Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao các thương hiệu điện thoại Android lại có giao diện khác nhau, mặc dù đều sử dụng hệ điều hành Android? Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao các nhà sản xuất điện thoại muốn thay đổi giao diện của Android trên thiết bị của họ nhé.

Nếu bạn đang tìm mua một chiếc điện thoại Android lần đầu tiên thì không chỉ có rất nhiều thông số phần cứng từ các nhà sản xuất khác nhau mà phần mềm cũng rất đa dạng và khó lựa chọn. Trên thực tế, hầu như mỗi thương hiệu điện thoại Android lại có một giao diện của riêng họ được điều chỉnh khác so với Android gốc.

Tại sao Android có nhiều giao diện khác nhau? (Ảnh: Internet)
Tại sao Android có nhiều giao diện khác nhau? (Ảnh: Internet)

Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao Android có nhiều giao diện khác nhau và lý do nào khiến khiến các công ty tạo ra giao diện của riêng mình thay vì giữ nguyên Android gốc? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Giao diện Android là gì?

Để hiểu giao diện Android là gì, trước tiên cần biết Android gốc là gì. Android gốc là phiên bản Android do Google tạo ra và phân phối theo Dự án mã nguồn mở Android (AOSP). Tất cả mọi điện thoại Android đều dựa trên phiên bản Android gốc này.

Hiện nay Android gốc do Google sở hữu (Ảnh: Internet)
Hiện nay Android gốc do Google sở hữu (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên để tạo ra trải nghiệm khác biệt, các nhà sản xuất điện thoại đã thay đổi Android gốc, tùy chỉnh giao diện người dùng và thêm nhiều tính năng cũng như ứng dụng của riêng họ. Đây được gọi là giao diện Android và mang dấu ấn riêng của mỗi thương hiệu điện thoại.

Hiện nay có những giao diện Android nào?

Hầu như mỗi công ty sản xuất điện thoại Android đều có giao diện Android tùy chỉnh được cài sẵn trong sản phẩm. Google – chủ sở hữu Android gốc cũng là công ty sản xuất điện thoại Pixel với giao diện có tên Pixel UI. Như vậy là trái với suy nghĩ của nhiều người, ngay cả điện thoại của Google cũng không dùng Android gốc.

Điện thoại Pixel của Google (Ảnh: Internet)
Điện thoại Pixel của Google (Ảnh: Internet)

Các giao diện tùy chỉnh khác hiện có trên thị trường bao gồm One UI của Samsung, MIUI của Xiaomi, Oxygen OS của OnePlus, Color OS của Oppo, Xperia UI của Sony, My UX của Motorola, Zen UI / ROG UI của Asus, EMUI của Huawei, Magic UI của Honor, Realme UI của Realme, Nothing OS của Nothing, v.v.

Tính đến tháng 5/2023, Nokia là công ty lớn duy nhất sử dụng phiên bản Android gần như nguyên gốc. Google và Motorola khá tương tự nhau vì phiên bản hệ điều hành của họ không bị thay đổi nhiều như các giao diện Android khác.

Tại sao các công ty tạo ra giao diện Android của riêng mình?

Không phải vô cớ mà các công ty thay đổi giao diện Android nhiều đến vậy. Mặc dù họ có thể cài đặt Android gốc nhanh gọn và dễ dàng hơn, nhưng trên thực tế ngày càng có nhiều giao diện Android mới được tạo ra. Dưới đây là 5 lý do khiến các nhà sản xuất điện thoại Android đầu tư vào việc thiết kế giao diện mới.

1. Tăng trải nghiệm mới cho người dùng

Sở hữu giao diện Android khác biệt cho phép các nhà sản xuất tạo ra trải nghiệm độc đáo cho người dùng. Bằng cách điều chỉnh giao diện người dùng và thêm các chức năng tùy chỉnh, họ có thể nhắm đến đối tượng người dùng cụ thể yêu thích những trải nghiệm như vậy.

Mỗi giao diện Android đều có điểm đặc biệt riêng (Ảnh: Internet)
Mỗi giao diện Android đều có điểm đặc biệt riêng (Ảnh: Internet)

Một ví dụ điển hình là Asus với giao diện ROG UI chủ yếu dành cho các game thủ di động. Không giống như các giao diện thông thường, giao diện ROG được tích hợp nhiều chức năng độc đáo nhằm tạo ra trải nghiệm chơi game tốt hơn.

2. Tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Tính chất mã nguồn mở của Android vừa là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm. Mặt tốt là bất kỳ công ty nào cũng có thể sử dụng Android làm hệ điều hành của mình. Nhưng chính vì sử dụng phần mềm và phần cứng từ một nguồn chung nên sản phẩm điện thoại của các công ty khác nhau có thể giống hệt nhau.

Để giải quyết vấn đề đó, các công ty có thể tùy chỉnh phần mềm để sản phẩm của mình nổi bật hơn so với các đối thủ. Ví dụ nếu One UI của Samsung mang lại trải nghiệm cho người dùng tốt hơn so với Android gốc thì đó là lợi thế rất lớn cho Samsung. Mặc dù One UI được xây dựng dựa trên Android nhưng bạn chỉ có thể sử dụng nó bằng cách mua điện thoại của Samsung.

Giao diện One UI của điện thoại Samsung (Ảnh: Internet)
Giao diện One UI của điện thoại Samsung (Ảnh: Internet)

Tương tự đối với giao diện Pixel của Google và các giao diện Android khác cũng vậy. Kể cả Google cũng tạo ra một số tính năng đặc biệt dành riêng cho giao diện Pixel UI của điện thoại Pixel, mặc dù họ sở hữu Android gốc.

3. Tăng lợi nhuận

Tùy chỉnh giao diện Android cũng là một cách để các công ty kiếm được nhiều lợi nhuận từ thiết bị với nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như cài đặt trước các ứng dụng hoặc dịch vụ giúp tạo ra doanh thu cho công ty.

Một số ứng dụng và dịch vụ có thể là sản phẩm của chính nhà sản xuất điện thoại hoặc công ty khác đã trả tiền để cài chúng vào điện thoại. Các ứng dụng và dịch vụ này thường được gọi là bloatware. Trên thực tế nhiều người không thích điều này nên cũng có nhiều cách để xóa bloatware khỏi điện thoại Android.

Các công ty cũng có thể tùy chỉnh giao diện để hiển thị quảng cáo ở các vị trí nhất định trên thiết bị và kiếm thêm tiền. Nhưng cũng giống như bloatware, một số công ty cũng cho phép người dùng xóa quảng cáo khỏi điện thoại bằng nhiều cách.

4. Tối ưu hóa phần mềm

Các nhà sản xuất điện thoại Android tạo ra giao diện của riêng mình để tối ưu hóa phần mềm trên điện thoại của họ, nhờ đó giúp người dùng có trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng. Trên thực tế có rất nhiều thương hiệu điện thoại Android với mức giá khác nhau để người dùng lựa chọn và chất lượng phần cứng cũng khác nhau, nhưng việc tùy chỉnh giao diện Android giúp nhà sản xuất có thể tối ưu hóa phần mềm để mang lại hiệu suất tốt hơn bất kể phần cứng bên trong máy.

Ngoài ra giao diện tùy chỉnh có thể giúp thiết bị hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm tài nguyên hơn và duy trì pin lâu hơn. Ví dụ như điện thoại Samsung cho phép đặt các ứng dụng không hoạt động ở chế độ ngủ, giúp tiết kiệm tài nguyên mà không cần gỡ cài đặt chúng.

Một số giao diện Android cũng có chức năng tự động giám sát việc sử dụng bộ nhớ của thiết bị, đưa ra lời khuyên về cách giải phóng dung lượng và thậm chí có thể thực hiện việc đó thay cho người dùng chỉ với một lần bấm nút.

5. Bản địa hóa

Bản địa hóa là quá trình điều chỉnh sản phẩm phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ của một khu vực hoặc thị trường nhất định. Bằng cách tùy chỉnh giao diện và thêm các tính năng dành riêng cho địa phương, các nhà sản xuất điện thoại Android có thể làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn và dễ sử dụng hơn đối với khách hàng ở các khu vực cụ thể. Ngoài ra bản địa hóa cũng là một cách để đáp ứng các quy định quản lý của khu vực.

Một ví dụ điển hình là Xiaomi: điện thoại của hãng có các giao diện khác nhau dành riêng cho các thị trường cụ thể như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Phiên bản Trung Quốc không có các dịch vụ của Google nhưng được cài sẵn các ứng dụng nội địa của Trung Quốc, trong khi các phiên bản khác cũng có một số yếu tố độc đáo chỉ áp dụng cho khu vực cụ thể.

Giao diện Android của điện thoại Xiaomi (Ảnh: Internet)
Giao diện Android của điện thoại Xiaomi (Ảnh: Internet)

Làm sao để chọn giao diện Android phù hợp nhất?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng giao diện Android. Điều đầu tiên cần xem xét là chính sách hỗ trợ phần mềm: hãy chọn giao diện được cập nhật sớm hơn và được hỗ trợ lâu hơn. Yếu tố thứ hai là số lượng bloatware có sẵn trong điện thoại và việc gỡ bỏ chúng có dễ dàng hay không.

Thứ ba, hãy kiểm tra các tính năng bổ sung ngoài những tính năng có sẵn của Android gốc. Ví dụ như giao diện One UI của Samsung và MIUI của Xiaomi có nhiều tính năng tiện lợi cho người dùng. Nếu bạn muốn sử dụng đơn giản vá ít tính năng hơn thì giao diện Pixel của Google là lựa chọn phù hợp. Còn nếu bạn cần sử dụng điện thoại cho một mục đích cụ thể như chơi game thì nên chọn giao diện ROG của Asus được thiết kế dành cho game thủ. Ngoài tất cả những yếu tố này, bảo mật và quyền riêng tư cũng là vấn đề quan trọng phải cân nhắc.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Những dòng điện thoại iPhone không nên mua ở thời điểm hiện tại

Mỗi một chiếc iPhone đều mang giá trị và nhu cầu sử dụng riêng, phù hợp với từng đối tượng người dụng khác nhau. Tuy nhiên có những dòng máy đã ra mắt từ rất lâu dẫn đến quá lỗi thời và thường xuyên gặp lỗi, do đó không phù hợp để sở hữu. Dưới đây chúng tôi sẽ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận