Trong một vài năm gần đây, sự hiện diện của các smartphone flagship Trung Quốc trên thị trường Việt Nam đang dần trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Sự biến mất này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm cả những vấn đề chủ quan và khách quan gây cản trở khả năng cạnh tranh của các thương hiệu Trung Quốc thuộc phân khúc cao cấp tại Việt Nam. Hãy cùng BlogAnChoi điểm qua một số lý do giải thích vì sao các flagship Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người tiêu dùng Việt ở thời điểm hiện tại nhé!
Tâm lý tiêu dùng và niềm tin vào các sản phẩm đến từ Trung Quốc
“Hành trình” của các hãng smartphone Trung Quốc tại Việt Nam bắt đầu từ phân khúc giá rẻ, nơi OPPO hay Xiaomi đã tạo được tiếng vang lớn nhờ chiến lược bán ra các sản phẩm có giá tiền “khiêm tốn” với cấu hình bên trong vô cùng mạnh mẽ. Những thành công này một mặt giúp họ chiếm lĩnh thị trường, nhưng mặt khác lại vô tình tạo ra một “định kiến ngầm” trong suy nghĩ người dùng rằng “công nghệ Trung Quốc đồng nghĩa với giá rẻ”.
Khi các thương hiệu này chuyển hướng sang phân khúc cao cấp với những mẫu flagship có thiết kế đột phá và sáng tạo, họ phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn từ chính thành công trước đó của mình. Nhiều người dùng Việt vẫn mang tâm lý smartphone Trung Quốc chỉ đơn thuần là một “phiên bản nhái” của Apple hay Samsung, từ đó dẫn đến việc họ cho rằng mức giá flagship Trung Quốc là “quá cao” so với giá trị thực tế của chúng.
Ác cảm từ các sản phẩm nhái, hàng giả
Nhìn lại chặng đường phát triển của thị trường smartphone tại Việt Nam, không thể phủ nhận một giai đoạn đen tối khi hàng nhái, hàng giả Trung Quốc tràn ngập và len lỏi khắp các ngóc ngách. Những trải nghiệm không mấy tích cực này đã in sâu vào tiềm thức của nhiều người tiêu dùng, từ đó tạo nên một rào cản tâm lý vô cùng khó vượt qua. Nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng điện thoại Trung Quốc chỉ phù hợp cho nhu cầu tạm thời, không thể đặt ngang hàng với các “ông lớn” công nghệ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ.
Điều này tạo ra một thách thức không nhỏ cho các thương hiệu Trung Quốc trong hành trình chinh phục phân khúc cao cấp ở Việt Nam. Dù họ đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ và thiết kế, nhưng việc thuyết phục người dùng Việt chi nhiều tiền cho một chiếc flagship Trung Quốc vẫn là một bài toán vô cùng khó khăn. Những định kiến từ quá khứ có lẽ đang là rào cản lớn nhất, ngăn cản người dùng đánh giá khách quan về giá trị thực của những sản phẩm này ở thời điểm hiện tại.
Đặc điểm sử dụng tách biệt của thị trường Trung Quốc
Sau khoảng thời gian “chìm đắm” trong giới công nghệ, mình nhận thấy rằng có một đặc điểm tương đối thú vị về chiến lược phát triển sản phẩm của các hãng điện thoại Trung Quốc, đó chính là việc họ vẫn đang mang đậm dấu ấn “phục vụ thị trường nội địa”. Lấy ví dụ điển hình về các hãng như Xiaomi hay OnePlus, họ luôn có xu hướng ưu tiên phát triển các tính năng dành riêng cho người dùng Trung Quốc – nơi có một hệ sinh thái số hoàn toàn khác biệt so với thế giới. Ngoài ra, trong khi người dùng toàn cầu đang “say mê” với Netflix ở chuẩn HDR hay Dolby Vision thì nhiều flagship Trung Quốc vẫn chỉ hỗ trợ chuẩn SDR, cơ bản vì họ chủ yếu chỉ xem video trên các nền tảng nội địa như Bilibili hay Weibo.
Với nhiều người dùng Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì đây có thể là một điểm trừ tương đối đáng kể. Thực tế cho thấy, việc “nội địa hóa” quá mức đang vô tình thu hẹp sức hấp dẫn của các sản phẩm flagship Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
Cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu top đầu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, thị trường high-end của chúng ta đang bị “thống trị” bởi hai thế lực công nghệ có thể coi là lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại – Apple và Samsung. Qua nhiều năm, hai “ông lớn” này đã xây dựng được vị thế vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng Việt. iPhone đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp, đặc biệt thu hút giới trẻ nhờ hệ sinh thái khép kín và trải nghiệm mượt mà. Trong khi đó, Samsung lại chiếm được cảm tình của người dùng trung niên nhờ độ bền và dịch vụ hậu mãi uy tín trải dài khắp đất nước.
Đứng trước “đế chế” này, các thương hiệu Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán hóc búa về câu chuyện định vị thương hiệu. Dù có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng những flagship này vẫn thiếu đi một chút “cá tính” riêng biệt. Quả thật không dễ dàng nhận ra một chiếc OPPO hay Xiaomi trong đám đông như cách chúng ta có thể nhận diện ngay một chiếc iPhone hay Galaxy S Series. Đây có lẽ là điểm yếu lớn nhất của họ trong cuộc đua giành thị phần cao cấp tại Việt Nam.
Hàng xách tay cạnh tranh với hàng chính hãng
Vấn đề hàng xách tay cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các flagship Trung Quốc chính hãng tại thị trường Việt Nam. Điện thoại xách tay từ Trung Quốc thường được người dùng lựa chọn vì nó giúp tiết kiệm chi phí hơn đáng kể, cũng như có thể dễ dàng cài đặt lại ROM hoặc sửa lỗi hệ điều hành. Do đó, nhiều người tiêu dùng khi muốn sở hữu smartphone từ Trung Quốc lại chọn hàng xách tay để tiết kiệm thay vì mua sản phẩm chính hãng với mức giá cao hơn.
Kết luận
Việc các flagship Trung Quốc dần vắng bóng tại Việt Nam không phải chỉ do một nguyên nhân đơn lẻ, mà là tổng hòa của nhiều yếu tố từ tâm lý tiêu dùng, vấn đề chất lượng, khác biệt văn hóa sử dụng cho đến sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu lâu đời, tất cả đều góp phần khiến các flagship Trung Quốc khó có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam. Để thay đổi điều này, có lẽ các thương hiệu Trung Quốc sẽ cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào các cải tiến phần mềm quốc tế, tạo dựng sự tin tưởng, cũng như thấu hiểu tâm lý của người dùng Việt Nam hơn để từng bước xây dựng chỗ đứng vững chắc của mình trong phân khúc cao cấp.
- When the Phone Rings – Bộ phim ngôn tình chuyển thể của Hàn Quốc đang hot nhất lúc này.
- Tại sao iPhone 13 vẫn là “con át chủ bài” của Apple tại thị trường Trung Quốc?
Các bạn có thể đóng góp thêm ý kiến để bài viết trở nên phong phú và thú vị hơn, mình sẽ rất vui nếu nhận được sự phản hồi của các bạn.