Tiền điện tử và trò chơi điện tử đều là các lĩnh vực quan trọng của ngành công nghệ và việc kết hợp cả hai đã tạo ra GameFi mang đến cơ hội kiếm tiền cho các game thủ. GameFi có các tính chất thú vị, nhưng có một số lý do khiến nó chưa thể thu hút được nhiều game thủ tham gia. Vậy vấn đề của GameFi là gì và tương lai của nó sẽ ra sao?
GameFi là gì?
GameFi (viết tắt của gaming finance) là sự kết hợp giữa ngành game và tài chính phi tập trung (DeFi), trong đó người dùng có thể chơi game để kiếm token tiền điện tử và các tài sản phi tập trung khác, chẳng hạn như NFT. GameFi cho phép các ứng dụng dựa trên blockchain di chuyển sang ngành công nghiệp game, thu hút người dùng bằng sự hấp dẫn của token kỹ thuật số.
GameFi còn được gọi là chơi để kiếm tiền (P2E). Các trò chơi P2E thường có giao diện và hoạt động giống như trò chơi thông thường, điểm khác biệt chủ yếu là có thêm token. Một số ví dụ về game P2E phổ biến là Axie Infinity, Star Atlas và Tamadodge. Mỗi game có một hoặc nhiều loại token riêng mà người dùng có thể kiếm được. Một số game, ví dụ như Axie Infinity, tặng thưởng NFT cho người chiến thắng mà họ có thể bán để lấy Ethereum hoặc một loại tiền điện tử khác.
Trong các game P2E, hầu hết mọi thứ đều có thể được trao đổi bằng token, từ hình đại diện, vũ khí cho đến lãnh thổ. Người chơi thường nhận được những tài sản này bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ và chiến thắng các giải đấu trong game, nhưng bản chất của mô hình P2E thay đổi tùy theo từng game.
Trong những năm qua GameFi dường như có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm ảnh hưởng đến người chơi và các nhà đầu tư.
5 lý do GameFi chưa thu hút được nhiều người tham gia
1. Token không ổn định
Có một điều luôn đúng về tiền điện tử, đó là chúng hầu như luôn không ổn định về giá. Từ những token mới, ít giá trị cho đến những token dẫn đầu thị trường như Bitcoin, biến động giá luôn là một vấn đề không thể tránh khỏi.
Điều này tất nhiên cũng ảnh hưởng đến GameFi, vì nhiều game P2E tặng thưởng cho người dùng bằng token tiền điện tử. Nếu giá token GameFi tăng thì đó là điều tuyệt vời cho các game thủ, nhưng trên thực tế giá tiền điện tử giảm và thị trường sụp đổ không phải là hiếm. Nếu một người dành rất nhiều thời gian để tích lũy một lượng tài sản vững chắc bằng cách chơi game P2E, thì phần lớn công sức của họ sẽ bị lãng phí nếu token phần thưởng bị mất giá trị.
Kể cả khi game P2E tặng thưởng tài sản dưới dạng NFT thì biến động giá tiền điện tử cũng ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền mà người dùng có thể nhận được thông qua việc bán NFT. Ví dụ: nếu một NFT trị giá 2 ETH và giá Ethereum giảm 10% thì chủ sở hữu NFT sẽ mất 10% lợi nhuận ban đầu khi họ bán tài sản đó trên một thị trường như OpenSea.
Các nhà phát triển GameFi có thể nhắm đến sử dụng stablecoin thay vì tiền điện tử thông thường trong các game P2E, vì loại coin này có tính chất ổn định hơn về giá và bảo vệ người dùng khỏi thiệt hại lớn khi thị trường đi xuống.
2. Lừa đảo
Những trò lừa đảo xuất hiện rất nhiều trong lĩnh vực tiền điện tử, và GameFi cũng không ngoại lệ. Nơi nào có tiền thì nơi đó bọn tội phạm sẽ tìm cách để lấy được. Đó là lúc xảy ra tình trạng các game P2E giả mạo, token lừa đảo và sự an toàn của người dùng bị xâm phạm. Phát triển một game từ đầu cần nhiều thời gian, nhưng không khó để tạo ra một trang web lừa đảo tuyên bố sở hữu một game P2E tuyệt vời có phần thưởng lớn.
Nhiều tội phạm rất giỏi về công nghệ, vì vậy việc phát triển một game P2E đơn giản để lừa đảo không phải là quá khó, nhất là khi làm theo nhóm. Hơn nữa, bản thân game P2E có thể vô hại nhưng số token mà người chơi kiếm được sẽ bị mất giá rất nhanh. Ví dụ: kẻ xấu có thể phát hành một game và thưởng cho người chơi bằng token. Token này có giá trị khá cao, thu hút người dùng, do đó game được chơi trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và lượng người chơi ngày càng tăng sẽ đẩy giá token lên cao hơn nữa.
Nhìn bên ngoài có vẻ tốt, nhưng thực ra những kẻ điều hành game đã giữ một lượng lớn token cho riêng mình. Khi token đạt mức giá cao nhất, họ sẽ bán phần lớn số token mà họ nắm giữ và khiến nguồn cung tiền điện tử lưu hành tăng vọt. Khi đó giá của token sẽ giảm mạnh, khiến những người chơi “ngây thơ” bỗng nhiên trắng tay.
Một số nhân vật nổi tiếng trên mạng có liên quan đến bê bối P2E, trong đó có YouTuber Logan Paul. Anh ta cùng với nhóm các nhà phát triển và marketing đã phát triển tựa game CryptoZoo P2E, trong đó người chơi có thể mua “trứng” NFT và nhân giống các hình đại diện động vật để kiếm token ZOO.
Nhiều người đã đầu tư vào CryptoZoo nhưng kết cục đã mất hàng nghìn đô la khi có thông tin tiết lộ rằng Paul và nhóm phát triển của anh ta đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Hiện tại các nhà đầu tư vẫn chưa được hoàn tiền, và một vụ kiện đã được đệ trình.
3. Phí giao dịch cao
Hầu như bạn luôn phải chịu phí khi thực hiện giao dịch tiền điện tử. Một số loại tiền có mức phí thấp, trong khi một số khác có thể rất cao. Phí giao dịch thường tăng hoặc giảm theo nhu cầu giao dịch của mạng blockchain. Các yếu tố khác, ví dụ như quy mô giao dịch cũng ảnh hưởng đến mức phí.
Phí giao dịch cao có thể khiến mọi người không tham gia vào GameFi, đó là nhược điểm rất lớn khó thu hút được game thủ.
4. Coi trọng tiền hơn trải nghiệm chơi game
Đương nhiên, khi một trò chơi cung cấp tài sản kỹ thuật số để tặng thưởng thì người dùng sẽ đặt thu nhập lên hàng đầu và là đó là lý do họ chơi game. Điều này vốn không sai, nhưng nhiều người cho rằng việc thêm yếu tố kinh tế của thế giới thực vào trò chơi điện tử sẽ phần nào ảnh hưởng tới trọng tâm của game. Các nhà phát triển có thể giảm chi phí bằng cách không sửa lỗi hoặc lập trình game không hay, từ đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thích thú của người chơi.
5. Thiếu quy định quản lý
Tiền điện tử và DeFi vốn đã thiếu quy định rõ ràng (mặc dù quy định về tiền điện tử có thể sớm thay đổi), nhưng GameFi – mới xuất hiện không lâu trong ngành blockchain – còn gặp phải vấn đề này nghiêm trọng hơn nữa.
Ở Mỹ không có quy định pháp lý cụ thể về GameFi, điều này có thể cho phép kẻ xấu thực hiện lừa đảo dễ dàng. Ngay cả các nhà phát triển game hợp pháp cũng có thể lách qua một số kẽ hở không có quy định rõ ràng, khiến game thủ gặp nhiều khó khăn hơn. Ví dụ: một người có thể dành nhiều tháng để chơi game P2E, tích lũy một lượng lớn token hoặc NFT. Nhưng đến lúc rút tiền bằng cách bán những tài sản này trên sàn giao dịch hoặc thị trường NFT thì giá trị của chúng đã giảm mạnh do nhu cầu giảm.
Đây không phải lỗi của ai nhưng nhà phát triển có thể né tránh mọi trách nhiệm pháp lý khi game thủ yêu cầu bồi thường. Nếu game đưa ra hứa hẹn tài chính, các nhà phát triển cũng có thể phủi tay khi những lời hứa đó không thành hiện thực.
GameFi có thể tồn tại và phát triển lâu dài?
Không ai biết chắc GameFi sẽ đi đến đâu, nhưng bản chất của lĩnh vực này khiến cho thành công lâu dài trở nên khó khăn. Chắc chắn có một chu kỳ có thể giới hạn tuổi thọ của các game P2E: chúng sử dụng số tiền mà những người chơi trước đã nạp vào để thưởng cho những người mới. Mô hình này chỉ tồn tại với điều kiện là hệ thống tiếp tục hoạt động tốt và tiền tiếp tục chảy vào – về cơ bản nó là một mô hình Ponzi.
Khi lượng người chơi hoặc nhu cầu sở hữu tài sản giảm, các nhà điều hành game sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn, không có tiền hoặc tài sản để thưởng cho người chơi. Điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống.
Kể cả khi không đi theo mô hình này, tính không ổn định của token tiền điện tử vẫn luôn gây rủi ro cho các game P2E. Ví dụ như Illuvium: đây là game P2E phổ biến đã gây chú ý vào tháng 8/2023 khi token trong game của nó là ILV bị sụt giảm mạnh về giá trị.
Trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 22 tháng 8, giá của một token ILV đã giảm từ 53 USD xuống 42 USD, tức là giảm gần 21% chỉ sau hơn một tuần. Sự sụt giảm này dường như không phải là kết quả của bất kỳ vụ bê bối lớn hay sự sụp đổ thị trường nào, mà có vẻ là do người dùng không còn quan tâm.
Đã lâu rồi các nhà phát triển của Illuvium không mang đến điều gì mới mẻ cho các game thủ, khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán vì phải chờ đợi. Trong khi các game hàng đầu không có cấu trúc P2E tập trung chủ yếu vào sự hài lòng và trải nghiệm của người dùng thì các nhà phát triển P2E thường tập trung nhiều hơn vào việc tăng giá trị của token trong game.
Tương lai của GameFi rất bấp bênh
Mặc dù GameFi vẫn còn tồn tại nhưng nhiều vấn đề đang khiến tương lai của nó rơi vào tình thế bấp bênh. Nếu các nhà phát triển lắng nghe những lời chỉ trích và thay đổi thì tình hình có thể được cải thiện, nhưng bản chất của ngành công nghiệp tiền điện tử cùng với tình trạng lừa đảo liên tục vẫn đặt ra nhiều rủi ro và thách thức.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 5 game NFT hoàn toàn miễn phí – Chơi GameFi kiếm tiền không cần bỏ vốn
- 5 điều cần tìm hiểu về các dự án game NFT để tránh bị lừa đảo mất tiền
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Các bạn thấy sao về bài viết này? Hãy cho mình biết ý kiến của bạn bằng cách để lại bình luận.