Chip Exynos là một dòng vi xử lý do Samsung phát triển và được sử dụng trong nhiều thiết bị di động, đặc biệt là trong các dòng sản phẩm Galaxy của hãng. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Exynos đã phải đối mặt với nhiều ý kiến chỉ trích đến từ người dùng và các chuyên gia công nghệ. Vậy, lý do gì đã khiến cho chip Exynos bị người ta “ghét bỏ” như vậy? Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào những yếu tố chính khiến cho chip Exynos mất đi sự tin cậy từ cộng đồng người dùng cũng như sẽ so sánh nó với một số dòng chip khác trên thị trường.

Hiệu năng cùng hiệu suất năng lượng thấp hơn hẳn so với Snapdragon

Một trong những lý do hàng đầu mà người dùng không hài lòng về chip Exynos có lẽ đến từ yếu tố hiệu năng cũng như hiệu suất năng lượng của nó thường thấp hơn so với các dòng chip Snapdragon của Qualcomm và cả với dòng Dimensity đến từ Mediatek. Samsung thường phát hành cùng một dòng sản phẩm Galaxy với hai phiên bản chip khác nhau: một phiên bản sử dụng chip Exynos cho thị trường châu Âu và châu Á và một phiên bản sử dụng chip Snapdragon cho thị trường Mỹ và Trung Quốc. Các thử nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng chip Snapdragon, đặc biệt là trong các model cao cấp như Snapdragon 8 series thường có hiệu suất cao hơn đáng kể so với Exynos. Và cũng do hiệu suất đơn nhân và đa nhân của Snapdragon thường cao hơn nên khả năng xử lý đồ họa cũng vượt trội hơn hẳn. Điều này trở thành vấn đề lớn đối với người dùng khi mà họ bỏ ra số tiền tương đương nhưng nhận lại một sản phẩm với hiệu suất thấp hơn chỉ vì sử dụng phiên bản Exynos.

Chip Exynos vẫn được sử dụng có thể đến từ yếu tố tối lưu lợi nhuận và chi phí sản xuất (Nguồn: Internet)
Chip Exynos vẫn được sử dụng có thể đến từ yếu tố tối lưu lợi nhuận và chi phí sản xuất (Nguồn: Internet)

Quản lý nhiệt độ không hiệu quả

Quản lý nhiệt kém cũng là một trong những điểm yếu đáng chú ý của các con chip Exynos nhà Samsung. Hiện tượng quá nhiệt sẽ không chỉ làm giảm hiệu suất thiết bị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ pin cũng như gây ra tình trạng giật lag khi sử dụng các ứng dụng đòi hỏi nhiều tài nguyên hoặc chơi game.

Việc tỏa nhiệt quá mức khiến cho trải nghiệm người dùng sẽ trở nên không mấy thoải mái, góp phần khiến họ ngày càng e ngại các sản phẩm được trang bị dòng chip này. Nhiệt độ cao còn tác động trực tiếp lên hiệu năng của CPU và GPU, buộc thiết bị phải giảm xung nhịp để bảo vệ hệ thống. Hậu quả là trải nghiệm sử dụng trở nên kém mượt mà cũng như không đáp ứng được kỳ vọng của người dùng nếu đó là một chiếc điện thoại với mức giá tương đối cao.

Mức tiêu thụ năng lượng cao

Bên cạnh vấn đề về tản nhiệt, chip Exynos còn bị chỉ trích vì mức tiêu thụ năng lượng cao hơn so với Snapdragon hay Dimensity. Hệ quả là các thiết bị sử dụng Exynos thường có thời lượng pin thấp hơn, dù có cùng dung lượng pin với các phiên bản chip kể trên. Một con chip tiêu tốn nhiều năng lượng cũng đồng nghĩa với việc pin sẽ cạn nhanh hơn, từ đó buộc người dùng phải sạc thiết bị thường xuyên hơn.

Tình trạng này gây ra sự bất tiện đáng kể cho người dùng, đặc biệt là đối với những ai cần sử dụng thiết bị trong thời gian dài mà không có điều kiện sạc pin. Đây là một trong những yếu tố chính khiến nhiều người dùng cảm thấy không hài lòng khi sử dụng các thiết bị được trang bị chip Exynos.

Liệu Samsung có thể làm cho Exynos trở nên tuyệt vời trở lại hay không? (Nguồn: Internet)
Liệu Samsung có thể làm cho Exynos trở nên tuyệt vời trở lại hay không? (Nguồn: Internet)

Vấn đề về hỗ trợ và tối ưu hóa phần mềm

Qualcomm với chip Snapdragon có lợi thế về hệ sinh thái phần mềm được phát triển mạnh mẽ, từ đó họ luôn nhận được sự hỗ trợ tốt hơn đến từ phía các nhà phát triển bên thứ ba. Các bản cập nhật tối ưu hóa cho Snapdragon thường được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn, trong khi Exynos lại thiếu sự hỗ trợ tương tự.

Sự thiếu vắng hỗ trợ từ các cộng đồng phát triển ứng dụng và game giành cho những con chip Exynos dẫn đến nhiều phần mềm hoạt động kém mượt mà hoặc không thể phát huy được tối đa hiệu suất sử dụng. Điều này đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực game, khi GPU Mali trên Exynos thường không thể sánh ngang với hiệu năng của GPU Adreno trên Snapdragon.

Hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng

Samsung luôn quảng bá các sản phẩm Galaxy của mình là những thiết bị hàng đầu với những công nghệ thuộc hàng tiên tiến nhất. Tuy nhiên, việc phát hành cùng một dòng sản phẩm với hai loại chip khác nhau trong đó Exynos luôn bị đánh giá thấp hơn đã tạo ra một sự phân biệt cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu của Samsung. Người tiêu dùng cảm thấy rằng họ đang bị đối xử không công bằng khi phải trả một số tiền tương đương nhưng lại nhận được một sản phẩm với hiệu suất kém hơn.

Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc tranh luận và thậm chí là những chiến dịch đòi Samsung ngừng sản xuất chip Exynos hoặc chỉ sử dụng Snapdragon cho tất cả các phiên bản trên toàn thế giới. Sự không nhất quán này đã tạo ra sự thiếu tin tưởng từ phía người tiêu dùng đối với sản phẩm của Samsung.

Những cải tiến nhưng chưa đủ thuyết phục

Trong những năm gần đây, Samsung đã nhận thức được những phản hồi tiêu cực và đã nỗ lực cải tiến dòng chip Exynos của mình, kết quả cho ra được hai con chip mang tên Exynos 2100 và 2200 – là hai minh chứng cho thấy những cố gắng đáng khen này. Exynos 2100 đã cải thiện đáng kể về hiệu năng và hiệu suất tiêu thụ năng lượng so với các thế hệ tiền nhiệm. Trong khi đó, Exynos 2200 được trang bị GPU dựa trên kiến trúc RDNA 2 của AMD hứa hẹn mang lại trải nghiệm đồ họa vượt trội.

Tuy nhiên, mặc dù có những bước tiến nhưng Exynos vẫn chưa thể hoàn toàn vượt qua Snapdragon trong nhận thức của người tiêu dùng. Các bài kiểm tra và đánh giá thực tế vẫn cho thấy Snapdragon duy trì vị thế dẫn đầu về hiệu năng và khả năng tối ưu hóa phần mềm hơn hẳn. Khoảng cách giữa hai dòng chip vẫn còn đáng kể khiến người dùng chưa thực sự tin tưởng vào sự cải tiến của Exynos.

Exynos kết hợp với GPU do AMD phát triển (Nguồn: Internet)
Exynos kết hợp với GPU do AMD phát triển (Nguồn: Internet)

Tương lai của chip Exynos

Tương lai của chip Exynos vẫn còn nhiều bất định. Samsung đang nỗ lực cải thiện sản phẩm thông qua việc hợp tác với AMD và các đối tác khác nhằm phát triển GPU mạnh mẽ hơn cho các thế hệ chip sắp tới. Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, Samsung cần phải có những bước tiến xa hơn thế rất nhiều. Việc cải thiện hiệu năng, quản lý năng lượng hiệu quả và tối ưu hóa khả năng tản nhiệt là những yếu tố then chốt mà Samsung cần tập trung nếu muốn Exynos cạnh tranh ngang tầm với Snapdragon hay Dimensity.

Bên cạnh đó, Samsung cũng nên xem xét lại chiến lược phân phối các phiên bản chip cho các thị trường khác nhau. Việc sử dụng cùng một loại chip cho tất cả các phiên bản trong cùng một dòng sản phẩm sẽ tạo ra sự đồng nhất và công bằng hơn trong mắt người tiêu dùng, từ đó giúp củng cố hình ảnh thương hiệu của Samsung.

Kết luận

Tóm lại, chip Exynos của Samsung không được ưa chuộng cũng bởi nhiều yếu tố, từ hiệu năng thấp, tỏa nhiệt kém, tiêu thụ năng lượng cao cho đến vấn đề tối ưu hóa phần mềm. Dù Samsung đã cố gắng cải tiến dòng chip này trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để Exynos có thể lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng. Samsung cần phải tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện cả về mặt phần cứng lẫn phần mềm để tạo ra một sản phẩm có thể cạnh tranh thực sự với Snapdragon hay Dimensity trên tất cả các thị trường.

Xem thêm

Liệu bạn đã thấy thiết kế mới của nút "Like"?

Biểu tượng nút like vừa được Facebook khoác lên mình một chiếc áo mới. Đây là lần thứ hai Facebook thay đổi biểu tượng nút "Like" trên mạng xã hội của mình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận