộc về vị vua mới. Bị nhiều người coi là kẻ soán ngôi, Henry muốn gả các con của mình cho những đồng minh quan trọng để bảo vệ quyền lực. Con gái ông là Blanche đã gả cho Louis, con trai của vua nước Đức và chiếc vương miện này là một phần của hồi môn của Blanche và đến châu Âu cùng với cô ấy.
Chiêc vương miện này được mô phỏng theo hình hoa huệ, làm bằng vàng và nạm ngọc bích, hồng ngọc, ngọc lục bảo, kim cương và ngọc trai.
5. Vương miện của giáo hoàng
Ban đầu, vào thế kỷ thứ 8, vương miện của giáo hoàng chỉ là những chiếc mũ bằng vải trắng khá đơn giản. Theo thời gian, một chiếc vòng tròn trang trí công phu đã được thêm vào phần đế để tượng trưng cho quyền lực của các giáo hoàng.
Vào cuối thế kỷ 13, giáo hoàng Boniface VIII đã thêm một chiếc vương miện khác lên trên chiếc đầu tiên để chứng tỏ rằng ông đứng trên các vị vua trần thế và những chiếc vương miện của họ. Chỉ vài thập kỷ sau, chiếc vương miện thứ ba lại được thêm vào bên trên, và chiếc vương miện ba tầng của các giáo hoàng đã hoàn thành.
Nhiều vương miện của giáo hoàng được làm từ kim loại quý và được đính những viên đá quý đắt tiền. Một chiếc được làm vào năm 1846 có hơn 10.000 viên kim cương và một nghìn viên ngọc lục bảo, ngọc bích và hồng ngọc.
Khi giáo hoàng bị quân đội của Napoléon đuổi khỏi Rome vào năm 1798, một chiếc vương miện thay thế đã được làm từ giấy bồi với đá quý do các quý bà địa phương tặng. Sau đó, như một lời đề nghị hòa bình, Napoléon đã tặng giáo hoàng một chiếc vương miện mới vào năm 1804 – nhưng ông đã cố tình làm cho nó quá nhỏ và quá nặng để có thể đội một cách thoải mái.
Năm 1964, giáo hoàng Paul VI đã tháo bỏ vương miện của giáo hoàng và đặt nó trên bàn thờ như một dấu hiệu cho thấy ngài đang từ bỏ quyền lực con người để tập trung vào tâm linh. Kể từ đó, không có giáo hoàng nào đội vương miện nữa.
6. Vương miện Hoàng gia Nga và mũ Monomakh
Năm 1762, Catherine Đại đế quyết định rằng bà cần một chiếc vương miện mới. Vương miện này được trang trí bằng 4.936 viên kim cương với tổng trọng lượng 2.858 carat, phía trên là một viên đá Spinel khổng lồ màu đỏ bóng và những viên ngọc trai lớn trang trí hai bên cánh của vương miện.
Vương miện hoàng gia không phải là chiếc duy nhất được trao cho các Sa hoàng trong lễ đăng quang của họ mà còn có cả mũ Monomakh nữa. Nó bao gồm một chiếc mũ vàng có khảm hồng ngọc và ngọc lục bảo, được bao quanh bởi một vòng lông để giữ ấm cho sa hoàng trong mùa đông lạnh giá ở Nga.
7. Vương miện nhà nước hoàng gia
Vương miện này được nạm những viên đá quý cũ từ bộ sưu tập hoàng gia và những viên đá mới để tượng trưng cho quyền lực. Trong số những viên đá cũ có một viên sapphire được cho là của Edward the Confessor vào thế kỷ 11. Một viên sapphire khác là báu vật của các vị vua Stuart. Một viên đá Spinel lớn màu đỏ được gọi là viên Ruby của hoàng tử đen và có một lỗ trên đó để có thể đặt một chiếc lông vũ làm vật trang trí.
Vương miện đã được thay đổi vào năm 1909 để cho phép gắn thêm viên Cullinan II nặng 317 carat vào. Viên kim cương Cullinan là viên kim cương lớn nhất từng được phát hiện và được cắt thành 9 viên đá nhỏ hơn. Nữ hoàng Elizabeth II gọi những viên đá quý nhỏ hơn này là “những viên đá quý của bà ngoại” vì chúng thuộc về bà của bà, nữ hoàng Mary.
8. Vương miện thánh của Hungary
Vương miện Thánh của Hungary còn được gọi là vương miện của Thánh Stephen, là biểu tượng của nhà nước Hungary trong nhiều thế kỷ. Trước khi vua Stephen qua đời vào năm 1038, người ta cho rằng ông đã giơ cao chiếc vương miện và dâng nó cho Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.
Bản thân vương miện được làm bằng vàng và được trang trí bằng men với hình ảnh Chúa Kitô, các thiên thần, các vị thánh và các vị vua. Trên vương miện có một cây thánh giá nằm theo góc độ kỳ lạ, điều này được cho là xảy ra khi chiếc rương đựng nó bị đóng quá nhanh và làm hỏng vương miện vào thế kỷ 17.
Vào cuối thế chiến II, chiếc vương miện được trao cho quân đội Mỹ ở Áo trong một chiếc túi da màu đen để bảo vệ nó khỏi Liên Xô. Vương miện được đưa về Mỹ và được cất giữ ở Fort Knox để đảm bảo an toàn và được trả lại vào năm 1978 bởi tổng thống Carter.
9. Vương miện sắt của Lombardy
Vương miện sắt của Lombardy là một trong những vương miện hoàng gia lâu đời nhất của còn tồn tại ở châu Âu và nó có thể có mối liên hệ trực tiếp với Chúa Giêsu. Theo truyền thuyết, nó được Thánh Helena làm cho hoàng đế Constantine. Helena nổi tiếng vì đã đến Thánh địa và trở về với cây Thập giá mà Chúa Giêsu đã chết trên đó. Người ta cho rằng bà đã tạo một trong những chiếc đinh của cây thánh giá thành một chiếc mũ bảo hiểm để bảo vệ con trai mình. Một số người nói rằng vương miện sắt chính là chiếc mũ bảo hiểm này và nó cũng chứa chiếc đinh thần thánh.
Đúng là bên trong vương miện sắt có một dải kim loại đen đóng sáu tấm vàng thành một khối. Có lẽ nó được làm vào thế kỷ thứ 8 nhưng thứ bên trong không phải là sắt, các phân tích khoa học cho thấy nó là bạc.
10. Vương miện của Đế chế La Mã Thần thánh
Vào ngày Giáng sinh năm 800, giáo hoàng Leo III đã trao vương miện cho vua Charlemagne và phong cho ông danh hiệu hoàng đế La Mã. Những người kế vị Charlemagne tiếp tục giữ danh hiệu này và theo thời gian, nó được lấy làm danh hiệu của người cai trị Đế chế La Mã Thần thánh và tồn tại cho đến năm 1806.
Chiếc vương miện này được làm cho Otto I vào năm 962. Nó cổ đến mức có hình bát giác giống như vương miện của đế chế Byzantine, thay vì hình tròn quen thuộc của vương miện hiện đại. Nó được làm từ tám tấm vàng, 4 trong đó có hình ảnh tôn giáo, 4 tấm lớn hơn được phủ đá quý. Bởi vì vương miện đã được chế tạo trước khi người ta biết cách mài đá quý nên những viên đá được mài thành hình mái vòm.
Theo truyền thuyết, chiếc vương miện đã từng được nạm một viên đá quý tên Waise, hay Orphan nằm ở mặt trước. Nó có màu rượu vang đỏ tinh tế và thậm chí còn tỏa sáng vào ban đêm – không ai biết tại sao viên đá này lại bị tách khỏi vương miện hoặc chuyện gì đã xảy ra với nó.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết có liên quan tại đây:
Các bạn ơi, hãy cho mình biết cảm nhận của mình về bài viết này nhé!