Người yêu nhạc Trịnh và khán giả yêu điện ảnh đã gặp nhau trong Em Và Trịnh – bộ phim khai thác cuộc đời của vị nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Em Và Trịnh là một bộ phim đẹp, thơ mộng với âm nhạc cuốn hút nhưng đáng tiếc là kịch bản vừa ôm đồm vừa sáo rỗng.
Thông tin phim Em Và Trịnh
- Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh
- Biên kịch: Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Thái Hà, Bình Bồng Bột
- Diễn viên: Avin Lu, Trần Lực, Phạm Nguyễn Lan Thy, Hoàng Hà, Phạm Nhật Linh, Bùi Lan Hương
- Âm nhạc: Trần Hữu Tuấn Bách, Đức Trí
- Khởi chiếu: 10/6/2022
- Thời lượng: 136 phút
2 bản phim Em Và Trịnh – Trịnh Công Sơn: Nên xem phim nào?
Nội dung chính phim Em Và Trịnh
Bộ phim kể về cuộc đời và hành trình âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong giai đoạn 1960-1990. Trong đó điểm nhấn là cuộc gặp gỡ với những nàng thơ của Trịnh Công Sơn như Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly đã tạo lên cảm hứng sáng tác cho những tác phẩm kinh điển của ông như Nắng Thủy Tinh, Ướt Mi, Diễm Xưa…
Trailer phim Em Và Trịnh
Em Và Trịnh: Đẹp thơ mộng và bóng bẩy phô trương
Nhắc đến Trịnh Công Sơn người ta nghĩ ngay đến nhạc Trịnh. Mà nghĩ tới nhạc Trịnh, cảm nhận đầu tiên chính là sự thơ mộng và rất tình, sau đó là chút man mác buồn và chất chứa những hoài niệm xa vời.
Em Và Trịnh đã mang được cảm giác này của nhạc Trịnh vào trong phim. Màu phim xưa cũ của những năm thập niên 60 nhưng không bị ố vàng hay nhợt nhạt, mà vẫn có những mảng màu tươi sáng rực rỡ của thanh xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Những bối cảnh của Huế thơ mộng, Đà Lạt ngây thơ mộc mạc hay Sài Gòn náo nhiệt xa hoa được tái hiện một cách chi tiết, chỉn chu và đẹp trong từng khung hình.
Khi xem Em Và Trịnh, bạn có thể hình dung về một thời kỳ lịch sử của Việt Nam ta, dưới góc nhìn của nghệ thuật nhưng không quá màu hồng hay viển vông, mà vẫn có sự tàn khốc, đau thương của chiến tranh hiện rõ.
Nhưng cũng chính vì dụng ý set up bối cảnh quá chỉn chu, quá mĩ miều như vậy khiến cho Em Và Trịnh giống như những bức tranh hơn là một bộ phim chân thực. Một bộ phim hay không chỉ cần đẹp, mà còn phải tự nhiên, diễn như không diễn, còn Em Và Trịnh lại lộ quá rõ những ý đồ dàn dựng, những tình tiết phô trương, cường điệu khiến bộ phim bị cứng và thiếu sức sống, thiếu sức thuyết phục.
Các nhân vật như Trịnh Công Sơn, Bích Diễm hay Ánh Dao… đều rất đẹp, đẹp trong mọi khung hình. Nhưng vì đẹp nên những biểu cảm từ ngưỡng mộ, say đắm hay vui vẻ, đau khổ đều bị đẩy lên quá mức giống như sợ khán giả không nhận ra đó là nam chính Trịnh Công Sơn, đó là các nàng thơ xinh đẹp lay động lòng người của ông vậy.
Em Và Trịnh: Kịch bản ôm đồm nhưng sáo rỗng
Em Và Trịnh là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên tách thành 2 phiên bản và công chiếu đồng thời. Nhưng dù đã tách ra thành 2 câu chuyện riêng, thì Em Và Trịnh vẫn có một kịch bản quá ôm đồm, từ câu chuyện thời trẻ của Trịnh Công Sơn và những người bạn thân đến mối tình với Bích Diễm, hơn 300 lá thư tình gửi cho Ánh Dao, cuộc gặp gỡ với tri kỷ âm nhạc Khánh Ly, đan cài giữa quá khứ và cuộc sống hiện tại của Trịnh Công Sơn khi đã già…
Và bởi vì có quá nhiều câu chuyện trong một kịch bản nên thời lượng 136 phút của phim không đủ để “làm tới nơi tới chốn” cho bất cứ câu chuyện nào. Những nàng thơ của Trịnh Công Sơn được xây dựng một cách chóng vánh, vội đến vội đi, vô hình chung khiến nhiều khán giả cảm thấy Trịnh Công Sơn giống một “kẻ lăng nhăng” vừa yêu cô chị xong đã tán cô em, viết thư tình cho cô em lại kể về hàng chục cô khác…
Chứ phim nói chung và diễn viên Avin Lu nói riêng, chưa thể hiện được cái “hồn” của nhạc Trịnh, những cảm xúc nồng nàn, sâu sắc và day dứt đến mức Trịnh Công Sơn coi mỗi mối tình đều là máu thịt của mình, vào phim lại hóa thành “cảm mến sương sương” mà thôi.
Em Và Trịnh: Giọng Huế chán, âm nhạc hay
Về chất giọng Huế trong phim Em Và Trịnh có lẽ là điều đầu tiên khiến khán giả bị “khớp” khi xem. Mặc dù ekip làm phim và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lý giải việc sử dụng chất giọng “Huế là lạ lơ lớ” trong phim bởi “giọng Huế ngày xưa cũng không giống bây giờ chúng ta thường nghe”, nhưng cái gì đã ăn sâu vào tiềm thức của khán giả mà bị thay đổi đột ngột thì đều sẽ vấp phải sự phản đối, chê trách.
Điểm sáng của Em Và Trịnh đến từ âm nhạc, đến từ những bản nhạc Trịnh quen thuộc được làm lại một cách khéo léo như Ta đã thấy gì trong đêm nay, Diễm xưa, Mưa hồng, Nhìn những mùa thu đi, Ướt mi, Nắng thuỷ tinh, Cho đời chút ơn, Hạ trắng… Bạn có thể không cảm nhận được cảm xúc nhân vật, nhưng chỉ cần âm nhạc vang lên, bạn sẽ đắm chìm trong không gian đặc trưng của nhạc Trịnh.
Giọng ca ma mị mà ngọt ngào của Bùi Lan Hương cũng thể hiện nhạc Trịnh rất xuất sắc. Hơn thế nữa, Bùi Lan Hương còn khiến khán giả bất ngờ bởi diễn xuất của cô trong phim. Tái hiện hình ảnh “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly, Bùi Lan Hương đã mang đến không chỉ hình ảnh mà cả thần thái, khí chất và giọng ca cũng rất Khánh Ly, khiến người yêu nhạc Trịnh lâu năm cũng phải gật gù công nhận.
Kết luận
Em Và Trịnh là một bộ phim đẹp, có đầu tư với chất lượng hình ảnh tốt hơn so với mặt bằng chung phim Việt hiện nay. Âm nhạc của phim đủ để làm hài lòng những người yêu nhạc Trịnh nhưng nội dung, diễn xuất thì chưa thể khiến khán giả cảm thấy thỏa mãn. Nếu tò mò bạn có thể đi xem thử, còn nếu mang theo bất cứ kỳ vọng, mong chờ gì thì có lẽ bạn sẽ phải thất vọng và tiếc tiền vé.