Bạn đã quen thuộc với công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến thực tế hỗn hợp – mixed reality? Nó có giống với VR và AR không, hay là đứng ở giữa? Hãy cùng tìm hiểu xem thực tế hỗn hợp là gì và được ứng dụng như thế nào nhé!
Lĩnh vực thực tế mở rộng (extended reality – XR) đang là xu hướng công nghệ phát triển rầm rộ trên khắp thế giới, được thể hiện dưới dạng thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR. Hiện nay chúng ta có thể dễ dàng sử dụng VR và AR để chơi game, thậm chí dùng để xem trước hàng hóa khi mua sắm online và nhiều ứng dụng phi thường khác nữa.
Thực tế hỗn hợp (MR) cũng tương tự. Vậy nó là gì và đang được ứng dụng trong thực tế như thế nào?
Thực tế hỗn hợp (MR) là gì?
Dạng thực tế mở rộng phổ biến nhất hiện nay là thực tế ảo VR, nó hoạt động bằng cách dùng bộ thiết bị đeo trên đầu (headset) để tạo ra một thế giới hoàn toàn không có thật nhưng người dùng có thể nhìn, nghe và tương tác với nó bằng tay cầm. Trong khi đó thực tế tăng cường AR không cần dùng headset, mà nó tạo ra các hình ảnh ảo xuất hiện trong thế giới thực khi nhìn qua camera.
Công nghệ thực tế hỗn hợp (MR) mang đặc điểm của cả hai dạng đó. Khi nhìn vào hình ảnh của thực tế hỗn hợp, chúng ta sẽ thấy các đối tượng ảo xuất hiện trong thế giới thật giống như AR, nhưng điều đặc biệt là chúng ta có thể tương tác với chúng giống như VR. Môi trường MR có thể được thiết kế toàn cảnh 360°, thậm chí người dùng có thể vừa di chuyển vừa nhìn thấy và tương tác với các đối tượng ảo xuất hiện liên tục.
Công nghệ này rất hữu ích trong cuộc sống, ví dụ như khi thiết kế xe ô tô có thể tạo ra trải nghiệm lái xe ảo nhưng sử dụng vô lăng và chân ga thật, như vậy sẽ tạo cảm giác giống như thật mà không cần nhiều chi phí và thời gian để thiết kế môi trường như trước đây. Đó là ưu điểm vượt trội của thực tế hỗn hợp.
Một số người sử dụng khái niệm “thực tế hỗn hợp” để chỉ các công nghệ thay đổi thực tế nói chung như VR và AR, tuy nhiên đa số mọi người thường gọi đó là “thực tế mở rộng” (XR).
Thực tế hỗn hợp có tiềm năng ứng dụng rất lớn vào cuộc sống, thu hút cả những ông lớn công nghệ. Apple và Meta (trước đây là Facebook) là 2 công ty lớn đang chạy đua phát triển headset MR để ra mắt trong tương lai gần, trong khi Microsoft đã tạo ra headset sử dụng công nghệ Holoportation và nền tảng thực tế lưới hỗn hợp.
Thực tế hỗn hợp có thể được ứng dụng trong đời sống như thế nào?
1. Thiết kế nhà và nội thất
Ai cũng muốn nhìn thấy ngôi nhà hoặc căn phòng của mình sẽ trông như thế nào sau khi hoàn thiện, vì vậy đã có rất nhiều công nghệ được phát triển để phục vụ mục đích này, từ các bản vẽ và mô hình trên máy tính cho tới VR. Trong tương lai, thực tế hỗn hợp sẽ giúp chúng ta tự thiết kế không gian sống của mình với các vật thể ảo nhưng dựa trên thế giới thật.
Thiết kế nhà bằng MR sẽ cho phép chúng ta di chuyển các đồ vật vào vị trí bất kỳ, thử đặt các món đồ nội thất khác nhau hoặc thử các màu sơn khác nhau cho tường nhà. Hiện nay công nghệ AR cũng có thể làm được điều này thông qua các ứng dụng trên điện thoại, nhưng cảm giác không thể thỏa mãn bằng MR sử dụng headset giúp bạn nhìn thấy toàn cảnh.
2. Dạy học
Đã có rất nhiều công nghệ được phát triển nhằm giúp cho việc học tập trở nên vui vẻ hơn, trong đó thực tế mở rộng tạo ra môi trường ảo giúp chúng ta trải nghiệm được những thứ trừu tượng và thực hành với chúng một cách dễ dàng.
Thực tế hỗn hợp sẽ giúp các bài học trở nên sống động hơn rất nhiều vì chúng ta có thể tương tác với những điều mà mình đang học thuộc mọi chủ đề khác nhau, những thứ mà bình thường rất khó hình dung như giải phẫu học, vật lý, máy móc cơ khí, v.v.
3. Đào tạo làm việc
Đây cũng là một lĩnh vực có thể tận dụng công nghệ MR rất hữu ích. Có nhiều công việc đặc thù yêu cầu phải đào tạo rất lâu và phức tạp, có thể khiến chúng ta thấy nản hoặc không đạt kết quả như ý muốn. Trong những trường hợp đó, thực tế hỗn hợp có thể giúp người học nhìn thấy và hiểu rõ các vấn đề của công việc, học cách giải quyết chúng trong môi trường ảo. Điều này đặc biệt rất hữu ích trong các ngành kỹ thuật, xây dựng, chăm sóc khách hàng.
Tóm lại: Thực tế hỗn hợp có rất nhiều tiềm năng
Công nghệ thực tế hỗn hợp trong tương lai không xa có thể giúp ích cho rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề trong đời sống, nhờ khả năng kết hợp thế giới thật và các vật thể ảo mà chúng ta có thể tương tác được. Điều đó sẽ mở ra vô số tiềm năng cho học tập, làm việc và giải trí của tất cả mọi người.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Kính thực tế ảo VR có gây hại cho mắt không?
- Top 5 chiếc kính thực tế ảo giá tốt và đáng sở hữu nhất hiện nay
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!