Thì ra chuyện chưa kể của câu chuyện cổ tích kinh điển của Việt Nam mà nhà làm phim muốn gửi gắm đến khán giả là câu chuyện kể từ góc nhìn của chàng hoàng tử – nhân vật đóng vai trò thứ yếu trong câu chuyện gốc. Ê-kíp của bộ phim đã thành công trong việc gây kinh ngạc cho khán giả khi kể một câu chuyện còn “ảo” hơn cả kỹ xảo của bộ phim.

Là một dự án tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và dư luận, “Tấm Cám: chuyện chưa kể” tạo được tiếng vang ngay từ khi chỉ mới phát hành trailer. Qua các trailer đó, khán giả được phen trầm trồ với kỹ xảo và hình ảnh lung linh của bộ phim. Rất đáng khen cho bộ phim Việt này khi phần lớn các hiệu ứng kỹ xảo trong phim thực sự như quảng cáo (mặc dù còn nhiều sạn) và… chỉ thế thôi. Bộ phim đã biến tấu câu chuyện về sự đồng cảm với số phận của những người tốt bị kẻ ác ức hiếp, và sự ủng hộ của ông trời, giúp họ cuối cùng vùng lên chiến thắng cái ác thành một câu chuyện anh hùng cứu cả giang sơn xưa cũ, đại trà. Đây là điều khiến tôi, người rất háo hức mong chờ một sự đột phá của điện ảnh nước nhà, phải thất vọng.

Tấm Cám 8
Cô Tấm trong phim thật sự rất đáng thương, khi vừa bị mẹ con Dì ghẻ bắt nạt, vừa bị cắt phần lớn thời lượng phim. (ảnh: internet)

Về nhân vật, bộ phim sử dụng câu nói thường thấy: “lấy cảm hứng từ…”; và thật sự bộ phim đã rất trung thành với phương châm đó, khi kể một câu chuyện về cô Tấm hoàn toàn xa lạ với tuổi thơ của chúng ta và chỉ dựa trên cốt truyện gốc như là… cảm hứng. Trong phim, cô Tấm không xuất hiện đến… 6/10 thời lượng phim và trở thành nhân vật phụ. Rất nhiều chi tiết đặc sắc làm nên tính cách và câu chuyện của Tấm biến mất mà chúng ta chỉ được thấy cảnh cô khóc và khóc, thậm chí Cám và… ông Bụt còn ấn tượng hơn cô. Cũng không hề có tiến trình để phát triển tính cách của nhân vật cổ tích kinh điển của Việt Nam. Nhìn lại bộ phim, khán giả có thể sẽ bất ngờ khi thấy, có bỏ cô Tấm ngoài câu chuyện thì cũng không có vấn đề gì cả.

tấm cám 2
Ảnh: internet

Ngược lại, điều kinh ngạc là chàng hoàng tử bỗng dưng trở thành nhân vật chính, dẫn dắt cả đường dây câu chuyện. Bộ phim như kể về hành trình của vị hoàng tử, từ khi tìm được mối tình trời định với cô Tấm, đến khi trở thành anh hùng của cả quốc gia và người đẹp. Người xem được theo dõi tường tận các phân cảnh thể hiện tính cách và tài năng của vị hoàng tử này, và mọi diễn biến xảy ra xung quanh chàng. Như vậy thì đặt tên phim là “Tấm Cám” có vẻ sai sai.

tấm cám 5
Ảnh: internet

Về tất cả các nhân vật khác, thật khó để nhận xét. Nhiều nhân vật được thêm vào để… cho vui, cho bộ phim được thêm màu sắc. Nhưng có nhiều nhân vật thật sự rất có tiềm năng để phát triển. Tuy vậy, vấn đề là không ai có đủ thời lượng để tạo dấu ấn lâu dài cho riêng mình cả. Nổi bật nhất có thể kể đến là ông Bụt – với sự diễn xuất rất ngẫu hứng và dí dỏm của NSƯT Thành Lộc, sự xuất hiện của ông đem lại tiếng cười cho khán giả.

tấm cám 1
Nhân vật Cám của Ninh Dương Lan Ngọc là một trong những điểm sáng hiếm hoi của phim (ảnh: internet)

Và cô Cám Ninh Dương Lan Ngọc đã thể hiện rất xuất sắc cái ác và cái nhỏ nhen của nhân vật này, cho khán giả thấy được sự ghen tức của cô đối với Tấm. Quả thật, ngoài hai nhân vật này ra, không còn có thể nhận xét thêm gì về các nhân vật khác, trừ khi họ có nhiều đất diễn hơn. Điều thất vọng là nhân vật phản diện tể tướng của NSƯT Hữu Châu rất ấn tượng và tiềm năng hơn cả nhân vật Dì ghẻ, thì lại quá ít đất diễn.

tấm cám 9
Câu chuyện tình do duyên trời của Tấm và chàng hoàng tử trở nên rất gượng gạo và thiếu sức hút (ảnh: intetnet)

Về cốt truyện, “Tấm Cám: chuyện chưa kể” có vẻ như không có gì để kể. Bộ phim dựa trên nội dung câu chuyện gốc của chuyện cổ tích Tấm Cám, nhưng lại không thực sự kể về cô Tấm, về quá trình cô đấu tranh và chiến thắng cái ác ra sao, về cái thiện chân chính của cô được các thế lực của chính nghĩa ủng hộ như thế nào. Trái lại như đã nói, câu chuyện kể về vị anh hùng chiến đấu chống kẻ ác và cứu cả thế giới rất điển hình. Về cuối phim, khán giả chẳng hề cảm nhận được bài học nào có thể rút ra được như khi họ được nghe kể về câu chuyện cổ tích của tuổi thơ.

Về diễn xuất của dàn sao trong phim, có lẽ không nên nhận xét thì hơn, khi hầu hết tất cả các diễn viên (ngoại trừ các NSƯT) chỉ có màn trình diễn ở mức tạm được. Hơn nữa, điều khiến các diễn viên không gây được nhiều ấn tượng với khán giả có lẽ là do bộ phim đã áp dụng cách diễn của sân khấu kịch vào bộ phim. Nếu bạn áp toàn bộ kịch bản đối thoại của các nhân vật cho một vở kịch trên sân khấu sẽ thấy nó hoàn toàn thích hợp cho một vở kịch.

tấm cám 6
Và cả ông Bụt của NSƯT Thành Lộc, cũng là một trong những nhân vật vớt vát phần nào cho bộ phim (ảnh: internet)

Về các yếu tố chuyên môn của bộ phim, nên có những lời khen ngợi nhất định cho các nhà làm phim. Đây có lẽ là bộ phim có nhiều kỹ xảo, hiệu ứng đặc biệt tốt nhất trong thời gian qua của phim Việt, dĩ nhiên là vẫn còn rất nhiều hạt sạn rõ ràng ngay trước mắt khán giả. Nhưng so về mặt bằng chung của kỹ xảo của Đông Nam Á, như vậy đã là khá và tiến bộ rất nhiều. Bộ phim cũng có góc quay và hình ảnh, bối cảnh thực sự rất đẹp và hùng vĩ. Tuy nhiên, về mặt biên tập và cắt dựng phim, điều này trở thành nhược điểm lớn và đáng chê trách của phim, khi để tồn tại rất nhiều hạt sạn vô cùng lớn.

Thực sự, ai mà không muốn ủng hộ một bộ phim Việt đầu tư hoành tráng và lung linh như “Tấm Cám: chuyện chưa kể”? Tuy nhiên, ngay cả bộ phim cũng gần như không hề muốn ủng hộ chính mình khi đem đến cho khán giả một kịch bản còn quá non. Kết luận: Nếu bạn muốn bỏ tiền ra để xem một bản nháp của phim Việt về mức độ phát triển của kỹ xảo, thì hãy đi xem “Tấm Cám: chuyện chưa kể”.

Xem thêm

True Beauty: Phim Hàn Quốc chuyển thể từ webtoon được mong chờ nhất 2020

"여신강림" (tạm dịch: True Beauty) là phim chuyển thể từ webtoon cùng tên chuẩn bị lên sóng vào cuối năm 2020. Bộ phim được người hâm mộ đánh giá là "phim chuyển thể được mong chờ nhất năm" nhờ sức ảnh hưởng của truyện tranh gốc tại thị trường quê nhà lẫn quốc tế.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận