Lựa chọn tư thế cho trẻ bú đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng khi nuôi con bằng sữa mẹ. Bên cạnh đó, làm sao để biết trẻ đã bú đủ sữa chưa và cách để xử lý một số vấn đề khi cho con bú cũng quan trọng không kém. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu ngay thôi!
Tư thế cho trẻ bú mẹ đúng cách
Mẹ nên ngồi khi cho trẻ bú, cho lưng trẻ nằm dọc theo cánh tay mẹ, đầu trẻ cao khoảng 45 độ, cằm của trẻ áp vào bầu vú mẹ. Miệng trẻ cần ngậm sâu vào vú mẹ đến hết phần quầng vú. Trong trường hợp sữa xuống quá nhanh, các mẹ nên kẹp đầu vú giữa hai ngón tay để tránh cho trẻ bị sặc sữa.
Các mẹ nên cho trẻ bú mẹ đến 18-24 tháng. Nếu mẹ đi làm thì cần tranh thủ cho con bú bất cứ lúc nào mẹ ở gần con và nên vắt sữa để lại cho trẻ uống vào bữa mà mẹ không về được. Sữa mẹ sau khi được vắt ra thì cần phải bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát tối đa là 6 tiếng và cần phải làm ấm lại sữa mẹ trước khi cho trẻ bú.
Làm sao để biết trẻ đã bú đủ lượng sữa trong ngày hay chưa?
Nếu trẻ bú đủ thì trẻ sẽ no sau 10-15 phút bú và trẻ sẽ ngủ liền 3 tiếng sau khi bú. Trong tháng đầu sau sinh, trẻ sẽ tăng trung bình 25-50g/ngày. Nếu trẻ bú đủ thì trẻ sẽ đi tiểu 6-8 lần trong vòng 24 giờ và nước tiểu loãng. Trong tháng đầu, trẻ sẽ đi phân lỏng, sệt, nhiều lần, trung bình 6-8 lần/ngày và có màu vàng sậm.
Từ tháng thứ 2 trở đi, với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì có thể có tình trạng chậm đi tiêu sinh lý, có thể là 3-4 ngày mới đi tiêu một lần nhưng phân vẫn mềm, trẻ vẫn bú, vẫn chơi.
Xử trí một số vấn đề trở ngại khi cho trẻ bú mẹ
- Tắc sữa: Các mẹ cần day tuyến sữa, nặn sữa ra khỏi tuyến vú dọc theo chiều của ống tuyến sữa hoặc dùng dụng cụ để hút sữa ra.
- Áp xe vú: Các mẹ nên vắt sữa bằng tay hoặc bằng dụng cụ, chườm lạnh để giảm đau, uống kháng sinh và tháo mủ khi cần thiết.
- Đầu vú ngắn hay bị tụt vào trong: Các mẹ nên tập cho trẻ ngậm sâu vào đầu vú, giữ đầu vú bằng 2 ngón tay để giúp cho trẻ ngậm đầu vú dễ dàng hơn.
- Đầu vú nứt nẻ: Các mẹ cần tạm ngưng cho trẻ bú vài ngày, nên vắt sữa ra và cho trẻ uống bằng muỗng. Các mẹ cần làm vệ sinh đầu vú thường xuyên và nên bôi các sản phẩm dưỡng ẩm đầu vú như Vaseline trong vòng 1-2 ngày.
- Không đủ sữa cho trẻ bú: Các mẹ không nên cho trẻ ăn thêm sữa công thức trong thời gian này vì có thể làm cho trẻ bỏ bú mẹ. Các mẹ nên tăng cường số lần bú trong ngày, cho trẻ bú liên tục mỗi 2-3 tiếng. Các mẹ nên ăn thêm các chất bổ dưỡng, tăng uống sữa và luôn nhớ cần phải uống đủ nước.
- Trẻ hay bị ọc, ói sau bú: Có thể do trẻ bú nhiều hơi và khi trẻ bú thường có tiếng rít. Lúc này, các mẹ phải cho trẻ bú đúng tư thế, ngậm bắt vú đúng cách và cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú.
- Trẻ không chịu bú hay không bú được: Các mẹ nên kiểm tra chế độ ăn của mình có thể có nhiều gia vị có mùi như tỏi, hành,… làm cho sữa có mùi mà trẻ không thích, khiến cho trẻ bị nghẹt mũi, bị bệnh, trẻ sinh non chưa biết bú,… Các mẹ cần phải kiểm tra nguyên nhân là gì và đưa ra cách để khắc phục.
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết khác về dinh dưỡng:
- Sữa mẹ có lợi ích gì cho trẻ sơ sinh? Làm sao để cho trẻ bú mẹ đúng cách?
- Sữa non và sữa vĩnh viễn là gì? Tại sao sữa mẹ là tốt nhất cho bé?
- Vì sao nên nuôi con bằng sữa mẹ để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh toàn diện?
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và dinh dưỡng nha!
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2016) – Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM (2019) – Dinh dưỡng học – Nhà xuất bản Y học.