Điện thoại thông minh ngày càng phát triển và mỗi thiết bị mới ra lại được nâng cấp thông số “khủng” tới mức đáng kinh ngạc. Camera độ phân giải cực cao, tốc độ làm mới màn hình cực nhanh và RAM cực lớn – những chiếc điện thoại đã trở nên “thần thánh” hơn trước rất nhiều. Nhưng các thông số đó có thực sự hữu ích trong thực tế? Trải nghiệm có khác biệt gì không? Hãy cùng khám phá nhé!

Công nghệ smartphone ngày càng nâng cấp với tốc độ chóng mặt, rất nhiều việc trước đây phải dùng thiết bị riêng như chụp ảnh quay phim và chơi game thì nay có thể thực hiện dễ dàng với chất lượng cao trên chiếc điện thoại nhỏ gọn. Các nhà sản xuất cũng dựa vào thông số kỹ thuật ấn tượng để quảng bá cho điện thoại của mình.

Điện thoại ngày nay có thông số cực khủng là chuyện bình thường (Ảnh: Internet)
Điện thoại ngày nay có thông số cực khủng là chuyện bình thường (Ảnh: Internet)

Nhưng có phải tất cả thông số hoành tráng và tính năng vượt trội của điện thoại đều là cần thiết và hữu dụng? Chúng có thực sự tạo ra trải nghiệm khác biệt hay không? Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ đấy.

1. Quay video chất lượng 8K

Chưa đầy 10 năm trước smartphone mới bắt đầu có khả năng quay video với độ phận giải 4K (tương đương 3840 x 2160 pixel). Để hình dung cụ thể hơn, bạn hãy nhớ rằng một trong những dòng điện thoại Samsung đầu tiên có tính năng này là Galaxy S5 được phát hành vào năm 2014 – chưa phải là quá lâu.

Điện thoại Samsung Galaxy S5 (Ảnh: Internet)
Điện thoại Samsung Galaxy S5 (Ảnh: Internet)

Ở giai đoạn đầu, chất lượng video 4K trên điện thoại rất kém và hầu như không có tác dụng thực tế mà chỉ được xem là một chiêu gây ấn tượng để quảng cáo cho điện thoại. Ngày nay chúng ta đã thấy tất cả điện thoại cao cấp đều có khả năng quay video 4K, thậm chí hầu hết các mẫu điện thoại tầm trung và một số loại giá rẻ cũng có.

Khác với trước đây, các thiết bị đời mới ngày nay như điện thoại, máy tính bảng, laptop có màn hình lớn và nhiều pixel hơn nên bạn có thể phân biệt được sự khác nhau giữa video 1080p và 4K rất rõ ràng. Nhưng khi tăng độ phân giải lên 8K (tương đương 7680 x 4320 pixel) thì hầu như không có gì thay đổi.

So sánh độ phân giải 1080p với 4K và 8 K (Ảnh: Internet)
So sánh độ phân giải 1080p với 4K và 8 K (Ảnh: Internet)

Một trong những trường hợp có thể áp dụng được độ phân giải 8K có lẽ là chơi game chuyên nghiệp đòi hỏi cấu hình khủng, nhưng nếu chỉ quay phim bình thường thì 8K thực sự không cần thiết.

2. Camera 108MP

Nhiều người lầm tưởng rằng số megapixel càng lớn thì chất lượng hình ảnh càng đẹp, nhưng thực tế không phải như vậy. Các nhà sản xuất điện thoại thường quảng cáo camera có số MP cực khủng nhưng điều đó không có nghĩa là chụp ảnh đẹp hơn.

Camera 108MP có thực sự cần thiết? (Ảnh: Internet)
Camera 108MP có thực sự cần thiết? (Ảnh: Internet)

Số megapixel lớn chỉ có ý nghĩa là hình ảnh có độ phân giải tốt hơn, rõ chi tiết hơn và cho phép bạn có thể phóng to ảnh nhiều lần mà không bị vỡ nét. Nhưng độ phân giải cao cũng khiến cho file ảnh có dung lượng lớn hơn và tốn bộ nhớ của điện thoại.

Có hai lý do chính để cho rằng camera 108MP là không cần thiết, đó là nhiều mẫu điện thoại ngày nay đã được trang bị ống kính zoom để phóng to các vật ở xa khi cần chụp rõ nét, và đối với những bức ảnh thông thường cũng không cần độ phân giải quá lớn như vậy mà vẫn nhìn rõ nét các chi tiết trong ảnh.

3. Màn hình QHD

Màn hình có độ phân giải Quad HD (QHD) tức là 1440p (tương đương 2560 x 1440 pixel) là thông số khá phổ biến đối với các dòng điện thoại cao cấp hiện nay, mà thực ra đã xuất hiện từ khoảng năm 2014. Ưu điểm của màn hình QHD là sắc nét hơn đáng kể so với Full HD (FHD) tức là độ phân giải 1080p (1920 x 1080 pixel).

So sánh màn hình FHD và QHD (Ảnh: Internet)
So sánh màn hình FHD và QHD (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên độ phân giải cao của màn hình QHD cũng đồng nghĩa là tốn nhiều pin của điện thoại. So với FHD, màn hình QHD có thể làm hao pin nhiều hơn khoảng 10% khi sử dụng trong cả ngày. Hơn nữa loại màn hình này hiện chỉ có ở những chiếc điện thoại hàng đầu có giá rất đắt, nếu bạn muốn trải nghiệm độ phân giải hoành tráng như vậy thì phải chi thêm hàng triệu đồng.

4. Tốc độ làm mới màn hình 144Hz

Chỉ vài năm trước đây, hầu hết điện thoại thông minh trên thị trường đều bị giới hạn tốc độ làm mới màn hình ở mức 60Hz, chỉ một số ít thiết bị có tốc độ cao hơn. Nhưng kể từ khi điện thoại OnePlus 7 Pro ra mắt vào năm 2019 với tốc độ làm mới 90Hz, các nhà sản xuất khác cũng chạy đua nâng cấp thông số này không ngừng.

Tốc độ làm mới màn hình ngày càng được nâng cao (Ảnh: Internet)
Tốc độ làm mới màn hình ngày càng được nâng cao (Ảnh: Internet)

Chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta đã thấy điện thoại có tốc độ làm mới màn hình 90Hz trở nên phổ biến, rồi đến 120Hz cũng không phải quá hiếm. Thậm chí bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng tốc độ 120Hz đã xuất hiện lần đầu tiên từ năm 2017 trên chiếc điện thoại Razer Phone.

Cho đến năm 2020, tốc độ 120Hz chỉ có ở các điện thoại cao cấp và một số điện thoại tầm trung, nhưng hiện nay đã có nhiều mẫu điện thoại giá rẻ được trang bị thông số này. Chỉ trong thời gian ngắn như vậy màn hình 120Hz đã trở thành chuyện bình thường. Nhưng cao hơn nữa thì chưa hẳn là tốt.

Chúng ta đã thấy điện thoại chơi game có tốc độ làm mới cực khủng: 165Hz. Đây thực sự là quá mức cần thiết bởi tốc độ quá cao cũng không đem lại trải nghiệm khác biệt khi sử dụng. Màn hình 120Hz và 144Hz hầu như không thể phân biệt khi đặt cạnh nhau, và nhiều người cũng không thấy gì khác lạ giữa 90Hz và 120Hz.

Vấn đề ở đây là tốc độ làm mới càng cao thì càng tốn pin mà lại không có ý nghĩa thực tế, không cải thiện được trải nghiệm của người dùng một cách rõ ràng. Ngoài ra, hầu hết các game trên điện thoại hiện nay cũng không hỗ trợ tốc độ màn hình 120Hz nên tính năng này thực sự không cần thiết.

5. RAM 16GB

Bạn nghĩ rằng RAM của điện thoại càng nhiều thì cảm giác càng thoải mái? Thực ra số RAM cần thiết phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Đối với mọi người bình thường, nếu chỉ dùng điện thoại để làm những việc nhẹ nhàng như lướt web, vào mạng xã hội, chơi game nhẹ, nghe nhạc và xem video thì RAM 6GB là đủ, thậm chí vẫn dùng được tốt trong vài năm tới.

RAM càng nhiều thì giá càng cao nhưng lại ít khi cần dùng tới (Ảnh: Internet)
RAM càng nhiều thì giá càng cao nhưng lại ít khi cần dùng tới (Ảnh: Internet)

Nếu bạn cần mở các ứng dụng nặng và chơi game cấu hình cao thì RAM 8GB là đủ để trải nghiệm mượt mà, còn nếu nâng lên RAM 12GB thì có thể thoải mái chơi các game nặng mà không lo bị chậm máy. Nhưng tăng RAM nhiều hơn nữa là không cần thiết vì hầu hết mọi người không mở quá nhiều ứng dụng nặng cùng một lúc trên điện thoại.

6. Sạc không dây

Các công nghệ mới ngày càng được cải thiện trong những năm qua, nhưng sạc không dây vẫn “dậm chân tại chỗ” và không được coi là yếu tố quan trọng cần xem xét khi mua điện thoại.

Sạc không dây được quảng cáo rất hoành tráng nhưng có thật sự hữu dụng? (Ảnh: Internet)
Sạc không dây được quảng cáo rất hoành tráng nhưng có thật sự hữu dụng? (Ảnh: Internet)

Tốc độ sạc không dây hiện nay rất chậm và kém hiệu quả, tạo ra nhiều nhiệt. Đó là chưa kể công nghệ này vẫn chưa thực sự là “không dây” vì cần có dây cung cấp điện cho đế sạc và phải đặt điện thoại cố định trong lúc sạc. Có lẽ phải mất vài năm nữa chúng ta mới được thấy các thiết bị không dây thực sự có thể sạc pin cho điện thoại từ khoảng cách xa.

Trong khi đó sạc có dây vẫn được ưa chuộng hơn vì tốc độ nhanh, rẻ, hiệu suất cao, không quá nóng, bền hơn và tạo ra ít rác thải hơn trong quá trình sản xuất, do đó ít gây hại cho môi trường hơn. Ngoài ra cáp USB-C dùng để sạc điện thoại cũng có thể kết nối với nhiều thiết bị khác để truyền dữ liệu một cách tiện lợi.

Tóm lại

Những người đam mê công nghệ luôn muốn nhìn thấy sự đột phá mới lạ, nhưng dựa vào đó để quyết định mua hàng lại là chuyện khác. Một vài tính năng quá cao cấp và thông số quá khủng không có nghĩa là chiếc điện thoại đáng mua.

Có thể những tính năng này sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong tương lai, nhưng hiện tại không cần thiết phải trả mức giá quá đắt cho một thiết bị như vậy. Các tính năng đó chỉ phù hợp với những người đam mê khám phá hay game thủ chuyên nghiệp, còn đối với mọi người bình thường thì không quan trọng.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Honor Magic V: Mẫu điện thoại mới nhất của Honor năm 2022 có gì đặc biệt?

Đầu năm 2022, Honor đã tung ra chiếc điện thoại mới nhất với thiết kế màn hình gập có tên là Magic V. Điện thoại có thiết kế gập vào trong giống như các flagship Samsung Galaxy Z Fold3, Huawei Mate X2. Vì vậy ngay bây giờ, hãy cùng BlogAnChoi đánh giá mẫu điện thoại Honor Magic V nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Lê Huỳnh Chi

k có tiền mua đt cao cấp xài á huhu