Cái tên Uber và Grab ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Ít ai biết có một cái tên khác đang âm thầm theo sau 2 ông lớn này là FaceCar – một sản phẩm của người Việt.
Ứng dụng FaceCar là gì?
FaceCar là ứng dụng đặt xe qua Smartphone được đưa vào vận hành từ 28/05/2016. Sau hai cái tên Uber và Grab thì đây là cái tên thứ 3 tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Điều đặc biệt, Start-up này được phát triển hoàn toàn bởi người Việt Nam.
Sau khi cài đặt ứng dụng gọi xe FaceCar, người dùng sẽ tìm kiếm những xe xung quanh mình. Có thể bấm vào từng xe để biết thông tin. Người dùng chỉ cần chọn điểm đón, điểm đến và đặt chuyến xe với xe đang ở gần mình nhất.
Điểm khác biệt giữa FaceCar với Uber và Grab
Khác với Uber và Grab, sau khi chọn được xe, người dùng FaceCar sẽ phải gọi điện trực tiếp cho tài xế hoặc tài xế sẽ tự gọi lại cho người đặt xe khi đã nhận được yêu cầu. Qua đó, người đặt có thể thương lượng giá cả với tài xế hay những yêu cầu khác. Điều này sẽ làm người sử dụng cảm thấy thực tế hơn.
Ngoài ra, FaceCar không thu bất kỳ chi phí nào đối với tài xế lái xe. Ông Nguyễn Thành Nam – người điều hành FaceCar cho biết, sau khi ứng dụng được phổ biến rộng rãi, FaceCar sẽ thu phí nhưng chắc chắn sẽ dưới 10%, thấp hơn của Uber và Grab rất nhiều. Đây có thể là một điểm mạnh của FaceCar để cạnh tranh trực tiếp với Uber và Grab.
Những tín hiệu đáng mừng của FaceCar
Theo bảng xếp hạng do App Annie thì ứng dụng FaceCar chỉ đứng sau 2 ông lớn Uber và Grab về mảng đặt xe qua ứng dụng. Trên App Store, FaceCar nằm ở vị trí thứ 5 về mảng Travel, vị trí thứ 1 và 2 lần lượt là Uber và Grab. Cũng trên mảng tương tự của kho Google Play, ứng dụng FaceCar đang ở vị trí thứ 13.
Đây là tín hiệu đáng khen ngợi cho một Start-up Việt. FaceCare cho thấy mình có tiềm năng lớn để thu hút người Việt sử dụng, khi mà hiện tại nhiều người vốn chỉ biết đến 2 cái tên Uber hay Grab.
Ứng dụng FaceCar bất ngờ nhận vốn đầu tư khủng
Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn SAPA Thale GmbH tại Đức, ông Mai Vũ Minh đã khẳng định sẽ đầu tư cho Start-up Việt này 1 tỷ đồng chỉ tính riêng cho thị trường Việt Nam. Điều này đã gây lên một sự bất ngờ lớn trong giới công nghệ khi mà một Start-up non trẻ lại có thể gây được sự chú ý đặc biệt với vị tỷ phú Việt kiều này như vậy.
Theo vị doanh nhân này, ông đầu tư vào FaceCar với 2 mục tiêu rõ ràng là đối đầu trực tiếp để giành thị phần từ Uber tại thị trường Việt Nam và đưa phần mềm Việt này ra thị trường quốc tế.
Với việc nhận được số vốn đầu tư khủng thì có lẽ mục tiêu giành thị phần từ Uber và Grab trên thị trường Việt Nam của FaceCar càng sáng sủa hơn bao giờ hết. Và liệu một Start-up Việt có thể khẳng định tên tuổi mình trên thị trường thế giới hay không?
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để tiếp tục cập nhật những tin tức mới nhất về ứng dụng FaceCar này nhé!