Tất cả tế bào trong cơ thể đều cần oxy để hoạt động nên phổi được coi là bộ phận quan trọng cung cấp oxy, vì vậy sức khỏe của phổi là điều đáng quan tâm. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những loại thực phẩm có lợi và có hại cho phổi bạn nhé!
Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi như thế nào?
Thông qua tình trạng viêm nhiễm của phổi ta sẽ biết được chế độ ăn của chúng ta có tốt hay không. Carbohydrate tinh chế (bánh mì trắng, bánh ngọt), khoai tây chiên, soda nước ngọt, mỡ động vật, thịt đỏ là những thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế vì chúng gây viêm cho cơ thể. Để duy trì sức khỏe cho các cơ quan trong cơ thể và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm thì chúng ta cần bổ sung các thực phẩm có khả năng chống viêm như: rau, trái cây, chất béo tốt.
Ngoài việc cung cấp các thực phẩm tốt cho phổi, chúng ta cần loại bỏ những chất từ bên ngoài gây hại cho cơ thể: Không hút thuốc, tránh khói thuốc và không khí ô nhiễm, thường xuyên tập thể dục.
Những thực phẩm tăng cường sức khỏe cho phổi
Táo
Táo (đặc biệt là vỏ táo) có chứa chất chống viêm quercetin, đã được chứng minh khả năng chống viêm ở phổi và hỗ trợ cho những người bị COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Đối với người hút thuốc thì táo và chuối giúp ngăn ngừa suy giảm chức năng phối.
Cà chua
Cà chua chứa vitamin C, lycopene có tác dụng chống oxy hóa giúp giảm tỷ lệ tử vong cho những người bị COPD, tăng cường chức năng phổi và giảm tình trạng viêm (nếu bạn đang bị hen suyễn).
Quả mọng
Các loại quả có màu đỏ và đậm như việt quất, dâu tây, mâm xôi chứa chất chống oxy hóa anthocyanin. Chất anthocyanin đã được chứng minh có thể làm chậm quá trình suy giảm chức năng phổi khi cơ thể già đi, bao gồm giảm chất nhầy và viêm ở phổi.
Rau xanh
Carotene, sắt, kali, canxi và vitamin là những chất có vai trò chống viêm và chống oxy hóa, các chất này có mặt trong các loại rau xanh như cải xoăn (Kale), rau bina, cũng như trong ớt chuông, cà chua,… giúp tăng sức khỏe phổi và giảm tỷ lệ viêm nhiễm ở phổi.
Cà phê
Cà phê có chứa caffein và polyphenol là những chất có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, sử dụng cà phê (đen, ít hoặc không đường) hằng ngày giúp cơ thể tỉnh táo và hỗ trợ phổi khỏe mạnh.
Các loại thực phẩm cần hạn chế nếu đang mắc các bệnh về phổi
Muối
Muối là một loại gia vị trong chế biến thức ăn, lượng muối cơ thể cần được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị dưới 2 gram/ngày. Nếu sử dụng nhiều muối sẽ gây tác động xấu đến phổi, kéo dài tình trạng viêm phế quản cũng như hen suyễn.
Sản phẩm từ sữa
Khi cơ thể chuyển hóa các sản phẩm từ sữa sẽ làm tăng lượng đờm và chất nhầy gây ho, khó thở đối với những người bị COPD.
Nước ngọt
Nước ngọt có chứa carbon dioxide tạo ga và đường tạo vị ngọt, hai thành phần này sẽ gây chướng bụng, tăng cân dẫn đến tình trạng COPD nặng hơn. Nên thay nước ngọt có ga bằng trà, nước trái cây, nước lọc.
Thực phẩm chiên và chế biến sẵn
Thực phẩm chiên chứa muối, chất béo không lành mạnh gây chướng bụng, tăng mỡ máu và tăng cân; đối với thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích đều chứa chất nitrat gây ảnh hưởng đến chức năng phổi cũng như viêm phổi, đặc biệt là bệnh COPD. Thịt nạc, thịt gà là lựa chọn tốt hơn cho những người thích ăn thịt.
Các thực phẩm tác động xấu đến phổi cần tránh
Rượu, bia
Rượu gây hại cho gan và phổi, do sulfite và ethanol gây hại đến tế bào phổi cũng như làm nặng thêm tình trạng hen suyễn; bia làm đầy hơi gây áp lực lên phổi khiến bạn khó thở. Tuy nhiên uống rượu vang mỗi ngày 1-2 ly giúp cơ thể khỏe mạnh.
Bánh mì trắng
Carbohydrat đơn giản trong bánh mì trắng gây ảnh hưởng xấu đến chức năng phổi do thời gian chuyển hóa lâu, phức tạp và do được làm từ lúa mì nên khi vào cơ thể sẽ sản sinh chất nhầy gây tắc nghẽn đường thở. Để cải thiện sức khỏe nên chuyển sang ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen.
Một số bài viết có liên quan bạn có thể tham khảo:
- 7 thực phẩm ngon bổ rẻ được ví như máy hút bụi cho phổi và ngăn ngừa unց thư hiệu quả
- 9 thực phẩm giúp giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ
Lá phổi khỏe đồng nghĩa bạn có một cơ thể khỏe, hãy tăng cường bổ sung dưỡng chất cho phổi bằng các thực phẩm giàu chất chống viêm, chất chống oxy hóa, ngoài ra bạn cần tập luyện thể thao thường xuyên để tăng hoạt động cho phổi cũng như tăng dung tích khí ở phổi. Hãy theo dõi chuyên mục Sức khỏe trên BlogAnChoi để có thêm nhiều kiến thức bổ ích bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
- asbestos.com
- WebMD
- CNET
Bài viết chi tiết, rất bổ ích
Hay quá bạn ơi