Nhật Bản là một trong những thị trường phim ảnh nổi tiếng hàng đầu châu Á. Nếu bạn đang tìm kiếm những bộ phim hay của xứ hoa anh đào cho mùa hè này, đừng bỏ qua bài viết này nhé! 9 phim Nhật sau đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời.
- 1. Katachi no Koe – Dáng Hình Thanh Âm
- 2. Dareka no Manazashi – Ánh Nhìn Của Ai Đó
- 3. Manbiki Kazoku – Kẻ Trộm Siêu Thị
- 4. Biri Gyaru – Cô Nàng Xếp Hạng Chót
- 5. Soshite Chichi ni Naru – Cha Nào, Con Nấy
- 6. Hyakuen no Koi – Tình Yêu 100 Yên
- 7. Dare mo Shiranai – Không Ai Biết
- 8. Okuribito – Người Tiễn Đưa
- 9 Umimachi Diary – Nhật Ký Miền Biển
1. Katachi no Koe – Dáng Hình Thanh Âm
Katachi no Koe có tựa đề tiếng Anh là The shape of voice hoặc A silent voice. Đây là một bộ phim tâm lý chính kịch dựa trên bộ manga cùng tên của Oima Yoshitoki nói về mặt tối của môi trường học đường tại Nhật Bản.
Nhân vật chính Ishida – nam sinh cấp 3 nhảy cầu bất thành, nhìn lại quãng đời “vứt bỏ” của mình thông qua lăng kính của người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh. Tự dày vò bản thân về sự tồn tại của mình trong xã hội, cậu tin rằng sự biến mất của mình sẽ giúp người thân và xã hội bớt đi được gánh nặng lớn. Ishida chợt nhớ về Nishimiya – cô bé khiếm thính năm xưa, người đã chịu đau khổ lớn khi phải chịu đựng nạn tẩy chay do chính cậu gây ra. Cậu quyết tâm tìm kiếm cô để hàn gắn quá khứ.
Katachi no Koe gián tiếp phê bình điểm văn hóa “Đồng Nhất” của xã hội Nhật Bản. Những đứa trẻ được dạy phải giống nhau từ hình thức đến ứng xử. Ngược lại, những đứa trẻ khác biệt so với phần đông thường phải chịu sự phân biệt đối xử. Hậu quả có thể dẫn tới nhẹ thì trầm cảm, nặng có thể tự sát.
Đây được coi là một siêu phẩm Anime trong 1 thập kỷ trở lại đây bởi lời phê bình và đánh giá trên trang review chính thống (90 điểm trên Rottentomatoes; 80 điểm trên IMDb). Đáng tiếc thay, nó đã không nhận được đủ sự chú ý khi ra mắt cùng năm với Your Name (2016). Tuy nhiên, với bản chất nhân văn, một số người đang tham gia làn sóng “đào mộ” để đưa nó trở lại với hào quang mà nó xứng đáng được nhận.
2. Dareka no Manazashi – Ánh Nhìn Của Ai Đó
Dareka no Manazashi – tựa đề tiếng Anh Someone’s Gaze – là một bộ phim anime ngắn của đạo diễn Makoto Shinkai kể về mối quan hệ của cha và con gái.
Phim ngắn khẳng định tầm quan trọng của gia đình là không thể bàn cãi, mặc dù có những sự trục trặc trong cách bày tỏ tình cảm giữa hai cha con. Phim ngắn 6 phút 44 giây đã nhấn mạnh gia đình là chỗ dựa tinh thần, là nơi luôn yêu thương thấu cảm vô điều kiện.
3. Manbiki Kazoku – Kẻ Trộm Siêu Thị
Dareka no Manazashi – tựa đề tiếng Anh Shoplifters – là một bộ phim chính kịch của đạo diễn Hirokaku Koroeda về gia đình tầng lớp công nhân chuyên hành nghề ăn cắp vặt giữa Tokyo xa xoa.
Một gia đình năm người nhưng không ai trong số họ mang chung dòng máu, bản thân hai vợ chồng Osamu và Nobuyo cũng chỉ là vợ chồng danh nghĩa. Một ngày, bác Osamu phát hiện cô bé chừng 6 tuổi Yuri mang đầy vết bầm dập trên cơ thể do mẹ em để lại. Thương em, bác quyết định nhận nuôi mặc dù hoàn cảnh gia đình đã quá khó khăn. Yuri được yêu thương vô điều kiện, được truyền nghề “gia truyền“, sống rất vui vẻ cho tới ngày em được đăng thông cáo mất tích lên TV.
“Thế nào là một gia đình” là chủ đề chính mà tác phẩm muốn nói tới. Liệu có phải bắt buộc mang quan hệ ruột thịt thì mới hình thành nên gia đình? Hay chỉ cần mang một tình thương vô điều kiện giữa con người với nhau là đủ? Kẻ trộm siêu thị sẽ giải mã những câu hỏi trên một cách nhân văn, giản dị cho tất cả chúng ta.
4. Biri Gyaru – Cô Nàng Xếp Hạng Chót
Biri Gyaru hay Flying Color là một bộ phim hài chính kịch dựa trên câu chuyện có thật, kể về hành trình chinh phục đại học số 1 Nhật Bản của em học sinh cá biệt.
Nhân vật chính Sayaka – nữ sinh phổ thông trung học mang tất cả những đức tính xấu nhất như lười biếng, thiếu suy nghĩ, ăn chơi,… – bổng một ngày nọ tuyên bố sẽ thi vào đại học Keio, một trong 10 những ngôi trường danh giá nhất Nhật Bản. Lần đầu tiên có hướng đi trong cuộc đời, Sayaka đã từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình mặc cho sự cười nhạo của bố ruột, em trai, thầy chủ nhiệm và các bạn học.
Bộ phim là cánh diều chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ “dám mơ, dám khao khát”. Ai cũng có quyền được mơ dù đó là người khờ dại, kẻ lạc lối, những ai đang trong giai đoạn khó khăn của cuộc đời, đặc biệt trong giai đoạn thi cử vượt cấp, Cô Nàng Xếp Hạng Chót sẽ tiếp sức mạnh mẽ cho các bạn.
5. Soshite Chichi ni Naru – Cha Nào, Con Nấy
Soshite Chichi ni Naru – Like Father, Like Son – là một bộ phim tâm lý chính kịch của đạo diễn Hirokaku Koroeda, kể về hai đứa trẻ sống nhầm gia đình và mối liên tình cha con khác huyết thống.
Ryota là một kiến trúc sư thành đạt, giàu có nhưng lại dành ít thời gian cho vợ Midori và con trai nhỏ 5 tuổi Keita. Bất ngờ, hai vợ chồng nhận được thông báo khẩn của bệnh viện về con trai họ: Keita cần phải xét nghiệm DNA ngay do khả năng cậu đã bị trao nhầm gia đình, giống với một đứa trẻ khác sinh cùng ngày đó là Ryusei. Sau khi test DNA, họ đứng giữa 2 lựa chọn: Một, tiếp tục nuôi nấng Keita tới lớn; Hai, đổi Keita để chuộc về đứa con trai ruột Ryusei.
Dù tựa đề “nhầm con” không còn quá xa lạ nhưng mỗi khi xuất hiện thì đều luôn khuấy đảo trí tò mò của chúng ta. Một người cha đề cao nối dõi tông đường như Ryota sẽ chấp nhận đánh đổi huyết thống để chuộc về tình cha con? Liệu cứ có nhiều tiền sẽ giải quyết mọi chuyện êm xuôi như cách nhân vật chính cố gắng chuộc lại con ruột?
Có nhiều gia tài ở xã hội hiện đại là yếu tố quan trọng để tồn tại phát triển nhưng liệu nó là cách duy nhất để đoạt được cảm xúc của trẻ nhỏ khi các em không có ý thức tới giá trị tiền bạc? Cha Nào, Con Nấy sẽ giúp các bạn hiểu thêm về vai trò thật của người làm cha mẹ.
6. Hyakuen no Koi – Tình Yêu 100 Yên
Đây là bộ phim chính kịch thể thao của đạo diễn Masaharu Take kể về sự khát khao chinh phục cuộc đời của một cô gái 32 tuổi.
Nhân vật chính Ichiko sống cùng với mẹ và em gái một cách thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Một lần cãi nhau lớn với em gái, cô đã một mực dọn ra sống riêng. Để sống qua ngày, Ichiko ứng tuyển cho vị trí thu ngân tại siêu thị tiện lợi 100 Yên. Hàng ngày đi làm, cô thường dừng lại theo dõi một boxer nghiệp dư Yuji tập luyện và dần cảm nắng anh ta. Nỗi bất công dần tìm tới Ichiko do bản chất thờ ơ với cuộc sống đã ăn sâu trong máu của cô. Ichiko tin rằng boxing là cách duy nhất để hạ gục bất công.
Nhân vật Ichiko không được xây dựng để trở nên dễ mến, ngược lại, cô ấy được xây dựng để giúp người xem thấy rằng những người lười nhác, vô trách nhiệm như cô cũng có những thống khổ riêng. Ichiko sống như cái xác không hồn trong suốt thời gian dài, chưa từng hiểu và dám hiểu về chính mình nên mọi thứ cô làm đều rất hậu đậu!
Ichiko dần tìm lại bản ngã thật của mình khi lần đầu biết yêu, lần đầu xỏ găng lên sàn đấu boxing. Nó đã thắp lại niềm vui sống, đem lại khao khát “chiến thắng” mà trước giờ cô chẳng màng nghĩ tới. 113 phút của phim sẽ giúp thay đổi quan điểm của chúng ta về những con người cộc cằn, khó ưa.
7. Dare mo Shiranai – Không Ai Biết
Nobody Knows (tên tiếng Anh) là một bộ phim chính kịch của đạo diễn Hirokaku Koroeda dựa trên câu chuyện có thật về vụ bỏ rơi trẻ em gây chấn động Nhật Bản ở khu phố Sugamo năm 1988 tại Tokyo.
Bốn đứa trẻ: Akira, Kyoko, Shigeru và Yuki – từ năm đến mười hai tuổi – là những anh chị em cùng mẹ khác cha, mỗi đứa có một người cha khác nhau. Ngoài anh cả Akira, ba đứa út phải sống chui lủi ở căn hộ một cách bất hợp pháp. Ba đứa em dựa vào nhau anh trai 12 tuổi để sống do mẹ của chúng thường xuyên say xỉn và sau này đã bỏ rơi không lời nhắn. Akira vận dụng tất cả khả năng sinh tồn để nuôi sống ba đứa em.
Tác phẩm hướng tới nét đẹp vô tư của trẻ em thay vì phê phán trực tiếp một ai đó. Do vậy nên nhịp phim chậm và màu sắc phim mang gam màu tươi. Chúng ta hiểu rằng trẻ em luôn chịu phần thiệt thòi lớn nhất trong bất kể hành động thiếu trách nhiệm nào từ cha mẹ hay người giám hộ. Phim nhắc nhở mỗi người cần phải sống có trách nhiệm và trân trọng những gì chúng ta đang có.
Sẽ thật khó để tránh khỏi cảm giác bức bối bởi nhân vật chính luôn có những quyết định mà hoàn toàn trái với lý tính của chúng ta, ví dụ: “Tại sao lại dùng tiền mua đồ chơi thay vì đồ ăn?”, “Chẳng phải báo cảnh sát sẽ giải quyết mọi vấn đề?”. Đối với những khán giả thường xuyên đặt tính logic lên hàng đầu mỗi khi xem phim, lời khuyên cho các bạn là hãy thả lỏng tâm trí bởi một đứa trẻ 12 tuổi chưa bao giờ tới trường sẽ không thể làm thỏa mãn tất cả chúng ta.
8. Okuribito – Người Tiễn Đưa
Okuribito có tựa đề tiếng Anh là Departures. Đây là bộ phim chính kịch dựa theo cuốn hồi ký của Aoki Shinmon kể về người đàn ông trẻ làm dịch vụ tẩm liệm, chuyên thực hiện các nghi thức trong một tang lễ theo truyền thống của Nhật Bản.
Daigo mất việc tại vai trò một nghệ sĩ chơi cello khi dàn nhạc giao hưởng của anh giải thể. Anh và vợ Mika chuyển từ Tokyo về quê nhà Yamagata. Daigo tình cờ tìm một công việc “Hỗ trợ những chuyến đi”. Anh tới phỏng vấn tại văn phòng và biết được rằng mình sẽ chuẩn bị các bước cần thiết cho nghi lễ nhập quan. Mặc dù miễn cưỡng, Daigo được thuê ngay lập tức và nhận được một khoản tiền tạm ứng từ ông chủ mới. Do lo ngại tai tiếng, Daigo lén lút thực hiện nhiệm vụ và giấu giếm công việc với vợ.
Người tiễn đưa nói về cuộc sống, về quá trình tìm lại cảm giác “con người“, cảm giác “được sống”. Cái chết có thể là sự chấm dứt một cuộc đời nhưng nó không phải là kết thúc của sự nhân văn. Ngoài ra, tác phẩm đã bày tỏ “sự phản kháng âm thầm nhưng bền bỉ” chống lại nạn phân biệt đối xử mà những người đối diện với cái chết vẫn tiếp tục phải đối mặt ở xã hội Nhật hiện đại.
9 Umimachi Diary – Nhật Ký Miền Biển
Umimachi Diary – Our Little Sister – bộ phim chính kịch dựa vào bộ truyện manga cùng tên của Akimi Yoshida kể về bốn chị em cùng chung sống ở thành phố biển Kamakura.
Ba chị em Sachi, Yoshino và Chika sống chung tại một ngôi nhà cũ ở Kamakura của bà để lại. Đã được 15 năm kể từ ngày bố rời bỏ 3 chị em để chạy theo người tình mới, tại đám tang của bố, họ gặp cô em gái cùng cha khác mẹ là Suzu 14 tuổi lễ phép và ngoan ngoãn – đứa con của người đàn bà được cho là đã phá hủy hạnh phúc gia đình của 3 chị em năm xưa. Tuy nhiên, Chị cả Sachi vẫn quyết định nhận nuôi Suzu.
Đời thường, chất phác, bình yên là những từ khóa chính cho bộ phim. Khác với thể loại drama thường thấy, Nhật Ký Miền Biển giống như một liều thuốc chữa lành, lấy tình cảm gia đình làm trọng tâm, cụ thể là tình cảm chị em. Tuy thiếu vắng tình thương của cha mẹ từ nhỏ nhưng điều đó chỉ làm sự cảm thông và chia sẻ của 4 chị em trở nên đậm sâu hơn. hướng ánh nhìn của chúng ta tới những điều tích cực và tốt đẹp.
Bộ phim hoàn hảo cho một ngày cuối tuần xem phim để chill. Nếu ví Nhật Ký Miền Biển là một phương tiện di chuyển thì đây sẽ là một chiếc xích lô mộc mạc, bình dị và thân thuộc.
Bạn có thể quan tâm:
Hãy cho mình biết cảm nhận của bạn về bài viết này bằng cách để lại một bình luận.